Hiểu về đợt nóng chết người tại Châu Âu qua 6 từ tiếng Anh

Mùa hè nóng bỏng sớm trở thành địa ngục với nhiều người bởi những đợt nóng kéo dài.
Thục Anh
Nguồn: New York Times

Nguồn: New York Times

Chúng ta đang trải qua những ngày rực lửa và oi bức của mùa hè. Hà Nội cũng đạt đỉnh nắng nóng trên 37 độ trong những ngày qua. Tại Châu Âu, mùa hè trở nên chết chóc với nhiệt độ trên 40 độ C khiến hàng loạt người chết vì sốc nhiệt và cháy rừng.

Lần đầu tiên, cơ quan khí tượng Anh đã phải phát cảnh báo đỏ về nắng nóng khi nó có thể ảnh hưởng tới cả những người khỏe mạnh. Nghị sĩ Melanie Vogel của Pháp thậm chí còn so sánh mùa hè đỏ lửa này với địa ngục.

Sau đây là một số thuật ngữ giúp bạn hiểu hơn về đợt nóng kinh khủng này và tác động của nó lên đời sống thường ngày.

1. Heat wave

Heat wave hay sóng nhiệt là một đợt nóng thất thường kéo dài trong một khoảng thời gian. Mỗi khu vực tùy theo điều kiện địa lý sẽ có nhiệt độ trung bình khác nhau, chính vì vậy mà định nghĩa sóng nhiệt cũng sẽ được điều chỉnh.

Sóng nhiệt thường được tạo ra do áp suất khí quyển cao di chuyển và đẩy khí nóng xuống sát mặt đất. Không khí tĩnh này đậu lại ở một khu vực khiến nhiệt độ tăng cao trong vài ngày, đồng thời ảnh hưởng tới thời tiết của khu vực.

Những đợt sóng nhiệt thường gây ra nhiều thảm họa như lũ lụt, hạn hán, thậm chí làm hàng nghìn người chết vì sốc nhiệt. Một số thành phố còn phải đối mặt với tình trạng mất điện diện rộng vì nhu cầu sử dụng máy điều hòa tăng cao. Đầu tháng 07/2022, miền Bắc cũng gặp phải tình trạng mất điện đột ngột ngay ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Trước đây, các đợt sóng nhiệt tại Châu Âu thường xảy ra muộn vào tháng 7 hoặc 8 nhưng năm nay nó lại xảy ra sớm vào tháng 6. Nhiều chuyên gia khí tượng nhận định rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân và đây chỉ mới là “khúc dạo đầu của tương lai.”

2. Heat dome

Heat dome (vòm nhiệt) thường được cho là nguyên nhân gây ra các làn sóng nhiệt kéo dài. Đây là hiện tượng thời tiết xảy ra khi khí nóng bị kẹt lại bởi một vòm nhiệt được hình thành vì áp suất cao. Lớp vòm này ngăn cản các hệ thống thời tiết khác di chuyển tới khu vực, đồng thời làm khí nóng chìm xuống khiến nhiệt độ tăng cao.

Các vòm nhiệt này có mối liên hệ với dòng tia (jet stream), thường di chuyển từ hướng tây sang đông. Dòng tia thường có dạng gợn sóng và uốn khúc. Tại các khúc cua, dòng tia này sẽ trở nên lớn hơn, di chuyển chậm chạp hơn hoặc thậm chí đứng yên. Đây là lúc mà hiện tượng vòm nhiệt có thể xảy ra.

Chiếc vòm chết chóc này là nguyên nhân gây ra đợt nóng năm 2021 tại Tây Bắc Mỹ, khu vực vốn đã khô hạn. Cây cối, động vật và cả con người đã bị nung nóng trong chiếc vòm này, dẫn tới hàng loạt đợt cháy rừng và chết người vì sốc nhiệt.

3. Heat stress

Heat stress có tên gọi quen thuộc tại Việt Nam là sốc nhiệt. Tương tự như các loại máy móc, cơ thể con người chỉ có thể hoạt động nếu hệ thống “tản nhiệt" của cơ thể hoạt động ổn định. Nếu nhiệt độ bên ngoài quá nóng, đẩy nhiệt độ cơ thể lên cao thì hệ thống làm mát khó có thể đáp ứng kịp. Việc nghiên cứu mức độ chịu đựng của con người trước sóng nhiệt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khi cơ thể trở nên quá nóng, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến da để có thể tản nhiệt. Bên cạnh đó, việc bạn đổ mồ hôi để giảm nhiệt độ cũng sẽ gây mất nước nếu tình trạng này kéo dài. Hệ quả của chuỗi phản ứng này có thể dẫn tới đột quỵ.

Một nghiên cứu năm 2010 ước tính rằng giới hạn an toàn của cơ thể con người có thể tự làm mát là ở 35 độ C. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây lại cho thấy giới hạn này còn thấp hơn, chỉ nằm ở khoảng 31 độ C. Có thể thấy, sóng nhiệt là mối đe dọa trực tiếp và rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu lên con người.

4. Urban heat island effect

Urban heat island effect (hiện tượng đảo nhiệt đô thị) là hiện tượng mà nhiệt độ trung bình ở khu vực đô thị (với nhiều công trình) cao hơn so với các khu vực nông thôn hay công viên với nhiều môi trường tự nhiên.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này khi nhiệt độ thành phố tăng cao cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp và các tòa nhà chọc trời. Đồng thời diện tích phủ xanh tại thành phố lại giảm dần theo thời gian. Điều này thể hiện ở những quận nội thành có nhiệt độ cao hơn từ 3-5 độ C so với các quận huyện ở ngoại thành.

5. Cool roofs

Đối diện với hiện tượng nóng lên ở đô thị, nhiều giải pháp giúp giảm nhiệt độ ở thành thị đã được đặt ra, một trong số đó là cool roofs - mái nhà phản nhiệt. Giải pháp này còn mang tên khác là reflective surfaces (bề mặt phản xạ) có khả năng phản xạ mặt trời cao và giảm sự truyền nhiệt lên bề mặt. Lấy ví dụ chính là bề mặt xe hơi phản ánh mặt trời giúp cho nội thất bên trong xe không bị nóng lên.

Quay lại với thành thị, cool roofs được ứng dụng với những mái nhà phản nhiệt với màu sắc trắng (ít hấp thụ nhiệt) và được phủ xanh bởi thiên nhiên giúp làm mát. Giải pháp này còn giúp tăng diện tích trồng cây trong thành phố, hỗ trợ việc hấp thu khí thải. Tuy nhiên thì giải pháp này yêu cầu việc lên kế hoạch kỹ lưỡng, phù hợp với khí hậu và vị trí địa lý của khu vực.

6. Eco anxiety

Eco anxiety là nỗi lo lắng về môi trường. Sự bất an này thậm chí còn tiến hóa và trở thành climate doomism, niềm tin rằng chúng ta không thể làm gì để thay đổi môi trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bất an về môi trường nhưng đa phần đều tới từ việc phải sống trong thời địa tin tức bi quan về môi trường và tương lai. Bên cạnh đó chúng ta cũng cảm thấy bản thân đang hủy hoại sự sống xung quanh chỉ bằng việc sống trong xã hội hiện đại.

Những đợt sóng nhiệt xảy ra trong năm vừa qua cũng đã ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của nhiều người. Nhất là khi họ chính là nạn nhân trong những đợt cháy rừng gây ra bởi hiện tượng thời tiết này.

Tuy nhiên thì nỗi lo này cũng xuất phát từ nhận thức về tình hình môi trường hiện tại. Bản thân nó có thể trở thành động lực để chúng ta tham gia vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục