Chuyện công việc: Làm đúng thì đỡ cực

Chăm chỉ không bằng trực chỉ hướng đúng mà làm. Bài viết này chỉ ra những lý do bạn làm cực mà vẫn chưa hiệu quả.
Hạ Chi
Nguồn: Unsplash.

Nguồn: Unsplash.

Nếu làm việc quá cực mà kết quả nhận lại không xứng đáng, thì khả năng cao là bạn đang làm sai cách.

Có thời điểm mình đã từng cho rằng chăm chỉ đồng nghĩa với hiệu quả. Vậy nên, không ngày nào mình dám ngủ trước 1 giờ sáng vì luôn có cảm giác “mình sẽ bỏ lỡ một việc gì quan trọng". Đi đâu thì cũng kè kè cái laptop bên người dù là lên núi hay xuống biển.

Sau này khi bắt đầu làm việc đúng giờ làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ nghỉ ngơi, dành thời gian đi chơi, đi tập thể dục, ngủ sớm… thì mình mới nhận ra: kết quả lúc này tốt hơn hẳn khi trước. Đồng thời hiểu được làm việc chăm chỉ nhưng sai cách thì cũng không tạo ra hiệu quả.

Vậy tại sao hồi xưa mình mất nhiều thời gian, công sức tới vậy?

1. Thiếu sự tập trung

Xin mượn chữ “chánh niệm" để nói về sự tập trung. Chánh niệm hiểu đơn giản là: lúc uống nước thì biết là ta đang uống nước, lúc thở thì biết là ta đang thở, lúc làm việc thì phải biết rõ ta đang làm việc. Hay cụ thể là biết:

  • Mình làm cái này để làm gì?
  • Mình mong đợi kết quả như thế nào?
  • Mình đang làm việc này bằng cách nào?
  • Trước đây lúc mình làm nó theo cách này thì kết quả có tốt không?
  • Nếu không tốt thì mình học được gì từ cái không tốt đó? Làm sao để làm tốt hơn?

Nói chung là khi không ý thức được ta làm vì mục đích gì, làm như thế nào, để cho ai, sai ở đâu… thì ta không bao giờ học được gì từ việc mình làm. Khi không biết đặt câu hỏi thì ta dễ đo lường kết quả công việc một cách sai lầm. Sai lầm nhất là đo nó bằng khoảng thời gian bỏ ra.

2. Bị vướng vào những cái bẫy tâm lý

Gọi là bẫy tâm lý vì không dễ nhận ra ta đang vướng phải nó. Đặc biệt là khi ta luôn nghĩ: Cực khổ = Chăm chỉ = Thái độ làm việc đúng đắn. Giống như đi tập gym, nhiều khi tập về thấy đau quá lại đâm ra thích vì tưởng rằng vậy là đốt được nhiều mỡ. Nhưng hoá ra là vì sai tư thế, trẹo cơ.

  • Bẫy “tôi là người quan trọng": Tôi làm việc nhiều hơn hẳn những người khác, tôi luôn có mặt khi công việc cần, tôi luôn sẵn sàng để giải quyết mọi rắc rối, không có tôi thì mọi thứ hỏng bét, tôi rất là quan trọng!
  • Bẫy “sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out): Tôi phải theo sát công việc, tôi phải canh nó như canh cái iPhone XR giữa chợ, tôi phải kiểm tra mail 10 phút một lần, tôi phải nghe mọi cuộc điện thoại, tôi phải biết chuyện gì đang xảy ra…
  • Bẫy “tôi muốn có sự hoàn hảo": Không ai làm đúng ý tôi, không ai hiểu tôi muốn gì, tôi là người làm tốt nhất việc này…

Nguồn: Shutterstock.

Để vượt qua những cái bẫy này thì không dễ nếu không có một biến cố nào đó thật lớn xảy ra (ví dụ như bị người yêu bỏ vì cái tội làm việc mãi không chịu đi chơi, bị bệnh nặng, hoặc có một đồng nghiệp khác thăng chức trước bạn và lương cao hơn bạn mà luôn đi về lúc 6 giờ tối).

Cũng có thể bạn may mắn gặp được một mentor (cố vấn) tốt, chỉ ra cho bạn cái sai và hướng dẫn bạn điều chỉnh lại. Bạn cũng có thể tự giải cứu mình bằng cách lắng nghe bản thân. Nếu thấy mình căng thẳng quá, đau khổ quá, ức chế quá thì rõ ràng là có cái gì đó chưa ổn.

Lúc đó hãy đừng ngại thay đổi, hãy tin rằng khi chỉnh “cái gì đó” lại cho ổn hơn, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và khỏe mạnh hơn.

Một số lý do khiến chúng ta dễ “làm nhiều được ít”

1. Không có đủ thông tin

Lười 1 bước mà ôm hận nghìn năm, đọc brief (đề bài) không hỏi lại, làm luôn không research (nghiên cứu), thắc mắc hỏi ra sợ sếp biết mình ngơ…

Nói tóm lại, trước khi làm gì thì ta cần có thông tin đầy đủ nhất về chuyện đó. Thông tin tới từ việc đọc, học, ghi chép, từ thư viện dữ liệu mà mỗi người đã tích trữ từ trước tới giờ và từ cách đặt câu hỏi / khai thác / tổng hợp thông tin.

2. Không được hướng dẫn

Nguồn: Unsplash.

Lỗi này phần lớn thuộc về người giao việc. Cũng như việc trồng cây, không phải cứ gieo cái hạt xuống đất xong 9 tháng 10 ngày là tới hái trái.

Khi giao việc mà không làm rõ mong muốn của mình với kết quả, không giải thích rõ ràng bức tranh toàn cảnh, không có guideline (đường hướng), không chỉ dẫn phương pháp… thì chắc chỉ có thiên thần mới thực hiện được đúng điều mình muốn mà thôi.

Tóm lại, giao việc thực ra là teamwork (làm việc nhóm) với nhau và sẽ cần rất nhiều đối thoại để cùng làm tốt mà không mất sức. Nếu leader (trưởng nhóm) của bạn trót quên thì bạn phải nhớ nhắc họ.

3. Không rút kinh nghiệm

Quy luật 10.000 giờ đúng, nhưng chưa đủ.

10.000 giờ để thành thiên tài là 10.000 giờ đi về phía trước một cách có định hướng, có những khoảng dừng để căn lại bản đồ. “Work hard" (làm việc chăm chỉ) không phải là dùng sức trẻ để san phẳng Vạn Lý Trường Thành, mà là chấp nhận bỏ công sức thời gian ra để học hỏi, thử và sai, rồi sau đó làm việc hiệu quả hơn.

Hồi đó có một bạn bảo mình dùng nhật ký công việc đi để ghi chép lại những việc mình làm trong ngày, mất bao nhiêu thời gian, gặp vấn đề gì, cách giải quyết ra sao, có hiệu quả không… Nhờ đó mà mình suy nghĩ dài hơi hơn và tránh lặp lại những sai sót giống nhau.

4. Không quản lý thời gian tốt

Nguồn: Unsplash.

Đơn giản lắm, khi bạn không chủ động được thời gian của mình, thì bạn sẽ là nô lệ của nó.

Hãy tập dùng calendar (lịch làm việc) và có một quyển sổ tay để lên checklist (danh sách) công việc. Tiếp đó, tranh thủ cuối tuần đọc một quyển sách về quản trị thời gian, quản trị năng lượng… (sẽ có cuốn hay cuốn dở nhưng thật ra đều nói chung một nguyên lý).

Một vài cuốn mình gợi ý là: Bắt đầu với câu hỏi tại sao, Làm ít được nhiều, Sức mạnh của thói quen, Sức mạnh của tập trung. Còn công cụ thì có thể nghiên cứu Pomodoro, Get things done.

Và nhớ là đừng có mắc hội chứng “siêu nhân ngày mai": Cái gì cũng để mai hoàn thành. Ngày mai cũng chỉ có 24 giờ như hôm nay mà thôi.

5. Không thích làm việc

Có nhiều lý do để ta ghét làm việc gì đó và lí do có thể đến từ khách hàng, yêu cầu công việc hay chính bản thân. Dù là gì thì trong trường hợp này bạn có 3 chọn lựa:

  • Hiểu được rằng nó cần phải làm, dù bạn có thích hay không.
  • Làm giỏi tới mức bạn được tưởng thưởng và trở nên thích nó.
  • Nếu vẫn không thích thì thôi bỏ đi, làm cái khác mình hứng thú hơn.

Kết lại thì...

Khi ta làm đúng, ta sẽ đỡ cực. Làm đúng - ngoài những điều 1, 2, 3, 4 mình kể ở trên và 5, 6, 7, 8 gì đó mà các bạn sẽ tự tìm ra cho bản thân, thì còn có cả thái độ chủ động và cái nhìn tích cực.

Ngoài làm đúng thì đỡ cực, mình còn thấy đặt đúng câu hỏi thì đỡ bực. Ví dụ như ngày xưa mình bước vào nhà vệ sinh mà thấy giấy xả ra đất sẽ thấy rất tức tối, tự hỏi sao người ta mất lịch sự, vô ý thức vậy. Giờ thì mình sẽ hỏi: 1 - Thùng rác đặt ở vị trí đã hợp lý chưa, 2 - Thời gian nhân viên dọn vệ sinh vào dọn dẹp định kỳ có hợp lý không. Với cách đặt câu hỏi này, mình sẽ đỡ bực hơn và sẽ dễ giải quyết vấn đề hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục