Góp ý mang tính xây dựng: Hành xử sao cho không "ô dề"

Trước khi đóng góp ý kiến, ta cần xác định rõ ràng xem mình lên tiếng vì điều gì. Nếu không có tinh thần cầu tiến và sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau, thì quan điểm chỉ để “nói cho sướng mồm.”
Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)
Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Sự ra đời của mạng xã hội cho phép chúng ta cất giọng nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay, việc bình phẩm và nêu quan điểm về các vấn đề xã hội trên Facebook trở thành hoạt động thường nhật, giống như tập thể dục vậy. Xu hướng này cũng dần lan sang môi trường công sở, khi nhân viên và sếp cởi mở phê bình, góp ý lẫn nhau.

Chắc hẳn không nhiều người muốn tác dụng của quan điểm, góp ý của mình chỉ dừng lại ở ngưỡng cho cơ miệng và cơ ngón tay tập thể dục. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu quan điểm đó không có mục đích cụ thể. Giá trị then chốt của thực hành phê bình và nêu quan điểm cá nhân là tính góp ý và xây dựng, chứ không phải đào sâu thêm bất đồng. Rời xa khỏi giá trị này, phê bình dễ dàng lạc lối.

Đôi lúc, ta góp ý với thái độ đầy thiện chí, nhưng thông qua bộ lọc của đối phương, ta lại mang dáng dấp của người chỉ trích, bới bèo ra bọ. Lý do có thể là vì ta phê phán cá nhân thay vì góp ý cho hành động hoặc sản phẩm. Tệ hơn, trong lúc tìm “đồng minh” có cùng quan điểm với mình, ta vô tình bêu rếu đối phương trước tập thể.

Vậy đâu là các loại phê bình thường thấy?

1. Phê bình xây dựng (constructive criticism)

Phê bình xây dựng là một dạng góp ý trong đó người nói chỉ ra điểm tiêu cực của một nhận định, một hành động hay một sản phẩm. Nhưng không dừng lại ở đó, họ cố gắng cùng đối phương tìm ra phương cách cải thiện điểm tiêu cực, thay vì dìm đối phương xuống và tăng vị thế của mình lên trong cuộc hội thoại.

Điểm cần phải nhấn mạnh ở phê bình xây dựng là người phê bình không tập trung vào con người cá nhân của đối phương, mà quan tâm đến sản phẩm đối phương làm ra. Nói cách khác, một góp ý thiện chí sẽ không đặt ra những quan hệ nhân quả theo kiểu “vì sản phẩm của bạn không hoàn thiện, nên bạn là người sống không ra gì.”

Phê bình xây dựng là dạng góp ý lý tưởng nhất vì nó đặt những người bất đồng quan điểm vào tình thế phải lắng nghe lẫn nhau và cùng hợp tác. Yêu cầu của dạng phê bình này là tính chất rõ ràng, nêu rõ hành động cụ thể, và có ích đối với người nghe. Người được phản biện cần phải được biết rõ xem họ sẽ làm gì tiếp theo.

Giả dụ, khi người quản lý góp ý cho một sản phẩm, thay vì nói “chỗ này tôi cảm thấy cứ sao sao, nhưng không biết vấn đề cụ thể là gì, bạn hãy sửa đi,” họ cần làm rõ với nhân viên về hướng đi khác họ mong muốn, và đưa ra một số gợi ý trong khả năng thực hiện được, để sản phẩm cuối cùng được hoàn thiện. Trong trường hợp cấp trên huỷ bỏ sản phẩm vì chất lượng của nó không đạt, họ cần đưa ra giải trình chi tiết cho quyết định của mình.

Nếu không thể đưa ra một góp ý hữu ích, sự phê bình của chúng ta dù có mục đích tốt vẫn có thể mang tính chất “huỷ hoại” (destructive criticism). Loại phê bình này vừa khiến công việc rơi vào bế tắc, vừa khiến người nhận phê bình cảm thấy sụp đổ.

2. Phơi bày (call-out)

Phơi bày và phê bình xây dựng có điểm khác biệt vô cùng lớn. Trong khi người phê bình xây dựng quan tâm đến việc cùng đối phương cải thiện tình huống, thì người phơi bày chỉ quan tâm tới những lỗi sai và khuếch đại nó. Trong khi mục đích của phê bình xây dựng là tạo ra thành quả với chất lượng như ý, thì logic của hành động phơi bày là tấn công và quy trách nhiệm cá nhân.

Trong thực tế, ai cũng từng phơi bày người khác, và ai cũng từng là đối tượng bị phơi bày. Hành động này xảy ra thường xuyên hơn trong giao tiếp trực tiếp, khi các bên tham gia không còn đủ sự bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau. Quan sát những câu nói thường thấy trong một trận phơi bày, ta sẽ thấy người nhận chỉ trích luôn ở vị trí trung tâm:

“Việc cỏn con thế này mà [bạn] cũng không làm được!”

“[Bạn] làm sếp kiểu này thì công ty đi về đâu?”

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ứng xử nhã nhặn và bình tĩnh như khi đưa ra phê bình xây dựng. Trong trường hợp đối phương đứng ở nấc thang quyền lực quá cao so với ta, và không có dấu hiệu nào chứng tỏ người này sẽ lắng nghe ta một cách cầu tiến, thì sự phơi bày là lựa chọn khả dĩ cuối cùng.

Khi ấy, người phơi bày cần dự liệu trước những hệ quả không mong muốn của hành động này. Vì hành động phơi bày luôn khiến nhiều hơn một người bị tổn thương. Khi ta tấn công cá nhân người đối diện, ta không thể chắc chắn họ không làm điều tương tự với ta. Vòng lặp thù ghét vì thế sẽ không dừng lại.

3. Tẩy chay (cancel)

Phơi bày và tẩy chay thường hay được dùng với chung một nghĩa. Đúng là hai hành động này đều hướng đến tấn công cá nhân, nhưng tẩy chay mang sắc thái hành động mạnh hơn. Khi tẩy chay ai đó, một người không chỉ phơi bày những gì xấu xí nhất của đối phương, mà còn lôi kéo những người xung quanh hành động giống mình.

Mục tiêu cốt lõi của tẩy chay là cô lập đối phương và chối bỏ sự tồn tại của người đó trong một tập thể. Ta có thể thấy rõ nhất hành động này trong những cuộc họp nơi nhân viên bị bêu riếu trước mặt một đám đông người.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, người tẩy chay thường gán đối phương với một nhãn dán mà cộng đồng cho là xấu xa, không chấp nhận được. Tới nước này, các bên tham gia dường như không còn quan tâm tới quan điểm, hành động hay sản phẩm đối phương làm ra nữa. Hành động tẩy chay đã đi quá xa khỏi phê bình, dù phê bình có thể là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tẩy chay.

Vì sao cần phê bình xây dựng?

Có thể thấy trong các loại hình góp ý kể trên, phê bình xây dựng là hướng đi hữu hiệu nhất để đồng nghiệp không biến nhau thành kẻ thù. Song nội hàm của chữ “phê bình” luôn gắn liền với việc chỉ ra cái tiêu cực. Vì thế, điều phê bình xây dựng hướng đến không phải là loại bỏ hoàn toàn tính tiêu cực trong góp ý, mà để hạn chế những vết thương có thể gây ra.

Phê bình xây dựng giúp các bên cùng cảm thấy thoải mái, xây dựng niềm tin ở nhau. Từ đó, chúng ta dễ dàng đón nhận ý kiến trái chiều hơn. Kẻ thù số một của sự góp ý, phê bình là sự hiểu nhầm trong giao tiếp (miscommunication). Với thái độ sẵn sàng lắng nghe và cải thiện bản thân tới từ cả hai bên, tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” sẽ được hạn chế đáng kể.

Triết lý then chốt nhất của phê bình xây dựng là hướng tới những tiềm năng trong tương lai thay vì khư khư nhìn về sai lầm của quá khứ. Chữ “xây dựng” ở đây có thể hiểu là làm ra cái mới. Với tinh thần này, sự góp ý không những loại bỏ hiềm khích giữa người với người, mà còn tạo động lực làm việc.

Ba tâm thế cần có để phê bình xây dựng

1. Tự phê bình

Tự phê bình tức là xem xét lại bản thân mình và tự hỏi mình có đang bị chi phối bởi định kiến hay thù hằn cá nhân nào trước, và liệu người nhận góp ý có phải là là đối tượng thù hằn của mình hay không? Liệu mình có phê bình chỉ vì mình cảm thấy sự hiện diện của quan điểm đối lập đang đe doạ những giá trị của bản thân?

Nếu câu trả lời cho hai lời chất vấn trên là đúng, nhiều khả năng là chúng ta không ưu tiên việc cải thiện những điều chưa tốt. Ưu tiên thực sự của việc phê bình lúc này là phòng vệ, để bản thân không rơi vào trạng thái khủng hoảng hệ giá trị.

Vì thế, điều khó khăn hơn trong nguyên tắc tự phê bình là ta phải để ngỏ khả năng rằng mình sai. Và một khi đã sai thì mình phải sẵn sàng sửa. Nếu tất cả cùng làm việc trên tâm thế phê bình xây dựng, thì sự sai sót sẽ được nhìn nhận một cách khoan dung hơn. Chúng ta sẽ không phải sợ hãi khi tưởng tượng ra viễn cảnh sai sót của mình bị bêu riếu khắp nơi.

Đồng thời, năng lực tự phê bình cũng sẽ khiến ta trở nên khiêm nhường hơn trong vai trò người góp ý. Sẽ không có chuyện ta đối xử với sai lầm của người khác như một bệ hạ đang chê trách quần thần.

2. Hiểu văn cảnh của cuộc nói chuyện

Ta có thể thấy lấn cấn ở việc đối phương làm và muốn góp ý ngay lập tức để họ “sáng mắt ra.” Bình tĩnh đã! Sự lấn cấn này không hẳn đến từ việc ta đúng còn người khác sai, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở việc quan điểm của hai phía được nhào nặn nên từ hai bối cảnh xã hội khác nhau.

Vì thế trước khi buông lời, ta cần biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến lý do vì sao một người có thể khác mình đến vậy. Quan điểm và lối sống của chúng ta không tồn tại hiển nhiên, mà được nhào nặn bởi gia đình, cộng đồng mình thuộc về, và những kinh nghiệm sống sẵn có.

Những cái “bình tĩnh”, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” này rất quan trọng trong bối cảnh môi trường làm việc có sự giao thoa của nhiều văn hoá, nhiều sắc tộc, nhiều niềm tin. Trong một môi trường đa dạng, sự kiên nhẫn là bước đi đầu tiên để hướng tới tinh thần xây dựng trong công việc và thái độ khoan dung với các đồng nghiệp.

3. Tôn trọng đối phương

Sự tôn trọng không nên dừng lại ở những câu từ đãi bôi như “Tôi cũng đồng ý với bạn ở một vài điểm, nhưng…” Nói cách khác, thái độ tôn trọng không nên chỉ nằm trên mặt chữ, mà nó phải nằm trong tư tưởng. Người biết tôn trọng người khác sẽ không coi mình ở vị trí “thượng đẳng” hơn khi đối phương nhận sai.

Tôn trọng tức là biết “xỏ mình vào đôi giầy của người khác.” Chúng ta thường có xu hướng coi những góp ý, phê bình, phản pháo của mình nhắm vào người khác là bình thường, là một phần của công việc. Nhưng hãy thử tưởng tượng cảm giác của người đối diện, ta sẽ cảm nhận được góp ý của mình xây dựng hay gây sát thương.

Người biết tôn trọng người khác sẽ cùng đối phương xắn tay giải quyết vấn đề, hoặc cải thiện những gì đang có sẵn, cốt để kết quả đầu ra ưng ý cả hai bên. Lưu ý, hành động này nên nhận được sự chấp thuận của đối phương.

Loại bỏ những viên thuốc độc bọc đường

Để phê bình, góp ý mang tính xây dựng, ngôn từ chỉ là cái vỏ. Điều quan trọng hơn cả là tâm thế. Thiếu đi quá trình tự phê bình, nỗ lực hiểu, và tôn trọng đối phương, thì góp ý thảo mai nhất cũng có thể biến thành một viên thuốc độc. Lời lẽ mỹ miều bên ngoài sẽ chỉ là lớp đường trang trí.

Ai nhỡ nuốt phải viên thuốc đó và cảm nhận được vị đắng bên trong, thì nhiều khả năng cũng sẽ biết cách tạo ra viên thuốc độc bọc đường của riêng mình. Lúc đó, môi trường làm việc sẽ biến thành chốn hậu cung, nơi người ta tỏ ra tốt tính ở bên ngoài, nhưng cay nghiệt ở bên trong.

Trong thời đại kim tiền, dù ta có muốn hay không, thì môi trường công việc đã luôn là đường đua. Để không làm nhau đau trong quá trình cạnh tranh khắc nghiệt ấy, ta cần sự kiên nhẫn trước những cá tính khác biệt, và thấu cảm với đồng nghiệp. Khi đó, chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường công sở lành mạnh hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục