Body neutrality: Không yêu không ghét cơ thể mình thì hơn

Body neutrality là gì? Vì sao nó giảm gánh nặng tâm lý cho bạn?

Vy Lâm
Body neutrality

Trang Pham @tranglearntoart cho Vietcetera.

Những năm gần đây, quan điểm “tích cực về cơ thể" (body positivity) lên ngôi, khuyến khích chúng ta yêu cơ thể mình dù nó có vẻ ngoài, hình dáng, cân nặng thế nào. Cuộc vận động này như một làn gió mới tại thời điểm mà tất cả đã quen chăm chăm nhìn vào những khiếm khuyết khi nói về ngoại hình.

Vốn xuất phát từ mong muốn khuyến khích mọi người yêu bản thân và nâng cao lòng tự tôn, nhưng về sau quan điểm này lại dần chệch khỏi mục tiêu

Tranh cãi về tính thương mại hoá quá đà

Sự can thiệp của truyền thông và các nhãn hàng dần thu hẹp khái niệm, chỉ hướng đến những người có kích cỡ nhỏ và nhóm đặc quyền (da trắng, có tỉ lệ cơ thể hoặc gương mặt đẹp,...). Nó vô tình bỏ qua những người có kích cỡ lớn và nhóm yếu thế như khuyết tật, da màu.

Với những thông điệp như “Nếu đã không gầy, hãy có những đường cong hoàn hảo", cuộc vận động body positivity dần bị chuyển thành một phiên bản thương mại hoá: Vừa cam kết giúp mọi người cảm thấy thoải mái với ngoại hình của mình, vừa khiến họ thấy chưa đủ hài lòng với nó. 

Khuyến khích chúng ta bao dung ngoại hình, tránh xa việc ép cân, yêu cơ thể dù nó ra sao lại là những tấm hình về tỉ lệ cơ thể đáng mơ ước, về thực đơn eat clean công phu, hoặc những sản phẩm detox giữ dáng.

“Vấn đề của yêu cơ thể, ngoài việc nó có tiêu chuẩn cao, còn nằm ở việc bắt phụ nữ kiểm soát cả cảm xúc chứ không chỉ là cơ thể. Những áp lực vẫn chưa được giải quyết mà chỉ được khoác một ‘tấm chắn’ mang tên lòng tự tôn bên ngoài.” Autumn Whitefield-Madrano, tác giả cuốn “Face Value: The Hidden Ways Beauty Shapes Women’s Lives” chia sẻ

Áp lực phải tự thuyết phục một điều mình không thể tin tưởng

Nghiên cứu cho thấy, nếu bạn liên tục khẳng định về một điều tích cực mà bạn không hề tin tưởng, hoặc không phải lúc nào cũng tin tưởng, thì sẽ bị phản tác dụng. Chẳng hạn, bạn nói “Tôi yêu từng centimet trên cơ thể mình" trong khi thâm tâm không thật sự cảm thấy vậy, tiềm thức của bạn sẽ chối bỏ lời khẳng định này. Sau cùng, bạn sẽ càng phiền muộn và phẫn uất về cơ thể mình.

Luôn có một phần nào đó trong ta gắn liền với chủ nghĩa hoàn hảo, theo nhận định của Joan Chrisler, giáo sư Tâm lý học, Đại học Connecticut tại New London. Do đó, việc chấp nhận cơ thể bạn hiện có, không cần phải yêu ghét phân minh là một cách nghĩ thực tế hơn. Tác giả Whitefield-Madrano cũng cho biết cảm nhận tương tự: “Yêu cơ thể thì phải luôn tập trung vào cơ thể. Nhưng tôi lại cảm thấy vui vẻ nhất khi không phải đắn đo về nó nữa.”

Với những người không thể ép mình theo cách nghĩ tích cực, cách nhìn “trung lập về cơ thể" (body neutrality) ‘hạ cánh’ nơi họ và trở thành một phương án thân thiện với sức khỏe tâm lý hơn.

Thế nào là body neutrality?

Quan điểm trung lập về cơ thể tập trung vào việc cơ thể làm được gì, thay vì trông như thế nào. 

Thay vì nói “Tôi yêu đôi tay sần sùi của mình, đôi chân đầy sẹo của mình" như quan điểm tích cực, bạn nhận thức được đôi tay giúp bạn ôm lấy người yêu thương, đôi chân giúp bạn trải nghiệm những nơi mới.

Cụm từ “body neutrality" bắt đầu xuất hiện trên các thanh tìm kiếm và các bài viết vào khoảng năm 2015, và được biết đến nhiều nhất thông qua Body Neutrality Workshop. Annie Poirier, giám đốc chương trình, cho rằng chúng ta nên nhìn nhận cơ thể như một cỗ xe. Nếu chăm sóc tốt cho cỗ xe này, nó có thể đưa bạn đi khắp thế giới.

Quan điểm trung lập không có nghĩa là bỏ mặc cơ thể. Trái lại, nó giúp bạn cảm thấy hài lòng và trân trọng những gì cơ thể đang làm được, từ đó chăm sóc nó, không hành hạ nó.

Vì sao body neutrality giúp giảm gánh nặng tâm lý cho chúng ta?

Quan điểm này cho phép ta đứng đâu đó ở giữa để có thể chấp nhận cơ thể mình, thay vì ép buộc phải yêu nó, vượt qua những phán xét hoặc che giấu những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ về ngoại hình của mình.

Nó là một dạng chánh niệm. Theo nghiên cứu, chánh niệm giúp giảm căng thẳng, lo âu, và kích động về cảm xúc.

Ám ảnh về cơ thể, âm thầm phán xét chính mình, thậm chí tự trách mình khi ‘lỡ' nghĩ xấu về cơ thể sẽ ‘ngốn' rất nhiều năng lượng tinh thần của bạn. Khi không còn phung phí thời gian nghĩ ngợi về cơ thể, bạn sẽ dần nhận ra và tập trung vào những điều khác thú vị hơn ở xung quanh.

Thực hành như thế nào?

Theo nhà trị liệu tâm lý Alison Stone, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ lành mạnh với cơ thể bằng cách:

  • Tập trung vào sức mạnh và ưu điểm trên cơ thể mình.
  • Khám phá những điều giúp chúng ta cảm thấy khoẻ khoắn: Tham gia lớp tập nhảy, dắt chó đi dạo, hoặc đi mát-xa,...
  • Tập một vài bài tập ngắn mỗi khi cảm thấy tiêu cực về cơ thể.

Thật ra cũng chẳng có gì mới. Quan trọng là tất cả đều hướng vào mục đích chung: Khi suy nghĩ của bạn bắt đầu lung lay qua lại giữa hai đầu phổ yêu-ghét, hãy tìm cách phù hợp để kéo nó về vị trí ở giữa.

Hãy cho bản thân thời gian để cảm nhận được cơ thể mình khỏe mạnh và tôn trọng nó. Cũng như Annie Poirier, giám đốc chương trình Body Neutrality Workshop chia sẻ: “Quan điểm trung lập về cơ thể là một trải nghiệm và không thể hình thành chỉ sau một đêm. Mà nó là một nhận thức, một lối tư duy cần vun đắp dần dần.”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục