Công nghệ xanh: Lĩnh vực tiềm năng thu hút vốn đầu tư ở Việt Nam
Tháng 12 năm ngoái, Việt Nam được kỳ vọng sẽ cán mốc 1 tỷ đô la tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021. Nhưng thực tế, con số dự đoán đó vẫn còn thấp so với 1,3 tỷ đô la mà các startup Việt nhận về được trong năm qua.
Không ngủ quên trên chiến thắng, nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ và trên đà trở thành hệ sinh thái sáng giá thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, có thể hy vọng rằng, năm 2022 sẽ tiếp nối thành công của 2021 với nhiều triển vọng phát triển.
Dù các startup Việt hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, nhưng tâm điểm nhất trong năm qua chính là ngành Fintech (công nghệ tài chính) khi chiếm tới hơn 70% tổng số vốn đầu tư cả nước, theo ông Khiêm Trần từ công ty đầu tư mạo hiểm Expara cho biết trong một bài báo đăng trên trang Vietnam Insider.
Tuy nhiên, khi các nền tảng đầu tư vi mô như Finhay, VNPay, và MoMo (kỳ lân mới của Việt Nam có định giá 2 tỉ đô la Mỹ) đang dần củng cố vị trí dẫn đầu thị trường của mình, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ phải sớm tìm kiếm thêm những mảnh đất khác để tiếp tục gieo hạt giống đầu tư.
Tiềm năng đầu tư lớn của những dự án ‘xanh’
Nhìn vào thành công vang dội của các startup ngành Fintech trong thời gian qua, có thể thấy việc chiến lược doanh nghiệp và chủ nghĩa kinh doanh ở cấp cơ sở phù hợp với chính sách quốc gia rất quan trọng. Cụ thể, sự nở rộ của lĩnh vực Fintech một phần là do phù hợp với chiến lược tài chính quốc gia của chính phủ, với mục tiêu để ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng trước cuối năm 2025.
Tương tự, hiện Việt Nam đang nổi lên với vị thế là trung tâm năng lượng tái tạo đầy tiềm năng khi sở hữu công suất điện mặt trời hàng đầu khu vực, và công suất năng lượng gió ngoài khơi đã đạt 600MW từ cuối năm 2020. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (carbon neutral) vào năm 2050.
Theo ông Ngô Đình Đạt, Giám đốc điều hành của ITI – quỹ đầu tư khởi nghiệp giai đoạn đầu – chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với trang Vietnam Investment Review, “Xu hướng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện này là tập trung vào các dự án góp phần phát triển cộng đồng và tính bền vững như năng lượng sạch, tái chế, giảm tiêu thụ năng lượng và tạo việc làm cho người khuyết tật.”
Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng này rất hợp thời và đi đúng với định hướng tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức văn hoá theo hướng bảo vệ môi trường này đã bắt đầu chớm nở từ trước đó. Vào năm 2021 ở sự kiện “Green Tech Made in Vietnam” thuộc khuôn khổ chương trình AsiaBerlin Summit tổ chức tại Đức, bốn startup Việt trong lĩnh vực công nghệ xanh đã tham gia giới thiệu các giải pháp và trình bày những cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong ngành này.
5 Startup Việt triển vọng trong lĩnh vực công nghệ xanh năm 2022
Hachi
Được thành lập bởi Đặng Xuân Trường và có trụ sở ở Hà Nội, Hachi là hệ thống nông nghiệp thông minh, tận dụng công nghệ IoT (Internet of Things) nhằm cung cấp các giải pháp cho nông nghiệp đô thị và tưới tiêu.
Hachi cung cấp một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm một nhà màng tích hợp hệ thống kiểm soát vi khí hậu, hệ thống thủy canh NFT và hệ thống tưới nhỏ giọt. Người nông dân có thể dễ dàng theo dõi và kiểm soát hoạt động của trang trại từ xa qua một ứng dụng di động.
Ngoài ra, dòng sản phẩm của Hachi còn bao gồm rô bốt trồng cây trong nhà tự động, đèn LED trồng rau chuyên dụng và bộ hẹn giờ tưới cây.
IoTeamVN
IoTeamVN cũng thúc đẩy công nghệ IoT, nhằm giúp người dùng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn trong các căn hộ, nhà ở và các tòa nhà thương mại.
Hiện, IoTeamVn đang cung cấp ba sản phẩm chính: Hệ thống giám sát năng lượng giúp khách hàng nắm rõ mức tiêu thụ năng lượng của họ; Hệ thống điều khiển thông minh giúp tự động hóa các thiết bị trong nhà để tiết kiệm điện năng; và hệ thống tưới cây tự động AGS, hoạt động tương tự sản phẩm của Hachi nhưng nhắm vào phân khúc hộ gia đình, cho phép người dùng tưới cây trồng từ xa.
Dat Bike
Nguyễn Bá Cảnh Sơn thành lập Dat Bike – thuơng hiệu sản xuất xe máy điện – vào năm 2018 nhằm mang đến cho người dân Việt Nam một chiếc xe máy ‘xanh’ hơn, thân thiện với môi trường hơn. Với sứ mệnh “xanh hoá giao thông”, Dat Bike còn hướng đến thay thế tất cả xe máy chạy bằng xăng ở Đông Nam Á bằng xe máy điện trong tương lai.
Tham vọng lớn phải cần một hậu thuẫn vững chắc. Vào tháng 4/2021, Dat Bike đã huy động thành công 2,6 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn Series A dẫn đầu bởi Jungle Ventures.
Các mẫu xe điện của Dat Bike đều được sản xuất tại Việt Nam, các linh kiện và bộ phận xe đã qua sử dụng hoặc tái chế. Xe máy điện của Dat Bike cũng không hề thua kém xe máy xăng về công suất, tốc độ, lẫn tính thẩm mỹ. Đặc biệt là giá cả cũng không chênh lệch quá nhiều, giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện mà không gặp nhiều trở ngại.
PlasticPeople
PlasticPeople tái sử dụng rác thải nhựa và biến chúng thành những sản phẩm vật liệu thiết thực với tính thẩm mỹ cao.
PlasticPeople thu thập và phân loại rác thải nhựa trước khi tiến hành nghiền nát, nấu chảy và đúc thành nguyên liệu xây dựng thiết kế mà không cần sử dụng thêm thuốc nhuộm hoặc hóa chất.
Vật liệu do PlasticPeople sản xuất được đưa vào sử dụng trong chuỗi hệ thống “Marou Station” mới ra mắt của Marou, Faiseurs de Chocolate, nội thất của nhà hàng Pizza 4P’s ở Campuchia, và Rice Studios Furniture.
Selex Motors
Nhà sản xuất xe điện thứ hai góp mặt trong danh sách này chính là Selex Motors. Thành lập từ năm 2018 và có trụ sở ở Hà Nội, Selex đã tự nghiên cứu ra giải pháp thay pin tiện lợi bằng hệ thống pin do Selex tự sản xuất và đã được cấp bằng sáng chế, giúp rút ngắn thời gian sạc điện đáng kể.
Công nghệ độc quyền đó đã giúp Selex Motors thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tiềm năng. Gần đây, Selex đã huy động thành công 2,1 triệu đô la Mỹ trong vòng tài trợ hạt giống. Với số vốn này, Selex Motors dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất nhà máy, cải thiện năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), và thúc đẩy thêm nhiều sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, do nắm bắt được ở Việt Nam, xe máy được sử dụng trong khâu giao hàng tới tay người tiêu dùng (last-mile delivery) và nhu cầu giao nhận hiện nay đang bùng nổ rất mạnh, các sản phẩm của Selex được thiết kế phù hợp cho lĩnh vực giao vận (logistic). Hiện, Selex đang hợp tác với Viettel Post và Lazada Logistics nhằm ‘điện hoá’ phương tiện giao hàng và thiết lập các trạm thay/sạc pin.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm