Global Citizen: Đi ăn món Hoa sao cho đúng điệu?

Đọc bài viết này để tìm hiểu những hành động nhỏ, ghi điểm lớn trên bàn ăn của người Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ gợi ý cho bạn những món-không-thể-bỏ-lỡ tại một nhà hàng Trung.

Vietcetera
Global Citizen: Đi ăn món Hoa sao cho đúng điệu?


Thiết nghĩ, ở một nơi hội tụ nhiều nền văn hóa như đất Sài thành, nội chuyện tác phong ăn uống sao cho ra dáng “công dân toàn cầu” thôi cũng đã đủ rối rắm rồi. Nói chi xa xôi bản sắc mấy nước phương Tây, vòng vòng các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… thôi mà cách ăn uống đã quá chừng khác nhau. Hành động được xem là lịch sự trên bàn ăn của quốc gia này đôi khi lại là “kém duyên” trên bàn ăn của quốc gia khác. Vì thế, chúng tôi nghĩ các bạn trẻ cần lắm những cuốn cẩm nang bỏ túi để mỗi lần đi ăn có thể mở ra lướt nhanh, học lẹ. Lần này, cùng theo chúng tôi tìm hiểu về tập tục ăn uống của người Trung Hoa.

“Tương tự như người Nhật, người Trung Quốc cũng nổi tiếng với sự chỉn chu và nguyên tắc khi dùng bữa.” – Các bạn nhân viên ở nhà hàng Dim Tu Tac bật mí với chúng tôi. Đọc hết bài viết này để tìm hiểu những hành động nhỏ, ghi điểm lớn trên bàn ăn của người Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ gợi ý cho bạn những món-không-thể-bỏ-lỡ tại một nhà hàng Trung.

1. Mỗi thực khách có một bộ chén dĩa riêng

“Ở nhà hàng Việt hoặc nhà hàng Nhật thì không cần lưu ý điểm này, nhưng khi thưởng thức ẩm thực Trung Hoa, các thực khách Việt thường xuyên dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, điều này là không nên.” – Bạn nhân viên ở Dim Tu Tac chia sẻ.

Ở các nhà hàng Trung Hoa, mỗi thực khách đều được chuẩn bị một bộ dụng cụ ăn riêng, bao gồm 1 chén trà nhỏ, 1 đĩa và 1 chén đựng cơm, 1 đôi đũa và 1 cái muỗng (thường được đặt bên phải của chiếc dĩa). Đôi khi còn kèm theo 1 chiếc gác đũa, 1 ly đựng nước hoặc đựng rượu, và 1 ly nhỏ đựng rượu Bạch Tửu (Baijiu). Trừ món canh hoặc súp, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa.

Đối với các món ăn lớn (các món của bếp chính), đều sẽ được nhân viên chu đáo chuẩn bị 1 chiếc muỗng lớn đi kèm để múc thức ăn, tránh việc dùng đũa cá nhân gắp trực tiếp vào đĩa chung. Kể cả khi ăn dimsum, bạn cũng không nên dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác.

2. Khi ăn nhớ nâng chén lên

Khi ăn, đừng lười biếng, hãy nâng chén cơm của mình lên bạn nhé! Cách đúng nhất là cầm bát cơm với ngón cái đặt trên miệng chén, các ngón còn lại đặt phía dưới đáy chén. Việc không nhấc chén lên mà cúi gầm mặt xuống bàn ăn được xem là một hành động “kém duyên”. Và quan trọng là, tư thế này còn gây ảnh đến dạ dày và đường tiêu hóa.

3. Người lớn ăn trước, người nhỏ ăn sau

Người Việt thường có thói quen mời nhau dùng bữa, sau đó gắp thức ăn cho nhau để thể hiện tình thương, sự quan tâm mà họ dành cho nhau. Người Trung Quốc coi trọng lễ nghi, nhưng cách họ thể hiện có phần khác hơn. Họ không có thói quen gắp thức ăn hay mời nhau trong bữa cơm, mỗi người có quyền chủ động ăn theo sở thích.

Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ, đó là khi các món ăn được lần lượt bài trí trên bàn ăn, thường sẽ đặt trước mặt người lớn tuổi trước rồi sau đó mới xoay đến các thành viên khác. Đây là một quy tắc nhất định phải tuân thủ để thể hiện sự kính trên nhường dưới giữa mọi người.

Ngoài ra, khi gắp thức ăn, bạn cũng cần lưu ý chỉ gắp những món ở trước mặt mình, hạn chế vươn người gắp những món ăn xa tầm tay hoặc đang đặt trước mặt người khác. Vì bàn ăn của người Trung Hoa đa phần là bàn xoay, nên bạn có thể xoay bàn để gắp món ăn mà mình muốn. Nhưng cũng đừng xoay quá nhiều bạn nhé!

4. Trình tự đặt món

Các món khai vị & món ăn nhẹ

Các món ăn nhẹ sẽ được phục vụ đầu tiên. Thông thường, mỗi set ăn sẽ có từ 2-3 món nhẹ, đó có thể là đậu phộng rang muối, hoặc gỏi, để thực khách nhâm nhi trong lúc đợi các món chính được chuẩn bị. Tại Dim Tu Tac, bạn có thể thử qua hai món ăn này, đó là gỏi mộc nhĩ truyết nhĩ trộn wasabi và chân gà dưa ớt.

Các món chính

Lựa chọn cho món chính thì vô vàn, thường là dimsum hoặc các món dùng kèm cơm trắng. “Đối với dimsum, nếu là người sành ăn, bạn sẽ không cần dùng đến nước tương. Hầu hết các món dimsum đều được nêm nếm vừa miệng để thực khách không cần phải dùng nước chấm bổ sung.” – Nhân viên nhà hàng Dim Tu Tac nói. Tuy nhiên, tùy khẩu vị, bạn có thể thêm nước chấm cho đậm đà, nhưng người Quảng Đông bản xứ thích vị nhạt, chỉ chấm với giấm đen.

Một số loại dimsum được yêu thích là há cảo tôm, thịt xíu mại cuộn sốt đặc biệt, bánh cuốn xào tương XO, và bánh tart trứng. Há cảo tôm đạt yêu cầu không chỉ có phần nhân ngon mà phần vỏ cũng phải đạt tiêu chuẩn dẻo, dai nhưng không dai nhách.

Đặc biệt nhất phải kể đến là bánh bao Thượng Hải với loại nước súp nóng hổi và thơm ngon được “gói” cẩn thận trong từng miếng dim sum. Khi ăn món này, tốt hơn là nên cắn một miếng nhỏ để thưởng thức thứ nước ngọt béo, nóng hổi từ bên trong chiếc bánh. Đừng bao giờ vội vàng ăn cả miếng to, có thể sẽ bị bỏng bởi nước súp nóng. Hương vị của món ăn sẽ đậm đà hơn khi thưởng thức nó từng chút một.

Cũng không thể nào không nhắc đến các món quay, trong đó vịt quay Bắc Kinh luôn là lựa chọn hàng đầu. Lớp da vịt giòn tan thường được ăn với bánh tráng (bò bía) cuộn cùng vài lát dưa chuột, ớt và đầu hành bào mỏng, sau đó rưới lên một chút nước sốt sánh mịn pha theo công thức bí truyền. Phần thịt vịt sau đó sẽ được lóc ra đem xào với mỳ hoặc thịt vịt bằm cuốn xà lách hoặc cơm chiên. Nếu vẫn chưa đủ, bạn có thể gọi thêm ngỗng quay, heo sữa quay và thịt xá xíu.

Các món từ tinh bột

Khi đã hoàn thành các món chính, hãy gọi thêm các món từ tinh bột như mì, miến và bánh bao để chắc là thực khách của bạn hoàn toàn no bụng. Các món mì thường được người Trung Quốc làm thô và ăn ngay. Theo họ, mì là tượng trưng của sự trường thọ, nên được đặc biệt ưa chuộng trong các dịp sinh nhật, lễ trường thọ. Ăn mì cũng cần có thủ thuật, tức là bạn phải nuốt hết cả sợi, thay vì cắn thành nhiều miếng nhỏ. Ngoài ra, việc tạo tiếng ồn khi ăn mì cũng bị coi là “kém duyên”.

Tại Dim Tu Tac, nhân viên gợi ý bạn chọn hoành thánh mì, bánh bao xá xíu hoặc miến cua tay cầm, với cua nguyên con om với miến, đặt trong niêu tay cầm hấp dẫn bởi thịt cua không vỡ nát, miến hơi dai, không quá mềm, cua và miến đều đượm gia vị quyện với hương thơm của rau mùi.


Ngoài ra, khi bữa ăn dần đi vào hồi kết, hãy chắc rằng bạn chỉ gắp miếng cuối cùng khi đã có sự cho phép của mọi người. Việc tự tiện gắp phần ăn cuối mà không hỏi người khác được cho là bất lịch sự. Thế nhưng việc để lại thức ăn trên dĩa cũng được cho là điều không nên.

Các món tráng miệng và trà

Để kết thúc bữa ăn một cách “ngọt ngào”, bạn có thể chọn cho mình những món chè hảo hạng của người Trung Hoa như dương chi bột báng, qui linh cao, và thạch sả nước cốt chanh.

Việc phục vụ trà sau mỗi bữa ăn là một trong những truyền thống lâu đời nhất của người Trung Quốc. Hiện tại, trà không chỉ được phục vụ sau bữa ăn mà còn trong suốt qua trình thưởng thức bữa ăn. Nhân viên trong quán sẽ liên tục rót trà nhằm giữ cho chén trà luôn đầy, đó cũng là cách để họ thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng thực khách. Vì thế, đừng quên nói lời cảm ơn để đáp lễ bạn nhé.


Chúc bạn có một trải nghiệm thưởng thức ẩm thực Trung Hoa tuyệt vời và đúng điệu!


Xem thêm:

[Bài viết] Dim Tu Tac: Tinh túy ẩm thực Quảng Đông đất Sài thành

[Bài viết] Cùng Elliot Faber giải mã ba quan niệm sai lệch về thưởng thức rượu sake


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục