Cách ly xã hội: Ta nên làm gì khi cảm thấy bẽ bàng trước thời cuộc?
Càng bị giới hạn tương tác vật lý, ta càng nên kết nối với xã hội.
Đại dịch Covid-19 khiến công việc và những kế hoạch cho tương lai bị đình trệ. Nhiều người còn phải thu mình giữa bốn bức tường trong nhiều ngày liên tiếp.
Một cảm giác rất kỳ lạ có thể xảy đến với bạn. Bỗng nhiên, bạn cảm thấy buồn chán, mệt mỏi và thờ ơ với mọi sự, để dòng đời cuốn đến đâu thì đến.
Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã có từ vựng để mô tả cảm giác này - acedia. Đây là từ ghép giữa ἀ - sự thiếu vắng, và κηδία - sự quan tâm. Hiểu một cách chung nhất, acedia là trạng thái thiếu sự quan tâm, bàng quan và bẽ bàng trước một tình huống không mong muốn.
Trong suốt lịch sử, acedia được gán với cảm giác của con người trước rất nhiều tình huống văn hoá khác nhau.
Acedia là gì?
Trong thời đại binh biến ở nền văn minh Hy Lạp - La Mã, con người đối mặt với những cuộc chinh chiến liên miên. Trong chiến tranh, có phe thắng trận thì cũng phải có phe thua cuộc. Acedia ám chỉ cảm giác bẽ bàng, muốn bỏ cuộc của binh lính khi danh tướng của mình chết, khi đội quân của họ vỡ trận. Lúc đó đầu óc họ đã bị chiếm lĩnh bởi cảm giác muốn bỏ cuộc.
Đến thời Trung cổ, acedia lại được định nghĩa là sự ngắt kết nối với đời sống tâm linh của các tu sĩ. Như ta đã biết, các tu sĩ cô lập mình với đời sống xã hội. Họ nhốt mình trong những tu viện để tìm sự khai sáng và giải thoát. Họ sẽ phải trải qua khoảnh khắc niềm tin của mình bị lung lay, và suy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chạm được tay tới cảnh giới tâm linh mình mong muốn.
Đến năm 1607, những người Công giáo coi acedia là một trong tám “tội ác chết chóc (deadly sins)”. Acedia bị gán với sự lười biếng, không muốn lao động. Nhưng ý nghĩa này dần mờ nhạt đi khi tôn giáo dần nhường chỗ cho lý tính.
Ngày nay, với các nghiên cứu tâm lý học và xã hội học, acedia được hiểu như một trạng thái gần giống với trầm cảm. Nhưng acedia không phải một tình trạng bệnh lý. Nó là một hiện tượng xã hội, xảy ra khi các mối quan hệ giữa người với người bị cắt đứt.
Trước sự hoành hành của dịch Covid-19, người dân trên khắp thế giới không được ra đường, các nhà nghiên cứu quay trở lại nghiên cứu về acedia. Họ cho rằng acedia có thể bùng nổ giữa những cộng đồng ở nhà lâu ngày.
Vì sao phải biết về acedia?
Từ vựng “acedia” rất quan trọng vì nó chỉ mặt gọi tên được một cảm giác ta không biết phải mô tả thế nào. Biết về acedia tức là có thể giao tiếp với người có cảm giác tương tự như mình. Từ đó, ta nhận ra vấn đề của mình và của người khác là gì, rồi cùng nhau giải quyết nó.
Ở nhà thời đại dịch là một tình huống bất khả kháng. Trong nhiều ngày liên tiếp, chúng ta không có mấy tương tác vật lý, và nói những câu chuyện lặp đi lặp lại với người thân. Mạng xã hội cũng chẳng còn là không gian lý tưởng để giao tiếp vì nó ngập ngụa với những thông tin lặp lại.
Work-from-home khiến mọi thói quen cũ bị đảo lộn trật tự. Trong tình cảnh đó, dù muốn chúng ta cũng không thể lạc quan nghĩ về một tương lai nơi mọi thứ sẽ quay trở về bình thường. Ta bơ vơ không biết phải làm gì, thế rồi ta nhìn ra xã hội và thấy mình không phải người duy nhất cảm thấy như vậy. Đây là lúc acedia bùng nổ.
Acedia khiến ta thờ ơ với tất cả mọi thứ, kể cả sự khổ đau của đồng loại. Sở dĩ sự tiêu cực ấy có thể xảy ra là vì nỗi khổ và sự cô lập đã trở thành một điều bình thường giữa sự nghiệt ngã của dịch bệnh. Đây là lý do vì sao acedia nguy hiểm, và chúng ta cần nghiêm túc xem xét nó.
Tạo sức đề kháng chống lại acedia thế nào?
Acedia không phải một dạng bệnh lý giống trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Nó là một tình trạng xã hội, xảy ra khi guồng quay của xã hội cũ ngừng vận hành. Vì thế, acedia không thể được “chữa”. Ta chỉ có thể ngăn cản nó bằng cách tạo ra những tương tác xã hội lành mạnh hơn.
Ở thời điểm hiện tại, tôi chọn chống lại acedia bằng những cách sau.
Tham gia các nhóm trao đổi online về các chủ đề sở thích
Đại dịch ngăn không cho ta ra ngoài đường, tức là mở đường cho ta tận dụng triệt để sức mạnh của internet. Từ khi đại dịch bùng nổ đến giờ, tôi đã có cơ hội được tham gia vô số seminar và toạ đàm về các lĩnh vực mà trước đây xã hội sẽ coi là “rảnh”. Từ triết học, khoa học cho đến cách đan len và trồng cây được bàn thảo rộng rãi qua internet.
Giữ cho mình một vài mối quan tâm có nghĩa là tạo khoảng cách với sự buồn chán và ủ rũ.
“Tập thể dục” qua không gian mạng
Đầu năm ngoái, khi cả Hà Nội ở trong nhà, tôi được chứng kiến một phong trào thể dục thể thao đặc biệt. Người ta thử thách nhau hãy chống đẩy, hoặc gập bụng 10 cái mỗi ngày và đăng lên mạng xã hội liên tục trong 7 ngày. Tương tự như vậy, múa, hát và nhiều hoạt động khác cũng được khuyến khích.
Có thể mấy ngày tập thể dục chẳng giúp ích nhiều cho sức khỏe vật lý là bao khi cả năm trời bạn không tập thể dục. Nhưng nó giúp bạn không quên mất thời gian vẫn đang trôi đi khi hoàn thành những thử thách theo ngày. Điều này rất có ích cho sức khoẻ tâm lý.
Quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội
Điều đáng sợ nhất acedia gây ra là nó làm cho chúng ta bàng quan với xã hội, vô cảm với những người khổ đau xung quanh mình. Chúng ta chìm trong bi quan, và nghĩ rằng một mình mình không giải quyết được vấn đề gì đâu.
Nhưng thực tế là trong những đợt dịch bệnh hoành hành, vô vàn tổ chức nhân đạo vẫn đang làm việc, và họ cần bạn giúp sức.
Quan tâm hơn một chút tới các vấn đề xã hội chưa chắc đã khiến xã hội đổi thay trong một cái nháy mắt. Nhưng điều đó cho ta thấy xã hội vẫn còn sức sống. Sức sống ấy là đối kháng lớn với acedia.
Đọc sách và viết lách
Nếu vốn dĩ bạn là người không muốn giao tiếp, chỉ giữ lấy vài kết nối mỗi ngày để không trôi tuột hẳn khỏi xã hội, và dịch bệnh chỉ khiến cuộc sống của bạn trầm hơn bình thường một chút, thì hãy thử đọc sách và viết lách xem sao.
Đọc sách tức là giao tiếp với tác giả. Viết lách tức là giao tiếp với chính mình. Vậy là bạn đã có hai kết nối xã hội rồi đó!
Lên kế hoạch sống chung với đại dịch
Dù ta có cố gắng lạc quan đến mấy, thì hãy hiểu rằng dịch bệnh sẽ không qua đi nhanh chóng. Nếu ta có thể nhìn thẳng vào sự thật ấy, chấp nhận nó, và lên kế hoạch sống chung với nó, thì acedia không còn là vấn đề quá đáng lo ngại.
Chỉ là, đừng vì muốn né tránh sự bơ vơ mà lao đầu vào công việc một cách cực đoan quá. Hãy cân bằng giữa làm lụng và nghỉ ngơi, để không mất hứng thú với bất cứ hoạt động nào.
Kết
Nhìn chung, để có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, con người luôn phải tìm thấy một mục đích, một đích đến cho sự tồn tại của mình. Bằng không, những suy nghĩ hư vô sẽ dễ dàng đẩy bạn đến miền đất của acedia, hay tệ hơn, bạn sẽ bị cuốn vào những căn bệnh tâm lý.
Khi nhân loại chưa tìm ra cách đánh bại cơn đại dịch, hãy luôn dự trữ cho mình những phương án - mục đích sống đề phòng. Như vậy, ta yên tâm rằng quãng đời phía trước của mình vẫn còn lối đi.