Giới tài chính phương Tây đang "bơi" qua thảm họa ngân hàng như thế nào?

Tìm hiểu cách thế giới đối phó với khủng hoảng tài chính thông qua 4 thuật ngữ sau đây.
Sơn Hoàng
Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Kể từ đầu năm cho tới nay, ngành tài chính nói riêng và nền kinh tế tại các khu vực cũng như toàn cầu thường xuyên phải nhận những “tin buồn.” Trong khi tình hình lạm phát tại nhiều nước mới phần nào thuyên giảm chứ chưa hạ nhiệt, thì mức lãi suất cao đề ra để đối phó với lạm phát lại đẩy nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tài chính vào tình trạng điêu đứng.

Việc một số ngân hàng tại Mỹ và sau đó là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ lần lượt lâm vào khó khăn tới mức cạn tiền cho thấy mọi thứ không êm đềm như chúng ta tưởng. Trước tình hình đó, đâu là những phương thức để giúp đỡ, giải cứu doanh nghiệp, cũng như khắc phục những vấn đề kinh tế trong ngắn hạn?

Cùng Vietcetera làm quen với một số từ khóa để hiểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng, và những cách thức để vượt qua nó.

1. Capital injection (Bailout)

Capital injection, hay còn gọi là bailout, là hành động bơm vốn vào một đơn vị tài chính. Đây được coi là một khoản đầu tư, thường là dưới dạng tiền mặt, tài sản, hay nợ. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng capital injection tương đồng với bailout ở chỗ nó thể hiện rằng đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn lớn về tài chính nên cần sự trợ giúp khẩn cấp.

Trong những trường hợp khác bớt nghiêm trọng hơn, thì capital injection là cụm từ chung để chỉ các loại hình đầu tư vào một doanh nghiệp trong các giai đoạn khác nhau. Hành động đầu tư này có thể diễn ra với một công ty đang phát triển trong giai đoạn mở rộng, hoặc cũng có thể là một doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập và cần tìm những cổ đông đầu tiên với những đồng vốn đầu tiên.

Nếu như bailout được định nghĩa chặt chẽ hơn và thường chỉ xuất hiện dưới dạng các khoản tiền cứu trợ từ chính phủ và/hoặc các doanh nghiệp và ngân hàng khác, thì capital injection linh hoạt hơn và có thể xuất hiện dưới nhiều dạng. Ví dụ, bên cạnh các hình thức nhận vốn, thì việc một công ty lên sàn chứng khoán và nhận tiền của công chúng từ các giao dịch chứng khoán cũng có thể coi là capital injection.

2. Bail-in

Giống như bailout, bail-in cũng là một giải pháp cứu trợ cho các thể chế tài chính trong tình huống nguy cấp. Nhưng nếu cốt lõi của bailout là đưa tiền và bơm vốn để giải quyết gánh nặng tài chính và thanh khoản, thì bail-in tập trung vào việc xóa nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ.

Nói một cách ngắn gọn, bail-in cho phép một ngân hàng sử dụng tiền mà đúng ra là khoản nợ mà đơn vị phải trả cho người gửi tiền và nhà đầu tư để trang trải cho việc khắc phục khủng hoảng. Như vậy, cả bail-in và bailout đều hướng tới kết quả là ngân hàng có tiền, nhưng tiền của bailout thì thường tới từ nhà nước và người gánh lỗ cho đơn vị là người dân, còn bail-in thì lấy tiền từ các chủ nợ của đơn vị, và cũng chính những chủ nợ ấy là người lỗ.

Bail-in nổi lên như một phương án hiệu quả để thay thế bailout nổi lên vào giai đoạn 2013, sau cuộc khủng hoảng của Ngân hàng Cyprus. Các cơ quan kinh tế của EU cũng nhiều lần nói về bail-in và coi đây là lựa chọn phù hợp cho nền kinh tế khu vực.

Trang Investopedia đưa ra ba trường hợp nên bail-in thay vì bailout. Đó lần lượt là: khi đơn vị cần cứu không đủ lớn để tạo hiệu ứng toàn diện lên hệ thống ngân hàng, khi chính phủ không đủ nguồn lực để tiến hành bailout, và trong những trường hợp nhất định khi cần phải bail-in để tái phân bổ số tiền của người nộp thuế.

3. Systemically Important Financial Institution

Systemically Important Financial Institution (SIFI) chỉ các tổ chức tài chính và các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu. “Quan trọng” ở đây được đánh giá bằng cách đo lường sự ảnh hưởng của đơn vị đó đối với các đơn vị khác trong danh sách, và với toàn bộ hệ thống.

Nói cách khác, một doanh nghiệp tài chính được coi là một SIFI khi sự lụn bại của nó có thể kéo cả hệ thống sập theo. Một cụm từ đồng nghĩa và “dân dã” hơn của SIFI là “too big too fail” - chỉ những ngân hàng lớn tới mức nếu có chuyện gì xảy ra với nó, thì những ngân hàng khác cũng điêu đứng.

Trong khi mỗi quốc gia có một danh sách các SIFI nội địa, thì một tổ chức giám sát tài chính toàn cầu là Ban Ổn định Tài chính (Financial Stability Board - FSB) đã nghiên cứu và đưa ra danh sách G-SIFI, tức những tổ chức tài chính và ngân hàng quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Credit Suisse - nhân vật chính trong vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ gần đây - nằm trong danh sách G-SIFI của FSB. Do tầm quan trọng của nó, chính phủ Thụy Sĩ đã phải gấp rút thu xếp việc mua lại Credit Suisse nhằm tránh các rủi ro có thể xảy tới với nền kinh tế nước này cũng như các ngân hàng khác. Vụ sáp nhập Credit Suisse-UBS nhận được sự chú ý của giới tài chính toàn cầu cũng bởi sự hiện diện của cả hai ngân hàng này trong G-SIFI.

4. Emergency credit

Emergency credit, tức tín dụng khẩn cấp, là một khái niệm thuộc bối cảnh tài chính và hệ thống chính sách của Mỹ. Đây là một khoản vay từ Cục Dự trữ Liên bang cho ngân hàng hoặc các thể chế tài chính đang cần tiền khẩn cấp nhưng không có nguồn nào để tăng vốn và lấy tín dụng. Một số người còn gọi emergency credit là bailout loans, tức cứu trợ tài chính dưới dạng khoản vay.

Phương pháp cứu trợ này nhắm tới việc hồi phục tính thanh khoản của ngân hàng hoặc doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng để giảm rủi ro đối với toàn hệ thống. Cùng với các hình thức bailout mà ta thường thấy, thì emergency credit được chính phủ Mỹ sử dụng thường xuyên trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2008. Vào đỉnh điểm của giai đoạn này, mỗi ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gửi 212 tỉ USD cho các ngân hàng trong nước.

Một ví dụ khác của emergency credit xảy ra gần đây hơn trong giai đoạn nền kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng vì đại dịch. Trước những khó khăn mà Covid-19 và việc phòng chống dịch đặt ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mở rộng số lượng các chương trình vay tín dụng khẩn cấp để hỗ trợ cho những doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa chèo lái qua giai đoạn khó khăn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục