Giảm năng suất lao động: Không thể đổ lỗi cho làm việc từ xa!

Một nghiên cứu chỉ ra rằng người làm việc từ xa làm việc năng suất hơn 13% so với những đồng nghiệp của họ ở văn phòng.
Long Vũ
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ mới đây công bố năng suất lao động, hay sức sản xuất mỗi giờ của nước này, trong quý đầu của năm 2023 giảm tới 2.7%. Đây là mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận trong 75 năm vừa qua.

Thống kê này dường như bổ trợ cho lập luận của nhiều chủ doanh nghiệp sau đại dịch, rằng hiện tượng làm việc từ xa (remote work) tưởng như định hình một loại văn hoá đi làm mới, song thực tế gây hại tới môi trường làm việc nói chung. Đây không chỉ là lo lắng của riêng giới chủ ở phương Tây, mà là một sự bất an toàn cầu sau dịch Covid-19.

Mức giảm 2.7% không phải chỉ số duy nhất làm dấy lên lo ngại của giới chủ. Phân tích dữ liệu từ Zippia cho thấy 68% người lao động Mỹ lãnh đạm với công việc của mình. Gallup định nghĩa tính từ ngược lại với lãnh đạm - sự tham gia của người làm công. Sự tham gia bao gồm việc người lao động cam kết và hứng thú với công việc của mình. Tính chất này đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, bởi việc người lao động lãnh đạm với công việc có thể dẫn tới con số thiệt hại lên đến 7.7 nghìn tỷ Đô La Mỹ, tức là 11% GDP toàn cầu.

Theo các CEO, suy thoái về năng suất và kinh tế trong những năm gần đây là hệ quả của việc người lao động không làm việc trực tiếp tại văn phòng. Họ cho rằng người lao động từ xa thiếu độ cam kết hơn các đồng nghiệp có mặt trực tiếp tại công sở. Tuy vậy, các số liệu nghiên cứu dường như mâu thuẫn với những gì giới chủ dự đoán.

2. Lý lẽ của các CEO là gì?

Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs - ông David Solomon - là một trong những lãnh đạo phản đối gay gắt nhất chính sách làm việc tại nhà. Bên cạnh đó là Elon Musk, với nhiều thực thi chống lại work-from-home, gây nhiều xáo trộn văn hoá làm việc ở Twitter, nơi ông hiện đang sở hữu. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã huỷ bỏ chính sách làm việc từ xa để cứu vãn tình trạng giảm năng suất thê thảm.

Bên cạnh mức độ cam kết với công việc, David Solomon lo lắng về sự xuất hiện của một tầng lớp 3000 người lao động mới tuyển không nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ người đi trước. Họ thiếu sự truyền thụ kinh nghiệm và văn hoá doanh nghiệp do chính sách làm việc không lên văn phòng.

Đồng ý với Solomon, giám đốc điều hành của JP Morgan - Jamie Dimon - cũng cho rằng làm việc từ xa có ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất. Ông nói, những cuộc họp qua Zoom thiếu hiệu quả vì sau đó sẽ không có sự triển khai ngay lập tức. Các lo lắng khác bao gồm sự đứt gãy của văn hoá công sở.

Tuy vậy, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, trong trường hợp Trung Quốc, người lao động từ xa có năng suất cao hơn lao động văn phòng lên tới 13%. Những người này có xu hướng ít xin nghỉ ốm hơn, và có mức độ hài lòng cao hơn với công việc.

3. Đâu là những nguyên do đằng sau đà giảm năng suất?

Theo Jack Kelly, nhà sáng lập của công ty tìm kiếm việc làm WeCruitr, có nhiều yếu tố tới từ nội bộ của các công ty dẫn đến tình trạng người lao động thiếu sự cam kết với công việc của mình. Những lý do này bao gồm:

Các công việc lặp đi lặp lại, không có sự thách thức, khiến người lao động cảm thấy nhàm chán.

Sự thiếu hiệu quả trong giao tiếp văn phòng: Đó là khi người sử dụng lao động không vạch ra những kỳ vọng cụ thể với nhân viên, và không truyền đạt rõ ràng các yêu cầu của họ. Điều này có thể khiến người lao động cảm thấy bị cô lập.

Bên cạnh đó, khi công ty thiếu các quyết định khen thưởng hoặc bổ nhiệm, người đi làm cũng cảm thấy mình không được công nhận, công việc của mình không được đánh giá cao.

Hơn nữa, nhiều môi trường doanh nghiệp rơi vào tình trạng độc hại, trong đó có sự bắt nạt, quấy rối, thiếu tôn trọng, khiến nhân viên không cảm thấy an toàn.

Những yếu tố vĩ mô như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, chiến tranh, chuỗi cung ứng đình trệ, v.v. cũng trực tiếp đánh vào năng suất của các doanh nghiệp. Vì thế, các CEO không thể đổ lỗi một mình cho chính sách làm việc từ xa nếu tình hình kinh doanh của họ xuống dốc.

4. Các công ty cần làm gì để tăng năng suất?

Trong bài phân tích chi tiết mang tên Khi các CEO đổ lỗi giảm năng suất cho làm việc từ xa, hãy nhìn bức tranh rộng hơn (While CEOs blame remote work for decreased productivity, here's the bigger picture), Jack Kelly để lại lời khuyên cho các doanh nghiệp trong 13 gạch đầu dòng, trong đó chúng tôi muốn nhấn mạnh những lời khuyên sau:

Thứ nhất, về việc đảm bảo quyền lợi tài chính cho nhân viên:

  • Cung cấp các khoản tăng lương phù hợp với lạm phát để giúp nhân viên theo kịp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng;
  • Cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như hoàn trả học phí hoặc hỗ trợ chăm sóc trẻ em, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong một chặng đường dài, giúp họ dễ dàng tập trung vào công việc hơn.

Thứ hai, về việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh:

  • Các ông chủ nên minh bạch về tình hình tài chính của công ty, để mọi người cảm thấy được tham gia vào các cuộc trò chuyện quan trọng về những gì đang xảy ra với doanh nghiệp;
  • Cải thiện truyền thông nội bộ để tạo ra văn hóa đối thoại cởi mở và trung thực;
  • Đừng bỏ qua sự độc hại trong công việc và cho phép nó lây lan.

5. Bài học nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Với ảnh hưởng từ văn hoá làm việc quốc tế, môi trường việc làm tại Việt Nam cũng trải qua xu hướng làm việc từ xa, và sau đó là huỷ bỏ chính sách này sau đại dịch. Dưới sức nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đứng trước khó khăn sụt giảm năng suất lao động, và họ muốn hướng nguyên nhân về cho văn hoá làm việc từ xa.

Nhưng các nghiên cứu về làm việc từ xa tại Việt Nam lại cho thấy các hiệu quả tích cực, ngược lại so với suy đoán từ nhóm chủ lao động. Rút ra từ các tiền lệ trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét làm việc từ xa như một văn hoá công sở mới, thay vì chống lại xu hướng này. Các con số sau đây sẽ là minh chứng cho những hứa hẹn về làm việc từ xa và cách văn hoá này thúc đẩy sự cam kết của người lao động:

Theo báo cáo Làm việc từ xa: Phát triển mạnh theo mô hình làm việc mới (Remote working: Thriving under this model of work) Báo cáo Mức độ sẵn sàng số Việt Nam (Vietnam Digital Readiness Report) của PWC, 82% số người trả lời báo cáo nghiên cứu của cơ quan này cho rằng làm việc từ xa sẽ thịnh hành tại Việt Nam, ngay cả sau đại dịch. 19% số người được khảo sát muốn làm việc từ xa hoàn toàn, và 37% muốn làm việc tại nhà ít nhất 2 ngày công mỗi tuần.

Cụ thể hơn, 80% số người trả lời thuộc độ tuổi Gen Z cho rằng làm việc tại nhà sẽ hiệu quả hơn. Nhóm này sẽ đại diện cho 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2025. Bên cạnh đó, những người chủ doanh nghiệp cũng cho rằng họ sẵn sàng tuyển dụng lao động làm việc dù họ sống ở những nơi xa cách về mặt địa lý, bởi nhu cầu tìm kiếm người lao động gắt gao trong thời gian này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục