1. Nóc nhà là gì?
Nóc nhà thường được dùng hài hước bởi nam giới để nói đến bạn đời hoặc người yêu của mình.
2. Nóc nhà phổ biến khi nào?
Sau Bán kết của chương trình Rap Việt tháng 10 năm ngoái, câu hát “Nhà nào mà chẳng có mái!” của rapper MCK tạo thành 1 trào lưu trên mạng xã hội.
Chữ “mái” ở đây có thể hiểu là cái mái nhà, hoặc là mái trong trống/mái, chỉ giới nữ. Nhà nào mà chẳng có mái là nhà nào mà chẳng có phụ nữ. “Định luật” này có ngoại lệ, nhưng quan trọng hơn, MCK đang muốn khẳng định “tôn trọng vợ” là điều hiển nhiên, như nhà là phải có mái. “Đội vợ lên đầu” không “trường sinh bất tử”, nhưng “sang”.
Cuối tháng 10, video parody Nhà Phải Có Nóc của “gương mặt thân quen” Đỗ Duy Nam và Thái Dương nhận về đến hơn 3 triệu lượt xem. Bài viết với câu chú thích “Ra đường anh là cá mập. Ở nhà anh là cá con.” của JustaTee cũng nhận về hơn 60 ngàn lượt thích.
Người Việt từ xưa đã có cách so sánh người quan trọng trong gia đình như một bộ phận của ngôi nhà: người “trụ cột”, hoặc “nóc nhà” như trong câu “con có cha như nhà có nóc”.
Khi địa vị xã hội của phụ nữ tăng lên, người trụ cột trong gia đình không nhất thiết phải là phái nam nữa. Nóc nhà cũng không hẳn phải là người đàn ông. Con không có cha thì vẫn có thể được che chở, chăm sóc đủ đầy.
“Nhà phải có nóc” đôi khi có thể được dùng hài hước bởi các ông chồng để níu kéo định kiến đàn ông có toàn quyền quyết định. Chẳng hạn như “Thôi không cãi nữa. Nhà là phải có nóc”. Nhưng về sau nóc nhà được dùng nhiều hơn để chỉ đến những người vợ. Nổi bật là trong các clip của cặp vợ chồng tấu hài nổi tiếng trên TikTok - Gianglinhofficial.
Tại Việt Nam, đến năm 2020 đã có tới 70% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Các vị trí quản lý cấp cao do phụ nữ Việt Nam đảm nhiệm chiếm 27%, cao hơn trung bình thế giới. Tuy nhiên, lao động nữ vẫn tập trung ở những ngành nghề có thu nhập thấp. Và hơn 50% phụ nữ Việt Nam vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Cách dùng nóc nhà phản ánh sự thay đổi trong góc nhìn của giới trẻ về vai trò của nữ giới, nhưng con đường mang lại sự công bằng, bình đẳng cho họ trong xã hội vẫn còn rộng và dài.
3. Cách dùng nóc nhà
- Ông đi nhậu hỏi vợ chưa đấy? Nhà là phải có nóc đấy nhé.
- Đợi 5 phút, nóc nhà tôi đang trang điểm nhé.
- Nóc nhà ơi, hôm nay trà sữa hay trà đào?