Global Citizen: Lần đầu đến Nhật, biết gì để không hoang mang? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 02, 2020
Chất Lượng Sống

Global Citizen: Lần đầu đến Nhật, biết gì để không hoang mang?

Trước khi sang Nhật lần đầu, hãy trang bị cho bạn những nét văn hoá về đất nước măt trời mọc.

Global Citizen: Lần đầu đến Nhật, biết gì để không hoang mang?

Nhật Bản là đất nước vốn nổi tiếng với những nếp sống lành mạnh và văn minh. Đặt chân đến Nhật Bản không chỉ có cảnh đẹp và đặc sản ngon, bạn sẽ còn ‘ngã ngửa’ trước những nét văn hoá, tập quán riêng của đất nước này.

Dưới đây là một vài điều cần lưu ý cho những ai sắp đến Nhật lần đầu, để tránh tình trạng ‘hoang mang’ cũng như hiểu hơn về đất nước hoa anh đào xinh đẹp.

1. Trả tiền qua khay, không đưa tận tay

Khi đặt chân đến Nhật, điều khiến bạn bất ngờ nhất sẽ là cách trả tiền. Người Nhật vốn ngại các tiếp xúc cơ thể; vì vậy, hầu hết các quầy thanh toán ở cửa hàng hay tiệm ăn ở Nhật đều sẽ có một chiếc khay nhỏ để khách hàng bỏ tiền mặt vào.

Nhận dạng một khay thối tiền phổ biến ở Nhật Nguồn Gordon Cooper sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Nhận dạng một khay thối tiền phổ biến ở Nhật | Nguồn: Gordon Cooper.

Việc cho tiền vào khay sẽ giúp cả bạn và nhân viên nhìn rõ được số tiền mình nhận. Bề mặt của khay cũng được thiết kế giúp bạn lấy tiền lên dễ hơn, đặc biệt là với các đồng yên nhỏ. Nếu bạn đưa tiền trực tiếp thì hầu hết nhân viên vẫn sẽ vui vẻ nhận tiền, trong khi số ít khác sẽ xoè tay vào khay ám chỉ bạn cho tiền vào.

2. Đi tàu điện ngầm, sinh hoạt ‘âm thầm’

Một trong những thứ làm nên tên tuổi cho Nhật Bản là hệ thống tàu điện ngầm tân tiến của họ. Đi đôi với sự tân tiến này là các quy định mà công ty quản lý yêu cầu hành khách tuân thủ. Đơn cử nhất là không nói chuyện điện thoại khi lên tàu. Quy định này nghiêm túc tới mức đôi khi nó sẽ được phát trên loa tàu.

Không gian trên tàu điện ở Nhật thường khá yên tĩnh Nguồn Unplash sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Không gian trên tàu điện ở Nhật thường khá yên tĩnh | Nguồn: Unplash.

Người Nhật luôn đề cao sự riêng tư của người khác, và với cuộc sống tấp nập tại Nhật hiện nay, người ta cho rằng thời gian đi tàu là khoảng ‘giải lao’ trong ngày. Vì vậy việc nghe được cuộc điện thoại của bạn sẽ làm họ cảm thấy như họ đang xâm phạm đời sống cá nhân của của người khác.

Ngoài ra trên tàu điện ngầm cũng có một số lưu ý khác như:

  • Không chụp nội cảnh của tàu – tránh chụp hành khách bên trong tàu, đặc biệt là khi có trẻ em hoặc học sinh phổ thông. Nhưng hãy tận dụng các khu vực gần cửa sổ để bắt được những cảnh đẹp đặc trưng bên ngoài nhé.
  • Tại các thành phố lớn hiện nay đã phát triển khoang tàu dành riêng cho nữ, nhằm bảo vệ phái nữ khỏi vấn nạn quấy rối tình dục ở Nhật (chikan).
Các khoang tàu cho nữ tại Nhật sẽ được dán một tấm biển màu hồng kèm dòng chữ “Women Only” Nguồn Reuters sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Các khoang tàu cho nữ tại Nhật sẽ được dán một tấm biển màu hồng kèm dòng chữ “Women Only” | Nguồn: Reuters

3. Cửa xe tự động, tay đừng manh động

Tuy không thể bỏ qua hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt công cộng hiện đại bật nhất thế giới của người Nhật, đôi lúc bạn vẫn sẽ cần một cuốc taxi đêm. Thông thường các xe taxi ở đây đều có cửa mở tự động, vì vậy hãy hạn chế việc tự tay mở cửa; hãy để tài xế mở nó từ xa cho bạn.

Video ngắn dưới đây sẽ cho bạn nhiều mẹo hay ho hơn khi đi taxi ở Nhật:

4. Nếu có rác thải, đừng vứt bừa bãi

Vào năm 1995, tại Tokyo xảy ra cuộc tấn công bằng khí độc sarin trên tàu điện ngầm, để lại nhiều dư chấn cho cả chính quyền thành phố và người dân. Từ sự kiện này, hầu hết các thùng rác công cộng tại Nhật đều bị thu hồi để giảm nguy cơ cất giấu vũ trí khủng bố. Bạn chỉ có thể tìm ra thùng rác công cộng ở các nơi như cửa hàng tiện lợi, ga tàu hoặc kế bên máy bán hàng tự động.

Ngoài ra cũng nên lưu ý bỏ rác vào loại thùng tương ứng. Theo Japan Info, có 5 loại rác cơ bản tại Nhật:

  • Combustible: Các loại rác cháy được và không thể tái chế như thức ăn thừa, giấy sinh hoạt, các vật ni lông hay nhựa dính thức ăn thừa hoặc không để rửa sạch như chai tương, chai dầu, cao su và đồ da;
  • Incombustible: Các loại rác không cháy được như ống nhựa, gốm, thuỷ tinh, kim loại hoặc đồ điện gia dụng;
  • Rác quá cỡ: các đồ nội thất như bàn ghế sofa, giường tủ, v.v;
  • Chai thuỷ tinh, lon thiếc, nhôm hoặc các chai nhựa có biểu tượng số 1 ở giữa hình tam giác;
  • Quần áo cũ và giấy văn phòng.
Nhật là một trong những nước có hệ thống phân loại và xử lý rác rất chi tiết Nguồn NILS Fukuoka Times sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Nhật là một trong những nước có hệ thống phân loại và xử lý rác rất chi tiết | Nguồn: NILS Fukuoka Times

Tùy vào mỗi tỉnh thành, các thiết kế và số lượng thùng rác sẽ khác nhau. Nhưng đừng lo vì xung quanh bạn sẽ luôn có các hình ảnh và biển chỉ dẫn phân loại rác nhé!

Kết

Không chỉ riêng Nhật mà đối với tất cả các đất nước khác, việc tiếp thu các văn hoá của họ sẽ thể hiện bạn là một người tôn trọng đất nước và con người nơi đây. ‘Chào đón’ những tập tục địa phương cũng sẽ giúp bạn cảm thấy được chào đón hơn, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa những vị khách phương xa như bạn và những người dân bản địa ở bất cứ đâu. Sau bài viết này, hi vọng trải nghiệm “lần đầu” tại Nhật của bạn sẽ thêm phần thú vị hơn.

Xem thêm:
[Bài viết] 7 Cách để đi du lịch bền vững
[Bài viết] Global Citizen: Đi ăn món Hoa sao cho đúng điệu?