COVID-19 là ngày tàn hay chương mới của thời trang?

Vài năm trở lại đây, các xung đột chính trị đã trở thành “ông kẹ” đối với ngành công nghiệp thời trang: từ Brexit, biểu tình tại Pháp, cho đến hệ thống thuế quan Trump áp dụng với hàng hóa EU. Trong một bước chuyển biến bất ngờ, ngành thời trang thế giới lại hứng thêm một “cú đấm” mang tên “COVID-19”. Như bao nhiêu lĩnh vực khác, cục diện thời trang thế giới đang trải qua giai đoạn đình […]
Hang Nguyen
COVID-19 là ngày tàn hay chương mới của thời trang?

COVID-19 là ngày tàn hay chương mới của thời trang?

Vài năm trở lại đây, các xung đột chính trị đã trở thành “ông kẹ” đối với ngành công nghiệp thời trang: từ Brexit, biểu tình tại Pháp, cho đến hệ thống thuế quan Trump áp dụng với hàng hóa EU. Trong một bước chuyển biến bất ngờ, ngành thời trang thế giới lại hứng thêm một “cú đấm” mang tên “COVID-19”.

Như bao nhiêu lĩnh vực khác, cục diện thời trang thế giới đang trải qua giai đoạn đình trệ liên tục trong nhiều tháng.

Công xưởng của thế giới điêu đứng

Theo đánh giá thống kê thương mại thế giới, năm 2018 Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong ngành may mặc với 118,5 tỷ đô la hàng dệt và 157,8 tỷ đô la quần áo xuất khẩu. Không chỉ là nhà sản xuất bông, vải và lụa lớn, họ còn gia công mọi thứ như giầy dép, áo khoác, đồ bơi và ti tỉ sản phẩm cho… gần như tất cả các thương hiệu thời trang lớn nhỏ mà bạn có thể nhớ mặt gọi tên.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh, một loạt nhà máy trên khắp 20 tỉnh thành phố bị yêu cầu ngưng sản xuất, gần 300 triệu lao động Trung Quốc không thể đi làm và các đường giao thương với Trung Quốc bị chặn. Như một hệ quả, chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại nước này.

Trong một chia sẻ với South China Morning Post, Gerhard Flatz, Giám đốc Điều hành của KTC, nhà sản xuất đồ thể thao cao cấp tại Trung Quốc, cho biết toàn bộ thương hiệu và thậm chí nhà máy đang gặp nguy hiểm. Nhà máy của ông đặt ở Quảng Đông, chuyên sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu may mặc châu Âu như Engelbert Straus và Mammut, đã phải đóng cửa từ Tết âm lịch.

Chính phủ Trung Quốc đưa ra luật các nhà máy muốn mở lại phải có một kho dự trữ mặt nạ hai lớp cho công nhân mỗi ngày. Không may, nói dễ hơn làm, vì nhà máy sản xuất mặt nạ lớn nhất Trung Quốc đặt tại Vũ Hán.

“Dịch bệnh tác động lớn đến ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, không chỉ ở Trung Quốc. Nó khiến chúng tôi bị tổn thất nặng nề và có thể dẫn đến việc đóng cửa nhà máy vĩnh viễn.”–Ông Flatz chia sẻ từ Áo, nơi ông đang ở để tránh dịch bệnh tại Trung Quốc.

Người làm thời trang đứng ngồi không yên

Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc không chỉ là nguồn cung ứng vật liệu và sản xuất hàng hóa cho rất nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu, mà còn là nơi tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới. Phần lớn các thương hiệu thời trang thế giới còn dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo Ngân hàng đầu từ Jefferies ước tính, năm 2019, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi khoảng 305 triệu USD cho các món đồ xa xỉ (thời trang, đồng hồ và trang sức), chiếm đến 40% tổng số giao dịch hàng xa xỉ trên toàn cầu.

Các thương hiệu thời trang đã phải liên tục đóng cửa hàng của mình trên khắp Đại lục trước diễn biến ngày càng tăng của đại dịch. Capri Holdings, chủ sở hữu Michael Kors, Versace và Jimmy Choo, cho biết 150 cửa hàng của hãng tại Trung Quốc Đại lục đã đóng cửa. Burberry cũng đã đóng cửa 24 trong số 64 cửa hàng của mình trên Đại lục, UNIQLO là hơn 300 cửa hàng.

Phòng Thời trang Quốc gia Ý ước tính xuất khẩu Ý giảm ít nhất 100 triệu euro trong quý đầu tiên của năm và 230 triệu nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài–đấy là nếu suy nghĩ lạc quan. Burberry tuyên bố thiệt hại gây ra bởi đại dịch còn lớn hơn thiệt hại gây ra bởi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đợt vừa qua.

Dù đã được lên kế hoạch và chuẩn bị từ lâu, một thương hiệu có bộ sưu tập trình diễn tại tuần lễ thời trang Milan và Paris chấp nhận huỷ show. Thay vào đó show diễn được thực hiện trong nhà và trình chiếu qua livestream. Tiếp đến là hàng loạt các tuần lễ thời trang tại châu Á như Shanghai Fashion Week, China Fashion Week, Tokyo Fashion Week và Seoul Fashion Week cũng phải huỷ.

View this post on Instagram
With love, Your Nike Family
A post shared by nike (@nike) on Mar 15, 2020 at 12:00pm PDT

Tại Mỹ, sau khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc gia do COVID-19 ngày 13/03/2020, hàng loạt các nhà bán lẻ thời trang và mỹ phẩm đã phải đóng cửa cửa hàng của mình.

Quyết định nhanh chóng này là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch, tuy nhiên, cũng dấy lên nhiều trăn trở: Tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ? Các nhân viên bán lẻ có được trả lương hay không? Và liệu họ có trở thành thất nghiệp?

Không chỉ riêng tại Mỹ, các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đều đối mặt với những quyết định khó khăn–hoặc là đóng cửa hoàn toàn, tuân thủ khuyến nghị cách ly xã hội; hoặc là vẫn mở cửa, những cắt giảm giờ hoạt động…

Đại dịch dạy cho chúng ta điều gì?

Chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ khiến cho một loạt thương hiệu buộc phải rời bỏ Trung Quốc, dịch chuyển dây chuyền sản xuất của mình đến các quốc gia khác, như Việt Nam, Balangdesh, Campuchia,… Nhưng dù có rời nhà máy sang nơi khác, các thương hiệu này cũng không trách được hệ quả từ đại dịch, bởi Việt Nam và Campuchia phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ Trung Quốc.

Theo ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất tới đầu tháng 3, vì thế, khả năng phải dừng sản xuất là rất lớn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may phải để cho công nhân nghỉ luân phiên. Và nhiều nhà máy của Việt Nam được điều hành bởi người Trung Quốc, những người đang bị mắc kẹt bên kia biên giới.

Có thật sự cần những tuần lễ thời trang nữa hay không?

Một tuần trước khi phát hiện “bệnh nhân số 0” của ngành thời trang, các tuần lễ thời trang Milan Fashion Week và Paris Fashion Week vẫn diễn ra đúng như lịch trình, mặc dù có rất nhiều cảnh báo về diễn biến phức tạp của COVID-19.

“Bệnh nhân số 0” là giọt nước tràn ly của một hệ thống thời trang mà bấy lâu nay chúng ta vẫn tự hỏi có còn cần thiết nữa hay không? Việc di chuyển nửa vòng trái đất và tề tựu rốt cuộc mang lại giá trị gì? Hay chỉ đơn thuần là để trưng bày sự giàu có và sự vô tâm–với môi trường, với dịch bệnh, với cộng đồng? Nhưng thôi, để dành những câu hỏi lớn này cho một bài viết tường tận hơn.

Thật trớ trêu ngày con người hứng chịu đại dịch là lúc trái đất được thở

“Đại dịch gây ra sự suy thoái toàn cầu với quy mô lớn chưa từng có,” nhà dự đoán xu hướng Li Edelkoort trả lời Dezeen, “nhưng nó [đại dịch] cũng là dịp để nhân loại nhìn lại xem bấy lâu nay mình đang theo đuổi giá trị gì. Gián đoạn kinh tế cũng mang lại những lợi ích cho môi trường.”

“Các bức ảnh được chụp gần đây cho thấy không khí tại Trung Quốc sạch hơn trong hai tháng vừa qua, do ngừng sản xuất vì đại dịch, và con người lại được hít thở đúng nghĩa. Điều này cho chúng ta thấy việc giảm tốc độ sản xuất, tiêu thụ, và du lịch mang đến lợi ích to lớn như thế nào cho môi trường.”

“Vì thế, nếu như thật sự khôn ngoan — thứ mà đáng buồn thay bây giờ chúng ta mới nhận ra chúng ta chưa có, chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu với những quy luật mới, cho phép các quốc gia trở lại làm những gì mà họ biết rõ nhất và làm giỏi nhất (knowhow), giới thiệu đến thế giới những nền công nghiệp trong nước (cottage industries) tôn vinh giá trị của người thợ thủ công. Bởi đại dịch corona tặng chúng ta một trang giấy trắng để viết nên một khởi đầu mới.”

Bài viết được bình dịch bởi Nguyễn Thu Hằng, từ các bài viết của tại tại .

Ảnh bìa: The New York Times.

Xem thêm:

[Bài viết] Xu hướng thời trang Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 4 chuyên gia

[Bài viết] Chút Chuyện Chill: Làng thời trang lần lượt đóng cửa hàng, đi quyên góp, sản xuất khẩu trang vải và nước rửa tay


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục