Fashionista Châu Bùi: “Sống là chính mình, và không ngừng biến hoá."

Trong chuyên mục Nghề Lạ lần này, hãy cùng Vietcetera lắng nghe Châu Bùi định nghĩa nghề Fashionista từ những trải nghiệm rất riêng của bản thân.

Kỳ Thơ
Nghề Lạ: Fashionista Châu Bùi, “Sống là chính mình, và không ngừng biến hoá."

Nghề Lạ: Fashionista Châu Bùi, “Sống là chính mình, và không ngừng biến hoá."

Ở tuổi 18, Châu Bùi (tên thật là Bùi Thái Bảo Châu) cũng bước vào giảng đường Đại học như bao bạn bè đồng trang lứa, song song với đó, cô còn là một người mẫu ảnh. Hết năm nhất, Châu xin phép bố mẹ bảo lưu kết quả học tập để thử sức với con đường mà cô muốn theo đuổi—trở thành fashionista. Nếu như một năm trôi đi mà không mang lại thành tựu gì, cô sẽ quay trở lại với con đường học tập. May mắn thay, Châu đã thành công trong việc khẳng định bản thân.

4 năm qua là hành trình để Châu Bùi khẳng định vị thế của một fashionista hàng đầu Việt Nam. Cô trở thành gương mặt đại diện của hàng loạt các thương hiệu thời trang cao cấp, và liên tục được vinh danh ở các giải thưởng lớn như Biểu tượng thời trang có ảnh hưởng trên toàn châu Á tại giải thưởng Influence Asia 2017; Giải thưởng Young Style Innovator của ELLE Style Awards 2018; và mới nhất là Người có phong cách cá nhân ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội tại ELLE Style Awards 2019. Cô cũng là một trong những diễn giả trẻ nhất tại Hội nghị Phụ nữ 2019 do Forbes Vietnam tổ chức.

Nối tiếng là một cô gái trẻ nhưng rất chững chạc và lễ phép, đó cũng là ấn tượng mà chúng tôi có ở Châu trong lần đầu gặp mặt vào một ngày đầu tuần tháng 8, tại căn hộ mà cô vừa chuyển vào chưa lâu. Trong chuyên mục Nghề Lạ lần này, hãy cùng Vietcetera lắng nghe Châu Bùi định nghĩa nghề Fashionista từ những trải nghiệm của bản thân.

3 từ miêu tả phong cách sống cũng như phong cách thời trang của Châu.

Năng động – Đa dạng – Lạ.

‘Năng động’ là yếu tố Châu luôn ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn trang phục. Châu thích những bộ trang phục đơn giản nhưng hiện đại, và được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường.

‘Đa dạng’ và ‘lạ’ là những tính từ định nghĩa rõ nét cá tính của Châu nhất. Châu thích làm mới mình. Châu cũng thích biến cũ thành mới và thử nghiệm những điều mới mẻ và độc đáo dù nó có khó mặc hay ‘khác người’ đến đâu. Tuy vậy, Châu vẫn tự nhủ dù có biến hoá thế nào thì cũng phải phù hợp với hoàn cảnh, và tôn trọng người đối diện.

Đối với Châu, bên cạnh phong cách thời trang, sự đa dạng còn giúp cuộc sống của mình không bị đơn điệu, tạo ra năng lượng tích cực và không gian để bản thân có thể học hỏi từ những người xung quanh.

Cơ duyên nào đã đưa Châu đến với vai trò fashionista?

Nếu theo dõi Châu lâu chắc bạn cũng biết xuất phát điểm của mình là người mẫu ảnh, lúc bấy giờ, Châu hoàn toàn chưa có định hướng sẽ trở thành một fashionista. Công việc làm người mẫu ảnh mang đến cho Châu cơ hội được thử sức với nhiều phong cách khác nhau. Càng thử nghiệm nhiều, Châu càng hiểu rõ bản thân, sở thích và phong cách thời trang của mình hơn.

May mắn sao, những bộ trang phục được phối hoàn toàn theo bản năng và sở thích cá nhân lại được mọi người yêu thích. Vượt qua rào cản ngoại hình ‘hạt tiêu’, Châu nhận được sự quan tâm theo dõi từ mọi người, rồi nhận được lời mời chụp hình cho các báo, và lời mời cộng tác từ các nhãn hàng.

Quan điểm thời trang của Châu là gì?

Có thể bạn thấy Châu thay đổi phong cách nhanh đến chóng mặt, nhưng quan điểm của Châu thì trước giờ vẫn vậy: Mặc những gì mình thích. Trang phục cũng là một loại ngôn ngữ phản ánh cá tính của người mặc nó. Nữ tính cũng được, cá tính đến dị biệt cũng được, miễn là bạn thích điều đó, chứ không phải ‘gồng’ mình lên để trở thành một ai đó không phải mình.

Nếu vì muốn chiếm được thiện cảm của mọi người ngay từ những ngày đầu, Châu có lẽ đã chọn xuất hiện với vẻ ngoài trong sáng và ngọt ngào vốn thịnh hành lúc bấy giờ. Nhưng đó không phải là Châu, và Châu biết rõ bản thân không thể ‘gồng’ mãi như thế. Nên Châu đã quyết định giữ vững cá tính riêng ngay từ những ngày đầu. Theo Châu, cứ sống là chính mình, bạn sẽ nhận được sự công nhận. Có thể không phải từ tất cả, nhưng từ những người đồng điệu. Bạn sẽ ảnh hưởng đúng đến những người bạn cần ảnh hưởng.

Ngoài ra, một quan điểm quan trọng khác của Châu là không ăn mặc phản cảm. Phù hợp với hoàn cảnh và địa điểm là một cách để thể hiện sự tinh tế của bản thân.

Theo Châu, ngoại hình có phải là yếu tố hàng đầu để trở thành fashionista?

Châu nghĩ mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng bản thân Châu không đánh giá cao về yếu tố ngoại hình. Khi tham dự các Tuần lễ thời trang, trên bàn tiệc với khoảng 20 fashionista/fashionisto đến từ các nước, Châu nhận thấy chỉ vài người có ngoại hình thật sự xuất sắc, còn lại mọi người đều sở hữu vẻ ngoài trung bình, thậm chí không mấy nổi trội. Tuy nhiên, điểm chung của họ là biết rất rõ bản sắc cá nhân của mình và am hiểu tường tận về thời trang nói chung và về thương hiệu mình đang mặc nói riêng, chẳng hạn như lịch sử, thông điệp, giá trị cốt lõi….

Vì thế, gần như mỗi ngày, Châu luôn dành thời gian để tự mình trau dồi kiến thức thời trang, có thể là về xu hướng, cũng như câu chuyện của thương hiệu và cách họ sử dụng trang phục để thể hiện tiếng nói riêng của mình.

Thế mạnh gì ở bản thân giúp Châu có thể chinh phục công việc này?

Châu là người hay suy nghĩ và luôn có nhu cầu phải ‘bóc tách’ những ý tưởng hay ho để gỡ rối cho chính mình. Vì thế, Châu rèn cho bản thân thói quen ghi chép mọi thứ vào sổ. Nghe có vẻ cứng nhắc nhưng quả thật việc ghi chép vừa giúp Châu hệ thống lại các các luồng suy nghĩ và ý tưởng trong đầu, vừa giúp Châu ghi nhớ tốt hơn.

Ngoài ra, Châu thuộc tuýp người cực kỳ nghiêm túc và hết mình với công việc. Châu biết mạng xã hội là nền tảng công việc chính và hiểu được các bạn trẻ theo dõi mình vì muốn được xem các hình ảnh đẹp và thông tin bổ ích về thời trang và phong cách sống. Cho nên, danh sách làm việc hằng ngày của Châu luôn bao gồm việc tìm tòi, chọn lọc và cập nhật các xu hướng mới cho các bạn trên trang cá nhân của mình.

Có thể nhìn từ bên ngoài, mọi người thấy việc cập nhật thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội của Châu khá đơn giản, thậm chí có phần nhàn rỗi, tuỳ hứng. Tuy nhiên, đối với Châu cảm hứng chỉ chiếm 30%. Đôi khi Châu ‘không có hứng’ nhưng vẫn ép bản thân phải ngồi xuống bàn, mở máy, tìm kiếm rồi viết ra giấy, sau đó lên danh sách cho kế hoạch này, dự định kia. Chính các hành động mang tính chủ động này giúp Châu nảy sinh cảm hứng làm việc.

Để Châu có thể cập nhật hình ảnh mỗi ngày trên Facebook, Instagram hay thực hiện các vlog trên YouTube, cảm hứng không thôi quả thật khó có thể mãi đáp ứng được. Châu thường dành khoảng một tuần để lên kế hoạch và chủ đề. Sau đó, Châu dành một ngày ngồi trước máy tính, cùng bút viết ghi lại nội dung kịch bản mình sẽ thực hiện. Cuối cùng là cho bản thân từ một ngày đến vài tiếng tập luyện trước gương cách bản thân sẽ trình bày khi quay hình.

Ngoài việc được thử sức với nhiều phong cách thời trang, Châu còn thích điều gì khi là một fashionista?

Đó là cơ hội được chiêm ngưỡng, giao lưu và học hỏi thực tế khi tham gia các sự kiện thời trang thế giới. Đối với Châu, có thể ngồi cạnh trò chuyện cùng những người có sức ảnh hưởng tầm cỡ thế giới, lắng nghe họ chia sẻ về cách làm thời trang, chính là những dịp khó có được trong đời.

Hơn thế, là cảm giác tự hào, vui sướng khi được giới thiệu mình đến từ Việt Nam và khi được mọi người khen các bộ trang phục được thiết kế bởi các nhà thiết kế Việt mình mang theo. Ấn tượng đối với họ tuy có thể không đáng kể nhưng đối với Châu đó là một thành công cho mình.

Còn thách thức khi làm fashionista thì sao?

Do thị trường thời trang Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, nên số lượng các thương hiệu thời trang cũng như sự đa dạng trong phong cách cho những người làm fashionista như Châu lựa chọn vẫn còn hạn chế. Châu thường bay ra nước ngoài để mua các món ‘secondhand’ phối thêm hay đặt mua từ các cửa hàng nước ngoài.

Thêm vào đó, vì fashionista ở Việt Nam còn là một khái niệm tương đối mới mẻ, và người Việt còn chuộng lối ăn mặc truyền thống, kín đáo nên các phong cách mang đậm tính cá nhân sẽ khó để mọi người tiếp thu. Từ đó, so với các nước đã quá quen thuộc với định nghĩa công việc này, chúng ta đương nhiên có bước tiến chậm hơn.

Mọi người thắc mắc thu nhập của fashionista đến từ đâu?

Thật ra thu nhập chính của Châu không xuất phát từ vai trò fashionista hay đến từ các Tuần lễ thời trang được mời tham gia. Châu làm fashionista vì niềm đam mê thời trang. Nhưng với vị trí fashionista hiện có, Châu có thể tìm thu nhập từ việc làm đại diện cho thương hiệu, hoặc quảng cáo cho nhãn hàng. Ngoài ra, Châu cũng có kinh doanh một thương hiệu son cho các bạn học sinh, sinh viên.

Châu có thể nêu 3 cái tên làm nên Châu ngày hôm nay?

Đó là chị Kat – quản lý của Châu, anh Thắng và bố của Châu.

Chị Kat tuy đảm nhận vai trò quản lý nhưng đối với Châu chị như một người chị thân thiết trong gia đình, luôn bên cạnh động viên, tiếp lửa cho Châu từ những ngày đầu. Về mặt thời trang, anh Thắng là người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến Châu. Anh Thắng điển hình là người khi sinh ra đã có ‘gu’ ăn mặc đẹp. (cười) Còn bố chính là người Châu ngưỡng mộ nhất. Bố đã dạy cho Châu những bài học về cách đối nhân xử thế, cách nhìn và sống trong xã hội. Bởi dù ở hoàn cảnh nào, ở bất cứ đâu, vấn đề đạo đức, lối ứng xử khéo léo luôn đóng vai trò quan trọng.

Xem thêm:

[Bài viết] Nghề Lạ: Health & Fitness Influencer Linn Nguyễn

[Bài viết] Nghề Lạ: Công việc YouTuber toàn thời gian qua lời kể của Helen Lê


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục