Flavors Conference 2024: Người tiêu dùng "siết" chi tiêu, ngành F&B cần làm gì?
Ngày 18/9 vừa qua, hội thảo Flavors Conference, thuộc chuỗi sự kiện Flavors Vietnam 2024 do Vietcetera và Mastercard đồng tổ chức, đã diễn ra thành công tại khách sạn New World Saigon.
Với chủ đề “Ngành F&B Việt Nam: Nội lực bền cùng tiềm năng lớn", hội thảo quy tụ 38 diễn giả, bao gồm: lãnh đạo của các thương hiệu F&B hàng đầu như Pizza 4P's, Là Việt, Dh Foods; các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông như TikTok, Decision Lab, Vero; các nhà đầu tư; các nhà sáng tạo nội dung quốc tế về du lịch - ẩm thực như Sonny Side và Andrew Fraser.
Diễn ra trong 2 buổi sáng và chiều, các diễn giả của Flavors Conference đã mang đến cho hơn 400 người tham gia, rất nhiều trong số đó cũng là chủ các doanh nghiệp F&B, những góc nhìn mới về ngành và các câu chuyện thương hiệu thú vị.
Cùng Vietcetera tổng kết những điểm đáng chú ý trong sự kiện vừa qua!
3 Lầm tưởng của doanh nghiệp F&B về người tiêu dùng
Trong bài phát biểu về “Công thức bứt phá cho ngành F&B trước những biến động thị trường”, ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, cho biết hiện GDP của Việt Nam đang dần hồi phục từ cuối năm 2023 nhưng người tiêu dùng ngày càng tập trung vào tiết kiệm và ngần ngại hơn trong việc chi tiêu.
Để hiểu rõ hơn về xu hướng sử dụng các dịch vụ ăn uống của người Việt hiện nay, Decision Lab đã tiến hành khảo sát trên 2.418 người từ độ tuổi 18 trở lên để trả lời cho 3 câu hỏi dưới đây.
1. Khi dùng bữa ở nhà hàng/cà phê, trải nghiệm độc đáo có phải là nhân tố thúc đẩy về mặt cảm xúc quan trọng nhất?
Sai.
Điều người tiêu dùng tìm kiếm nhiều nhất là không gian ăn uống thoải mái, cho phép họ trò chuyện, chia sẻ những khoảnh khắc gắn kết và ý nghĩa với những người thân yêu.
2. Người tiêu dùng muốn chất lượng dịch vụ phải xứng đáng với số tiền họ nỗ lực kiếm được?
Đúng.
Theo khảo sát của Decision Lab, 3 nhân tố hàng đầu người tiêu dùng suy xét khi sử dụng dịch vụ ăn uống là (1) chất lượng xứng đáng với giá tiền, (2) ngon miệng và hợp khẩu vị, và (3) nguyên liệu an toàn và tươi ngon.
3. Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, vậy cần đẩy mạnh khuyến mãi/giảm giá để thu hút họ và tăng tính cạnh tranh?
Sai.
Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu vì họ muốn đưa ra những quyết định mua sắm thông minh hơn. Như câu 2 đã trả lời, chất lượng dịch vụ và món ăn vẫn là ưu tiên hàng đầu của thực khách. Hai yếu tố khác giúp doanh nghiệp F&B giữ chân người tiêu dùng là giá cả phù hợp (không cần phải là giá sau khuyến mãi), và chất lượng nhất quán.
Đối mặt với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, các doanh nghiệp F&B cần làm gì?
- Nhìn nhận lại hoạt động của thương hiệu và tái định nghĩa lại mặt cạnh tranh của doanh nghiệp
- Tìm hiểu thị trường để “nhìn xa trông rộng” hơn đối thủ và khách hàng
- Nâng cao các hoạt động bền vững để tăng thêm tính cạnh tranh cho bản thân
Bền vững, bền vững và bền vững
Những năm gần đây, bền vững luôn là chủ đề trọng tâm của ngành F&B, từ các thương hiệu lớn tới những doanh nghiệp nhỏ hơn đều nỗ lực chung tay giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trong phiên thảo luận "Thúc đẩy ngành F&B phát triển bền vững", ông Devyn van Niekerk, Giám đốc phụ trách mảng Ẩm thực và Đồ uống của tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết tập đoàn tận dụng công nghệ AI để dự đoán và kiểm soát lượng thực phẩm buffet thừa, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp.
Đối với tập đoàn đồ uống có cồn sở hữu 180 thương hiệu và hiện diện tại hơn 180 quốc gia như Diageo, số lượng bao bì và chai lọ thải ra môi trường là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Ông Lâm Đức Anh (Leo), Đại sứ Thương hiệu của Diageo Việt Nam, cho biết tập đoàn đã và đang nỗ lực tìm ra và thực hiện nhiều sáng kiến bền vững như sản xuất các chai thuỷ tinh nhẹ cân hơn, tăng tỉ lệ nguyên liệu tái chế tới 60% trong sản xuất bao bì, đảm bảo 100% chai thuỷ tinh có thể tái sử dụng và tái chế.
Với bà Summer Le - nhà sáng lập và bếp trưởng của nhà hàng Nén Danang (nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Michelin Green Star) và Nén Light Restaurant (TP.HCM), sống hoà hợp với thiên nhiên vốn là điều đã ngấm sâu trong máu người Việt từ bao đời nay. Ngay từ những ngày đầu, Nén đã sử dụng nguyên liệu vườn trồng (hyper-sourced ingredients) để ủng hộ cộng đồng địa phương để kể câu chuyện về ẩm thực truyền thống Việt trong mỗi món ăn.
Chỉ sử dụng nguyên liệu từ vườn của nhà hàng và sản phẩm địa phương liệu có hạn chế khả năng sáng tạo của người đầu bếp? Theo Summer là không, mà ngược lại, sử dụng ít nguyên liệu đòi hỏi người đầu bếp phải nghiên cứu kỹ về từng nguyên liệu và tìm cách tận dụng những bộ phận thường hay bị bỏ qua như vỏ trứng.
Thương hiệu Việt “vượt gió rẽ sóng" ra thế giới
Trong thời gian qua, không ít các thương hiệu Việt đã thành công vượt ra biên giới và thiết lập chỗ đứng trong lòng người dùng quốc tế.
Trong phiên thảo luận “Thiết lập vị thế ngành F&B Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới”, người tham dự được lắng nghe các câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người" từ 4 nhà lãnh đạo của Dh Foods - công ty chuyên về sản phẩm gia vị Việt, thương hiệu cà phê Là Việt, thương hiệu bia Heart of Darkness Brewery và nước táo lên men Saigon Cider.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch và CEO của Dh Foods, cho biết sản phẩm gia vị đầu tiên mà công ty xuất khẩu ra thị trường châu Âu không phải nước mắm, mà là muối tôm Tây Ninh. Để đưa được sản phẩm này ra mắt, Dh Foods phải vượt qua nhiều bài kiểm định khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhà máy, quy trình sản xuất… Sau châu Âu, Dh Foods mất 2 năm để tiến vào thị trường Nhật Bản rồi tiếp tục chinh phục thêm 6 quốc gia là Đức, Hàn, Anh, Mỹ, Úc, Nga.
Là Việt, thương hiệu cà phê được giới trẻ yêu thích, cũng thông báo xác lập văn phòng tại San Diego, Mỹ. Chia sẻ về quyết định “Mỹ tiến", ông Trần Nhật Quang - CEO và nhà sáng lập của Là Việt, cho biết Việt Nam không chỉ là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới mà còn có văn hóa thưởng thức cà phê sâu rộng. Tuy nhiên, ít có thị trường nào có được cả 2 yếu tố này. Vì vậy, Là Việt không chỉ muốn giới thiệu cà phê Việt và văn hoá uống cà phê Việt Nam ra thế giới, mà còn khuyến khích các thị trường khác xây dựng văn hoá cà phê riêng của họ.
Vậy, các doanh nghiệp F&B cần phải làm gì nếu muốn tiếp nối thành công của những thương hiệu này tại thị trường quốc quốc tế? Theo cả 4 diễn giả, doanh nghiệp cần nắm chắc rằng liệu người tiêu dùng của thị trường đích có sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm Việt hay không.
Bà Hannah Jefferys, nhà sáng lập của Saigon Cider - thương hiệu nước táo lên men (cider) đã có mặt tại HongKong, Macao, U.K và Cambodia, cho biết khẩu vị người tiêu dùng ở mỗi thị trường sẽ mỗi khác. Ví dụ, trái ngược với dự đoán ban đầu, sản phẩm cider gừng của hãng tại U.K lại được ưa chuộng hơn cả cider táo.
Ông John Pemberton, nhà sáng lập của hãng bia thủ công Heart of Darkness Brewery, chia sẻ về rào cản xoay quanh giá thành khi xuất khẩu sản phẩm Việt sang nước ngoài. “Tại sao bia thủ công Việt lại đắt ngang bia Mỹ, lẽ ra phải rẻ hơn chứ?” Để phá vỡ định kiến này, thương hiệu đã dành nhiều tâm huyết nâng cao chất lượng và đầu tư vào marketing và branding, đặc biệt là phải tái cấu trúc thương hiệu khi “Mỹ tiến".
Tận dụng mạng xã hội để mang thương hiệu đến với khách hàng
Theo bà Đinh Thị Diễm Thúy, Giám đốc Phát triển Thị trường của Buzzmetrics, chia sẻ trong bài phát biểu “Tận dụng mạng xã hội - Bí quyết thu hút khách hàng ngành F&B”, người Việt dành trung bình 6 tiếng/ngày trên mạng để cập nhật thông tin, xem livestream, mua sắm, và thảo luận. Điều này cho thấy mạng xã hội (MXH) có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi mua sắm, suy nghĩ và ưu tiên của người tiêu dùng.
Ngoài ra cũng theo số liệu Buzzmetrics đo lường, một người Việt sử dụng trung bình khoảng 6 nền tảng MXH khác nhau trong 1 tháng (và sắp tới có thể là 7 nếu tính thêm Threads). Như vậy, khi làm phát triển và xây dựng thương hiệu trên MXH, doanh nghiệp phải chú trọng vào xây dựng hệ sinh thái đa kênh.
Theo Buzzmetrics, những “chủ đề nóng" (hot topic) trong ngành F&B được thể hiện qua các mô hình đồ thị:
- Đồ thị hình M: món/vị hoàn toàn mới và có tính bất ngờ như matcha sữa dừa
- Đồ thị hình U: món đã có nhưng bỗng nổi lên như xu hướng ăn con nuốc, cà phê muối
- Đồ thị hình O: những sản phẩm theo mùa như bánh trung thu.
Các doanh nghiệp cần thấu hiểu những đồ thị này để đưa ra những chiến lược marketing phù hợp cho từng loại sản phẩm.
Liên quan đến marketing đa kênh, ông Vũ Dương, Giám đốc Marketing của IN Dining (đơn vị quản lý và vận hành các thương hiệu cao cấp trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam) cũng nhấn mạnh một khái niệm tương tự là “omnichannel” - bán hàng đa kênh trong phiên thảo luận “Sức mạnh của Marketing và Bí quyết xây dựng nội dung ấn tượng”.
Cũng trong phiên thảo luận này, ông Phát Trần - F&B Vertical Lead tại TikTok Vietnam đã chia sẻ với khán giả những yếu tố cần thiết để tạo ra một clip TikTok dễ “viral". Theo ông Phát, để có thể truyền thông hiệu quả hơn, thương hiệu không chỉ thể dựa vào các nhà sáng tạo nội dung bên ngoài, mà còn phải tự xây dựng kênh riêng cùng cá tính riêng cho thương hiệu.
Nhà đầu tư tìm kiếm điều gì ở doanh nghiệp F&B?
Trong phiên thảo luận“Khẩu vị nhà đầu tư và Chiến lược gọi vốn”, bà Shuyin Tang, nhà đồng sáng lập và CEO của Beacon Fund (Quỹ Đầu tư hỗ trợ các Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á), cho biết giới đầu tư hiện có sự ngần ngại nhất định đối với ngành F&B tại Việt Nam.
Chỉ cần quan sát một khu phố, bạn có thể dễ dàng nhận thấy có những nhà hàng, quán cà phê vừa đóng là một quán mới lại mọc lên. Trong khi đó, thứ nhà đầu tư tìm kiếm là khả năng đi đường dài và bền vững.
Theo bà Shuyin Tang quan sát, rất nhiều doanh nghiệp F&B đi theo hướng nhượng quyền trong giai đoạn đầu, rồi dần phát triển ra thương hiệu với cá tính riêng. Một trong những trường hợp này là Lotus Group do Beacon Fund đầu tư. Với khả năng vận hành tốt và ổn định, hiện khối F&B của tập đoàn Lotus Group sở hữu 8 thương hiệu nhà hàng Nhật Bản như Marukame Udon, Coco Ichibanya, Conservo,...
Nhưng làm sao để đánh giá tiềm năng của một doanh nghiệp? Theo ông Việt Nguyễn, Giám đốc quỹ đầu tư Vietnam Investment Group, một yếu tố quan trọng chính là khả năng số hoá. Biết tận dụng các công cụ số như ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) và các sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, ông Việt Nguyễn còn nhìn vào khả năng bán nhượng quyền của một thương hiệu. Ban đầu, doanh nghiệp có thể mua nhượng quyền từ các thương hiệu nước ngoài. Nhưng sau khi đã học hỏi được cách vận hành, họ có thể tự tạo ra một thương hiệu riêng và bán nhượng quyền thương hiệu đó tới thị trường Mỹ chẳng hạn.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp F&B chú trọng đầu tư nâng cấp khâu vận hành. Trong phiên thảo luận về "Đổi mới sáng tạo - Tối ưu hóa mô hình kinh doanh F&B", bà Nguyễn Hải Linh, nhà đồng sáng lập của Pizza Belga, chia sẻ: "Tại Pizza Belga, chúng tôi tin rằng việc phát triển con người và đào tạo nhân viên hoàn thiện nhất chính là bước đột phá trong việc vận hành của doanh nghiệp F&B."
Một số hình ảnh khác tại sự kiện:
Flavors Vietnam, chuỗi sự kiện thường niên do Vietcetera cùng Mastercard đồng tổ chức, đã chính thức trở lại trong năm 2024. Kéo dài trong 5 tháng, Flavors Vietnam 2024 vẫn tiếp nối sứ mệnh vinh danh ngành F&B Việt Nam với thông điệp “Ẩm thực là để sẻ chia.”
Thuộc khuôn khổ Flavors Vietnam 2024, Hội thảo Flavors 2024 với chủ đề “Ngành F&B Việt Nam: Nội lực bền cùng tiềm năng lớn" hội tụ những chuyên gia F&B đầu ngành để cùng tôn vinh và thảo luận về quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành F&B Việt Nam.
Địa điểm: Khách sạn New World Saigon, 76 Đ. Lê Lai, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Thời gian: 9:00 - 16:00, thứ Tư, ngày 18/09/2024
Để tìm hiểu thêm về những sự kiện sắp tới của Flavors Vietnam, vui lòng truy cập website hoặc liên hệ chúng tôi qua @
Chân thành cảm ơn các nhà tài trợ và đối tác của Hội thảo Flavors 2024: Title Sponsor (Mastercard), Major Sponsor (Diageo - Công ty sở hữu các thương hiệu Johnnie Walker, Tanqueray và Don Julio), Venue Sponsor (New World Saigon Hotel), Partner Sponsor (Nestle Professional và Tân Nhất Hương), Travel Partner (Be), Communications Partner (VERO), Content Curator (Kamereo Vietnam) và Creative Partner (InSpace-Creative).
Thưởng thức có trách nhiệm, 18+.
Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.