Chơi chứng, nhớ detox!

Đầu tư chứng khoán cũng như việc ăn uống, thưởng thức là niềm hạnh phúc nhưng lỡ có bội thực, hãy detox.
Sovy Han
Đầu tư chứng khoán cũng cần những lúc nghỉ ngơi.

Nguồn: Shutterstock

Để đầu tư chứng khoán thành công, bạn cần kiến thức, kinh nghiệm, sự nhạy bén và thậm chí là một chút may mắn. Nhưng để trụ vững với sân chơi dài hơi này, kỹ năng detox (biết điểm dừng) sẽ là trợ lực không nhỏ.

Dù có thể lạ lẫm với tân binh nhưng chủ đề này không mới với nhóm nhà đầu tư lâu năm. Thậm chí, nhiều ‘chứng sĩ’ kỳ cựu còn cho rằng việc tìm thấy điểm dừng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi mà còn là động lực giúp họ có thái độ lạc quan và trực giác đầu tư tốt hơn.

Thạc sĩ Trần Đặng Đăng Quân - Giảng viên ngành Kế toán Tài chính - Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tâm sự: 

“Nhớ lại thời gian đầu làm quen với chứng khoán, sau vài tháng vô lệnh, mỗi ngày mở bảng điện, biểu đồ theo dõi giá lên xuống, xanh đỏ; tâm lý của bản thân cũng bị ảnh hưởng nhiều. Giá cổ phiếu đã mua lên thì phấn khởi, xuống thì có chút thất vọng. Những cung bậc cảm xúc ấy tồn tại khi tới giờ giao dịch, 5 ngày mỗi tuần, vô hình trung ảnh hưởng tới năng suất làm việc, tâm trạng của bản thân và cả cuộc sống xung quanh. 

Vì vậy, sau một khoảng thời gian mua bán cổ phiếu, chốt lời hay cắt lỗ, tôi thường dành cho bản thân vài ngày nghỉ ngơi, không theo dõi thị trường để thư giãn đầu óc, “làm mới” lại cảm nhận cá nhân về thị trường. Với những người mới thì khoảng thời gian này có thể kéo dài hơn. Khi quay lại thị trường, ta sẽ có nhìn nhận tốt hơn, có những câu hỏi hay nhận định mình bỏ quên lúc trước, nay lại nhận ra và giúp ta đưa ra quyết định đầu tư có cơ sở, đúng đắn hơn”

Detox trong chứng khoán là gì?

Là việc bạn tạm dừng đầu tư hoặc ngừng các khoản rót tiền mới trong một khoảng thời gian. Có thể ngắn hạn như 1 vài tuần cho đến dài kỳ như nhiều tháng, thậm chí là vài năm.

Thời gian có thể khác nhau ở từng đối tượng - chủ yếu dựa trên một số tiêu chí như: lý do cần nghỉ ngơi, tốc độ hồi phục (tâm lý hoặc hầu bao) và sự sẵn sàng quay trở lại sân chơi đầu tư chứng khoán.

Khi nào cần detox?

Lý do phổ biến và dễ thấy nhất là do… bạn hết quỹ. Nghe thì có vẻ đùa nhưng đây lại là một tín hiệu dễ bị bỏ qua. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý bù lỗ, cố gắng “gỡ” dù cán cân lợi nhuận âm, nếu không kiểm soát tốt sẽ rơi vào tình trạng “lỗ chồng lỗ" hoặc phải vay mượn để bù vào. Điều này nếu thường xuyên tái diễn sẽ làm giảm tính ổn định của quá trình đầu tư hoặc tạo thói quen không tốt, nhất là với các kênh đầu tư mạo hiểm và thị trường nhiều biến động.

“Đối với những nhà đầu tư cá nhân vốn ít khi họ muốn tối ưu hóa lợi nhuận cần phải vay tiền từ chính công ty chứng khoán mở tài khoản để có thể mua thêm lượng cổ phiếu nhiều hơn (người ta hay gọi là margin). 

Khi ta dùng margin để mua được lượng cổ phiếu nhiều hơn so với vốn sẵn có của mình, có 02 trường hợp xảy ra. Trường hợp cổ phiếu ta mua tăng lên, lợi nhuận cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với việc dùng chính số tiền ta sẵn có để mua. 

Tuy nhiên, trường hợp cổ phiếu ta mua giảm, mức lỗ ta phải chịu cũng nhiều hơn, thậm chí mức giảm của cổ phiếu vượt mức cho phép sẽ buộc công ty chứng khoán thanh lý số tiền sẵn có khiến ta mất trắng. Nhìn chung, tâm lý khi giao dịch đóng vai trò rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán, bên cạnh kiến thức. Đặc biệt những bạn dùng margin trong giao dịch cần tìm hiểu kỹ cổ phiếu đầu tư và tuân thủ quy tắc hạn chế rủi ro của bản thân” - Ths. Trần Đặng Đăng Quân cho biết thêm.

Thứ hai là sự hạn chế về thời gian. Đơn cử với nhóm nhà đầu tư lướt sóng nhưng có công việc toàn thời gian, vào những giai đoạn cao điểm của công việc sẽ phải thu hẹp quỹ thời gian dành cho theo dõi chứng khoán. 

Mức độ hiệu quả đầu tư cũng là một lý do phổ biến khác giúp xác định việc tạm nghỉ của bạn. Trường hợp này phổ biến hơn ở nhóm nhà đầu tư đa kênh (apps, chứng khoán, nhà đất…) khi việc quản lý đồng thời nhiều sản phẩm đầu tư đòi hỏi một kế hoạch phân bổ thời gian phù hợp. Nếu không quen hoặc kém thích nghi, nhà đầu tư dễ cảm thấy áp lực hoặc quản lý kém hiệu quả dòng tiền trong đầu tư chứng khoán. 

Detox để làm gì?

Tương tự như cách detox trong chế độ dinh dưỡng, mục đích việc tạm dừng của đầu tư chứng là để “thải độc". 

Thứ nhất là thải độc về mặt tinh thần. Thời gian detox sẽ giúp người chơi chứng khoán ổn định tâm lý sau những diễn biến xấu hoặc cú sốc đầu tư (thường là lỗ sâu hoặc lỗ nặng nhiều mã chứng khoán). Ngoài ra, việc theo dõi các chỉ số liên tục trong thời gian dài cũng dễ khiến nhiều đối tượng - đặc biệt là nhóm không chuyên hoặc mắc chứng “sợ số” (arithmophobia, dataphobia), rơi vào tình trạng căng thẳng. 

Bà Lin Sternlicht - một chuyên gia về các chứng nghiện tại New York chia sẻ trong một bài viết trên Re:Set

“Thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến cảm giác của nhà đầu tư, và sau đó, cảm xúc của họ ảnh hưởng ngược lại đến thị trường. Như vậy, mối quan hệ giữa tâm trạng của chúng ta và thị trường chứng khoán là mối quan hệ hai chiều (…) Mặt khác, sự biến động của thị trường có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm"

Thứ hai là thải độc về kỹ năng. Chứng sĩ có thể tận dụng thời gian “tạm nghỉ" để nhìn nhận lại toàn bộ quá trình đầu tư, từ hiểu hơn về lý do khiến mình đầu tư kém hiệu quả. Bên cạnh đó, thời gian này cũng khá lý tưởng để bạn cập nhật thêm các kiến thức mới (sách vở, khoá học…) hoặc “đào thải” các thông tin đã lỗi thời nhằm nâng cao năng lực đầu tư.

Đặc biệt, detox cũng là 1 hình thức cai nghiện đối với chứng sĩ vô tình sa vào “bùa yêu" của chứng khoán. Nhất là trong bối cảnh một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nghiện đầu tư chứng khoán với nghiện cờ bạc.

Cần làm gì trong thời gian detox?

  • “Chữa cháy” tâm lý với các thủ thuật giảm căng thẳnglo âu

  • Tập trung vào các công việc chuyên môn hoặc việc làm khác, một mặt để chuyển sự quan tâm ra ngoài chuyện chứng khoán, vừa là để duy trì thu nhập để sẵn sàng trở lại sân chơi chứng khoán khi cần. Nếu là người may mắn “mát tay” với các kênh đầu tư khác, hãy duy trì và tập trung cho các kênh này trong thời gian detox.

  • Bạn cũng có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác ít rủi ro như gửi tiết kiệm, đầu tư qua ứng dụng hoặc bảo hiểm liên kết đầu tư (ILP) dù điều này có thể đồng nghĩa với việc chấp nhận lãi suất thấp hơn.

  • Tận dụng thời gian detox để bổ cập thêm các kiến thức chuyên môn cũng là cách tối ưu nếu bạn đam mê chứng khoán và mong muốn trở lại. 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục