Chiến lược “câu rating” của Mine: Bằng thời trang và hơn thế nữa!
Kể từ thành công rực rỡ của Boys Over Flower (2009), người Hàn cho ra mắt không ít bộ phim phô bày cuộc sống của giới thượng lưu.
Năm 2018, Sky Castle là một “mega-hit” với trang phục được đầu tư công phu, tuy nhiên, vẫn chưa bật lên rõ khí chất của nhân vật. Đầu năm 2020, Crash Landing On You với Son Ye Jin là nữ chính cũng trưng bày tủ đồ hiệu đến từ Chanel, Miu Miu, Fendi, D&G... Tiếc thay, do thời lượng phim lấy bối cảnh ở Triều Tiên khá nhiều nên việc ngắm nhìn trang phục vẫn chưa được gọi là mãn nhãn.
Gần đây nhất là Penthouse, khai thác cuộc chiến của giới thượng lưu. Trang phục của dàn nhân vật trong Penthouse tuy đắt đỏ, nhưng nếu để gọi là sang trọng, đẳng cấp, và có phong độ ổn định thì chắc là… chưa.
Mãi đến Mine (“Sở hữu") mới có một bộ phim gây ấn tượng với người xem bằng thời trang, và níu giữ người ta lại cũng vì thời trang (dĩ nhiên, là do nội dung phim cũng hay nữa!). Thời trang trong Mine có gì đặc sắc mà khắp các trang mạng xã hội ngày nay ai nấy đều xuýt xoa?
Thời trang đã trở thành “vũ khí rating” của Mine như thế nào?
Có một sự thật không thể phủ nhận: Sự thành công của Mine rõ ràng không thể tách khỏi yếu tố thời trang. Không chỉ tập trung vào việc xây dựng hình tượng của các nhân vật chính, dàn diễn viên phụ của Mine cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Trải dài theo suốt các tập phim là sự chuyển biến trong trang phục nhằm phản ánh sự thay đổi về nội tâm của nhân vật.
1. Khắc họa nét nào, ra nét đó!
Trước đây, hình tượng nữ chính khí chất, mạnh mẽ trong các phim Hàn Quốc vẫn rất… nữ tính. Có thể kể đến như nữ chính trong trong Hotel Del Luna, Phẩm Chất Quý Cô, Gia Đình Đức Hạnh. Thậm chí, ác nữ trong Penthouse cũng rất “bánh bèo”.
Đến Mine, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác! Hai cô con dâu nhà chaebol - với cá tính đối lập - được phản ánh rõ qua phong cách thời trang của họ.
Mợ cả Jung Seo Hyun (Kim Seo Huyng) mỗi lần xuất hiện sẽ khiến khán giả phải lạnh người vì vẻ mạnh mẽ, quyết đoán và bí ẩn của mình. Cũng chính vì thế mà cô chọn những gam màu trung tính như trắng, đen, xám, xanh navy. Tất cả các kiểu quần áo (chủ yếu là suit và blazer) của mợ cả đều mang hơi hướm đương đại, menswear, và đến từ những thương hiệu như Louis Vuitton, Bottega Veneta, MAXMARA...
Đặc biệt nhất phải kể đến phân cảnh Jung Seo Hyun bị quản gia trong nhà quay lén được bí mật của mình. Ngày hôm ấy, chiếc “Alexander McQueen Black Spliced Prince Of Wales Jacket” đã làm rất tốt vai trò của mình: kể câu chuyện về một người phụ nữ với vẻ ngoài mạnh mẽ, gai góc, nhưng thật ra là để chôn giấu bí mật thầm kín nhất đời mình.
Trong phim, Jung Seo Hyun cũng sử dụng rất nhiều các thiết kế đầm đến từ thương hiệu Hàn Quốc, Dint. Đầm của Dint là sự tổng hòa của 3 yếu tố: đương đại vừa đủ, mạnh mẽ vừa đủ, và nữ tính cũng vừa đủ.
Và để hoàn thiện hình tượng người phụ nữ một mình gánh gồng cả gia đình chồng, Jung Seo Hyun chọn cho mình kiểu tóc ngắn unisex và lối trang điểm tối giản hết mức, thậm chí còn hơi khô cằn nơi ánh mắt.
Trái với Jeong Seo Hyun, mợ hai Seo Hee Soo (Lee Bo Young) lại là một phiên bản cực kỳ màu sắc. Phần lớn thời gian, Seo Hee Soo xuất hiện với một hình ảnh nhẹ nhàng, nữ tính với đầm xếp ly, tay bèo, vải voan mềm…
Thành thật mà nói, thương hiệu nào ướm lên người Seo Hee Soo cũng đẹp và sang trọng (Dior, Loewe, Valentino, Fendi, Salvatore Ferragamo, Etro…). Nhưng mãi đến khi Seo Hee Soo khoác lên mình một-cây-Prada (Shetland Wool Turtleneck Sweater with Decorative Holes, Re-Nylon Gabardine Full Skirt, và Brushed Leather Handbag), tôi mới tấm tắc công nhận: “Nhân vật này, có cá tính!”
Thật vậy, Seo Hee Soo chính là kiểu người lúc nhẹ nhàng, tình cảm; lúc cá tính, nổi loạn ngầm.
Với tuyến nhân vật phụ, êkip của Mine cũng chỉn chu không kém. Từ sơ Emma lúc nào cũng xách túi Hermes Togo Birkin (cộng thêm vài ba túi hiệu ở nhà), bà mẹ khắc nghiệt, cô em chồng nổi loạn, cho đến cô gia sư bí ẩn (và hơi loè loẹt!), và hai anh em trai nhà Han... Mọi nhân vật đều được xây dựng hình tượng cụ thể, đến mức, nhìn trang phục thôi cũng đoán được 7-8 phần cá tính nhân vật.
2. “Tô màu” cho từng khung hình
Trong giáo trình về thiết kế phục trang (costume design) của Oscar có khái niệm “Painting the frame”. Mọi thứ trong khung hình được thiết kế để giúp kể câu chuyện, bao gồm con người, bối cảnh, cách trang điểm, đạo cụ và trang phục. Màu sắc là một trong những công cụ quan trọng nhất mà đạo diễn sử dụng để tạo ra tâm trạng của một bộ phim.
Với Mine, màu sắc tạo nên nhiều khung hình ấn tượng về mặt thị giác. Bộ phim không có màu chủ đạo. Bởi nó là sự đan xen về cảm xúc không rõ ràng. Xuyên suốt bộ phim, yếu tố vùng xám được đề cập nhiều lần. Điều này còn được thể hiện qua mối quan hệ của mợ cả và mợ út. Khi hai con người phong cách trái ngược nhau đứng cùng một khung hình tạo nên sự tương phản đẹp mắt.
Đặc biệt, nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều phân cảnh người làm tại biệt phủ đều mặc trang phục màu hồng, hoặc đỏ, trắng. Theo văn hóa Hàn Quốc, màu hồng tượng trưng cho sự trung thực phần nào lý giải màu sắc và địa vị, về giai tầng trong bộ phim. Trong khi đó, màu đỏ lại không được ưa chuộng vì quan niệm đó là màu sắc của cái chết.
3. Đồ hiệu là chủ đề thu hút người xem
Tại sao một bộ phim lại cần trưng trổ đồ hiệu như đi Fashion Week vậy?
Đơn giản vì người xem rất thích điều này!
Tâm lý của con người là muốn xem những gì mình yêu thích hoặc mơ ước. Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung đều thích đồ hiệu. Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng là thị trường màu mỡ của các hãng thời trang tại Châu Á. Hàng xa xỉ, đồ trang sức và đồng hồ đạt doanh thu 12,5 tỷ USD trong năm ngoái dù là mùa dịch.
Vậy nên, yếu tố hàng hiệu được cài cắm vào Mine được xem như một “selling point” để đáp ứng nhu cầu to lớn của khán giả: người dân đang trở lại tiêu dùng “trả thù” sau dịch, người Hàn thích đồ hiệu và cuộc sống giàu sang của Chaebol luôn gây tò mò (sơ bộ trước giờ có hơn 76 bộ phim liên quan đến Chaebol).
Các thương hiệu cao cấp được gì từ Mine?
Theo SCMP, việc các nhà mốt chuyển hướng sang đầu tư cho lĩnh vực Drama có nhiều nguyên nhân. Trong đó, COVID-19 là một lý do to lớn. Trang tin này cho biết nhiều sự kiện thời trang, tiệc cao cấp đã bị hủy nên hạn chế việc quảng bá sản phẩm của họ. Vậy nên, chiến lược xoay chiều là đầu tư “product placement” trong các bộ phim dài tập nổi tiếng.
Chưa kể, tháng 11 năm 2019, Netflix đã ký hai thỏa thuận lớn với các công ty sản xuất khổng lồ của Hàn Quốc là Studio Dragon và Jcontentree để mang đến hơn 40 bộ phim cho người dùng của mình cho đến năm 2022. Đó là lý do vì sao It’s Okay To Not Be Okay, Penthouse, Crash Landing On You và gần nhất là Mine lại được các hãng đồ hiệu o bế.
Netflix đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tiếp thị. Thương hiệu Roger Vivier đã chứng kiến sự tăng vọt về doanh số của chiếc túi clutch đính pha lê sau khi nó được nữ diễn viên Kim Hee-ae diện trong World of the Married. Hay các sản phẩm của Tod’s ghi nhận doanh số khả quan sau khi Son Ye Jin diện đồ của hãng trong bộ phim Crash Landing On You.
Vậy sau Mine, theo bạn, món đồ nào sẽ “sold-out"? Tôi cá Prada!