Họa sĩ Hoàng Anh: “Sống ăn gian nhiều kiếp trong một kiếp này”
Họa sĩ Hoàng Anh đang sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Những tác phẩm của anh, đã được trưng bày ở các triển lãm như Sự Kết Nối (Huế, 2014), Moiland Chapter 1-2-3 (Đà Lạt 2019-2021) hay Nổ Cái Bùm (Đà Lạt, 2022), luôn ẩn chứa sự liên kết giữa các mối quan hệ giữa con người, và mường tượng về thế giới xung quanh qua ranh giới của hiện thực và sự kỳ ảo.
Trong triển lãm Phong Cảnh Lạ Thường, diễn ra tại Wiking Salon từ ngày 03/03/2024 đến 31/03/2024, chủ thể của các bức tranh được họa sĩ Hoàng Anh vẽ lên những tờ giấy Dó, chính là chiếc ghế nhựa đỏ đã quá thân thuộc với bao người chúng ta.
Đối với họa sĩ, chiếc ghế đỏ là vật thể trung gian kết nối giữa những hồi ức nơi lớn lên và niềm hứng khởi của sự đổi mới, là sự giao thoa tinh tế giữa hình ảnh quen thuộc của quê hương và khát vọng cho những khám phá huyễn hoặc và mới lạ.
Và nó cũng là hiện thân của chính tác giả. Của một góc nhìn đậm tính cá nhân để đưa chúng ta đến những miền đất mới trên Trái đất và bên ngoài nó.
Đâu là giây phút anh xác định được con đường của mình sẽ là hội họa?
Tôi đã đam mê vẽ từ lúc nhỏ. Học xong phổ thông, tôi nộp hồ sơ vào Trường Nghệ thuật Huế và học để trở thành họa sĩ. Cũng khó mà xác định rằng tôi chọn hội họa hay hội họa chọn tôi.
Lời khuyên sự nghiệp tệ nhất anh từng nghe là gì?
Vẽ tranh như thế này mà là nghệ thuật à?
Sự sáng tạo đối với anh có nghĩa là gì? Chúng tới từ đâu?
Vừa từ lý, vừa từ tình. Và quan trọng nhất là từ những xúc cảm nội tại bắt nguồn từ đâu đó sâu thẳm trong trái tim và tâm hồn được bột phát ra bên ngoài, tạo nên những tác phẩm mà nhiều khi mình không kiểm soát được.
Anh thường làm gì khi bị bế tắc hay cạn kiệt ý tưởng?
Tôi ít khi bị cạn kiệt ý tưởng, nhưng bản thân có khá nhiều khoảng thời gian nghỉ ngơi. Tôi dành thời gian đó để tập hít thở, chăm cây cối, đọc sách, tiếp xúc với bạn bè, quan sát kỹ hơn những đồ vật và cảnh sắc xung quanh…
Ý tưởng của bức tranh chứa chiếc ống nước và viên gạch của trò chơi Mario tới từ đâu?
Trò chơi Mario vụt thoáng qua tâm trí khi tôi nghĩ tới không gian Đà Lạt, những núi đồi, hồ đập, suối thác… Trong một khoảnh khắc sáng tác, tôi được giám tuyển gợi ý rằng có thể mở rộng phong cảnh này ra khỏi những không gian hiện thực, đưa chiếc ghế đỏ chủ thể qua nhiều chiều không gian ảo hơn.
Tôi đã đưa trò chơi gắn liền với thời niên thiếu vào, và sau đó nhìn lại thì nó cũng đâu đến nỗi tệ (cười)!
Đối với anh, điều gì đưa một tác phẩm chạm tới cảm xúc của khán giả?
Phong cách thể hiện, đường nét, hình thể, màu sắc phải mới lạ. Đặc biệt, ý niệm riêng tư sẽ làm rung động tới cảm xúc của người thưởng lãm.
Chiếc ghế nhựa đỏ sẽ tồn tại sau khi chúng ta biến mất. Còn anh, anh có nắm lấy cơ hội bất tử?
Ghế cũng có tuổi thọ, cũng có thời hạn phân hủy, dù có thể rất lâu. Chiếc ghế đỏ chỉ là một giai đoạn trong đời sống con người, và khi trở thành một phương tiện trong bộ tác phẩm Phong Cảnh Lạ Thường, đó cũng là một giai đoạn sáng tác của tôi.
Ghế đỏ sẽ tiếp tục xuất hiện hay bị thay thế bằng phương tiện khác trong những tác phẩm tương lai, điều đó tôi chưa biết được. "Biết ra sao ngày sau" mà!
Còn nếu được bất tử, tôi sẽ có thời gian để tạo được nhiều giá trị hơn cho cuộc sống của tôi, và đem những giá trị đó sẻ chia cho mọi người.
Nếu cuộc đời của anh là một bộ phim, đó sẽ là một bộ phim thuộc thể loại gì?
Đó sẽ là một bộ phim đủ các thể loại, bởi chính con người tôi từ lúc sinh ra đã luôn thay đổi biến chuyển trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi tôi hay nói đùa với bạn bè rằng mình đã sống ăn gian nhiều kiếp trong một kiếp này.
Và cuối cùng, khi nào anh quyết định rằng một tác phẩm đã hoàn thành?
Khi tôi đã thấy thỏa mãn từ phong cách thể hiện cho đến ý đồ. Đặc biệt, đó là khi cái tình trong tác phẩm đã trọn vẹn.