"Gia trưởng mới lo được cho em" - Sao gia trưởng bỗng dưng thành gu?
1. Gia trưởng là gì mà nói “lo được cho em”?
Gia trưởng theo nghĩa gốc không có hàm ý tiêu cực, đơn giản là người làm chủ đứng đầu gia đình, được phân công gánh vác những trọng trách lớn trong nhà.
Còn theo một định nghĩa khác gia trưởng (paternalism) là hành động giới hạn sự tự do hoặc tự chủ của một cá nhân hay một nhóm người nào đó với mục đích mang lại lợi ích cho cá nhân đó, muốn người khác phụ thuộc vào mình.
Trong đời sống hiện đại ngày này, nghĩa phổ biến và gần gũi nhất của gia trưởng là để chỉ những người đàn ông có tính cách độc đoán, bảo thủ bắt ép người khác nghe theo ý mình, đặc biệt cho mình là bề trên, thích kiểm soát nửa kia trong mối quan hệ của hai người.
2. Nguồn gốc của trend “gia trưởng mới lo được cho em”?
Trào lưu này xuất phát từ tài khoản TikTok @enhobbies với tiêu đề “Gu ải gu ai”. Trong video anh chàng chủ kênh cố tình “ra dẻ” một người đàn ông gia trưởng với loạt câu thoại đậm chất kiểm soát. Trong đó có hai câu gây bão nhất trực tiếp tạo nên xu hướng chính là: “Anh rất là gia trưởng đấy. Người gia trưởng sẽ lo được cho em.”
Ý nghĩa đằng sau video này rõ ràng để cà khịa, nhưng điệu bộ vào vai nghiêm túc, nét mặt nhập tâm cùng với nội dung cường điệu của chủ kênh đã khiến người xem được dịp cười khoái chí, nhiệt liệt hưởng ứng nhận gu mình là người gia trưởng. Chiếc video sau đó được lan tỏa một cách nhiệt tình, tới giờ đã có thu về gần 1 triệu lượt xem và xấp xỉ 50 nghìn lượt thả tim.
3. Gia trưởng phổ biến nhờ người gia trưởng không đáng kể?
Sức nóng của người gia trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh sau khi những nhân vật hiện nay nhập hội bắt trend. Tiêu biểu là chú Ninh và anh Âm - cặp đôi được nhiều người yêu mến bởi chuyện tình đẹp và tính cách hài hước. Khi livestream giao lưu với người hâm mộ Ninh Anh Bùi thường xuyên diễn tiểu phẩm vào vai người đàn ông gia trưởng với người yêu.
Tuy đọc thoại “anh rất là gia trưởng đấy” cực kỳ mượt mà nhưng thực tế thì Ninh Anh Bùi suốt ngày than bị người yêu giữ tiền, “mắng yêu”, muốn khởi nghĩa bật “nóc nhà” nhưng lại thôi. Chính sự tréo ngoe đấy khiến người hâm mộ được dịp vào hùa, tôn vinh anh là người đàn ông gia trưởng không đáng kể.
Hiện tượng này có hẳn tên gọi là lý thuyết phi lý (incongruity theory): khi chúng ta nhận ra sự đối lập giữa thực tế và trên internet là lúc cảm nhận được sự hài hước và tiếng cười vô thức bật ra.
Đặc biệt sau khi hai hệ tư tưởng “công ty” chú Ninh - Âmiuoi và gia đình Pamiuoi cùng nhau gặp mặt đã khiến mạng xã hội rần rần. Hai người đàn ông làm chủ hai gia đình ngồi chính giữa, dáng ngồi ngạo nghề rất đúng kiểu gia trưởng nhưng ai cũng biết hai anh chỉ giỏi ra vẻ thôi.
Thế nên, gia trưởng bây giờ không còn mang nghĩa xấu như trước mà được cư dân mạng định nghĩa lại là gia trưởng tương đương với Ninh Anh Bùi và Long Hạt Nhài - những người đủ 4 tế: tử tế, tinh tế, kinh tế và thực tế.
Thậm chí mới đây, hội người đàn ông “gia trưởng” được các chị em mê còn gia nhập thêm một gương mặt mới là Harry Lu. Những trích đoạn trong phim của nam diễn viên đang được đào mộ lại và nhận nhiều sự quan tâm.
Dù lời thoại có phần sến sẩm đúng kiểu chỉ trong phim mới thế, giây trước thì bực bội “Im coi đừng để anh bực bội” giây sau đã “cục cưng ơi, anh chở em đi ăn kèm nè”. Thế nhưng nhờ vậy mọi người như được sống lại cơn sốt ngôn tình một thời với mô típ bá đạo tổng tài cực kỳ được yêu thích.
Có thể thấy, không phải nét tính cách gia trưởng bỗng dưng nhận được sự yêu thích hay phụ nữ giờ đổi gu ngược đời. Hình mẫu nam giới lý tưởng phổ biến thực chất vẫn thế là kiểu chăm sóc và yêu thương người bên cạnh, có gia trưởng thì cũng là làm màu thôi, gia trưởng nhưng phải không đáng kể.
4. Cách dùng từ gia trưởng?
A: Thích cái cách mà anh ta “gia trưởng”.
B: Ừ, có đúng là gia trưởng thiệt hông?