Chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng hồi hương sau 70 năm ở Pháp

Trước một hiện vật quan trọng về mặt lịch sử lịch sử thì 6,1 triệu euro không thành vấn đề.
Sơn Hoàng
Nguồn: Cục Di sản Văn hóa

Nguồn: Cục Di sản Văn hóa

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 13/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết rằng một nhà sưu tập người Việt là ông Nguyễn Thế Hồng - chủ tịch Hội cổ vật Bắc Ninh - đã chi trả 6,1 triệu euro cho chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng từ nhà đấu giá Millon tại Pháp. Chính phủ hai nước cũng như các bên liên quan đang hoàn thiện các thủ tục để đưa bảo vật về nước, thời gian dự kiến vào cuối tháng 4.

Nhà đấu giá Millon chính thức đấu giá chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” từ tháng 10 năm 2022 với mức giá 2-3 triệu euro. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng liên lạc và đàm phán với Millon.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc đưa chiếc ấn về Việt Nam từ ngày 14/11/2022, “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp."

2. Những chi tiết nào cho thấy đây là ấn của vua Minh Mạng?

Theo thông tin của nhà đấu giá, chiếc ấn bằng vàng nặng 10,78 kg và cao 10,4 cm, có mặt hình vuông và quai ấn hình rồng năm móng. Đế của ấn có in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” tức “báu vật của hoàng đế.”

Ở mặt trên của ấn có khắc hai dòng chữ “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát chú tạo” và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân.” Hai câu này có nghĩa là “chế tạo vào ngày 4 tháng 2 năm thứ 4 đời vua Minh Mạng” và “làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân.”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử đoàn làm việc sang Pháp vừa để kiểm định chiếc ấn, vừa tiến hành đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết. Sau khi thẩm định và đối chiếu với các nguồn sử liệu, đoàn công tác xác định cổ vật đích thị là hiện vật nguyên gốc.

3. Ấn của vua Minh Mạng đã tới nước Pháp thế nào?

Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” là một báu vật quý, truyền từ đời vua Minh Mạng tới vua Bảo Đại. Vua sử dụng ấn cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn, bao gồm cả những công việc quản lý nội bộ như lễ khánh tiết, đi tuần tại địa phương, tới những hoạt động ngoại giao như làm sắc thư gửi các nước khác.

Hành trình của ấn vàng bắt đầu vào ngày 30/8/1945. Sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao ấn từ thời Minh Mạng và thanh kiếm của vua Khải Định cho cách mạng. Người nhận hai bảo vật này rồi sau đó chuyển chúng ra Hà Nội là nhà sử học Trần Huy Liệu.

Khi thực dân Pháp tấn công Hà Nội vào cuối năm 1946, chính phủ lâm thời đã giấu hai hiện vật tại một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô. Tới ngày 28/2/1947, một tiểu đoàn của Pháp đã tìm thấy hai hiện vật này, và chúng được trao lại cho cựu hoàng Bảo Đại - lúc ấy đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam - vào ngày 8/3/1952.

Người thay mặt Bảo Đại nhận hai hiện vật từ chính quyền Pháp là Đoan Huy hoàng thái hậu và thứ phi Mộng Điệp. Tới năm 1953, hai hiện vật này được mang sang Pháp theo yêu cầu của vị cựu hoàng và được giao cho Nam Phương hoàng hậu và cựu thái tử Bảo Long. Sau đó, Bảo Đại giữ chiếc ấn và con trai ông giữ thanh bảo kiếm.

Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot vào năm 1982. Khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại toàn bộ tài sản cho vợ. Khi bà Monique Baudot mất vào năm 2021, những người thừa kế tài sản của bà đã đem chúng đi đấu giá.

4. Ông Nguyễn Thế Hồng đã phối hợp với chính phủ thế nào để hồi hương cổ vật?

Sau khi nhận tin đấu giá vật phẩm, chính phủ Việt Nam đã gấp rút liên hệ với chính phủ Pháp và nhà đấu giá Millon. Nhận thấy mối quan tâm lớn từ phía Việt Nam, nhà đấu giá đã hai lần dời ngày đấu giá để tạo điều kiện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thương lượng với phía Millon. Sau khi xác minh cổ vật, Bộ quyết tâm đưa chiếc ấn về nước bằng mọi cách, trong đó có cả huy động các nguồn lực xã hội.

Ông Nguyễn Thế Hồng đã chủ động sang Pháp để đăng ký tham dự đấu giá. Tuy nhiên, ông nhận định rằng sẽ rất khó để có được cổ vật nếu như việc đấu giá vẫn diễn ra. Do đó, ông Hồng đã liên lạc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh để bày tỏ nguyện vọng và yêu cầu trợ giúp.

Chính ông Nguyễn Thế Hồng đã trực tiếp tham gia đàm phán để được mua lại cổ vật, đặt bút ký hợp đồng mua bán, và là chủ sở hữu hợp pháp của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” Sau khi hồi hương, có lẽ cổ vật sẽ xuất hiện tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thuộc sở hữu của ông Hồng ở tỉnh Bắc Ninh.

5. Tại sao hồi hương cổ vật cần sự trợ giúp của các nguồn lực xã hội?

Ngoài chiếc ấn quý, đã có một số cổ vật của nước ta được thu hồi, nhưng ấn vàng của vua Minh Mạng là bảo vật đầu tiên hồi hương bằng con đường ngoại giao văn hóa. Trước đó, các cổ vật được mang về nước ta bởi các cá nhân hay tổ chức vận động quyên góp mua lại cổ vật hoặc tham gia các buổi đấu giá ở nước ngoài rồi hiến tặng cho nhà nước, hoặc chính phủ các nước khác tự nguyện trả cổ vật cho Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất trong việc thu hồi cổ vật là việc thiếu chính sách. Hiện nay, chưa có văn bản hay điều luật nào đưa ra chỉ dẫn về việc hồi hương cổ vật, cũng chưa có một quỹ hay một kế hoạch có tính định hướng cho việc thu hồi các bảo vật bị thất lạc.

Bên cạnh đó, việc mua hay đấu giá cổ vật có chi phí rất cao, bởi ngoài khoản tiền để mua và đấu giá còn có các khoản thuế hay chi phí vận chuyển, bảo quản. Do không thể dựa vào ngân sách nhà nước nên việc đưa cổ vật về nước phụ thuộc nhiều vào các nhà hảo tâm và các tổ chức phi chính phủ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục