Duy Đào: Gieo xuống một ý tưởng, gặt hái một lễ hội
3 năm trước, Vietcetera có cơ hội trò chuyện với Duy Đào, nhà thiết kế và chỉ đạo nghệ thuật với những sản phẩm sáng tạo thú vị. Lúc đó, Duy đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới như Art Director Club, International Design Award, One Show, Type Director Club, AIGA và Adobe Achievement Award.
3 năm sau, Vietcetera lại có cơ hội trò chuyện khác với Duy Đào, khi anh vừa được đề cử hạng mục Thiết kế ấn phẩm đặc biệt (Best Boxed or Special Limited Edition Package) tại Grammy 2024. Đây cũng là lần đầu tiên một sản phẩm sáng tạo của Việt Nam được đề cử tại giải thưởng âm nhạc của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Hoa Kỳ.
Duy Đào vẫn thế, vẫn thể hiện khía cạnh chân thành và hồn nhiên của "trẻ con" trong cả cuộc sống lẫn sáng tạo; nhạy bén và nhạy cảm với từng sản phẩm mà anh đặt để mình vào trong đó.
Trong cuộc trò chuyện lần này, Duy chia sẻ sâu hơn về quá trình thực hiện thiết kế album Gieo của Ngọt và gửi sản phẩm sáng tạo đến Grammy. Những chia sẻ của Duy không chỉ mở ra những câu chuyện chưa kể, mà còn là những góc tiếp cận và quan điểm trong ngành sáng tạo mà anh đã và đang theo đuổi.
Bạn gặp gỡ Ngọt và thực hiện thiết kế sản phẩm - album Gieo như thế nào?
Mình và founding members (thành viên sáng lập của Ngọt) cụ thể là Thắng và Nam Anh sống cùng một tuyến phố mà phải hơn 20 năm mới có duyên được gặp nhau. Lần đầu tiên làm cho Ngọt cũng rất tình cờ, mình có giúp band làm title cho MV Mấy Khi rồi tiếp đến là làm với nhau album Gieo, xong rồi bây giờ được làm bạn của nhau. Cụ thể thì Nam Anh giới thiệu mình với mọi người khác trong band.
Mình tự nhận không phải "fan" cứng của Ngọt như nhiều bạn trẻ khác nhưng luôn tự hào về Ngọt và những gì các bạn làm được. Mình luôn tôn trọng các giá trị của người Việt và luôn muốn đóng góp phần nào để giúp sức nhau. Mình cũng kéo rất nhiều người khác trong team là "fan" cứng hơn mình để làm cùng nhau như anh Colin, anh Hiệp; hai bạn trợ lý Huy và Thuỷ đều là những người nghe nhạc Ngọt nhiều hơn mình.
Ý tưởng thực hiện phần thiết kế sản phẩm cho album Gieo (Ngọt) đến với bạn ra sao?
Thứ nhất là đến từ sự chỉn chu mà band nhạc muốn tạo ra cho các khía cạnh khác (ngoài âm nhạc) của sản phẩm được tạo ra. Sau đó là phong cách âm nhạc của album (psychedelic rock) và năng lượng cũng như màu sắc tích cực của band nhạc nói chung và từng thành viên nói riêng.
Với mình, từ lâu rồi việc mua và sở hữu album (đĩa CD bản vật lý) không còn là để nghe nhạc nữa. Những người tìm đến album vật lý vì họ mong muốn có thêm các cảm xúc. Nên mình coi giá trị của chúng như là các tác phẩm điêu khắc, việc tương tác với chúng như là một lễ hội. Và mối quan hệ giữa nhạc, người và vật nên là một sự gắn kết chặt chẽ, để chúng có thể nhớ về nhau và đối thoại với nhau trong khoảng thời gian chúng sống cùng nhau.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế, mình muốn có một lễ hội được gieo kín trong một chiếc "hộp thời gian". Trái với ngoại hình giản dị, bên trong đó là một lễ hội màu sắc đầy năng lượng, nơi mà những cảm xúc được hữu hình hóa; nơi những lời nhắn nhủ được gửi gắm tới tương lai. Nó cũng là cánh cổng để mời người nghe đến với những điều thú vị trong thế giới Gieo của Ngọt, nơi mà màu sắc, âm nhạc và cảm xúc mang đậm chất psychedelic của những thập kỉ trước được tái diễn dịch.
Album Gieo ra đời trong khoảng thời gian Ngọt đang tạm ngừng hoạt động và xã hội đang dần trở lại trạng thái "bình thường mới" sau tác động của dịch COVID-19. Mình và mọi người mong muốn tạo ra một sản phẩm lạc quan, vui tươi, gợi lên không khí lễ hội.
Tên album Gieo cũng do mình đặt, bắt nguồn từ ý tưởng rằng mọi sáng tạo mới đều là kết quả của một quá trình tích lũy, giống như vòng đời của hạt giống. Những hạt giống này được gieo trồng một cách ẩn dụ trong một "chiếc hộp thời gian" có nhiều gửi gắm đến tương lai.
Khác với thiết kế truyền thống, boxset của thiết kế mà bọn mình thực hiện gồm có rất nhiều thành phần như poster, thẻ lời bài hát, CD, photobook, giấy ghi chú, sticker, hạt giống, mút xốp để gieo hạt…, với ý tưởng album như một chiếc hộp mà chúng ta sẽ chôn xuống đất để giao tiếp với tương lai trong nhiều năm nữa. Đây là ý tưởng mang cảm giác viển vông nhưng lại được truyền tải ý niệm gần gũi qua lời nói, chất liệu và thiết kế.
Với bạn, đâu là phần hào hứng và “khó chịu" nhất trong quá trình thực hiện dự án này?
Thường mọi người nghĩ vui nhất là lúc được thành quả này nọ nhưng với mình vui nhất chính là lúc được làm, research (nghiên cứu,) discuss (thảo luận) với team, thuyết phục mọi người tin vào một thứ chưa tồn tại, giải thích một ý tưởng chưa ai làm bao giờ.
Với mình, trong lúc làm những điều đó mà thấy hào hứng và alive (sinh động,) thì đó là niềm hạnh phúc nhất. Mình cũng vui vì trong team mình, có quá nhiều ý tưởng và suy nghĩ hay, nên nhiều lúc mình chỉ may mắn được đóng vai trò kết nối các ý tưởng đấy để thành một ý tưởng chung hay hơn.
Không hẳn là khó chịu nhưng mà cũng là một cái hơi vướng. Thắng bảo phải ra album sớm tại "fan" đòi “nợ”, mình thì thích có thêm thời gian làm để chỉn chu trong suy nghĩ, nên hai đứa đã oẳn tù tì rồi chọn một deadline ở giữa để phù hợp với cả hai bên. Cơ mà deadline thì ai mà... thích.
Kỷ niệm, những thử thách của bạn và ekip trong khi thực hiện tác phẩm này là gì?
Mỗi dự án, với mỗi team sẽ có rất nhiều câu chuyện hay để kể lại. Team mình cũng thế. Ví dụ như khó khăn lắm mới sắp xếp được buổi chụp hình thì 3/4 thành viên band đúng hôm đấy sốt cao nhưng vẫn đến shoot vì tôn trọng nhau, xong rồi đến nơi thì "sập" luôn tại phòng chụp, nhưng vẫn lết lên để chụp được mấy kiểu…
Thế là có một bộ ảnh "Thắng nằm sập" ở trong album book luôn. Hay là có lần mình cố tình cài người của mình ở một buổi chụp ảnh quảng cáo khác của band, để chụp được những khoảnh khắc mà band ở ngoài.
Lúc vào khâu thiết kế và sản xuất cũng rất nhiều câu chuyện. Rất nhiều chất liệu trong sản phẩm là những vật liệu được recycle (tái chế) hoặc repurpose (tái sử dụng với mục đích khác,) phần để giảm thiểu chi phí, phần để có thêm ý nghĩa cho sản phẩm.
Còn quá trình gửi tác phẩm và được đề cử chính thức ở Grammy 2024 như thế nào?
Quá nhiều vòng và công đoạn chỉ để được vào vòng "gửi xe" thôi ý (haha.) Cũng may mắn là hội đồng Viện hàn lâm thấy được sự chân thành của những người trong team mình thể hiện qua sản phẩm và đã công nhận thành một đề cử.
Theo mình biết thì có rất nhiều ấn phẩm âm nhạc khác trên toàn thế giới cũng dự thi năm nay. Do Grammy là một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới nên có nhiều điều khoản khá khắt khe, để đủ điều kiện nộp cũng đã là một thử thách.
Sau đó còn mấy vòng nữa để rút còn top 5 đề cử. Cái khó khăn nhất chắc là vì Ngọt là band nhạc indie độc lập, không thuộc một hãng đĩa nên như anh Hoàng trong band nói là “Duy ơi mày đang tay không bắt giặc đấy” (haha).
Với bạn, một sản phẩm thiết kế mang được tinh thần của tác phẩm nhưng vẫn có dấu ấn cá nhân sẽ như thế nào?
Với mình thì nghề Thiết kế và Sáng tạo luôn là một nghề phục vụ. Vì thế sẽ luôn phải lựa vào đối tượng mà mình đang thiết kế. Mỗi dự án sẽ khác nhau là vì thế, từ cách tiếp cận đến cách research (tìm hiểu/nghiên cứu) và thực hiện.
Cái tôi của bản thân phải dung hoà được với mục đích của khách hàng hoặc đối tượng. Dấu ấn của mình, nếu để nói chung thì chắc là tiêu chuẩn của mình muốn đạt đến trong từng dự án. Mình hay nói dự án tốt nhất mình từng làm là cái tiếp theo.
3 nguyên tắc bạn không thể bỏ xuống khi thực hiện một dự án sáng tạo?
Cũng không phải nguyên tắc, cơ mà đây là những điều mình gặp nhiều nên rút ra thôi. 5 luôn nhé:
- Nên bắt đầu với một tâm thế không biết gì để research và hiểu chủ đề đang làm, rồi biết cái gì đã có rồi để làm khác đi.
- Cố tìm sự lãng mạn của những thứ sẽ biết và những thứ chưa biết.
- Mọi thứ đều có thể tốt hơn được. Chắc thế nên lúc nào mình cũng hơi không muốn hoàn thành các dự án. Có một câu mà mình được nghe là: Tất cả các thiết kế đều luôn ở trình trạng đang được hoàn thành (All design is a WIP).
- Nếu lúc làm mà xúc động như trẻ con thì tốt. Cơ mà cái này lúc ngồi một mình thì biết thôi nhé, đừng cho ai biết bộ mặt này của bạn để còn dễ làm việc.
- Nhiều lúc có nhiều thứ không cần phải giải thích.
Một xu hướng thiết kế sáng tạo mà bạn đang thực hiện hay muốn theo đuổi ở hiện tại? Và sự nghiệp lâu dài mà bạn hướng đến ở thời điểm này?
Không theo một xu hướng nào cả. Thiết kế đối với mình là ý tưởng và mục đích (intention). Ý tưởng tốt luôn phải bắt nguồn từ mục đích tốt. Đó là cách duy nhất để đi lâu hơn được với thời gian (timeless).
Bạn có nghĩ rằng, những yếu tố bản địa, truyền thống, đa dạng trở thành then chốt để khiến các sản phẩm thiết kế sáng tạo tạo dấu ấn?
Mình luôn nghĩ là cần biết sử dụng đúng lúc đúng chỗ để không bị lạm dụng, và nguy hiểm hơn, là bị những yếu tố đó nuốt mất ý tưởng của một thiết kế.
Nhìn rộng hơn về "thị trường sáng tạo", bạn thấy thế mạnh của những người làm cùng ngành ở Việt Nam đang như thế nào?
Việt Nam là một nước đang phát triển, vì thế mà có quá nhiều thứ chưa được làm và có thể làm được. Và cũng chính vì thế nên có nhiều cơ hội để đặt ra những tiêu chuẩn mới cho những thứ sắp được làm đó, bất kể ở lĩnh vực nào.
Điểm yếu duy nhất là mọi người có muốn làm nó không. Chướng ngại duy nhất là giới hạn của bản thân mỗi người. Người ta làm được thì mình cũng làm được. Khi nào cờ đến tay, nhớ phất.
Định kiến nào trong nghệ thuật khiến bạn muốn tống tiễn nó đi thật nhanh?
Nhiều người thường phủ nhận ngay một giá trị nghệ thuật/ văn hoá nếu họ không thích. Nhưng tất cả mọi thứ đều có giá trị nếu đúng thời điểm và đúng chỗ. Trong mỹ thuật có một câu nôm na là “không có màu nào xấu, chỉ là tô chúng ở đâu để nó đẹp”.
Cực đoan hơn thì có câu của Rick Rubin - producer tài ba nhất 20 năm trở lại đây, “The audience comes last. The audience doesn't know what they want. The audience only knows what's come before” (Tạm dịch: Khán giả đến cuối. Khán giả không biết họ muốn gì. Khán giả chỉ biết những thứ đã đến rồi).
Hiện tại bạn đang ấp ủ dự án nào? Liệu là Ngọt 5 hay gì khác nữa?
Mình vừa lead xong 2 dự án lớn gồmGieo - Ngọt và re-branding của một hãng sữa (haha) nên chắc sẽ ngồi thở lấy lại sức một thời gian (cười).
Còn khi nào có dự án hay và mình thấy mình cũng như team có thể giúp tăng giá trị của đối tượng hay chủ đề đó thì bọn mình sẽ làm tiếp. Dù gì thì dự án tiếp cũng luôn là dự án tốt nhất mà.