Học được gì từ những chuyến du lịch khác thường?

Tôi đi nhiều và những chuyến đi của tôi đều có vài phần đặc biệt. Bắt đầu từ chuyến đi đầu tiên - 29 ngày cầm 13 triệu đồng vòng quanh Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar - vào năm tôi 23 tuổi.
Jen
Nguồn: Tống Viết Nam

Nguồn: Tống Viết Nam

(Theo lời kể của anh Tống Viết Nam)

Là hướng dẫn viên du lịch 7 năm trong nghề, đã đi qua hết 63 tỉnh thành tại Việt Nam và 9 quốc gia, tôi vẫn không quên được chuyến đi đầu tiên của mình, đó là chuyến đi phượt 29 ngày qua 4 nước Đông Nam Á diễn ra vào tháng 4/2014, năm tôi 23 tuổi, cùng một vài người bạn.

Chuyến đi ấy tôi không hề có một sự chuẩn bị nào, chỉ có tiền ở trong tài khoản, balo đựng 3 bộ áo quần, lều và xoong nồi bát đĩa, cứ thế lên đường đi. Tuổi trẻ của tôi không cân đo đong đếm, chúng tôi chỉ gặp và rủ nhau đi xem lễ hội té nước bên Lào, rồi qua Campuchia, Thái Lan và Myanmar, đi đến khi nào hết tiền thì về.

Thời điểm đó cụm từ đi phượt chưa phổ biến như bây giờ. Trong chuyến đi ấy, tôi nói không với nhà nghỉ và nhà hàng. Mỗi khi qua chợ, tôi sẽ vào mua đồ ăn và cấp đông, đi trên đường chỗ nào đẹp thì dừng lại ngắm cảnh, đói thì dừng lại nấu ăn. Buổi tối tôi dựng lều ở chùa hoặc cây xăng để ngủ, tắm rửa cũng vào cây xăng.

Trong quá trình nhập cảnh vào Thái Lan, những người biên phòng người Thái với khả năng nói tiếng Việt đáng kinh ngạc đã nói:

“Người Việt Nam nhập cảnh là 100 đô Mỹ”.

Vì không có tiền, tôi bắt đầu… ăn vạ. Sau một lúc, tôi được đưa vào một căn phòng riêng, ngồi từ sáng đến trưa thì một ông trưởng đồn vào hỏi bằng tiếng Việt:

“Các anh qua đất nước chúng tôi làm gì?” - Ông nói bằng giọng nghi ngờ, ánh mắt cũng không có vẻ thiện chí.

“Tôi muốn qua Myanmar chơi bằng xe máy nhưng để qua đó phải đi qua Thái Lan" - Tôi giải thích.

“Bây giờ các anh sẽ phải ký cam kết không được ở lại đây lâu, cũng không được trốn để làm việc tại đây" - Ông gằn giọng, chìa ra cho tôi tờ giấy, chỉ vào chỗ cần ký.

Thay vì giận dữ, chúng tôi hoàn toàn vui vẻ ký lên giấy cam kết. Bởi tôi hiểu rằng, việc tỏ thái độ hay tức giận chỉ khiến người ta làm khó mình hơn và mất thêm thời gian quý báu của mình. Mình không làm gì sai thì hãy cứ bình tĩnh giải thích.

Xong xuôi, tôi ở lại Bangkok 7 ngày rồi đi Myanmar. Chơi ở Myanmar xong tôi quay ngược về Thái Lan. Từ đây, bạn bè tôi đi tàu qua Singapore, tôi không còn đồng nào nên quay về Việt Nam. Chuyến đi của tôi kéo dài 29 ngày, hết 13 triệu đồng, không có một kế hoạch gì. Sau chuyến đó tôi nghĩ mình không chỉ tìm thấy niềm vui của việc “dịch chuyển", tôi còn thành công bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Cũng từ chuyến đi ấy, tôi ý thức được mình nên chuẩn bị những gì cho một lần du lịch, từ kiến thức về vùng đất, tài chính, trang thiết bị đến thể lực, đồ ăn thức uống, quần áo… để có một trải nghiệm đủ đầy và trọn vẹn hơn.

Kể từ đó, tôi đi nhiều và những chuyến đi của tôi đều có vài phần đặc biệt. Có thể nói, tôi đã trưởng thành lên cùng những lần “dịch chuyển" và cũng qua mỗi lần ấy, tôi lại đúc rút được thêm nhiều bài học đắt giá.

Niềm vui không chỉ loanh quanh trong sân nhà

Cũng như nhiều đứa trẻ khác, trước đây cuộc sống của tôi chỉ loanh quanh trong nhà, trong khu vực tôi sống với một vài mối quan hệ cố định. Khi đi nhiều hơn, tôi mới biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào, đẹp đẽ ra sao. Cũng nhờ những chuyến đi, tôi mới tìm được đam mê của mình, là du lịch.

Trong chuyến phượt Đông Nam Á, khi ở Myanmar, tôi dựng lều ngay cạnh đền Bagan để có thể ngắm khinh khí cầu. Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, những chiếc khinh khí cầu bắt đầu bay lên cùng lúc với bình minh, tạo nên một khung cảnh đẹp lặng người. Từ khi sinh ra đến khoảnh khắc ấy, tôi mới được ngắm nhìn một khung cảnh đọng lại trong tôi lâu đến vậy.

Lần thứ hai có cảm giác đó là khi tôi đi Nepal vào tháng 4/2022, sau nhiều ngày chinh phục Everest Base Camp và đang vượt đèo Chola Pass để đi qua hồ Gokyo, một trong năm hồ cao nhất Nepal, tôi quay lại sau lưng, đúng lúc ấy, mặt trời vừa lên nên cả rặng tuyết sơn ở phía sau biến thành màu vàng “gold”, tôi đã đứng đơ rất lâu để ngắm. Khung cảnh của bầu trời xanh, núi tuyết vàng khi đó, tôi đã đi rất xa mới có thể thấy được.

Không phải ở sân nhà không vui nhưng ở ngoài kia còn rất nhiều niềm vui khác chờ bạn khám phá. Ở Bhutan, nơi được mệnh danh “xứ sở hạnh phúc nhất thế giới”, người dân cho rằng 3 yếu tố để tạo nên hạnh phúc đích thực là: hiểu rõ bản thân, được kết nối cùng nhau, và sống hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ. Đó đều là những điều đi càng nhiều, bạn càng dễ dàng có được.

Sự thích nghi còn quan trọng hơn sức khỏe

Bất cứ ai khi gặp phải khó khăn cũng có suy nghĩ bỏ cuộc, nhất là trong những chuyến đi khắc nghiệt. Chuyến đi Nepal của tôi là thử thách lớn về khả năng nhận thức, sự kiên trì và sự thích nghi bởi có quá nhiều sự khó khăn trên hành trình chinh phục Everest Base Camp.

Những chuyện không như ý liên miên ập đến kể từ thời điểm tôi đáp máy bay xuống sân bay Tribhuvan, Nepal. Không có xe đón, phải đi bộ từ đường băng vào sân bay, hôm sau đi máy bay dân dụng đến cung đường trek thì delay 8 tiếng rồi huỷ chuyến mà không thông báo trước.

Sau đó, tôi di chuyển sang sân bay nội địa Ramechhap nhưng rồi máy bay vẫn tiếp tục delay gần nửa ngày. Sau khi tìm hiểu thì tôi biết đó là chuyện cơm bữa ở Nepal. Đến khi bay được thì mùi xăng nồng lên mũi và máy bay kêu cọt kẹt. Mãi cho đến khi đáp được xuống sân bay Lukla, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Vậy mà người dân ở đây, họ vẫn sống được, thậm chí sống vui và sống bình thản. Đó là lần đầu tôi ngẫm về sự thích nghi.

3 ngày đầu tiên trên hành trình chinh phục Everest Base Camp khá bình thường. Cho đến khi lên đến độ cao 3500m thì không còn cây cối nữa, xung quanh chỉ là núi đá, núi băng. Lên đến độ cao 4900m thì tôi bắt đầu bị sốc độ cao. Tôi vốn là một người khỏe mạnh, có thể leo “khứ hồi" Fansipan trong ngày, vậy mà khi lên đến đó, tôi bỗng yếu đuối vô cùng. Lúc ấy tôi mới nhận ra, để leo những ngọn núi cao như Everest, sự thích nghi còn quan trọng hơn cả sức khoẻ.

Khi quá mệt, tôi bị nôn khan và phải nằm lên một tảng đá. Trước mắt tôi lúc ấy là những chiếc máy bay cứu hộ bay liên tục để đưa những người bị sốc độ cao quay về, “hay mình về thôi, mình không chịu được nữa", tôi đã nghĩ vậy.

Nhưng khi nhắm mắt lại, tôi nghĩ về cuộc hành trình vất vả để đến được độ cao này, tôi gượng dậy đi tiếp đến độ cao 5100m (Gorakshep) và nghỉ lại qua đêm. Đêm đó tôi không ngủ được, đau nhức toàn thân, phải uống Efferalgan để giảm đau.

Ngày hôm sau, tôi đi rất chậm, sau 3 tiếng thì đến được Everest Base Camp. Khi giơ cao lá cờ Việt Nam và ký tên mình vào viên đá “check point", tôi đã không cầm được nước mắt.

Trên đường quay về, đoàn chúng tôi vượt đèo Chola Pass và đi 3km trên một dòng sông băng vĩnh cửu. Ở đó tôi gặp một yogi đi chân trần, một lần nữa, tôi nghĩ về sự thích nghi. Khi đến được hồ Gokyo, cũng gần như là điểm cuối của hành trình chinh phục Everest Base Camp, tôi quên hết mọi mỏi mệt, chết lặng vì khung cảnh nơi đây. Đoàn chúng tôi đã ôm nhau và khóc nấc lên vì quá xúc động.

Có lẽ, cuộc sống không thực sự khó khăn khi mình đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình và học cách thích nghi với nó. Đôi khi chính trong điều kiện thiếu thốn, chúng ta mới nhận ra khả năng của mình lớn hơn mình nghĩ tới mức nào.

Những mối quan hệ quý giá có thể nằm trên những cung đường gian nan

Một lần, trong khi chạy xe về Hoàng Su Phì (Hà Giang), tôi và một vài người bạn bị lạc trong rừng Tây Côn Lĩnh, một khu “rừng thiêng nước độc" có tiếng ở miền núi phía Bắc. Càng đi, chúng tôi càng lạc sâu vào rừng. Đến 4 giờ chiều, chúng tôi vẫn đang loay hoay, đường ngày càng khó đi, cây cối đổ la liệt. Lúc ấy tôi nghĩ càng đi sẽ càng lạc, nên tranh thủ trời còn sáng thì nên dừng lại, tìm điểm an toàn, kiếm củi, xác định đêm đó ngủ lại trong rừng.

Sau khi tìm được chỗ và phân công mọi người đi kiếm củi, tôi chạy xe đi tìm sự trợ giúp, nếu được sẽ quay lại đón mọi người. Sau khi chạy thêm một tiếng và bắt đầu tuyệt vọng, tôi bất ngờ nhìn thấy một chiếc xe máy của người dân bản địa. Tầm 15 phút sau, có một bạn vác bao tải đi ra, tôi vẫy tay chào thì bạn ấy ném bao tải đi và bỏ chạy.

Tôi đuổi theo và hét lên: “Anh ơi cứu bọn em với, bọn em bị lạc đường" thì bạn ấy mới dừng lại, nhìn tôi một lát rồi chỉ đường cho tôi. Vì đường ra quá phức tạp, người bạn ấy quyết định chạy xe dẫn chúng tôi ra đến ngã 3 khu vực biên giới. Chúng tôi rẽ phải ra đường bê tông còn người bạn kia rẽ trái đi về nhà. Người bạn tốt bụng ấy tên là A Sánh. Tôi không dám nghĩ mình sẽ ra sao nếu không gặp được A Sánh ngày hôm đó.

Cứ mỗi chuyến đi, tôi lại tích cóp cho mình tài sản là những mối quan hệ đặc biệt như vậy. Tôi gặp được những người bạn thân thương, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn cùng mình. Tôi kết bạn được với những anh chị dân tộc vùng cao sẵn sàng “cắt đất” cho tôi xây nhà và cho tôi chỗ ăn, chỗ ngủ. Tôi cũng có duyên với những người đồng hành giỏi giang cùng tôi khởi nghiệp.

Kết

Nếu tóm lại bài học lớn nhất tôi học được sau rất nhiều chuyến đi của mình, đó là sự đón nhận. Đón nhận những cơ hội đến với mình, đón nhận những niềm vui ngoài thế giới rộng lớn, đón nhận khó khăn với sự bình thản, đón nhận những con người xa lạ cùng nắm tay vượt qua một hành trình khó.

Người ta hay có câu “đi để trưởng thành", nghe thì vĩ mô và hơi… sến nhưng sau mỗi chuyến đi, tôi lại thấy đúng là đi để trưởng thành thật. Đi để biết mình là ai, đi để biết xung quanh mình có những gì, nếu chỉ quanh quẩn trong sân nhà thì mình sẽ mãi mãi nhỏ bé. Vậy nên, đừng chần chừ, hãy cứ đi đi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục