Datmaniac: "Ra đời, làm gì mà không thể về kể với mẹ, thì đừng làm"
Là "ma tốc độ" rap nhanh đến mức huyền thoại của làng rap Việt, từng tham dự nhiều chương trình hip-hop lớn tại Việt Nam và thế giới, luôn xuất hiện với vẻ ngoài "hầm hố", vậy mà ẩn sâu trong Datmaniac là một anh chàng vô cùng giàu tình cảm.
Không nhiều người trong chúng ta khi lớn lên có thể luôn giữ hòa khí với gia đình, nhưng mối quan hệ giữa Datmaniac cùng Má Năm lại là mối quan hệ mẹ-con trọn vẹn trong truyền thuyết. Họ kể với nhau mọi thứ, và chưa từng phải giấu nhau bất kỳ điều gì. Bởi yêu thương, với họ, là chia sẻ.
Và hành trình này, Đạt đang đồng hành và chuẩn bị hành trang để mẹ có thể dựa vào.
Kỷ niệm với mẹ mà Đạt nhớ nhất?
Đạt: Hồi xưa mình mê chơi game nên có lần lén lấy tiền nhà để chơi. Giữa chừng mẹ phát hiện, không nói gì mà im lặng đi vào nhà lấy… con dao với cái thớt ra. Cô hàng xóm nhìn vào hỏi, mẹ bảo là “Nó lấy tiền, giờ mình nên chặt ngón nào của nó đây?”. Cô nói là ngón út, mẹ cũng ừ luôn.
Thời ấy sợ lắm, nhưng sau này lớn lên mới hiểu rằng đó là cách yêu thương độc nhất của mẹ. Ba mất sớm, nên mẹ đóng nhiều vai trò: là ba, là bạn thân, là mẹ nữa. Mẹ dùng ngôn ngữ của riêng mình để nhắc nhở đứa con trai cái gì nên và không nên làm.
Đạt có bao giờ khóc với mẹ không?
Má Năm: Có đúng một lần, lúc Đạt đi sinh hoạt đội nhóm ở công viên xong bị mất chiếc xe đạp. Chiếc xe đó nó quý lắm, cưng như cưng trứng. Xe bị xước nó còn về nhà lấy băng cá nhân dán lên xe. Hôm xe mất, Đạt im suốt quãng đường về nhà, tới lúc thấy cô mới òa lên khóc.
Sau này lớn lên, Đạt không bao giờ khóc trước mặt cô như vậy nữa.
Đạt lúc bé với khi đã trưởng thành khác nhau như thế nào?
Đạt: Hồi 7, 8 năm trước, mình lúc nào cũng tìm đến mẹ để nhờ giải đáp những rối ren trong lòng. Lâu dần, mọi chuyện lặp lại, và từ mẹ, mình có công thức để giải quyết mọi vấn đề.
Nhưng giờ thì mình không tìm đến mẹ để nói về sự hoang mang của bản thân nữa. Mình hiểu rằng đã đến lúc trở thành người quan tâm, hỏi han, để mẹ kể ra câu chuyện của mẹ nhiều hơn. Mình biến mẹ thành người 'nói nhiều', còn bản thân học cách lắng nghe nhiều hơn.
Ngôn ngữ yêu thương của con trai có đôi khi sẽ không rõ ràng được như con gái. Có bao giờ Má Năm bị...bất ngờ chưa?
Má Năm: Lúc hai đứa nó phát hiện tập thơ của cô. Tụi nó đọc, khen hay. Rồi một đứa kêu là “Để con dàn trang, thiết kế cho nó đẹp, gửi nhà xuất bản người ta mới thích”.
Khi nhà xuất bản liên hệ, người ta có hỏi ai thiết kế cho cô vậy. Cô kêu thằng con tui ở nhà. Người ta bảo nhìn là biết người không chuyên nghiệp, nhưng làm chỉn chu, kỹ lưỡng lắm.
Đạt không khi nào nói thẳng là thương cô. Nhưng mỗi lần nó đi về mà biết cô ở trong phòng là gõ cửa, mẹ mở cửa ra là ôm lấy mẹ. Mình được ôm cũng như được tiếp thêm sức lực mà. Show nào diễn, Đạt cũng mong cô tham gia cho khuây khỏa, nó bảo: “Con được ở trên sân khấu, diễn cái con thích mà nghĩ tới mẹ nằm một mình buồn hiu ở nhà, con cũng buồn theo."
Ngày xưa nó đi thi, cô cũng không biết rõ nó thi cái gì, chỉ biết Đạt đang tỏa sáng trên sân khấu và muốn mẹ tới chung vui, thưởng thức thành quả nó làm, nên cô tới.
Đạt: Bài thơ nào mẹ viết mình cũng đọc, cả mới cả cũ, còn đọc nhiều lần. Mình biết được một phần góc nhìn của mẹ về cuộc sống và cảm xúc của mẹ trong chữ mẹ viết. Chắc lúc nào phải thử...Rap thơ mẹ viết xem sao (cười).
Rapper - một nghề vẫn hay nhận phản ứng tiêu cực từ phụ huynh, trước khi phổ biến như hiện tại, chuyện này có là trở ngại gì không?
Má Năm: Hồi đó cô không nghĩ rap là một nghề. Đạt thể hiện niềm yêu thích và kiên trì rất rõ, nên cô cũng không ý kiến gì. Cô nuôi nó như trồng một cái cây. Việc của cô là tưới nước, thấy nhánh nào vô bổ thì ngắt bỏ đi, còn muốn lớn lên thành cây gì là quyết định của con, mình không can thiệp được.
Đạt: Thời mình mới tập rap thì giới rapper vẫn còn khá đơn sơ. Rất nhiều bài rap diss xuất hiện lúc ấy, mà còn bằng tiếng Việt, đương nhiên mẹ nghe là hiểu rồi. Mình không giấu mẹ bất kỳ thứ gì, vẫn tập và sinh hoạt tự nhiên. Mẹ nghe chỉ hỏi là sao lại chửi um sùm vậy, rồi thôi.
Đến giờ mình vẫn nghĩ, từ ngày ấy, việc mẹ không cấm đoán con đường mình chọn, đã luôn là may mắn của mình.
Má Năm thích Đạt ở trên sân khấu hay ở ngoài đời?
Má Năm: Câu này khó quá. Con mình, lúc nào mà mình không thích. Nó là số một mà!
Má Năm và Đạt đã xây dựng cho mình một mối quan hệ rất bền chặt. Hai người có thể chia sẻ bí kíp tránh xung đột cho những người con và ba mẹ ngoài kia không?
Má Năm: Trên hành trình học yêu cần sự tương tác của cả ba mẹ lẫn con cái. Ba mẹ có thể là người dẫn đường, nhưng con cái cũng cần có phương pháp mới để gần gũi, thấu hiểu ba mẹ mình hơn.
Chẳng hạn như khi tụi con đam mê điều gì, cứ thử sức mình chứ đừng vội tranh cãi với ba mẹ. Đôi khi đó là thứ mình thích chứ chưa hẳn mình có khả năng. Cứ từ từ, khi mình có biểu hiện một chút gì gọi là thành công là đủ thuyết phục phụ huynh chấp nhận. Ba mẹ mà, chỉ muốn con có cuộc đời an lòng thôi.
Đạt: Phải nhìn vào mình, phải với bản thân. Hiểu được mình là bước đầu tiên, sau đó, phải bày tỏ điều đó ra cho ba mẹ hiểu. Việc nói ra lúc đầu ai cũng tưởng khó, nhưng nói được thì sẽ dễ dàng hơn nhiều lắm.
Có điểm gì hai người vẫn chưa hài lòng về nhau?
Má Năm: Chuyện tình cảm của con, giục nó cưới xin đi, mà bị nhằn lại là “Mẹ lo chuyện này làm chi, để con lo.”
Đạt: Mẹ hay đi xem mình diễn, mọi nơi mọi lúc, có lần thuê nguyên cái xe để họ hàng và đám em đi cùng. Thi thoảng diễn trên sân khấu nhìn xuống mẹ giữa biển người, mình hơi lo, vì lỡ có ai xô đẩy gì vào mẹ…
Có một điểm nào đến bây giờ hai người vẫn chưa thống nhất được?
Má Năm: Đạt nhắc vụ ở riêng vài lần, nhưng cô nghĩ, cái nhà to thế này ở không hết, sao phải ra riêng?
Đạt: Khi mình nhắc chuyện ra riêng, không phải là sống tách rời với mẹ- vì mình thực lòng muốn ở gần mẹ. Nhưng cuộc sống sáng tác của người nghệ sĩ cần không gian độc lập- đây là ý của mình muốn làm trong tương lai. Có thể mẹ chưa yên tâm lắm, nhưng mình có cách!
Lời khuyên quan trọng nhất của mẹ với Đạt?
Đạt: “Con ra đời, làm cái gì mà không thể về kể với mẹ, thì đừng làm”. Mỗi lần muốn dấn thân vào điều gì, trong mình luôn vang lên câu nói đó. Nó là hành trang quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành và theo đuổi đam mê.
“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu từ Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.