Học được gì từ việc nói dối bố mẹ?
Dường như ai cũng từng nói dối bố mẹ ít nhất một lần trong đời, dù được dạy là không tốt. Một phần vì chúng ta có tâm lý phản kháng (càng bị cấm, bạn càng muốn làm), một phần bởi đây là cách dễ nhất giúp chúng ta thực hiện một nhu cầu nào đó của bản thân, mà ta gặp khó khăn khi giao tiếp với bố mẹ.
Chính vì vậy tôi nhận ra rằng, ẩn chứa sau mỗi lời nói dối là những khoảng cách thế hệ chờ đợi được lấp đầy. Vậy khi quyết định nói dối và đối mặt với nguy cơ bị phát hiện, người trẻ học được những gì?
Nói dối để chứng minh cho mẹ thấy khả năng tự lập của mình
Hiền Lê - Thành viên CLB “thích xê dịch”
Chiến tích nói dối “ấn tượng” nhất đời có lẽ là lần mình giấu mẹ đi Campuchia một mình.
Thời điểm đó mình săn được vé đi Siem Reap rất rẻ, và cũng chưa đi Campuchia bao giờ. Mình có rủ một số bạn bè, nhưng họ đều từ chối vì những lý do khác nhau. Vậy là mình quyết định nhân cơ hội này du lịch solo - vốn là mục tiêu mình muốn thực hiện trước năm 30 tuổi.
Mình không sợ việc đi một mình, bởi Siem Reap được đánh giá khá thân thiện với khách nữ. Và thực tế là mình đã đặt tour 2/4 ngày ở đó, chỉ có ngày đầu và cuối là mình để lịch trình tự do. Vấn đề bây giờ là làm sao để nói với mẹ mình - một người luôn phản đối chuyện du lịch solo, và với một đất nước đang phát triển như Campuchia thì lại càng không.
Nghĩ đi nghĩ lại, mình quyết định… nói dối mẹ. Mình nói với mẹ là bạn mình bay từ Sài Gòn, rồi hai đứa sẽ gặp nhau ở Siem Reap. Mình đã đi với bạn như vậy trong lần đi Thái Lan trước đó, nên mẹ mình không nghi ngờ gì. Mỗi lần mẹ nhắn tin, mình đều gửi ảnh chụp cùng những khách khác trong tour để chứng minh mình không “một mình”.
Cứ như vậy, chuyến đi của mình trôi qua trong êm đẹp. Mình khoe chiến tích này với bạn bè, và không quên dặn họ giữ bí mật - cho đến khoảng 3 tháng sau đó, hai mẹ con xem một chương trình mà khách mời thường xuyên du lịch bụi.
“Mẹ không hiểu sao người ta có thể đi một mình mà vui nhỉ. Suốt mấy ngày không có ai nói chuyện thì chán chết”, mẹ mình phát biểu sau khi xem.
Đến đây mình quyết định thú thật với mẹ mọi việc. Mình nín thở, đợi chờ một cú sốc hoặc một phản ứng mạnh nào đó từ phía mẹ.
Nhưng trái ngược với những gì mình nghĩ, mẹ mình bất ngờ nhiều hơn là hoảng hốt. Bà thắc mắc không hiểu bằng cách nào mình đã chơi vui vẻ suốt 4 ngày ở Campuchia, và trở về bình an vô sự. “Con liều thật, nhưng hóa ra con cũng tự lập hơn mẹ nghĩ. Lần sau đi đâu vẫn cứ phải cẩn thận nhé”, mẹ mình dặn.
Học được gì từ lời nói dối ấy: Giờ nghĩ lại, mình vẫn thấy mình đã đúng khi chờ thời điểm thích hợp để “tự thú”. Bởi mình chắc chắn sẽ còn du lịch solo thêm nhiều lần trong tương lai. Mình phải cho mẹ thấy rằng, con gái bà đã lớn và có thể sống tốt ở bất cứ nơi đâu.
Mỗi người đều có ngưỡng chấp nhận riêng, và không phải sự thật nào cũng nên nói ra
Mỹ Anh - Chuyên viên nội dung
Từ lâu nay mình đã không còn dùng băng vệ sinh, mà chuyển sang dùng cốc nguyệt san (menstrual cup). Đây là điều ba mẹ mình cho tới giờ vẫn chưa biết.
Sau khi thử cốc nguyệt san, mình thấy nó tiện lợi hơn so với băng vệ sinh truyền thống. Nhờ khả năng chứa được nhiều và lâu hơn, mình không còn phải kè kè mang theo băng mới mỗi khi ra ngoài. Chưa kể cốc tái sử dụng được nhiều lần, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
Mọi chuyện không có gì lạ cho đến một ngày nọ, anh hai mình tình cờ phát hiện chiếc cốc nguyệt san mình để trong nhà tắm. Lúc đó, anh hai chỉ nói vỏn vẹn:
“Đừng để ba mẹ biết!”
Nếu các bạn chưa hiểu, thì cốc nguyệt san khá khó dùng nếu bạn chưa từng quan hệ tình dục. Ba mẹ mình theo kiểu truyền thống nên nếu để họ biết thế nào mình cũng phải giải trình (mà chưa chắc họ hiểu). Anh hai mình thì thoáng hơn nhiều. Và cùng là con của ba mẹ nên mình biết là mình nên nghe lời anh hai.
Vậy là may mắn nhờ có anh, mình nhận ra “lỗ hổng” trong thói quen sinh hoạt có thể khiến mình gặp rắc rối. Mình hiểu rằng đây là sự khác biệt lớn, không thể tìm được tiếng nói chung với ba mẹ trong một sớm một chiều.
Do đó mình quyết định nghe theo lời anh, cất kín “đồ nghề” và không bao giờ nói với ba mẹ. Mình đã tính nếu ba mẹ mình có hỏi, mình sẽ nói là cốc… rửa đồ trang điểm. *cười*
Học được gì từ lời nói dối ấy: Mỗi người có một ngưỡng chấp nhận riêng. Vì vậy có những sự thật không cần thiết phải nói ra, bởi sẽ gây nên rắc rối không đáng có. Và quan trọng nhất, mình may mắn khi có anh trai tinh tế, giúp mình kịp nhìn thấy và xử lý vấn đề trước khi nó xảy ra.
Phải luôn trân trọng gia đình, vì chẳng nơi đâu tinh tế và khoan dung với mình được như vậy
H.G. - Video Producer
Năm lớp 10, mình từng trốn ba mẹ đi club quẩy tưng bừng với bạn bè. Lẽ dĩ nhiên, mình nói dối là đi cafe ăn uống mừng sinh nhật bạn mình.
Lần đầu tiên được đi club, biết thế nào là tiệc tùng nên mình “quẩy” nhiệt lắm. Mình uống khá nhiều, và có lẽ đến giờ chưa có lần nào mình uống xỉn đến thế. Đám bạn mình thì quậy từ quán ra tới xe taxi, có người còn quá chén “gặp chị Huệ” mấy lần…
Sau khi ngủ say “bí tỉ” hết buổi sáng hôm sau, mình dậy ăn bữa trưa. Ba hỏi mình một lần nữa chuyện tối qua đã đi đâu, mình vẫn nói là đi cafe với bạn. Đến lúc này ba mới nói:
“Con có nhớ thằng nào đứng quầy rót rượu cho con tối qua không?”
Mình sững người, không hiểu ba đã phát hiện chuyện mình đi club bằng cách nào. Có lẽ bởi ba là công an, nắm được hết những tụ điểm ăn chơi “khét tiếng” nhất trong vùng. Nhưng kể cả như vậy, mình vẫn không nghĩ mình sẽ xui đến mức bị phát hiện.
Định thần lại thì mình nhận ra, có lẽ do tụi mình quậy quá nên đã có ai trong club mách ba. Mình vừa sốc, vừa xấu hổ không biết nên trả lời ba thế nào.
Nhưng trái ngược với nỗi sợ của mình, ba chỉ từ tốn dặn lần sau không được nói dối nữa, và có đi club thì đừng uống xỉn quá. Ba còn dặn mình đừng nói với mẹ (khi đó bữa cơm chỉ có 2 ba con, mẹ mình và em gái đi vắng), đây là bí mật chỉ 2 ba con biết.
Thật sự mình phải cảm ơn ba rất nhiều vì đã thật tinh tế và bình tĩnh, và đã chọn lúc mẹ không ở nhà để nói. Mình không dám tưởng tượng nếu ba la mình trước mặt mẹ - một người vốn nóng tính - thì mọi chuyện sẽ khủng khiếp thế nào.
Học được gì từ lời nói dối ấy: Mình yêu thương và trân trọng gia đình nhiều hơn, vì chẳng có nơi nào tinh tế và khoan dung với mình khi phạm lỗi như vậy. Đó là nơi duy nhất mình có thể sai mà không bị chì chiết hay bêu gương - những hình thức kỷ luật vốn gây nhiều ám ảnh.
Nói dối không hẳn là xấu, bởi nó đã giúp mình trưởng thành
T.Q. - Kỹ sư mặt tiền phần mềm
Bố mẹ mình luôn tâm niệm “con chỉ việc tập trung học hành, mọi thứ khác đã có bố mẹ lo”. Từ nhỏ đến lớn, mình hầu như chưa từng phải lo lắng điều gì. Trong năm học thì đều đặn đến trường rồi về nhà, hè đến thì về “chill” nhà ông bà dưới quê.
Nhưng lên tới cấp 3, mình nhận thấy bản thân cần học thêm kỹ năng xã giao, tích lũy thêm kinh nghiệm để chuẩn bị học đại học xa nhà. Vừa hay khi đó bố mẹ vào Sài Gòn dài ngày, nên mình quyết định nói dối là ở lại thị xã học hè, nhưng thực tế là đi làm thêm ở một quán cafe.
Mọi chuyện trôi qua trót lọt, cho đến khi ông bà thắc mắc vì mình không về nhà cuối tuần như thường lệ. Mình có giải thích là là sắp lên lớp 12 nên bài vở nhiều hơn, nhưng ông bà vẫn nói chuyện với bố mẹ mình. Và chuyện gì xảy ra sau đó thì… chắc các bạn cũng đoán ra rồi.
Mình bị la dữ lắm, rằng bố mẹ đâu để mình thiếu thốn đến mức phải đi làm thêm. Mình vốn tính bướng bỉnh nên cũng gắt lên rằng, mình đã lớn rồi, mình biết mình đang làm cái gì. Hơn nữa, nếu bố mẹ cứ đùm bọc mãi thì sao mình lớn được.
Đến đây bố mới từ tốn nói lý do ngăn mình đi làm thêm vì sợ mình sao nhãng việc học, bởi sang năm lớp 12 là cột mốc quan trọng của cuộc đời. Đây là lúc mình nhìn ra “khoảng trống” giữa nhu cầu của mình và ba mẹ, để “điền” vào nó bằng cách giải thích rằng, việc đi làm thêm cũng giúp mình học rất nhiều kỹ năng mềm, chỉ là nó không diễn ra trong môi trường lớp học.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mình chưa bao giờ hối hận vì đã nói dối. Công việc đầu đời ấy đã giúp mình học được nhiều điều, và tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên mà không ảnh hưởng đến việc học. Dù vậy nếu có cơ hội quay lại, mình sẽ nhỏ nhẹ hơn khi nói chuyện với bố mẹ, và sẽ về nhà ông bà mỗi cuối tuần để… không bị phát hiện.
Học được gì từ lời nói dối ấy: Nói dối không phải lúc nào cũng xấu, nếu nó không gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới người khác. Dù vậy nếu có thể, vẫn nên tìm cách trò chuyện thẳng thắn, cởi mở để bố mẹ hiểu được nguyện vọng của mình.