5 Cuốn sách giúp nuôi dưỡng tình yêu văn hoá Việt | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

5 Cuốn sách giúp nuôi dưỡng tình yêu văn hoá Việt

Hy vọng những cuốn sách sau sẽ gợi ý, gợi mở cho bạn đọc những góc nhìn mới về văn hóa, ngôn ngữ Việt.
5 Cuốn sách giúp nuôi dưỡng tình yêu văn hoá Việt

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Ngôn ngữ Việt, tính cách dân tộc Việt hay trang phục Việt là những đề tài quá quen thuộc song chưa bao giờ hết sức hút. Thế nhưng, chính vì quá quen, quá gần nên chúng ta thường bỏ qua hoặc hiếm khi đặt câu hỏi cho những hiện tượng xung quanh mình.

Tại sao người phương này có tính cách như vậy? Tại sao người xứ này lại nói chuyện như thế kia? Sự linh hoạt và uyển chuyển của tiếng Việt là do đâu? Cổ phục Việt có những nét đẹp riêng biệt nào?

Hãy thử ngâm cứu, nghiền ngẫm 5 đầu sách dưới đây, biết đâu bạn sẽ “vỡ” ra nhiều điều ly kỳ về bản sắc dân tộc Việt.

1. Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính

Cuốn sách là tập hợp một lượng lớn kiến thức về phong tục, lề thói cũ của người Việt thế kỷ trước. Tác giả Phan Kế Bính đi từ mảnh ghép nhỏ là phong tục gia tộc đến bức tranh lớn hơn là phong tục làng xóm, xã hội. Bên cạnh việc miêu tả cặn kẽ cái hay, cái dở của tập quán cũ, ông còn phân tích tư duy, lối sống và cách người Việt nhìn nhận những mối quan hệ xung quanh.

Phan Kế Bính được sinh ra vào cuối thế kỷ 19, thời điểm đất nước đứng trước loạt đổi thay, xáo trộn, được mất. Vì vậy nhiều phong tục ông đề cập đã biến mất ở thời điểm hiện tại, dẫu dư âm vẫn còn phảng phất.

titleViệt Nam phong tục Phan Kế Biacutenh
Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Với lối viết biền ngẫu trong văn học cổ, tác giả tạo ra được những câu văn nhịp nhàng, sóng đôi, đối nhau theo từng cặp. Tuy vậy, đôi khi ý của tác giả hơi khó hiểu do ông dùng nhiều từ vựng cũ.

Xen kẽ với phần lý giải về phong tục, Phan Kế Bính không quên bồi thêm đôi dòng bình luận cá nhân và góc nhìn riêng. Đọc sách, bạn biết mình đang thưởng thức một tác phẩm có chính kiến, có thái độ yêu ghét rõ ràng, cùng với một tư tưởng đi trước thời đại.

2. Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam - Ngô Đức Thịnh

Để độc giả không bị ngợp bởi lượng thông tin đến từ một “công trình” dày 598 trang, tác giả Ngô Đức Thịnh chia sách làm 3 phần. Phần đầu giúp làm quen với các khái niệm, trường phái, học thuyết về văn hóa, hai phần sau mới tập trung khai thác nét đặc trưng của 7 vùng hoa lớn tại Việt Nam.

Sách mở ra cho bạn đọc một cái nhìn mới về những yếu tố tạo nên nét đẹp dân tộc và sự đa dạng vùng miền. Mặc dù các yếu tố như thiên nhiên, khí hậu, đặc sản, nghệ thuật lần lượt được điểm mặt, nhưng độc đáo nhất phải kể đến đời sống tâm linh hoặc văn học dân gian của từng vùng. Câu chuyện về tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương nơi Xứ Nghệ là một trong số đó.

titleViệt Nam phong tục Phan Kế Biacutenh Nguồn Tragrave Nhữ cho Vietcetera
Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam - Ngô Đức Thịnh | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Được viết bởi giọng văn không hàn lâm, khó hiểu, sách phù hợp để làm giáo trình học hoặc tài liệu nghiên cứu khoa học. Điểm trừ lớn nhất là việc thiếu đi hình ảnh minh họa khiến phần mô tả địa lý, kiến trúc trở nên khô khan, khó nhớ.

3. Đi tìm bản sắc tiếng Việt - Trịnh Sâm

Đi tìm bản sắc tiếng Việt tuy không đồ sộ như những đầu sách trên nhưng có thể phần nào trả lời câu hỏi: Vẻ đẹp và sắc thái đặc trưng của tiếng Việt là gì? Một thắc mắc mà bất kỳ ai đam mê con chữ đều muốn tìm lời giải.

Sách được chia làm 3 phần: phần đầu liệt kê những hiện tượng ngôn ngữ đặc trưng của tiếng Việt (như từ vựng về thiên nhiên, tính ẩn dụ, phương ngữ), phần hai phân tích ngôn ngữ báo chí, và phần ba là một lát cắt nhỏ của ngôn ngữ văn học, thi ca.

titleĐi tigravem bản sắc tiếng Việt Trịnh Sacircm
Đi tìm bản sắc tiếng Việt - Trịnh Sâm | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Lướt qua mỗi chương, bạn sẽ bất ngờ bởi hàng loạt chi tiết “nhỏ mà có võ”, thì ra ngôn ngữ ta sử dụng hằng ngày đều là một phần của thứ gì đó lớn hơn. Ví dụ như khả năng đảo trật tự từ phản ánh tính chất uyển chuyển của tiếng Việt, ẩn giấu đằng sau đó là kiểu tư duy, ứng xử linh hoạt đến từ nền văn hóa gốc nông nghiệp.

Tuy nhiên, chương 2 - ngôn ngữ báo chí sẽ hơi khó tiếp cận nếu bạn chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành. Để không “đứng hình” trước các từ vựng lạ như trừu xuất, phân xuất, tĩnh thái, tầng nghĩa khúc xạ, có lẽ bạn nên tra cứu thêm để hiểu trọn vẹn ý của tác giả.

4. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt - Cao Xuân Hạo

Trong giao tiếp, có những hiện tượng vì quá quen thuộc mà chúng ta, người bản ngữ không bao giờ đặt câu hỏi vì sao. Nhưng cái nhìn của học giả Cao Xuân Hạo lại là cái nhìn biết ngạc nhiên, biết túm lấy vấn đề mà bàn luận, mổ xẻ.

Trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, những đề tài về tiếng Việt, văn hóa và tính cách người Việt được kể đan xen với câu chuyện cá nhân của tác giả, nhờ đó bạn đọc dễ nắm bắt mạch tư duy hơn.

titleTiếng Việt văn Việt người Việt Cao Xuacircn Hạo
Tiếng Việt, văn Việt, người Việt - Cao Xuân Hạo | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Cao Xuân Hạo, giống với Phan Kế Bính, là một học giả uyên bác và có cá tính mạnh. Những phát ngôn của ông rất rõ ràng, dứt khoát, rất ít khi trung hòa hoặc đi theo dòng chảy của số đông.

Hướng đi của sách không giống với Đi tìm bản sắc tiếng Việt mà tiếp cận, bàn luận một cách ngẫu hứng hơn, nội dung được trình bày bằng văn phong dễ hiểu. Đặc biệt, để người mới không lạc vào “ma trận” của ngôn ngữ học, tác giả đã cẩn thận giải thích các thuật ngữ như cấu trúc đề thuyết, vị từ, câu ngôn hành... trong chương đầu.

Ông nhiều lần chỉ ra cái sai trong tiếng Việt hiện đại. Dù vậy, chúng vẫn được số đông chấp nhận, dần dà trở thành cái đúng, đúng theo kiểu mới - đó chính là sự tiến hóa của ngôn ngữ, một hiện tượng có thể gặp bất kỳ đâu. Tất nhiên, sách không bắt người đọc phải tuân theo kiến thức đã đề ra mà chỉ giúp gợi mở những luồng suy nghĩ mới.

5. Ngàn năm áo mũ - Trần Quang Đức

Ngàn năm áo mũ là một công trình đầy táo bạo của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức. Sách mở ra bức tranh về cổ phục Việt trong khoảng 1000 năm, từ thời Lý đến cuối thời Nguyễn (1009-1945). Mỗi triều đại, tác giả khảo luận 4 loại phục trang: hoàng đế, bá quan, quân đội và dân gian.

Đọc sách để thấy, dẫu trải qua hơn nghìn năm Bắc thuộc và bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt vẫn gìn giữ được bản sắc riêng và biết cách cài cắm những giá trị đó lên phục trang, áo mũ của mình.

titleNgagraven năm aacuteo mũ Trần Quang Đức
Ngàn năm áo mũ - Trần Quang Đức | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Để dung nạp lượng kiến thức đồ sộ của sách, độc giả nên nghiền ngẫm, đọc chậm, dành thời gian để suy ngẫm, tư duy liên tục. Tuy nhiên, với hình ảnh minh họa đầy đủ, cộng hưởng với giọng văn mềm mại của Trần Quang Đức, khối kiến thức khô cứng, bác học trở nên dễ tiếp cận, gần gũi hơn.

Sự khéo léo và quan tâm tới bạn đọc không chỉ thể hiện qua mặt chữ hay phong cách viết mà còn ở cách tổ chức, sắp xếp thông tin, đơn cử như việc tác giả bổ sung “tiểu từ điển” về phục trang để độc giả tiện tra cứu.