Bổ Não: Vì sao chúng ta thấy thứ gì đó dễ thương?

Tiêu chuẩn của dễ thương là gì mà ai cũng cảm nhận giống nhau?

Vy Lâm
Vì sao chúng ta thấy thứ gì đó dễ thương?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Nhắc đến ‘dễ thương', hình ảnh nào sẽ bật ra ngay trong đầu bạn? Khả năng cao sẽ là các em bé với đôi má phúng phính, hoặc các động vật nhỏ nhắn như cún con, mèo con, thậm chí là những sinh vật hoạt hình với đôi mắt to tròn và tiếng kêu đặc thù nào đó.

Khi lướt qua những video, những tấm hình của chúng với trăm ngàn lượt thích, ngay cả bạn cũng không thể dằn lòng mà chia sẻ lại, bạn có từng tự hỏi tiêu chuẩn của dễ thương là gì mà ai cũng có cảm nhận giống hệt nhau?

Vì sao cảm xúc yêu thương trỗi dậy khi chúng ta nhìn thấy gì đó dễ thương?

Theo lý thuyết của Konrad Lorenz, một trong những người sáng lập của tập tính học, khả năng cảm nhận được sự dễ thương là một lợi thế tiến hoá về mặt sinh học của loài người.

Quay ngược thời gian về thời tiền sử, khi việc sinh tồn và duy trì nòi giống được đặt lên hàng đầu, vậy thì phải sinh em bé. Nhưng em bé thì quá yếu ớt, quá trình nuôi cũng không dễ dàng, nhất là khi việc kiếm ăn và sống sót vẫn luôn là mối lo không dứt.

Thời đó chưa có luật bảo vệ trẻ em, cũng không có những quy chuẩn đạo đức trói buộc. Làm thế nào để những người trưởng thành chịu chăm sóc, bảo vệ và không bực bội ‘quẳng gánh' khi các em bé khóc quấy vào nửa đêm?

Thế là não phải vào cuộc, tạo ra một cơ chế để mỗi khi người nuôi dưỡng nhìn vào em bé, họ sẽ được nhắc nhở rằng chúng bé nhỏ, vô hại, bất lực và cần được bảo vệ đến mức nào.

'Cơ chế dễ thương' hoạt động ra sao?

Trên gương mặt của em bé có những đặc điểm kích hoạt bản năng nuôi dưỡng của người lớn, cảm giác này được gọi là ‘sự dễ thương'. Nó thôi thúc họ chú ý và chăm lo cho đứa trẻ nhiều hơn, để đứa trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh, và bố mẹ thì đạt được mục tiêu duy trì nòi giống.

Những người càng dễ cảm nhận sự dễ thương thì càng có lợi trong việc bảo vệ đời sau sống sót và trưởng thành. Dần dần, gen mã hoá bản năng này và các hành vi liên quan, khiến nó trở thành một lợi thế tiến hoá của loài người.

Dấu hiệu kích hoạt

Não lập sẵn một danh sách ‘kiểm duyệt' mức độ dễ thương và ‘đăng ký' hẳn hoi vào tiềm thức. Đơn giản đó là những đặc điểm về kích cỡ, hình thù, trông vô hại và yếu ớt. Một số đặc điểm cơ bản là:

  • Tỉ lệ ‘đầu:cơ thể’ cao. Tỉ lệ của em bé là 1:4, người lớn là 1:8.
  • Vị trí của mắt và tai thấp, tạo cảm giác trán cao hơn. Tỉ lệ của mắt và mũi to hơn so với các bộ phận khác trên gương mặt.
  • Mũi trông mềm mại, nhỏ bé và chưa phát triển hoàn thiện.
  • Miệng gần với mũi, và càng nhỏ thì càng dễ thương, vì tiềm thức của chúng ta xem miệng lớn là một dấu hiệu nguy hiểm.
  • Gương mặt và cơ thể trông tròn trĩnh và mềm mại. Tứ chi, ngón tay và ngón chân ngắn ngủn và múp míp.

Ngoài ra, một số âm thanh và mùi hương đặc trưng, chẳng hạn như tiếng cười hoặc tiếng nói bập bẹ của em bé, cũng là những yếu tố kích hoạt cảm giác dễ thương.

Cách cơ chế hoạt động

Khi não xác nhận được những đặc điểm trùng khớp với ‘danh sách kiểm duyệt', nó sẽ kích hoạt vỏ não trước – vùng não liên quan tới cảm xúc, khiến chúng ta thấy yêu thương và đồng cảm, từ đó tạo thành động lực nuôi nấng.

Cũng chính vùng não này khiến họ không thể lờ đi các em bé, thậm chí đặt làm ưu tiên hàng đầu. Đây là điều rất quan trọng, bởi em bé không thể tự lo được và cần sự chăm sóc toàn thời gian.

Ngoài ra, não còn trao thưởng bằng cách tiết ra dopamine, khiến ta cảm thấy dễ chịu và vui vẻ, do đó cứ muốn ngắm nữa ngắm mãi không chán.

Tóm lại, não đã tìm đủ mọi cách tạo điều kiện để các em bé có được sự quan tâm và yêu thương mọi lúc, đến mức bỏ qua những trở ngại chắc chắn sẽ có trong quá trình chăm sóc.

Điều này vô tình khiến chúng ta cũng dễ bị thu hút bởi bất cứ sinh vật hay đồ vật nào sở hữu những đặc điểm bề ngoài tương tự. Vì thế mà khi bắt gặp thứ gì đó dễ thương, ta luôn nảy sinh cảm xúc muốn ngắm nghía, cưng nựng và chăm bẵm vô điều kiện.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục