Digital footprint - Khi dấu chân quá khứ làm hư hỏng tương lai

Những gì bạn viết trên Facebook thời trẻ trâu có thể “phản đòn” cực mạnh trong tương lai, nhất là nếu bạn trở nên nổi tiếng.
Hiền Lê
Nguồn: EPAM Solutions Hub

Nguồn: EPAM Solutions Hub

1. Digital footprint là gì?

Digital footprint, hay dấu chân kỹ thuật số là thuật ngữ chỉ dấu vết dữ liệu chúng ta để lại khi sử dụng internet. Nó có thể là các trang web ta truy cập, email ta gửi đi, dòng trạng thái ta đã đăng hay bất kể những gì ta “like”, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là những trường hợp mà ta để lại dấu chân kỹ thuật số một cách chủ động (active footprints).

Ở một số tình huống khác, ta có thể vô tình để lại “dấu chân” một cách bị động mà không biết (passive footprints). Ví dụ điển hình cho trường hợp này là các trang web hoặc ứng dụng thu thập dữ liệu người dùng từ địa chỉ IP, hoặc mạng xã hội dùng thuật toán để gợi ý kiểu nội dung ta có xu hướng muốn truy cập.

2. Nguồn gốc của digital footprint?

Theo Từ điển tiếng Anh Oxford (OED), thuật ngữ được hình thành không lâu sau khi mạng internet ra mắt công chúng năm 1991. Khi internet ngày một phổ biến, cụm từ cũng được nhắc đến thường xuyên hơn, và chính thức xuất hiện trên báo chí chính thống năm 1995.

Cùng thời điểm này, mạng xã hội đầu tiên là ra đời. Đây được xem là bước ngoặt khiến dấu chân kỹ thuật số phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn, thu hút giới học thuật tiến hành nghiên cứu.

3. Vì sao digital footprint phổ biến?

Những ngày này, cụm từ được nhắc đến nhiều sau phát ngôn “vạ miệng” của Negav tại concert chương trình Anh Trai Say Hi. Cụ thể, nam rapper bị cư dân mạng phát hiện từng lập nhóm kín trên Facebook để chia sẻ nội dung nhạy cảm với ngôn từ tục tĩu, phát ngôn quấy rối Sơn Tùng M-TP và phân biệt chủng tộc, vùng miền.

Những digital footprint này khiến tên tuổi Negav “xuống dốc không phanh”, buộc anh phải đóng trang cá nhân và nhiều nhãn hàng dừng hợp tác.

Negav không phải nghệ sĩ duy nhất bị “đào mộ” quá khứ không đẹp trên mạng xã hội. Rapper B Ray từng vướng tranh cãi xuyên tạc lịch sử Việt Nam vì những phát ngôn thời chưa nổi tiếng. Ngay sau khi đăng quang, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng bị dân mạng phát hiện từng nói xấu giáo viên chủ nhiệm trên Facebook.

Dù những “dấu chân” này được để lại cách đây bao lâu, khi họ còn trẻ con hay khi đã trưởng thành, thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Nhẹ thì khiến công chúng có cái nhìn không tốt, nặng thì khiến họ “toang” cả sự nghiệp (như trường hợp thầy giáo Dan Hauer bị phát hiện từng nói xấu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong forum kín).

Không thể phủ nhận rằng digital footprint cũng có những tác dụng nhất định. Nó giúp các nhãn hàng nắm được xu hướng tiêu dùng của khách, từ đó gợi ý kiểu sản phẩm phù hợp nhất. Các ứng dụng bản đồ, nhà hàng, khách sạn cũng dựa trên dữ liệu này mà gợi ý những địa điểm phù hợp với sở thích và ngân sách của bạn, tạo nên trải nghiệm tối ưu hóa nhất có thể.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý đến tác động lâu dài của digital footprint, bởi nó ảnh hưởng đến danh tiếng trên mạng - thứ quan trọng không kém danh tiếng ngoài đời của bạn.

Chẳng hạn nhà tuyển dụng có thể tìm ra Facebook của bạn trước khi quyết định tuyển dụng. Lúc này, những gì bạn đăng từ thời “trẻ trâu” có thể bị đào lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh bạn trong mắt nhà tuyển dụng, đặc biệt với văn hóa “chụp màn hình” ngày nay.

Bên cạnh đó, digital footprint cũng là công cụ hoàn hảo giúp các tội phạm mạng lấy được những dữ liệu quan trọng. Họ có thể lợi dụng nó để tạo các profile giả danh bạn, hoặc tìm ra thông tin về người thân lớn tuổi, trẻ em trong gia đình bạn - những đối tượng yếu thế để dễ bề lừa đảo.

4. Cách dùng digital footprint?

Tiếng Anh

A: Can I use your TikTok for a while?

B: Ok but do not like and share stuff randomly, it might leave digital footprints I don’t want to.

Tiếng Việt

A: Mình mượn TikTok cậu một lúc nhé?

B: Ừ nhưng đừng like với share lung tung nha, nó có thể để lại dấu chân kỹ thuật số mà mình không muốn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục