Đào, Phở và Piano đại diện Việt Nam dự thi sơ tuyển Oscar 2025

“Hiện tượng phòng vé” những ngày Tết đã xuất sắc vượt qua Mai của Trấn Thành và hai tác phẩm khác để trở thành đại diện cho điện ảnh Việt Nam.
Tuấn Anh
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 25/9, bộ phim Đào, Phở và Piano đã chính thức được lựa chọn là tác phẩm của Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển hạng mục Phim quốc tế tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 97.

Tác phẩm mang chủ đề chiến tranh - lãng mạn của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã vượt qua 3 bộ phim khác được gửi đến Cục Điện ảnh bao gồm Mai (đạo diễn Trấn Thành), Cái Giá Của Hạnh Phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm), và Lật Mặt 7: Một Điều Ước (đạo diễn Lý Hải).

Đào, Phở và Piano là một bộ phim được nhà nước đặt hàng sản xuất. Bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm của trận Hà Nội đông xuân 1946-1947, và xoay quanh câu chuyện tình của một anh chiến sĩ Vệ quốc quân và cô tiểu thư Hà thành.

Đào, Phở và Piano từng là “hiện tượng” điện ảnh dịp Tết Nguyên đán 2025, thu về hơn 20 tỷ đồng dù chỉ được chiếu tại duy nhất Rạp chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Bộ phim sau đó trở thành chủ nhân của giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh Diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam.

2. Việt Nam đã có thành tích gì tại “đấu trường” Oscar?

Với thông báo chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đào, Phở và Piano đã trở thành bộ phim thứ 21 của Việt Nam được gửi tham dự vòng sơ tuyển Oscar dành cho Phim quốc tế, nối tiếp Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Tác phẩm điện ảnh đầu tiên được Việt Nam gửi đi tranh giải này là bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh. Cho tới thời điểm này, tác phẩm của đạo diễn Trần Anh Hùng vẫn là bộ phim duy nhất của Việt Nam đã vượt qua vòng danh sách rút gọn, và được đề cử tại Lễ trao giải Oscar năm 1993.

Trước Đào, Phở và Piano, một số bộ phim được sản xuất bởi các hãng phim quốc doanh của Việt Nam từng được lựa chọn đại diện cho đất nước dự sơ tuyển Oscar. Một số ví dụ bao gồm Vua Bãi Rác (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) và Mùi Cỏ Cháy (Nguyễn Hữu Mười) - được sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam; Áo Lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh) và Mùa Len Trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) - được sản xuất bởi hãng phim Giải Phóng.

Tuy nhiên, việc một bộ phim nhà nước đặt hàng được gửi đi tranh giải là điều chưa từng có tiền lệ.

3. Đường đua Oscar Phim quốc tế 2025 có gì đáng chú ý?

Bắt đầu từ ngày 2/10 (ngày chốt hạn nộp phim sơ tuyển của Viện Hàn lâm Mỹ), Đào, Phở và Piano sẽ cạnh tranh với 73 đến 89 bộ phim từ các quốc gia trên thế giới. “Đường đua” Oscar Phim quốc tế năm nay được xem là khắc nghiệt, với mặt bằng chung của các đại diện toàn cầu được đánh giá cao.

Hiện tại, bộ phim đang dành được nhiều sự chú ý nhất, được dự đoán là ứng cử viên nặng ký không chỉ ở hạng mục Phim nước ngoài mà đồng thời Phim xuất sắc nhất của năm là Emilia Pérez - đại diện của nước Pháp.

Bộ phim thể loại tội phạm - nhạc kịch của đạo diễn Jacques Audiard, xoay quanh hành trình chuyển giới của một ông trùm băng đảng ma túy Mexico, là chủ nhân của giải thưởng danh giá “Prix du Jury” (Giải của Ban Giám khảo) tại LHP Cannes năm nay.

Một bộ phim khác được đánh giá cao là Kneecap (đạo diễn bởi Rich Peppiatt) - đại diện của Ireland. Tác phẩm thuộc thể loại hài - chính kịch kể về sự thành lập của nhóm nhạc hip-hop Kneecap, với ba thành viên của nhóm tự thủ vai chính mình trên màn ảnh.

Một số bộ phim đáng chú ý khác bao gồm:

  • 12.12: The Day (Hàn Quốc)
  • Flow (Latvia)
  • From Ground Zero (Palestine)
  • I’m Still Here (Brazil)
  • Memories of a Burning Body (Costa Rica)
  • The Girl with the Needle (Đan Mạch)
  • The Seed of a Sacred Fig (Đức)
  • Universal Language (Canada)
  • Waves (Cộng Hòa Séc)
  • Yana-Wara (Peru)

15 bộ phim lọt vào danh sách rút gọn của Oscar sẽ được công bố vào ngày 17/12. Sau đó, Viện Hàn lâm Mỹ sẽ chính thức đề cử 5 tác phẩm xuất sắc nhất vào ngày 17/1/2025.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục