Mine và Penthouse - Cuộc sống có đang mô phỏng nghệ thuật? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 06, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Mine và Penthouse - Cuộc sống có đang mô phỏng nghệ thuật?

Mine, hay Penthouse, không chỉ là câu chuyện của những bộ phim ăn khách. 
Mine và Penthouse - Cuộc sống có đang mô phỏng nghệ thuật?

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Tập 8 của Mine vừa phá kỷ lục rating của chính nó, một lần nữa khẳng định sức hút không hề nhỏ của bộ phim đang đứng top 1 Netflix Hàn Quốc và Việt Nam.

Trước Mine, màn tranh đấu giữa giới tài phiệt trong 2 phần của Penthouse đã từng làm mưa làm gió khắp mạng xã hội. Phần 3 vừa bắt đầu công chiếu của series này cũng khiến bao người nô nức. Xa hơn nữa ta có SKY Castle, một câu chuyện về giáo dục từ điểm nhìn của giới thượng lưu, cũng từng đứng đầu mọi bảng xếp hạng.

Nhưng đứng sau Mine, hay Penthouse, không chỉ là câu chuyện của những bộ phim ăn khách...

Làn sóng làm phim về giới siêu giàu

Năm 2009, Boys Over Flowers ra đời. Năm 2019, Parasite chính thức ra mắt công chúng. Hai tác phẩm đều tạo nên những cơn địa chấn (một là phim đánh dấu làn sóng Hallyu được lan rộng tại Châu Á, một là phim không nói tiếng Anh đầu tiên nhận giải Oscar). Cả hai đều chứng minh một luận điểm: nội dung về giới siêu giàu tại Hàn Quốc không bao giờ lỗi thời.

Trong giai đoạn của Boys Over Flowers, các câu chuyện về giới siêu giàu thường chỉ dừng lại ở mức khoảng cách tình yêu (chàng giàu-nàng nghèo) và tranh đấu trong gia tộc. Còn giờ đây, nó là câu chuyện về giáo dục, về sự suy đồi đạo đức (giết người giấu xác trong Penthouse), về cái thiện và cái ác trong mỗi con người (nhân vật Da Kyung đã phá vỡ hạnh phúc của một gia đình trong The World Of Married)...

Đa số nhacircn vật trong Penthouse đều coacute cuộc sống vương giả  Nguồn Penthouse
Đa số nhân vật trong Penthouse đều có cuộc sống vương giả. | Nguồn: Penthouse

Nội dung về giới thượng lưu giờ đây đã nhiều lớp lang hơn, thời sự hơn, nhiều phẫn nộ hơn. Và cũng thời trang hơn rất nhiều.

Cuộc sống là chất liệu của nghệ thuật...

Chaebol là khái niệm chỉ những đại gia đình nắm các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc: Samsung, LG, Hyundai… Sự tồn tại của các chaebol nói riêng và người giàu nói chung đang đóng góp rất lớn vào kinh tế của Hàn Quốc. Giới trẻ Hàn luôn phải “trầy vi tróc vảy” để có cho mình một chỗ đứng tại những tập đoàn lớn.

Nhưng trong tâm trí của người dân tại nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới này, có một ẩn ức hướng đến người giàu.

Thể chế của đất nước này cho phép quyền lực về tài chính đi kèm quyền lực chính trị (tầng lớp đại tư sản có đủ điều kiện để ứng cử các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước).

Khi người giàu có thể tạo mọi cơ hội để giữ nguyên quyền lực của mình, thì quyền của người nghèo sẽ giảm xuống. Báo cáo tài chính năm 2017 của IMF cho biết 10% người Hàn đang nắm 45% tổng thu nhập của đất nước. Khoảng cách giàu-nghèo ở Hàn Quốc hiện đang là một vấn đề lớn.

Parasite cũng đatilde necircu bật vấn đề nhức nhối về khoảng caacutech giagraveunghegraveo trong xatilde hội hagraven quốc  Nguồn Moradabad News
Parasite cũng đã nêu bật vấn đề nhức nhối về khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội hàn quốc | Nguồn: Moradabad News

Không chỉ đủ quyền để tạo ra khoảng cách trong kinh tế. Giới siêu giàu tại đây còn có thể điều khiển cả pháp luật. Năm 2007, vụ bê bối tham nhũng lớn của tập đoàn Samsung chỉ tiêu tốn của chủ tịch tập đoàn 100 triệu USD tiền phạt. Dù bị tuyên án 3 năm tù treo, ông vẫn dễ dàng được tự do chỉ sau 1 năm với lệnh ân xá của tổng thống.

Năm 2017, vụ nhận hối lộ của tổng thống Park Geun-Hye với người thừa kế tập đoàn Samsung cũng phải tốn rất nhiều công sức để đưa ra ánh sáng.

Euny Hong, tác giả quyển “Giải mã Hàn Quốc sành điệu” từng đề cập đến cái ‘han’ của người Hàn. Nó là một sự giận dữ được tích tụ qua nhiều năm tháng, trong suốt 5.000 năm lịch sử luôn phải oằn mình với các cuộc chiến tranh.

Người Hàn Quốc luôn cần được xả giận. Phim ảnh Hàn Quốc luôn phải có những cuộc đấu tranh, những ‘drama’ liên tục là vì vậy.

Trong phim Mine một nhacircn vật đatilde phải thốt lecircn
Trong phim Mine, một nhân vật đã phải thốt lên "Đừng để chaebol lộng hành nữa" khi nhận ra mình bị o ép quá nhiều để bảo vệ danh dự cho gia đình tài phiệt. | Nguồn: Soompi

Lý do những bộ phim về tài phiệt được đón nhận không chỉ vì nó có những màn thể hiện bắt mắt về đời sống thượng lưu. Nó còn thỏa mãn được cơn giận - ‘han’ - của người Hàn dành cho một nhóm người có quá nhiều quyền lực, đến mức pháp luật không thể chạm đến. Ước mơ có một loại công lý dành cho giới tài phiệt, đã được gửi gắm trong những bộ phim.

… hay nghệ thuật đang điều khiển cuộc sống?

Công ty sản xuất của Mine là JS Pictures - một nhánh nhỏ của CJ Group. Đây cũng là công ty phân phối Parasite, góp phần giúp tác phẩm này vươn xa khắp thế giới.

Phó chủ tịch CJ Group là Milky Lee, cháu nội của nhà sáng lập Samsung. Bà, là một chaebol.

Những nhà tài phiệt đang đứng sau các bộ phim về góc khuất của giới siêu giàu, sẵn sàng sản xuất tác phẩm thể hiện mặt tăm tối nhất của một nhóm người có mình trong đó. Để làm gì?

Số lượng người Hàn mua sắm mặt hàng xa xỉ đang tăng dần theo năm tháng. Dù trong hoàn cảnh Covid-19, những thương hiệu cao cấp vẫn kiếm được nhiều tiền từ người mua, và vẫn vững tin rằng sau dịch, lượng tiêu thụ mặt hàng của họ sẽ tăng cao.

Lối sống của người thượng lưu trong phim cũng sẽ phần nagraveo ảnh hưởng đến người xem  Nguồn Penthouse
Lối sống của người thượng lưu trong phim cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến người xem | Nguồn: Penthouse

Tiền bán bản quyền phim chỉ là bước một. Vấn đề là cách những người ở trong phim mặc, ăn, uống… sẽ dần định hình tư duy của người xem. Họ sẽ muốn được thưởng thức lối sống như trong phim.

Một bộ phim thượng lưu sẽ giới thiệu các mặt hàng thượng lưu. Các thương hiệu xa xỉ sẽ bán được hàng. Các bộ phim sẽ nhận được hàng loạt hợp đồng quảng cáo (hẳn nhiên rất nhiều tiền) từ những thương hiệu này.

Một bộ phim thượng lưu sẽ giới thiệu những mặt hagraveng thượng lưu  Nguồn SKY Castle
Một bộ phim thượng lưu sẽ giới thiệu những mặt hàng thượng lưu | Nguồn: SKY Castle

Hàn Quốc đã tốn nhiều năm để khiến nghệ thuật của nó phát triển trong và ngoài nước. Nhưng mọi chuyện không bao giờ dừng lại ở việc lan tỏa cái đẹp của nghệ thuật. Đó là một bước đi được tính toán đường dài, trong việc sử dụng nghệ thuật để mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các ông lớn.

Chúng ta có thực sự đứng ngoài cuộc?

Năm 2011, sau khi xem xong 49 days (một bộ phim có nhân vật chính là người nhà giàu, tất nhiên!), tôi đã chấp nhận nhịn ăn sáng hẳn 1 tháng để mua cho bằng được chiếc dây chuyền hình giọt nước mắt - sản phẩm được nhắc đi nhắc lại trong phim.

Tôi không nhớ mình đeo nó được quá 10 lần. 90% quyết định đó xuất phát từ tình yêu dành cho món đồ, được bộ phim ‘rèn giũa’ cho tôi qua 16 tập liên tục có sự xuất hiện của nó. Dù đó là một bộ phim Hàn, chẳng liên quan gì đến đời sống Việt Nam của tôi cả.

Đến thời điểm hiện tại, không một quốc gia nào dám phủ nhận sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu nữa. Friends: The Reunion, sự trở lại của một huyền thoại phim ảnh, vẫn phải mời và đặt nhóm nhạc Hàn BTS ở một vị trí trang trọng trong dàn danh sách khách mời.

Khocircng thể khocircng nhắc đến BLACKPINK một nhoacutem nhạc với 4 thagravenh viecircn đều lagrave đại diện cho 4 nhatilden thời trang dagravenh cho giới thượng lưu  Nguồn Pbs
Không thể không nhắc đến BLACKPINK, một nhóm nhạc với 4 thành viên đều là đại diện cho 4 nhãn thời trang dành cho giới thượng lưu | Nguồn: Pbs

Các ngôi sao và diễn viên Hàn đang đại diện cho rất nhiều mặt hàng cao cấp, dù lượng fan họ đang có đều là Gen Y và Gen Z - những người mà đa số đều đang cần mẫn học và làm, dành 20.000 USD để mua một bộ quần áo có vẻ là một điều viển vông.

Nhưng Hàn Quốc đang nắm giữ một thể loại quyền lực mềm. Họ có một câu chuyện để kể. Câu chuyện đó là ở phim ảnh. Là ở những ngôi sao. Họ bán sản phẩm, xây dựng tệp khách hàng từ những câu chuyện.

Với cơn sốt thời trang cao cấp từ SKY Castle, The World Of Married, Penthouse, Mine, và sẽ còn rất nhiều bộ phim sau này nữa, sẽ có một ngày, việc sở hữu một món xa xỉ phẩm trở thành điều ai cũng muốn. Người ta sẽ tranh đấu để có được nó.

Dugrave Da Kyung trong The World Of Married lagrave một nhacircn vật thấy gheacutet nhưng bộ đồ cocirc nagraveng mặc thigrave rất nhiều người muốn sở hữu  Nguồn Cosmo Politan
Dù Da Kyung trong The World Of Married là một nhân vật 'thấy ghét', nhưng bộ đồ cô nàng mặc thì rất nhiều người muốn sở hữu | Nguồn: Cosmo Politan

Các ông lớn tại Hàn đang dần thành công thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng trong các mặt hàng xa xỉ cho chính người dân tại đất nước này, bằng nghệ thuật. Là một người ít nhiều tiêu thụ nghệ thuật Hàn (phim ảnh, âm nhạc), bạn có thực sự nghĩ mình đang đứng ngoài cuộc không?

Dù sao thì, Oscar Wilde cũng đã từng bày tỏ: “Cuộc sống mô phỏng nghệ thuật nhiều hơn là nghệ thuật mô phỏng cuộc sống”.