Chuẩn bị gì khi xu hướng giáo dục tư đang ngày càng phát triển?
Qua phần đầu tiên của chuỗi bài - Môn học tự nguyên có phải là hình thức giáo dục mới- chúng ta đã phần nào hiểu về những điểm “lợi bất cập hại” của môn học liên kết. Đây là những bộ môn do trường công và các trung tâm giáo dục tư nhân cùng hợp tác tổ chức trong khuôn viên nhà trường.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ những đầu mục và hộp kiểm (tick box) mà các phụ huynh trẻ thuộc lứa của mình có thể rút từ túi áo mỗi khi phải lựa chọn chương trình học ngoại khoá cho con.
Bài viết dựa trên một thực trạng khó xoay chuyển rằng giáo dục đang trở thành một ngành dịch vụ và sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ. Là những cá nhân không thể thay đổi chính sách, và cũng có hầu bao không rủng rỉnh, ta có thể làm gì tốt nhất trong khả năng của mình?
Quan sát thiên hướng của con
Đây là điều lý tưởng nhất mà đứa trẻ nào khi trưởng thành rồi và nhìn lại tuổi thơ cũng mong muốn bố mẹ làm cho mình, và bản thân người phụ huynh nào cũng cố gắng làm cho con mình, dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhờ biết sở thích và thiên hướng, bố mẹ có thể lựa chọn đúng chương trình phù hợp đối với các con.
Nhưng dĩ nhiên, đây là tình huống rất lý tưởng vì hai lý do:
Thứ nhất, giống như cách bố mẹ chịu ảnh hưởng bởi ông bà, thế hệ sau chịu ảnh hưởng bởi thế hệ trước, thiên hướng tạm gọi là “bẩm sinh” của đứa trẻ một phần rất lớn được định nghĩa bởi môi trường gia đình.
Một gia đình toàn kỹ sư chẳng hạn, sẽ chỉ muốn nhìn vào khả năng toán học của con và vô tình/cố tình không nhận ra các thiên hướng khác, vì khả năng toán học phù hợp hơn với truyền thống gia đình.
Thiên hướng tự nhiên của con người là gì, thực tế vẫn là chủ đề tranh cãi rất lớn trong lĩnh vực thực hành sư phạm, tâm lý học giáo dục, và triết học giáo dục.
Đây vừa là yếu tố di truyền, vừa phụ thuộc vào quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ khi tương tác với môi trường, vừa bị chi phối bởi các phương thức đánh giá tài năng của xã hội. Vì vậy, luôn có trường hợp đứa trẻ CÓ THỂ tài trong một lĩnh vực, song chúng không hề thích nó.
Thứ hai, và điều này mới đặt gánh nặng lên bố mẹ, đó là nếu không được học thử thì bản thân đứa trẻ cũng không biết mình thích gì. Sẽ có rất nhiều thử nghiệm không phù hợp với đứa trẻ, và đều phải trả giá bằng tiền, thời gian, và cả sự phát triển của con nữa.
Điều quan trọng là, con trẻ có muốn thử hay không, và muốn thử cái gì. Hiếm, nhưng không phải không có, trường hợp gia đình không hề liên quan gì đến nghệ thuật, song con lại muốn trở thành nhà soạn nhạc nhờ chất liệu văn hoá âm nhạc dân gian dày dặn chẳng hạn.
Vì thế, sự để ý có thể giúp bố mẹ quan sát được niềm quan tâm trong cuộc sống của con, và hỏi xem con muốn thử điều gì. Như vậy, họ vừa cho con được tự do, vừa không đánh cược tài chính của gia đình.
Quan sát thị trường giáo dục
Sau khi đã làm việc với con, người lớn còn phải cân đối sự lựa chọn của mình với các phương án đào tạo có sẵn trên thị trường.
20 năm về trước, bên cạnh trường công, lựa chọn mà các bố mẹ có là cho con đi học lớp bổ túc và lò luyện thi, giúp nắm vững hơn kiến thức trên lớp, và bổ sung kiến thức nâng cao để rộng cửa cho con vào trường chuyên lớp chọn.
Đây là lựa chọn dễ đưa ra nhất, vì bên cạnh lo ngại về tài chính, các bố mẹ không còn lo ngại nào khác. Việt Nam là một quốc gia trọng học hành, vì thế đi học thêm đến 11 giờ tối cốt để đỗ trường chuyên không phải điều chỉ một hai đứa trẻ cá biệt phải làm. Nếu không đỗ đạt như mong muốn, ít nhất lũ trẻ cũng “học giỏi” theo hệ định nghĩa của thời điểm đó
10 năm trước, khi ngành công nghiệp du học bắt đầu cất cánh, còn lớp học thêm kiểu cũ chịu sự quản lý chặt chẽ, thậm chí bị cấm đoán, những đứa trẻ sẽ dành các buổi tối và cuối tuần ở trung tâm Anh ngữ.
Học phí đắt đỏ và đi du học thì khó hơn rất nhiều so với vào đại học, song với các gia đình trung lưu chưa tới mức khá giả, sự mạo hiểm này là chấp nhận được. Nếu không đỗ đạt như mong muốn, ít nhất lũ trẻ cũng “giỏi tiếng Anh” theo trào lưu toàn cầu hoá.
Cũng trong 1 thập kỷ đó, dần có sự xuất hiện của môn học liên kết, giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí còn học sinh tiết kiệm thời gian học thêm ngoài giờ. Lo lắng lúc này là chưa chắc chất lượng học đã được đảm bảo, kèm theo đó là rất nhiều bất lợi về mặt “logistics” nếu con không đăng ký các môn học này.
Tất nhiên, với mức giá phải chăng và cũng không có áp lực phải học để duy trì điểm số nhà trường, ngay từ hơn 30 năm trước, các gia đình bình dân đã có thể cho con học cầm kỳ thi hoạ ở cung thiếu nhi.
Với nhiều lựa chọn như vậy, các phụ huynh phải tự làm việc với chính mình qua câu hỏi “tôi kỳ vọng con trở thành ai trong tương lai?” Đứa trẻ có thể trở thành người “thừa kế” tài sản tri thức của bố mẹ, có thể là người chèo lái con thuyền tài chính tốt hơn thế hệ trước, hay sẽ là thế hệ chủ động “tự làm ra chính mình” như lý tưởng của nhà giáo Hồ Ngọc Đại.
Sự mặc cả
Khi đã chấp nhận giáo dục là một ngành dịch vụ đặc biệt như ngày nay, các bố mẹ cần phải biết rõ món hàng mình qua tâm có điểm lợi và điểm hại gì trước khi đặt bút ký, đặt tiền mua.
Đây là thời đại mà giáo dục công “bắt tay” với giáo dục tư. Hệ thống công muốn tối ưu hoá nguồn ngân sách, còn hệ thống tư muốn thu hút người giỏi từ hệ thống công, đồng thời muốn có sự chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng mà các trường công luôn sở hữu. Các trung tâm giáo dục tư nhân vì vậy sẽ hợp tác với nhà trường để quảng bá dịch vụ của họ.
Họ sẽ tài trợ cho hoạt động hội hè, ngoại khoá cho các con. Họ sẽ xuất hiện ại các giờ họp phụ huynh để giới thiệu về hoạt động của mình cho các bố mẹ. Đây sẽ là các dịp lý tưởng để phụ huynh hỏi đáp những thắc mắc của mình. Họ có thể quan tâm tới các chủ đề sau:
- Trung tâm cho các con học những gì, chất lượng được kiểm định qua đâu?
- Chương trình học tạo ích lợi cụ thể gì cho các con?
- Chương trình cam kết kết quả đầu ra như thế nào?
- Chương trình có đảm bảo môi trường học lành mạnh không?
- Trung tâm có các chương trình tài chính như thế nào? Có phù hợp với tình hình tài chính của gia đình không?
Những câu hỏi tương tự có thể được đặt ra với môn học liên kết, vì sự giải trình của các môn này là điều bắt buộc khi chúng được tổ chức trong nhà trường.
Mặc cả về các lợi ích giữa các bên như vậy, với tôi là cần thiết. Nó giúp các bố mẹ tìm kiếm được chương trình học tốt nhất cho con, và giúp các tổ chức giáo dục hiểu rõ hơn khách hàng của họ đang cần gì.
Nhưng tựu trung lại, nhưng phương án đưa ra ở trên sẽ hoàn toàn mang tính chất tương đối, và chỉ giúp các phụ huynh cải thiện một phần môi trường giáo dục của con. Điều quan trọng hơn đó là giáo dục Việt Nam phải làm rõ được các triết lý nội tại.
Với hoạt động giáo dục hiện có, những người có thể quyết định một phần cuộc đời của vô vàn em nhỏ đang tưởng tượng ra những tương lai nào cho xã hội chúng ta? Các phụ huynh xứng đáng nhận được câu trả lời cho câu hỏi trên.