Độc thân có sao... và Trái tim của Kẻ mạnh
Có lẽ chúng ta đang ngày càng quen với hình ảnh của những người độc thân thế hệ mới: sống trong một căn hộ, nuôi thú cưng và du lịch quanh năm suốt tháng. Họ không vướng bận hôn nhân và tất nhiên là nói không với những trách nhiệm gia đình.
"Những người sinh ra trong thập niên từ 80 đến 2000 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với những thế hệ trước" - đây là kết luận từ một bài viết được thực hiện bởi hai giáo sư ở Đại học San Diego (Mỹ). Việc này, về lâu dần, đã hình thành một thế hệ trân trọng chủ nghĩa cá nhân. Mà chủ nghĩa cá nhân không phải lúc nào cũng dễ dàng được duy trì khi sống với bạn cùng phòng hoặc bất kỳ cá nhân (dù quan trọng) khác.
"Độc thân vui vẻ", "Độc thân hạnh phúc" trở thành khẩu hiệu của những người trẻ hiện đại. Người ta tìm được 1001 lý do để quyết định sống độc thân thay vì sống có đôi của chính mình và của... người khác.
Nhưng độc thân có thật sự mang lại cảm giác an toàn và “viên mãn” như người ta thường “rỉ tai nhau” ở xã hội hiện đại? Và kể cả những người ổn nhất với trạng thái độc thân, thì họ có thật sự ổn không?
Độc thân có sao!
Dù sợ hãi mối quan hệ nghiêm túc và luôn nói mình hạnh phúc với việc độc thân, tôi nhận ra mình vẫn cần những cái chạm hay những nụ hôn để duy trì sự… bình ổn. Và hơn cả, là cân bằng tính nữ trong mình.
Ở vai trò của một người quản lý, khi mỗi ngày đều quay cuồng trong họp hành và ra quyết định, với “tính dương” tràn ngập trong từng tế bào, có nhiều khoảng thời gian tôi đã luôn thấy trống rỗng khi về đêm.
Tôi cần ai đó có thể kích hoạt được "tính âm" trong mình. Tôi cần ai đó nói những lời an ủi, hoặc đơn giản không cần nói gì và trao cho tôi một cái ôm. Bởi tôi tin rằng, đôi khi, một phần nào đó trong những người phụ nữ độc lập cũng có khao khát tìm kiếm một ai đó cho mình. Chỉ là cuộc sống hiện đại đã mang đến cho họ không ít những trải nghiệm và cả thất vọng, nên họ lựa chọn cách “độc thân vui vẻ” để tạo cho mình một chiếc “áo giáp”, giúp mình bình ổn đi qua nhiều bão táp của cuộc đời.
Không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều nghiên cứu khoa học, người ta đã chỉ ra rằng dù chúng ta mong muốn hạnh phúc đến đâu, thì hạnh phúc vốn dĩ không phải là trạng thái có sẵn. Trên thực tế, bi quan mới là xu hướng bản năng (Theo Psychology Today). Đó là lý do người ta cần rất nhiều liệu pháp để duy trì trạng thái hạnh phúc trong tâm hồn. Một trong số đó chính là việc yêu đương, hay suy nghĩ tích cực về một người nhất định.
Những tiếp xúc thể xác, cực khoái, hay sự kết nối tinh thần làm cơ thể chúng ta sản sinh ra một thứ gọi là Oxytocin - hormone vẫn được nhắc đến với tên gọi “hormone tình yêu”. Nhờ nó, chúng ta thấy mình yêu đời, tích cực hơn. Từ đó, ta xây đắp được sự đồng cảm, lòng tin và cảm giác kết nối với người khác.
Độc thân có thể là một lựa chọn rất an toàn - bởi không ai có thể làm đau chúng ta. Nhưng liệu lựa chọn này có hoàn toàn tốt đẹp không, khi chính Aristoteles cũng đã khẳng định rằng “Bản chất của con người là loài động vật mang tính xã hội. Bất cứ ai không thể sống cuộc đời bình thường hoặc độc lập quá mức cần thiết, không hòa nhập vào xã hội, người đó hoặc là thú dữ, hoặc là thánh thần”?
Các kết nối xã hội là nhu cầu cần thiết để con người hoàn thiện chính mình, để có thêm những ký ức tuyệt vời, và thậm chí, để sống lâu và hạnh phúc.
Khi xem xét đến các nhân tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của ba cộng đồng khác nhau tại Ý, Nhật và Mỹ, một báo cáo trên tờ National Geographic đã chỉ ra rằng: những người đặt gia đình lên vị trí ưu tiên hàng đầu và có những kết nối xã hội tốt đẹp là nhóm có tuổi thọ cao hơn hẳn (cao hơn cả nhóm người tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau xanh và không hút thuốc lá).
Trái tim của Kẻ mạnh
Bạn có thể sẽ không vì những nghiên cứu tôi viết ra trên đây mà ngay lập tức kết đôi. Và tôi tin, bạn cũng không cần thiết phải làm vậy.
Tôi đang độc thân, và thấy nó khá ổn. Nhưng để bản thân có thể ở trạng thái này (không vội vàng, cũng không trống rỗng), tôi đã phải từng quăng mình vào đủ các cuộc yêu đương, với rất nhiều mẫu đàn ông. Tôi đã trải qua đủ loại cảm xúc từ rất vui, đến buồn tê tái, về chính mình và đối phương.
Nhưng tôi nghĩ đây đều là những trải nghiệm cần thiết. Giống như câu chuyện gần đây tôi nghe trên podcast của Nhược Lạc và anh Bút Chì: "Để đạt được trạng thái trung dung ở giữa, chúng ta phải thật sự đã từng đi đến những điểm cực đoan, nếu không cái trung dung ấy sẽ rất nửa vời."
Vậy nên trong những tháng năm tuổi trẻ, dù có work-aholic hay một người độc lập đến đâu, hy vọng bạn sẽ để dành một… quỹ thời gian cho những trải nghiệm yêu đương. Cũng như việc bạn dành quỹ thời gian cho việc học tập, phát triển bản thân, hay bất cứ điều gì quan trọng khác.
Hãy thử một lần cho phép bạn được mềm mại, được “âm" khi ở bên nửa kia (hoặc ngược lại). Vì khi để mình được ở trong tình yêu, bạn sẽ tự khám phá ra những khía cạnh mới mẻ của bản thân.
Bạn có thể dũng cảm trao đi trái tim, dốc hết dại khờ, và chấp nhận việc có thể… bị đau. Cũng như Holley Gerth, tác giả loạt sách best-seller, đã viết "Tender is tough, soft is strong, and kindness is courageous” (Tạm dịch: Sự dịu dàng là cứng cỏi, sự mềm mại là kiên cường và lòng bao dung là can đảm).
Chọn yêu và được yêu, tức là bạn đã thành Kẻ mạnh. Chỉ họ mới dám dùng đến trái tim mình, dũng cảm, bao dung, không ngại ngần mà trao niềm tin của mình vào bàn tay một người xa lạ.
Tôi mong bạn, dù trải qua bao dại khờ, vẫn mang trong mình trái tim của một Kẻ mạnh.