Hiểu về nếp sống người châu Á qua thần thoại

Bạn có hiểu truyền thuyết, thần thoại châu Á như bạn vẫn nghĩ?

Đông Hà
4 tác phẩm thần thoại, truyền thuyết châu Á

Nguồn: Hà Trâm cho Vietcetera

Chúng ta lúc bé thường thích lục lọi và tìm đọc truyện thần thoại Bắc Âu, Hy Lạp hay truyện cổ Andersen, phần vì bề dày lịch sử và sự đồ sộ của hệ thống nhân vật, phần vì chúng ta đã quá quen với văn hóa châu Á. Nhưng đôi khi, chính những gì gần nhất lại dạy cho chúng ta nhiều thứ nhất.

Bạn đã bao giờ tự hỏi lòng đoàn kết của dân tộc Việt có cội nguồn như thế nào? Sự sùng đạo của người Ấn Độ đến từ đâu? Hay vì sao người châu Á tự cổ chí kim luôn muốn sống hòa thuận với thiên nhiên, sông nước? Rất nhiều câu chuyện cổ, dẫu mang màu sắc siêu thực, lại ẩn chứa bài học giá trị về lối sống, cách tư duy của con người. 

Dưới đây là 3 tác phẩm văn học dân gian đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và 1 thiên sử thi của Ấn Độ. Hy vọng những đầu sách này giúp độc giả có một cái nhìn rõ hơn về bức tranh thần thoại cổ xưa cũng như phần nào tìm được đáp án cho những câu hỏi phía trên.

Lĩnh Nam Chích Quái

Lĩnh Nam Chích Quái là tác phẩm tập hợp những tích truyện ly kỳ ở nước Nam từ thời Hồng Bàng cho đến đời Trần. Mặc dù có vẻ ngoài là truyện cổ dân gian, nhưng từ lâu sách đã được xem là báu vật di sản văn hóa của ông cha. Ẩn dưới những câu chuyện huyền thoại là cả một kho tàng triết lý nhân sinh, văn hóa, nguồn gốc và cả lối sống của dân tộc Việt thời cổ.. 

Là người đam mê tìm hiểu về phong tục tập quán xưa, tôi phát hiện được nhiều chi tiết có thật được đặt rải rác trong các tích truyện cũ: tục xăm mình, đi chân đất, nhuộm răng đen của người Việt; dấu vết của chế độ mẫu hệ trong truyện Hồng Bàng, Trầu Cau. Những chi tiết nhỏ được cài cắm đan xen, nhưng mở ra một bức tranh lớn về văn hóa Việt Nam cổ đại. Hiểu văn hóa cổ là bước đệm để hiểu được tư duy và tâm thức của người Việt hiện đại

Từ nhỏ, qua những chuyện cổ tích, chúng ta đã nghe rất nhiều về nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Rùa Vàng, nhưng nhiều chi tiết trong số đó đã được chỉnh sửa, lược bớt để phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Lĩnh Nam Chích Quái bản gốc được viết bằng chữ Hán bởi Trần Thế Pháp. Bản dịch của học giả Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San được cho là gần sát với nguyên tác nhất. Khi đọc Lĩnh Nam Chích Quái, có thể bạn sẽ khám phá ra những điều khác hẳn thứ mình từng đọc hồi nhỏ.

Tác phẩm có nhiều ấn bản, ấn bản phổ biến nhất hiện nay là tập sách có tranh minh họa của Nhà xuất bản Kim Đồng. Họa sĩ Tạ Huy Long đã mượn nghệ thuật tranh khắc gỗ dân gian để vẽ hơn 200 bức minh họa hút mắt lạ kỳ. Chúng không chỉ làm tròn nghĩa vụ là minh họa câu chuyện, mà còn tự mình kể tiếp câu chuyện, mở ra một thế giới để độc giả tự vẫy vùng trong đó bằng trí tưởng tượng của mình.

Lĩnh Nam Chích Quái được viết theo văn phong cổ, mạch truyện tiếp diễn liên tục, nhịp điệu không có cách ngắt nghỉ như văn phong thời nay, sẽ có lúc bạn cảm thấy hơi khó hiểu một chút. Mặc dù vậy, lối viết này rất phù hợp với bầu không khí huyền bí, kỳ ảo mà tranh minh họa đem lại.

Truyền thuyết Thần thoại Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhất nhân loại, thế nên không lạ gì khi đất nước này dệt nên những truyền thuyết, thần thoại với hệ thống nhân vật tầm cỡ, có sức ảnh hưởng lớn. Truyền thuyết Thần thoại Trung Quốc là cuốn sách được viết dựa trên truyện thần thoại của dân tộc Hoa Hạ, kết hợp một phần của dân tộc Đông Di và Miêu Man. Đây là 3 tộc người chính tại Trung Quốc thời viễn cổ.

Cuốn sách bao quát cảnh quan vũ trụ trong thần thoại và liệt kê hàng loạt các nhân vật kinh điển như Nữ Oa, Hậu Nghệ, Hằng Nga, Bàn Cổ hay năm vị Thiên đế cai quản vũ trụ. Mặc dù có rất nhiều dị bản khác nhau về những nhân vật này, tác giả Trần Liên Sơn (Tiến sĩ Văn học Đại học Bắc Kinh) đã nỗ lực tập hợp các câu chuyện từ văn thư cổ và sắp xếp các tình tiết liên quan, rồi kể lại chúng theo một liền mạch nhất. Dị bản cũng nói lên sức sáng tạo của người cổ đại.

Để mở rộng góc nhìn, Trần Liên Sơn thường xuyên đối chiếu, so sánh truyện cổ Trung Quốc với truyện thần thoại Hy Lạp. Ví dụ câu chuyện mười mặt trời của Trung Quốc có đôi nét tương đồng với câu chuyện Phaethon, con thần Mặt Trời trong thần thoại Hy Lạp,

Nhưng nhìn chung, thần thoại Trung Quốc rất khác với thần thoại Hy Lạp vì 3 điểm:

  • Chân dung, tướng mạo thần linh: Thần Hy Lạp thường có vẻ đẹp như tượng tạc, còn ngoại hình thần Trung Quốc có thể hơi đáng sợ một chút (đầu người mình rắn).
  • Nguồn gốc thần linh: Thần Hy Lạp thường sinh ra đã là thần, còn thần Trung Quốc có thể từ người thường hóa thành (giống truyện Việt Nam, Ấn Độ).
  • Hệ thống nhân vật: Chuyện Trung Quốc nằm rải rác trong thư tịch cổ nên tình tiết có phần rời rạc, chưa nhất quán. 

Tóm lại, dù công trình của Trần Liên Sơn chưa đủ đồ sộ nhưng đã bao quát tương đối đầy đủ các nhân vật kinh điển trong truyền thuyết Trung Quốc. Sử dụng văn phong dễ đọc, kết hợp hình minh họa là các bức ảnh được chụp từ các địa điểm có thật (đền, chùa, di tích lịch sử), tác phẩm mang lại giá trị nghiên cứu rất cao.

Truyện cổ Nhật Bản

Trước thế kỷ 11, văn hóa Nhật Bản còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, Triều Tiên. Bước vào giai đoạn sau, văn học dân gian Nhật Bản đã bắt đầu mang những nét riêng.

Truyện cổ Nhật Bản thường kể về những con người giản dị song dũng cảm, hoặc những nhân vật có phép thuật biến hóa. Đa phần các câu chuyện đề cao tính nhân văn, giáo dục con người hướng đến lối sống khiêm nhường, biết báo đáp ơn nghĩa. Những motif “cứu vật vật trả ơn” xuất hiện thường xuyên và có nhiều nét tương đồng với truyện cổ tích Việt Nam, Trung Quốc. 

Đọc sách, bạn sẽ hiểu thêm về cách tư duy và đời sống tinh thần của người Nhật Bản thời xưa. Với những người từ lâu đã đam mê văn hóa Nhật, có thể bạn sẽ nhảy lên thích thú khi bắt gặp những nhân vật quen thuộc như chú bé trái đào Momotaro hay chàng đánh cá Urashima. 

Từ giọng văn, cách kể chuyện cho đến cách xây dựng nhân vật đều phảng phất một Nhật Bản rất xưa, huyền ảo, kỳ bí, thậm chí có chút ma mị, tinh thần này thể hiện rõ nhất qua tranh minh họa. Do vậy, dù được gọi là truyện cổ tích, cuốn sách không hẳn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Ngoài ra, một số câu chuyện thường có kết thúc khá giống nhau hoặc cùng thể hiện một thông điệp, nếu bạn đang tìm kiếm thứ gì đó kịch tính như sử thi, có thể cuốn sách này không dành cho bạn.

Sử thi Ramayana

Khác với 3 đầu sách trên, sử thi cổ đại Ramayana của Ấn Độ không hẳn là truyện dân gian truyền miệng mà được viết bởi nhà thơ Valmiki. Đến nay có hơn 300 phiên bản khác nhau của thiên sử thi này trên khắp châu Á, một số được viết lại bằng văn xuôi, một số được viết lại dựa trên tinh thần bản gốc, số khác thì được thay đổi, thêm thắt để phù hợp với văn hóa địa phương.

Học sinh Việt Nam vốn đã được biết đến Ramayana qua trích đoạn “Rama buộc tội” khi học môn Ngữ Văn, nhưng đó chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong toàn bộ hành trình của hoàng tử Rama. Ramayana có rất nhiều câu chuyện và nhân vật được xây dựng lớp lang, một trong những điểm nhấn là hành trình hoàng tử Rama cứu vợ Sita khỏi tay quỷ vương Ravana, cùng với sự giúp đỡ của vua khỉ Sugriva.

Trong tâm thức của người Ấn Độ, Ramayana từ lâu đã được coi như một nền tảng đạo lý. Rama là hình mẫu lý tưởng đại diện cho đẳng cấp quý tộc, là vị anh hùng tài ba, đức độ. Nàng Sita đại diện cho mẫu người phụ nữ nhân hậu, hy sinh. 

Cả câu chuyện đề cao khát vọng tự do, cái thiện chiến thắng cái ác. Tuy motif không quá mới nhưng được cài cắm nhiều chi tiết sinh động, giúp vẽ nên bức tranh tôn giáo của Ấn Độ, đặc biệt là đạo Hindu. Tầm ảnh hưởng của Ramayana ngoài tôn giáo còn vươn đến cả kiến trúc, văn học, thi ca và điện ảnh.

Đọc truyện, ta khám phá ra những bài học nhân văn, nhưng cũng nhận thức được những mặt tối của xã hội cổ đại, như tư tưởng trọng nam khinh nữ (cảnh Rama bắt vợ là Sita bước vào lửa để chứng minh sự trinh tiết). Rama cũng là mẫu người coi trọng danh dự, thậm chí hơn cả mạng người.

Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo Ấn Độ, có lẽ bạn nên bắt đầu bằng thiên sử thi Ramayana.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục