Deinfluence: Khi trào lưu chống tiêu thụ hàng hóa trở thành công cụ bán hàng
1. Deinfluence là gì?
Deinfluence là một trào lưu mạng xã hội khuyến khích chúng ta giảm bớt việc mua sắm và tiêu thụ vật chất. Ở khởi điểm, nhiều người coi deinfluence là đối trọng của nền kinh tế influencer.
Họ cũng mong trào lưu này có thể giáo dục người dùng mạng xã hội về những cách mà các nền tảng truyền thông đang bắt tay cùng nhãn hàng và người có sức ảnh hưởng để thúc đẩy một văn hóa tiêu dùng không lành mạnh dựa trên sự thừa mứa.
Bạn có thể bắt gặp một cách định nghĩa khác của deinfluence. Đó là việc các influencer “phản ánh những điểm còn hạn chế của một sản phẩm hay dịch vụ và đưa ra kết luận là mọi người không nên mua sản phẩm/dịch vụ đó.” Sau đó họ “có thể đề xuất một số lựa chọn thay thế khác có giá thành lý tưởng hơn hoặc sở hữu nhiều ưu điểm hơn.”
Nếu đọc kỹ, ta thấy rằng hai định nghĩa này gần như trái ngược nhau. Định nghĩa thứ hai là một sự thay đổi triệt để so với định nghĩa ban đầu. Điều này xảy ra khi deinfluence thực sự trở thành một trào lưu, và cùng thời điểm đó, trở thành công cụ bán hàng của các influencer.
2. Nguồn gốc của deinfluence?
Giống như mọi trào lưu khác trong thế giới internet bé nhỏ, deinfluence khởi nguồn từ TikTok. Tới nay, hashtag #deinfluencing đã có tổng hơn một tỉ lượt tiếp cận. Trên Instagram, có gần 7000 video có gắn hashtag này.
Ý tưởng về một trào lưu khuyến khích người ta ngưng mua sắm và tiêu thụ có lẽ xuất phát từ hai lý do. Lý do đầu tiên, cũng là lý do trực tiếp, tới từ khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn của thị trường hàng hóa tiêu dùng do những tác động tiêu cực của chiến tranh và tranh chấp chính trị, kinh tế.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gián tiếp là điều mà ai cũng thấy (dù không phải ai cũng ý thức được): sự lũng đoạn của quảng cáo, sức ảnh hưởng của các influencer lên giới trẻ, và sự thừa mứa hàng hóa trong đời sống hiện đại. Deinfluence giảm việc tiêu thụ hàng hóa và tài sản quá mức.
Từ khởi điểm đó, trào lưu deinfluence muốn loại bỏ những tác động tiêu cực của quảng cáo và nền kinh tế influencer lên sức khỏe tinh thần, thói quen tiêu dùng, và nhận thức của những người tiêu dùng lẫn chính bản thân các influencer.
Nó cũng chỉ ra rằng việc mua sắm và tiêu dùng thừa mứa có thể gây hại về lâu dài, và trong một số trường hợp còn thiếu đạo đức - không thể không nghĩ tới thời trang nhanh như một ví dụ.
3. Tại sao deinfluence lại phổ biến?
Mang mục đích mang tính giáo dục nhận thức và thay đổi hành vi, deinfluence lại nổi tiếng chính vì thứ mà nó chống lại: sự tiêu dùng và việc bán hàng thông qua người có ảnh hưởng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, các video gắn mác deinfluence và hashtag #deinfluencing không còn nói về cái hại của tiêu thụ ồ ạt, mà biến thành một hình thức bán hàng khác.
Giống như định nghĩa thứ hai mà chúng tôi đã nêu trên, người sáng tạo nội dung sẽ chỉ ra những điểm chưa tốt của một mặt hàng và giới thiệu những lựa chọn thay thế. Từ một cách tiếp cận có tính giáo dục, deinfluence trở thành một kiểu review sản phẩm và bán hàng.
Điều này đáng buồn, nhưng không đáng ngạc nhiên. Trong những tháng vừa qua, TikTok đã đẩy mạnh tính năng TikTok Shop, kéo theo đó là hệ thống quảng cáo cài cắm ở cả trong video mà ta xem, lẫn trong những tương tác khác với nền tảng. Với định hướng ấy, deinfluence từ việc chống tiêu thụ thành tiêu thụ đội lốt, từ giải-influence thành influence trá hình.
Trong tương lai, sẽ có nhiều trào lưu tương tự như deinfluence: khởi đầu với mục đích tốt chống lại hệ thống tiêu dùng, sau đó lại trở thành công cụ của hệ thống. Và khó mà có thể tưởng tượng được ngày tàn của nền kinh tế influencer - một nền kinh tế kiếm tiền nhờ việc biến căn tính con người thành hàng hóa, và đem căn tính ra để nhử bạn bấm vào nút “mua ngay.”
4. Cách dùng deinfluence
Tiếng Anh:
A: Since when did deinfluencing became a sales trend? Isn’t it supposed to educate people on consumerism?
B: What can I say? It became the very thing it swore to destroy.
Tiếng Việt:
A: Sao trào lưu chống ảnh hưởng lại trở thành chiêu trò bán hàng vậy? Đúng ra nó phải giáo dục người ta về chủ nghĩa tiêu thụ chứ?
B: Biết nói sao đây? Nó đã trở thành chính thứ mà nó chống lại.