Hồng Kông: Vẻ đẹp bất hủ của điện ảnh Châu Á
Hồng Kông, hay thân thuộc hơn với tên gọi Hương Cảng – là địa danh quen thuộc với bao khán giả thế hệ 7X, 8X những năm 89, 90 của thế kỷ trước. Cho dù chưa đặt chân đến đây đi nữa, những con phố nhộn nhịp lấp lánh ánh đèn neon ở khu Cửu Long, Vượng Giác; khu trung tâm tài chính Trung Hoàn lộng lẫy, khu phố ăn chơi Lan Quế Phường nô nức hay làng chài ở Đại Áo, Vịnh Nhỏ như chốn ẩn mình bình yên… đã trở nên quen thuộc bởi chúng đã xuất hiện không biết bao lần trong những bộ phim kinh điển của Hồng Kông thuở ấy.
Như một câu thoại trong 2046 của Vương Gia Vệ, “ký ức nào cũng là những dòng lệ rơi” – nhớ về điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim, là nhớ về những năm tháng tuổi trẻ ngây ngô, hoang dại và thuần khiết, không bao giờ tìm lại được nữa.
Có lẽ những gì mà người Hồng Kông tạo ra thời đó đã mang một giá trị bất hủ, vì đến tận bây giờ, ta vẫn có thể tìm thấy dấu ấn thẩm mỹ của nền điện ảnh - văn hóa Hồng Kông trong những dự án mới của các bạn trẻ Việt Nam.
Ăn cùng phim Hồng Kông, ngủ cùng phim Hồng Kông
Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước là giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông và là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ những năm 90s. Đám thanh niên Việt Nam choai choai thời đó, ai mà không có một thần tượng Hồng Kông cho riêng mình?
Ai mê phim xã hội đen thì nhất định Châu Nhuận Phát với chiếc kính đen, mồm ngậm tăm, mặc áo choàng và vãi đạn như trấu vào kẻ thù trở thành hình tượng người hùng bất tử. Lưu Đức Hoa và Lương Triều Vỹ, Trương Quốc Vinh, Lương Gia Huy…; Trương Mạn Ngọc, Vương Tổ Hiền, Chung Sở Hồng là những cái tên tài tử giai nhân gắn trên đầu môi… Ai thích hài, thì quên làm sao được giọng lồng tiếng của Vân Sơn cho những nhân vật cà rỡn của Châu Tinh Trì?
Họ đích thị là những “trai anh hùng, gái thuyền quyên” không chỉ hiển hiện trên chiếc màn hình TV 14 inch kết nối với đầu video mà còn đi vào từng giấc mộng mị.
Những năm tháng ăn cùng phim Hồng Kông, ngủ cùng phim Hồng Kông ấy cho chúng tôi biết thế nào là tình yêu thần tượng; là “thương thầm trộm nhớ” một ngôi sao ở đẩu ở đâu chỉ tồn tại trên màn hình, mà sao thấy họ thân thuộc gần gũi đến thế.
Những địa danh ở Hồng Kông, mặc dù chưa một lần được đặt chân đến, vẫn thuộc nằm lòng vì chúng xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong những bộ phim dài tập hay phim lẻ, từ bán đảo Cửu Long (Kowloon) đến khu Vượng Giác (Mongkok), từ Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) đến Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po), từ Trung Hoàn (Central) đến Xích Trụ (Stanley) cho đến những vùng hẻo lánh yên bình hơn, từ Vịnh Nhỏ (Wanchai) đến Đại Áo (Tai O)…
Ngày nay, du khách Việt Nam vẫn thường ghé thăm Đại lộ ngôi sao, nơi vinh danh những ngôi sao của nền nghệ thuật Hồng Kông; hay khu hành chính thuộc Tây Cửu Long từng xuất hiện rất nhiều trên màn ảnh; và không thể không nhắc tới Lan Quế Phường, khu ăn chơi khét tiếng của giới trẻ Hồng Kông, thể hiện qua ba phần của loạt phim erotic lấy tên địa danh này làm tên phim.
Sau này làm nghề báo, lang thang sang Hồng Kông không biết bao nhiêu lần, cứ mỗi lần đặt chân đến một địa danh quen thuộc nào đó, tôi lại ồ lên, “chỗ này xuất hiện trong phim này, phim kia.”
Vượng Giác kìa – trong Vượng Giác Ca Môn đầu tay của Vương Gia Vệ, nơi A Nga (Trương Mạn Ngọc) chia tay Hoa (Lưu Đức Hoa) lần cuối. Và trong mắt cô, ta linh cảm được rằng có lẽ anh sẽ không bao giờ quay trở lại.
Dù không còn hoàng kim như xưa, nhưng một tin đáng mừng cho điện ảnh Hồng Kông hiện đại là Better Days (Em của ngày hôm qua), của đạo diễn trẻ Derek Tsang (Tăng Quốc Cường) đã lọt vào top 5 Phim quốc tế hay nhất của giải Oscar 2021.
Tăng Quốc Cường là con trai của Tăng Chí Vỹ, ngôi sao kỳ cựu của điện ảnh Hồng Kông, được xem là sự kế thừa những di sản của cha và điện ảnh Hồng Kông trong quá khứ.
Ký ức nào cũng là những dòng lệ rơi
Điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim, phát triển rực rỡ trong suốt hai thập niên 80, 90 của thế kỷ trước có lẽ phần nào khá xa lạ với giới trẻ 9X, 10X bây giờ. Nhưng các bạn có thể so sánh giai đoạn hoàng kim đó của Hồng Kông với điện ảnh Hàn Quốc trong 2 thập niên gần đây.
Đó là giai đoạn trăm hoa đua nở, biến Hồng Kông trở thành kinh đô điện ảnh ở châu Á, nơi sản xuất phim nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Hollywood của Mỹ và Bollywood của Ấn Độ. Đó là giai đoạn mà Hồng Kông tạo dựng được một thế hệ những nhà làm phim tài hoa với tư duy thẩm mỹ không thể trộn lẫn trong ngôn ngữ kể chuyện, như Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Hứa An Hoa, Từ Khắc, Quan Cẩm Bằng, Đỗ Kỳ Phong, Nhĩ Đông Thăng…
Và đặc biệt, đó cũng là thời gian mà điện ảnh Hồng Kông xuất hiện nhiều ngôi sao đẹp nhất, với khí chất và tinh hoa hội tụ, có lẽ mãi mãi không tìm ra một thế hệ tiếp nối tương xứng, như Châu Nhuận Phát, Thành Long, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Châu Tinh Trì, Vương Tổ Hiền, Mai Diễm Phương, Chung Sở Hồng…
Một số người trong bọn họ vẫn miệt mài trên trường quay để tiếp tục tận hiến với nghề, dù tuổi đã trên 50 vẫn là những ngôi sao chính của Hồng Kông trong suốt 30 năm qua. Họ vẫn cống hiến cho điện ảnh Hồng Kông và được khán giả ngày nay trông đợi khi xuất hiện trong một bộ phim mới.
Lưu Đức Hoa, ngôi sao của hàng loạt bộ phim suốt 4 thập niên qua, vẫn gây ấn tượng với Shock Wave 2 (Sóng dữ), bộ phim hành động thành công vang dội tại phòng vé TQ cuối năm 2020, vẫn chứng tỏ phong độ và sức hút dù tuổi đã gần 60 khi đóng hầu hết cảnh nguy hiểm trong phim.
Lương Triều Vỹ sau giai đoạn đỉnh cao, gần đây hơi trầm lắng. Nhưng trong thời gian tới, anh sẽ xuất hiện trong một loạt phim lớn, trong đó có vai phản diện trong phim Shangchi And The Legend Of The Ten Rings và trở thành người Hồng Kông đầu tiên tham gia vũ trụ phim Marvel.
Bên cạnh đó, một số người lại vĩnh viễn rời bỏ cõi tạm (Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương) và một số khác giã từ nghiệp diễn (Trương Mạn Ngọc, Vương Tổ Hiền, Chung Sở Hồng...), chọn cho mình một cuộc sống ẩn dật, khép kín.
Nhưng những gì họ đã cống hiến cho màn bạc, trong những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân, có lẽ vẫn là còn ở đó, như di sản của một thời đã mất.
Trong thời lượng có hạn của bài viết, tôi chỉ xin điểm danh ba nhà làm phim nổi bật nhất (với tôi) mà phong cách cá nhân của họ đáng nhớ hơn cả.
Ngô Vũ Sâm
Nói về dòng phim xã hội đen, Ngô Vũ Sâm chắc chắn là cái tên đầu tiên bật ra trên đầu môi.
Trong một bộ phim hành động nào đó của Hồng Kông, có một câu thoại mà tôi nghĩ ngay đến những bộ phim của Ngô Vũ Sâm: “Trong thế giới giữa đen và trắng, có một khu vực màu xám. Một số người có ít, một số người có nhiều.”
Sự nghiệp làm phim của Ngô Vũ Sâm (John Woo) chủ yếu khai thác vùng màu xám ấy, nơi chính tà lẫn lộn, thiện ác phân tranh. Nơi một Hồng Kông hiện lên vừa hỗn độn lại hài hòa, dưới mặt nước tưởng chừng bình yên là những cơn sóng ngầm dữ dội.
Và ở “vùng màu xám” ấy, tình người, tình huynh đệ, tình bằng hữu để thành cái neo cứu rỗi, đưa ta cập bến bình yên, dù nhân vật của ông phải trả giá bằng máu và nước mắt.
Cách tạo dựng ngôn ngữ điện ảnh đậm màu sắc cá nhân, những cú slow-motion điệu đàng mà đẹp mắt, những màn đọ súng dữ dội, hay đẩy nhân vật vào những tình thế bế tắc kiểu “Mexican standoff” trở thành một đặc trưng khó bắt chước của Ngô Vũ Sâm, đặc biệt trong ba bộ phim hành động có thể coi là kiệt tác của ông: Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow 1 & 2) ra mắt năm 1986, 1987; Điệp huyết song hùng (The Killer, 1989) và Lạt thủ thần thám (Hard-Boiled, 1992).
Loạt phim hành động này không chỉ khiến Ngô Vũ Sâm nổi tiếng trong cộng đồng Hoa ngữ mà còn vươn tầm quốc tế, lan đến tận châu Âu và Hollywood, mở đường cho nhà làm phim người Hồng Kông này đặt chân đến Hollywood với nhiều siêu phẩm bom tấn, cho dù ông không còn giữ được phong độ như xưa.
Đạo diễn huyền thoại người Mỹ Martin Scorsese từng nhận xét về tính cá nhân trong điện ảnh như sau: “Quan điểm của tôi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân với tư cách khán giả, là – khi bộ phim càng thể hiện cái nhìn độc nhất, tức càng cá nhân thì nó càng đến gần vị trí của tác phẩm nghệ thuật.”
Martin áp dụng tính cá nhân này để soi chiếu sự khác biệt giữa hai đạo diễn phim hành động là Ngô Vũ Sâm và Joel Schumacher: “Cả hai đều làm phim hành động, song chỉ có đạo diễn đầu tiên cho nó tính cá nhân – một kiểu tìm tòi chủ đề rất rõ. Theo tôi, đó là lý do vì sao điện ảnh Ngô Vũ Sâm quyến rũ chúng ta.
Đối với nhiều đạo diễn hiện nay, sự thành công của một bộ phim căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí công nghệ. Tôi cho đó là một quan niệm sai lầm, nông cạn.”
Ngô Vũ Sâm vẫn tiếp tục làm phim, ở cả Hollywood lẫn Hong Kong. Cho dù tên tuổi của ông không còn như xưa, ta vẫn dễ dàng tìm thấy những hình ảnh đậm chất Ngô Vũ Sâm trong các bộ phim gần đây: những thước phim quay chậm, súng ống vãi đạn như trấu và hình ảnh chim bồ câu bay qua biển lửa…
Sau hơn 5 thập kỷ hoạt động nghệ thuật tại các môi trường khác nhau, ông vẫn trung thành với phong cách riêng của mình và cho nó một vòng đời huy hoàng.
Trần Khả Tân
Trần Khả Tân (Peter Chan) là một tên tuổi lớn khác của điện ảnh Hồng Kông trong thập niên 90 và sự nghiệp của ông vẫn tiếp tục đến ngày nay.
Trần Khả Tân từng học điện ảnh ở Mỹ và từng làm phim cho Hollywood, nhưng ông chỉ thực sự tỏa sáng với những bộ phim làm cho điện ảnh Hồng Kông mà tiêu biểu nhất là Kim chi ngọc diệp (năm 1994 với Trương Quốc Vinh và Lưu Gia Linh đóng chính), Điềm mật mật (1996 với Lê Minh và Trương Mạn Ngọc), Có lẽ yêu (Perhaps Love, 2005 với Kim Thành Vũ, Châu Tấn, Trương Học Hữu, Ji Jin-hee), Đầu danh trạng (Warlords, 2007 với Lý Liên Kiệt, Lưu Đức Hoa, Kim Thành Vũ) và gần đây nhất là Con thân yêu (Dearest, 2014, với Triệu Vy đóng chính)...
Ông làm nhiều thể loại phim, từ hài đến lãng mạn, từ nhạc kịch đến tâm lý; từ kinh dị đến hành động, sử thi nhưng có lẽ ông vẫn để lại dấu ấn nhiều nhất với dòng phim lãng mạn mà tiêu biểu là Điềm mật mật và Có lẽ yêu, thuộc vào loại “đốn tim” không kém gì những tác phẩm lãng mạn của Vương Gia Vệ.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một chuyến tàu từ Đại lục sang Hồng Kông, trên đó có Lý Tiểu Xuân (Lê Minh đóng) đang ngủ gà gật bỗng giật mình tỉnh giấc rồi hòa vào đám đông trên đường phố Hồng Kông với sự bỡ ngỡ, lạ lẫm của một kẻ lần đầu tiên trong đời rời quê nhà của mình để đến chốn phồn hoa đô hội.
Đoạn mở đầu đó được lặp lại một lần nữa ở đoạn kết, và lần này ta phải à lên vì bất ngờ và cái "theme" duyên phận mà đạo diễn đã cài cắm từ đầu.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1986 và kết thúc vào năm 1995, khi hai nhân vật chính thất lạc và tìm thấy nhau trong lúc dừng lại trên đường phố để nghe tin về cái chết bất ngờ của Đặng Lệ Quân, nữ danh ca có ca khúc “Điềm mật mật” gắn liền với câu chuyện tình yêu duyên phận mà trắc trở của họ.
Một bộ phim hay là tất cả mọi thứ quyện chặt vào nhau; và hay trong từng chi tiết một. Như giọt nước mắt của Lý Kiều (Trương Mạn Ngọc) vì đánh mất tình yêu của mình. Như những bước chân rượt đuổi trên đường phố New York của Lý Tiểu Xuân khi thấy Lý Kiều đi vụt qua.
Như nụ hôn giữa Lý Kiều (Trương Mạn Ngọc) và Lý Tiểu Xuân (Lê Minh), hai kẻ sau bao năm cầm cự tình yêu trong lòng: vì chàng đã đưa người yêu từ Đại Lục sang (Dương Cung Như), nàng cũng đã tìm thấy chốn nương thân bên cạnh một tay xã hội đen anh hùng mã thượng (Tăng Chí Vỹ).
Dù trong lòng lưu luyến, nhưng họ không thể vượt qua được định mệnh an bài nên đành chia tay trên phố đông. Chàng xuống xe bước đi. Nàng ngồi sau vô lăng nhìn theo, sau áo chàng có chữ ký bài hát yêu thích của cả hai, "Điềm mật mật" mà chàng mới xin được từ thần tượng của họ Đặng Lệ Quân.
Rồi nàng gục đầu xuống vô lăng, vô tình đụng trán vào kèn xe tạo nên một âm thanh chói tai. Chàng quay lưng lại. Máy quay từ phía sau xe cận cảnh gương mặt bối rối của nàng trong kính chiếu hậu, phía trước là hình ảnh mờ mờ của chàng đang bước tới.
Và không có gì có thể ngăn cản nữa, cái tình e ấp mà họ nhiều năm phải che giấu bùng cháy. Nàng nhoài nửa người ra ngoài cửa kính xe, chàng quỳ người xuống và bọn họ hôn nhau như bất tận, mặc kệ thứ lễ giáo họ cố giữ bao năm qua, mặc kệ đám đông đi lại trên phố.
Máy quay lần này quay từ trên cao xuống, xoay vòng. Cả thế giới như biến mất, chỉ còn họ với nụ hôn mật ngọt…
Vương Gia Vệ
Người cuối (nhưng không phải cuối cùng) trong bộ ba đạo diễn Hồng Kông mà phong cách cá nhân trở thành một “dấu chỉ” xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm, là ông hoàng lãng mạn của điện ảnh Hồng Kông Vương Gia Vệ.
Sinh ra tại Thượng Hải, cùng gia đình chuyển đến Hồng Kông từ rất sớm, giữa thập niên 60. Có lẽ vì vậy mà Hồng Kông của thập niên 60 luôn quanh quẩn trong các bộ phim của ông, như một kẻ tìm lại thời gian đã mất.
Vương Gia Vệ làm bộ phim đầu tay là Vượng Giác ca môn (As Tears Go By) năm 1988 và thành công nhất, xét về mặt thương mại. Đó là bộ phim vẫn còn sót nhiều hơi hướng xã hội đen đang thịnh hành ở điện ảnh Hồng Kông lúc ấy, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn cá nhân của Vương.
Bởi trên nền một câu chuyện về tình nghĩa giang hồ, về những cuộc thanh trừng đẫm máu, về sự tự hủy hoại của những kẻ lỡ dấn thân vào chốn bùn lầy, ta vẫn cảm được cái tình riêng của ông cho hai nhân vật chính. Nỗi lòng day dứt của họ khi không đến được với nhau hoặc mất nhau vĩnh viễn sau này được lặp đi lặp lại trong phim của Vương Gia Vệ.
Có phim nào của Vương Gia Vệ mà những cặp tình nhân đến được với nhau? Không, không phim nào cả. Từ Vượng Giác ca môn đến A Phi chính truyện (Days of Being Wild), từ Trùng Khánh sâm lâm (Chungking Express) đến Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time), từ Đọa lạc thiên sứ (Falling Angels) đến Xuân quang xạ tiết (Happy Together) và đặc biệt là hai bộ phim Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love) và 2046.
Phong cách của Vương Gia Vệ ảnh hưởng tới nhiều đạo diễn, không chỉ ở châu Á mà còn ở Âu Mỹ. Gần đây, ta vẫn có thể tìm thấy dấu ấn trong cách Vương Gia Vệ khắc họa những chuyện tình dang dở hay cách sử dụng màu sắc để thể hiện tâm trạng nhân vật, trong các tác phẩm của những đạo diễn đương đại. Đơn cử là Moonlight, bộ phim từng đạt giải Oscar năm 2017 của đạo diễn Barry Jenkins.
“Tình yêu thật kỳ lạ. Tại sao một thứ tuyệt diệu như vậy, lại mang đến sự tổn thương lớn đến thế?”, hay “Càng cố quên, tôi càng nhớ” – bạn sẽ gặp những câu thoại “đau điếng” như thế trong những bộ phim của Vương Gia Vệ.
Và sự day dứt trở thành một “đặc sản” trong những thước phim đậm màu tâm trạng, khiến một lần quay trở lại ký ức là một lần nước mắt lại rơi, như dòng tự sự của nhà văn Châu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ) trong 2046: “Ký ức nào cũng là những dòng lệ rơi”.