Từ ‘Maison’ đến ‘Station’ - Tham vọng phủ chocolate lên bản đồ đô thị của Marou | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 12, 2021

Từ ‘Maison’ đến ‘Station’ - Tham vọng phủ chocolate lên bản đồ đô thị của Marou

Viết tiếp hành trình “bean to bar” từ Marou, Marou Station đã và đang tạo ra nhiều hơn chỉ một trải nghiệm chocolate hiện đại dành cho người tiêu dùng Việt Nam.
Từ ‘Maison’ đến ‘Station’ - Tham vọng phủ chocolate lên bản đồ đô thị của Marou

Nguồn: Marou

Trải qua 1 năm kể từ ngày khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thảo Điền Pearl (Quận 2, TP. HCM), Marou Station đã liên tục ra đời những “đứa con” tiếp theo tại các trung tâm thương mại lớn trên toàn thành phố như Crescent Mall (Quận 7), Gigamall (thành phố Thủ Đức), Takashimaya (Quận 1)

Không chỉ là các dấu mốc phát triển, sự mở rộng này còn khẳng định quá trình tiếp nhận, hưởng ứng các trải nghiệm thưởng thức chocolate năng động hơn của người Việt đối với các mô hình ‘trạm’ bán lẻ. Đồng thời, minh chứng cho bước đi táo bạo của thương hiệu Marou - từ “nhà” (Marou Maison) ra trung tâm thương mại, đã bước đầu đơm quả ngọt trong 1 năm đầu triển khai.

Dễ thấy, đằng sau mỗi thành công đều có những “chuyện chưa kể”, đó có thể là những bí quyết kinh doanh, những thách thức và cả tâm sự của những người dẫn dắt. Marou Station không là ngoại lệ.

Và những chuyện chưa kể của Marou Station đã được hiện lên khi nhìn vào từng mảnh tính cách của mô hình này.

Nguồn: Marou

Một Marou rất “mở”

Marou Station ra đời với định vị là mô hình tiếp cận rộng hơn, năng động hơn đối tượng khách hàng tại Việt Nam, không chỉ là những tín đồ chocolate mà còn là cả những người yêu thích những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thuận tiện hơn. Đặc trưng này đã khiến Marou Station có những thay đổi đáng kể với người tiền nhiệm Marou Maison.

Cụ thể, Marou Station chủ đích đem đến sự tiện lợi nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng của các sản phẩm - mà Marou gọi là các sáng tạo (creations). Vì vậy, thay vì tập trung khai thác những trải nghiệm “sống” như dây chuyền làm chocolate tại chỗ tại Marou Maison, Marou Station đầu tư nhiều hơn vào tối ưu trải nghiệm “di động” theo thiên hướng phục vụ nhu cầu mua take-away.

Đơn cử, ngoài các sản phẩm thanh chocolate chủ lực của Marou, Marou Station còn giới thiệu các thực đơn một số món mới dễ mang đi, phân loại thành hai nhóm chính là bánh ngọt và đặc biệt là thức uống.

Nguồn: Marou

Sở hữu hương vị hấp dẫn tương tự như khi dùng tại Marou Maison, những món ‘pastry’ tại Marou Station vẫn có điểm khác biệt khi được thiết kế khẩu phần nhỏ hơn nhằm tăng sự tiện lợi khi mang đi. Còn về phần thức uống, ngoài những sản phẩm lấy cảm hứng từ chocolate thường thấy như chocolate đá, kem tươi từ sữa và chocolate, milkshake với các vị khác nhau như chocolate, hoa đậu biếc, vani…, Marou Station còn bổ sung những món ‘flagship’ khác như Choco Crunch - thức uống kết hợp giữa kem, si-rô chocolate cùng với các toppings giòn rụm, được ví như “một món tráng miệng đã khát mùa hè”.

Đối với phần nội thất, bàn ghế của Marou Station được thiết kế và trưng bày nhỏ gọn để giống nhất với 1 trạm dừng chân cho các khách hàng khi đi tham quan tại các khu mua sắm.

Cuối cùng về không gian, một số các “trạm” được bổ sung các khu vực ngồi nhưng có giới hạn về số lượng chỗ và thiết kế với độ mở tối đa giúp khách hàng dễ dàng di chuyển ra vào giữa khu vực bán hàng và không gian trung tâm thương mại, siêu thị… Các cửa hàng Marou Station cũng chủ trương không dùng cửa chắn hoặc màn ngăn trong thiết kế ngoài cùng để giúp khách hàng tiếp cận với gian hàng dễ dàng hơn từ nhiều phía.

Nguồn Marou
Nguồn: Marou

Một Marou chuộng “xê dịch”

Những thay đổi kể trên (so với concept Marou Maison) dễ thấy là những nỗ lực hoàn thiện theo “chuẩn” concept ‘trạm’ của Marou Station. Nhưng hơn cả, còn là sự thích ứng của thương hiệu với nhu cầu của tệp khách hàng mới trên tinh thần “chủ nghĩa xê dịch” trong kinh doanh.

Theo đó, Marou Station hướng đến một hình ảnh trẻ trung, năng động hơn để tiếp cận với nhóm khách hàng trẻ hiện nay như millennial hay genZ. Dụng ý này đã được thể hiện trọn vẹn thông qua thiết kế nhận diện của các cửa hàng.

Chỉ có số ít những chi tiết đồng nhất với Maison Marou được Marou Station giữ lại để tạo tính liên kết về mặt thương hiệu. Bên cạnh đó, Marou Station cũng chọn đi theo phong cách thiết kế mang tính phá cách (playful) hơn lấy những gam màu rực rỡ làm chủ đạo.

Một điểm thú vị ở phong cách này là việc sử dụng tối đa những hình khối không đồng đều, đơn cử như trên phần khung trang trí màu đỏ hay các góc cạnh của quầy tính tiền… Theo chia sẻ của đại diện thương hiệu, những chi tiết này tương tự như các mảnh chocolate khi chúng ta bẻ ra ăn vậy.

Nguồn: Marou

Danh mục sản phẩm cũng là một át chủ bài giúp thể hiện cá tính của Marou Station. Tại Marou Station, khách hàng có thể tìm được mọi phiên bản, mọi sáng tạo từ chocolate - từ thức uống, kem, bonbon, thanh chocolate đến bánh ngọt hay nguyên liệu làm bánh. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như chưa có đơn vị nào khác tại Việt Nam có mô hình tương tự - chỉ tập trung vào chocolate, như Maison Marou và Marou Station.

Qua khảo sát từ Marou, các khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ khá thích thú với mô hình này, đặc biệt là những người đã từng đến thăm Maison Marou và nay họ đã có thể mua những sản phẩm chocolate ngay tại các khu mua sắm. Với một số khách hàng chưa biết đến Marou thì Marou Station đem đến cho họ một lựa chọn nữa bên cạnh các chuỗi về cafe, trà sữa vì các sản phẩm tại Marou Station đều được làm từ chocolate nguyên chất mà không nơi nào có được.

Một Marou dám “khác biệt”

Nhìn ra thế giới, những cửa hàng bán lẻ theo mô hình trạm như Marou Station cũng không quá phổ biến. Nói cách khác, Marou Station đang chọn cho mình một hướng đi độc đáo và khác biệt trên sân chơi kinh doanh chocolate.

Điển hình là ở các điểm bán lẻ chocolate truyền thống, khách hàng thường chỉ mua được các sản phẩm như thanh chocolate, sản phẩm nguyên liệu làm bánh từ chocolate chứ không thể mua được những sản phẩm bánh ngọt và thức uống làm tại chỗ như tại Marou Station.

Nguồn: Marou

“Đa phần các thương hiệu chocolate sản xuất sản phẩm tươi danh tiếng sẽ mở cafe hoặc cửa hàng ở những địa điểm trung tâm - thường là với diện tích lớn, để khách hàng có thể thăm quan và thưởng thức. Cách làm này tương tự như mô hình Maison Marou. Còn với cách thức có các sản phẩm chocolate bán mang đi như Marou Station thì không nhiều; đây cũng chính là nét độc đáo của Marou Station khi những người yêu thích Marou có thể thuận tiện mua sắm” - đại diện Marou cho biết thêm.

Nguồn: Marou

Ngoài ra, một số điều thú vị làm nên cá tính của concept Marou Station cũng đã được đại diện Marou “chỉ điểm”:

  • Chỉ ở Marou Station mới có kem tươi (soft serve ice cream) được làm hoàn toàn từ nguyên liệu cao cấp & chocolate nguyên chất Marou
  • Những sản phẩm bánh tại Marou Station là những món được ưa chuộng tại Maison Marou, nhưng với khẩu phần nhỏ hơn thích hợp cho take-away
  • Toppings các món nước chocolate, milkshake (kem sữa lắc) hay kem miễn phí
  • Toàn bộ bao bì tại Marou Station như hộp bánh, ly nước mang đi đều được làm từ nguyên liệu tái chế được, thân thiện với môi trường nhưng vẫn giữ được thành phẩm bên trong.
  • Thiết kế tiện lợi, giản đơn nhưng vẫn nổi bật bởi logo màu cam đỏ, với vài chỗ ngồi tương tự như 1 trạm dừng chân.

Một Marou giữ “chữ Tín” hương vị

Marou Station thành công là thế nhưng vẫn còn đó nhiều tiêu chí cần phải hoàn thiện xuyên suốt. Cụ thể là việc đáp lại câu hỏi “Làm thế nào để truyền tải trọn vẹn trải nghiệm bean-to-bar ở một station với quy mô nhỏ hơn Marou Maison?”

Câu trả lời được tìm thấy ở chất lượng sản phẩm.

Dù quy mô nhỏ với số lượng sản phẩm hạn chế hơn, nhưng Marou Station vẫn cam kết chất lượng không thay đổi so với khi bạn mua ở Maison Marou. Điều này làm được là vì mọi sản phẩm được chế biến tại bếp Maison Marou và đưa đến các station mỗi ngày.

Bằng cách luôn quan sát sở thích khách hàng, cải tiến công thức và cho ra mắt các món và sản phẩm mới, Marou luôn cố gắng để trở nên tinh tế hơn trong việc đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đó là cả một sự nỗ lực của tập thể Marou và nhất là toàn bộ đội ngũ làm việc tại bếp của Maison Marou, lãnh đạo bởi Bếp trưởng Stéphanie Aubriot - người có hơn 20 năm kinh nghiệm sáng tạo bánh ngọt và chocolate, đã từng giữ chức Bếp trưởng Pastry tại Nhà hàng La Maison 1888 thuộc khách sạn Intercontinental Đà Nẵng và làm việc với đầu bếp đạt 3 sao Michelin Michel Roux.

Nguồn: Marou

Marou thông qua Marou Station, mong muốn mang đến nhiều sáng tạo chocolate hơn đến với khách hàng Việt Nam, đồng thời thuyết phục nhiều người Việt thưởng thức những sản phẩm được làm từ chính hạt cacao trồng tại Việt Nam đã được chứng nhận bởi các chuyên gia quốc tế.

Theo lộ trình phát triển, Marou Station dự kiến không chỉ mở rộng ở TP. HCM mà còn các tỉnh thành khác, cũng như xuất hiện tại các sân bay. Nếu điều kiện thuận lợi, các kế hoạch vươn ra thị trường châu Á cũng đã được Marou tính đến trong tương lai gần.