Chống chán khi việc chóng chán
Nếu bạn đang cảm thấy chán nản về công việc, chẳng sao cả vì không phải chỉ có một mình bạn.
Lần gần đây nhất bạn được nghe một ai đó thao thao bất tuyệt về công việc họ đang làm, về thử thách họ đối mặt hàng ngày, nghe cách họ được kích thích mỗi khi có dự án mới là khi nào?
Nhất là 2 năm trở lại đây, Covid làm cho mọi kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, phần lớn các công ty vừa và nhỏ gần như chỉ dừng lại ở mức duy trì hoạt động bình thường mà không dám phát triển. Sự lặp đi lặp lại những công việc như vậy khiến cho nhân viên của họ bắt đầu cảm thấy chán nản.
Còn mình thì sao?
Lần gần nhất mình nghe một người giải thích công việc họ thú vị như thế nào là vào thứ sáu vừa rồi. Những lúc như vậy đôi khi mình được truyền cảm hứng, đôi khi khiến mình nhớ lại những khía cạnh tiêu cực trong công việc. Hồi tưởng lại những khoảng thời gian cực kỳ đam mê, cống hiến tới 200% năng lượng…
Và mình đã cảm thấy buồn chán, đã dành nhiều giờ để tìm hiểu điều gì xảy ra khi con người cảm thấy buồn chán, hay cụ thể hơn là sự buồn chán trong công việc. Bài viết này là sự đúc kết những thứ mình tự nhận ra, và mong bạn tìm thấy những điều hữu ích.
1. Buồn chán là gì
Mình tin điều này sẽ khiến bạn bất ngờ:
Cụm từ “cảm thấy buồn chán” gần như mới được xuất hiện vào thế kỷ 17, thú vị là tại sao loài người đã xâm chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ vào 12 ngàn năm trước nhưng phải tới 400 năm trước mới thấy buồn chán?
Vì buồn chán là căn bệnh xã hội.
Trước đây để sinh tồn, loài người luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với nguy hiểm, họ không có thời gian để buồn chán. Còn xã hội bây giờ thì bùng nổ giải trí. Chúng ta còn mở mắt là còn có sẵn vô số lựa chọn giải trí để tiêu khiển.
Nhưng việc này lại giống như cơ chế gây nghiện, càng giải trí ta lại càng cần có nhiều sự giải trí hơn để lấp đầy tâm trí.
John Eastwood, giám đốc của Boredom Lab tại York University chỉ ra có hai loại tính cách khiến con người dễ cảm thấy chán nản:
- Loại thứ nhất là những người có tư duy mạo hiểm, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Và khi không có điều kiện cho việc đó, họ cảm thấy thế giới thật buồn chán.
- Ngược lại, loại thứ hai là những người luôn cảm thấy thế giới thật đáng sợ, cuộn tròn trong vòng an toàn của mình. Thế Nhưng lại không biết cách điều chỉnh kỳ vọng bản thân, nên không thấy hài lòng với sự thoải mái, và luôn cảm thấy buồn chán.
Nhìn chung, yếu tố cơ bản của buồn chán là sự tương phản giữa hiện tại ảm đạm và ảo ảnh tươi sáng của nó. Khi ta cảm thấy chán là ta đang muốn một cái gì đấy xảy ra, cái gì cũng được, miễn là nó có thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Và ta ôm hy vọng nó sẽ thay đổi theo một hướng tốt đẹp.
2. Nếu vượt qua sự buồn chán sai cách
Chống sự buồn chán có vẻ như sẽ trở thành một loại kỹ năng quan trọng trong thời đại này. Đặc biệt là khi công việc nào cũng đòi hỏi tính sáng tạo, lại đi kèm với việc giải trí chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Thậm chí, trong một nghiên cứu, các đối tượng còn thà bị shock điện, còn hơn là phải ngồi yên 15 phút trong phòng.
Khi chỉ cần một chiếc điện thoại, dây sạc và ổ cắm điện. Chúng ta có thể được thỏa mãn với vô số nội dung giải trí trên internet lúc này.
Và điều đó đang hủy hoại tính kỷ luật, khả năng chống chọi sự cô độc, buồn chán ở chúng ta.
Chán nản làm ta mất tập trung, trì hoãn, cảm thấy kiệt sức, bỏ dỡ công việc hay thậm chí lao vào những thói quen độc hại.
Nếu đối mặt với sự chán nản sai cách, ta chỉ có hai lựa chọn:
- Luôn tìm kiếm sự kích động, náo nhiệt tới nghẹt thở. Lâu dài, người ta sẽ chai lì với sự cảm nhận đối với những điều nhỏ bé trên đời, rồi bị tha hóa trở nên vô cảm.
- Chọn bận rộn với công việc hiện tại để thôi nghĩ về tương lai, cảm thấy không cần những thử thách vượt sức để phát triển. Rồi từ đó trở thành Zombie nơi công sở.
3. Nếu bạn vượt qua sự buồn chán đúng cách
- Tăng khả năng sáng tạo. (Xem thêm: Chán đúng cách sẽ làm bạn sáng tạo hơn)
- Có được nghỉ ngơi thật sự: buồn chán đúng cách giúp não bộ nghỉ ngơi, rời xa những bận rộn hàng ngày để sau đó quay trở lại công việc thật hiệu quả.
- Chán nản trở thành một dấu hiệu cho ta thấy những công việc hàng ngày đã trở nên quen thuộc, đây là lúc ta cần học thêm kỹ năng mới.
- Khi mắc kẹt trong sự nhàm chán, bạn lại càng có nhiều khả năng tìm ra điều mới lạ. Như Paula Scher, đối tác của Pentagram đã cho biết những công việc tốt nhất của cô hoàn thành khi ở trong taxi.
4. Làm sao để trải qua sự buồn chán lành mạnh?
- Học cách giữ cho mình ngọn lửa nội tại.
- Luôn có thay đổi nhỏ hàng ngày (mình hay đi con đường khác hoặc chọn cách thức khác tới công ty)
- Tận dụng khoảng thời gian nhàm chán để nhắm mắt, thả lỏng, cho tâm trí lang thang.
- Học thêm kỹ năng mới, hoặc thử thói quen mới mỗi tháng.
- Ở bên cạnh những người nhiều năng lượng tích cực.
- Cố gắng tránh việc giải trí bằng công nghệ trong thời gian rảnh. Có thể thay bằng đọc truyện, sách, chăm cây cối…
- Đây là gợi ý những việc nên làm nếu cảm thấy nhàm chán:
- 97 việc để làm khi cảm thấy nhàm chán
- Website gợi ý những giải pháp nhàm chán: https://bored.solutions/
5. Suy nghĩ cá nhân
Cũng giống như những loại cảm xúc khác, nếu ta không thừa nhận chúng ta đang cảm thấy chán nản với thứ gì đó, ta sẽ không bao giờ vượt qua được cảm xúc đó.
Ta có thể che đậy bằng cách nói khác đi như:
- “Tôi thấy thất vọng với kết quả công việc vừa qua.”
- “Tôi thấy quy trình làm việc, team phát triển thật chậm chạp”
Nhưng nhìn chung, đó là dấu hiệu cho những thứ ta làm hàng ngày đang dần trở nên nhàm chán.
Ta có thể tránh nói điều này với người khác, nhưng hãy dũng cảm tự đối mặt với nó. Vì dù bạn bắt đầu hành trình vì bất kỳ lý do nào, sự nhàm chán sẽ luôn xuất hiện để trở thành một trong những kẻ thù vĩ đại nhất đời bạn.
Cũng giống như chơi game, “con trùm” càng khó xơi thì phần thưởng càng lớn. “Con trùm” đó là:
Sự kiên trì với mục tiêu – Một điều kiện tiên quyết để đạt được bất cứ thứ gì bạn muốn.
Vì thế, mình chúc bạn có một sự nhàm chán vĩ đại.