Có gì mới lạ trong app hẹn hò của chính phủ Nhật Bản?

Khi chính phủ “giục cưới” và sẵn sàng hỗ trợ bạn tới tận “chân răng kẽ tóc”.
Hiền Lê
Nguồn: Stillgray @ X

Nguồn: Stillgray @ X

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 5/6, chính quyền thành phố Tokyo triển khai chiến dịch mang tên Tokyo Futari Story nhằm thúc đẩy việc “mai mối” các cặp đôi trên toàn thành phố.

Chiến dịch bao gồm một trang web cung cấp thông tin chung cho các cặp đôi, và một app hẹn hò cùng tên sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay. Song song đó, thành phố cũng lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện kết nối người độc thân, cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và các gói hỗ trợ sản phụ, gia đình có con nhỏ.

“Futari” trong tiếng Nhật có nghĩa là cặp đôi, chiến dịch được đặt tên như vậy nhằm đi ngược lại xu hướng sống “hitori” (một mình) đang rất phổ biến ở Nhật. Khi tình trạng thiếu lao động ở Nhật ngày một gia tăng, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang tích cực theo đuổi các chính sách nâng cao tỉ lệ sinh, bao gồm nhiều ưu tiên cho các cặp đôi và gia đình trẻ.

2. App hẹn hò của chính phủ Nhật có gì khác biệt?

Từ cuối năm 2023, một phiên bản thử nghiệm của app Tokyo Futari Story đã được phát hành miễn phí trên các kho ứng dụng. Theo Associated Press, ngoài các thông tin cơ bản như tên, tuổi hay sở thích, người dùng sẽ nộp kèm một số tài liệu khác để tạo tài khoản.

Cụ thể, họ phải nộp bằng lái xe/hộ chiếu để xác minh danh tính, hồ sơ thuế để chứng minh thu nhập và một mẫu đơn xác nhận họ đã sẵn sàng kết hôn. Nguyên nhân bởi thay vì chỉ dừng lại ở mức độ kết nối, Tokyo Futari Story hướng đến giúp hai người kết hôn và sinh con. Dù vậy, chính quyền thành phố Tokyo hiện vẫn chưa bình luận về vấn đề này.

Ngoài các chức năng “quẹt” hay trò chuyện thông thường, Tokyo Futari Story có thêm nhiều chức năng mới lạ. Cụ thể, app có một tờ lịch các sự kiện mai mối và workshop tư vấn hôn nhân, và một bản đồ các điểm hẹn hò nổi tiếng ở Tokyo. Đáng chú ý, bạn còn có thể gửi câu chuyện hẹn hò của mình tới hệ thống, nơi các họa sĩ và nhạc sĩ sẽ biến nó thành anime hoặc bài hát.

3. Tỷ lệ sinh ở Nhật thấp đến mức nào mà chính phủ phải “vào cuộc”?

Trong hơn 4 thập kỷ liên tiếp, tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm trầm trọng khiến đất nước này rơi vào khủng hoảng dân số và lực lượng lao động. Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, có 474,717 cặp đôi đăng ký kết hôn ở nước này năm 2023, giảm 6% so với 504,930 cặp vào năm 2022.

Có 727,277 trẻ sơ sinh ra đời tại Nhật năm 2023, giảm 5.6% so với 770,759 trẻ vào năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong lại lên đến hơn 1.5 triệu người - gấp đôi số trẻ em ra đời. Nếu điều này tiếp diễn, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 63 triệu người vào cuối thế kỷ 21 - bằng một nửa so với 124 triệu người năm 2023.

4. Dư luận và công chúng nói gì về app này?

Ngay khi thông tin về Tokyo Futari Story được lan truyền, CEO kiêm tỷ phú Tesla Elon Musk đã chia sẻ trên X: “Tôi vui mừng vì chính phủ Nhật Bản nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này. Nếu hành động triệt để không được tiến hành, Nhật Bản (và nhiều quốc gia khác) sẽ biến mất”.

Dù vậy, cư dân mạng nước này hoài nghi độ hiệu quả của Tokyo Futari Story. Tờ Japan Times dẫn lời một người dùng phiên bản thử nghiệm của app rằng, “đây có phải điều chính phủ nên làm với tiền thuế của chúng ta không?”. Số khác bày tỏ sự quan ngại về vấn đề an toàn dữ liệu, khi họ phải nộp nhiều tài liệu quan trọng để đăng ký tài khoản.

Nhiều người dùng trên Instagram cũng cho rằng, có làm thêm nhiều chiến dịch như vậy cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở Nhật là văn hóa làm việc căng thẳng, yêu cầu nhân viên phải cống hiến hết sức lực và thời gian của mình cho công việc. Điều này khiến họ không còn thời gian cho việc hẹn hò và chăm sóc gia đình.

Những nguyên nhân khác được cư dân mạng chỉ ra gồm khủng hoảng kinh tế, chi phí sống đắt đỏ và việc phụ nữ gặp trở ngại về sự nghiệp sau sinh. Ayako Sono - một chính trị gia trường phái bảo thủ và là cố vấn của Cố thủ tướng Shinzo Abe - còn từng khuyến khích phụ nữ Nhật nên bỏ việc sau khi mang thai để tập trung nội trợ, vun vén cuộc sống gia đình.

5. Việt Nam liệu có đang ở trong tình trạng tương tự?

Chắc hẳn bạn vẫn chưa quên bài đăng viral trên fanpage Thông tin Chính phủ vận động các nam, nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi. Lời kêu gọi này được đưa ra dựa theo báo cáo trong Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” do Bộ Y tế tổ chức tháng 11/2023.

Trước đó, Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt năm 2020 cũng bao gồm những nội dung khuyến khích người trẻ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi và nhiều chính sách hỗ trợ các gia đình chăm sóc con nhỏ. Trên thực tế, nhiều địa phương ở miền Đông & Tây Nam Bộ có tỷ lệ sinh khá thấp những năm gần đây, đặc biệt là TP. HCM.

Dù Việt Nam hiện tại đang có cơ cấu dân số vàng (cứ 1 người phụ thuộc lại có 2 người ở độ tuổi lao động), lực lượng lao động hùng hậu hiện nay sẽ trở thành đông đảo người cao tuổi cần chăm sóc trong những thập kỷ tới. Vì vậy, nếu không đạt mức sinh thay thế, Việt Nam cũng sẽ gặp tình trạng già hóa dân số trầm trọng, gây áp lực lớn lên nền kinh tế và an sinh xã hội.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục