Học gì trước khi có quá nhiều kiến thức cần dung nạp?

Ma trận tiện ích thời gian - cách thức để biết nên ưu tiên kỹ năng gì để học.
Anh Tú
Học gì trước khi có quá nhiều kiến thức cần dung nạp?

Học gì trước khi có quá nhiều kiến thức cần dung nạp?

Nếu mối lo về giáo dục của thế hệ trước nằm ở vấn đề tiếp cận thông tin, công nghệ, thì sự phát triển của internet ngày nay đang khiến chúng ta trở nên bối rối trước vô vàn lựa chọn học tập.

Có hàng triệu cuốn sách về kinh tế được xuất bản, hơn 3,000 bài TED talks, hàng trăm nghìn khóa học online, chưa tính đến các bài post đăng bởi cá nhân trên các trang mạng xã hội như LinkedIn hay Medium.

Giữa tháng 2/2020, lượng tìm kiếm từ khoá “classes app” và “online course” tăng lần lượt 50% và 200% trên toàn cầu.

Tuy nhiên, một người đi làm hiện chỉ có 1% thời gian mỗi ngày cho việc học (theo nghiên cứu của Bersin). Trước bộn bề thông tin ngày nay, làm sao để biết mình nên ưu tiên học tập kỹ năng nào?

Câu trả lời nằm ở phương pháp ma trận 2x2 - Tiện ích thời gian (Time utility).

Sau một tuần thử nghiệm phương pháp ngày, tôi phải thừa nhận: mô hình này giúp tôi trở nên thực tế hơn với các mục tiêu học tập. Tuy nhiên, quá trình để thiết lập và thực hành nó lại không dễ chút nào.

Ma trận tiện ích thời gian 2x2 là gì?

Ma trận tiện ích thời gian thể hiện mối quan hệ giữa “thời gian” và “tiện ích”. Trong đó thời gian là khoảng phải bỏ ra cho việc học một kỹ năng, và tiện ích là tính hữu dụng thu được từ các kỹ năng đó.

Mối liên hệ giữa thời gian và tiện ích được thể hiện dưới dạng ma trận 2x2 gồm 4 góc phần tư như sau:

  • Học ngay lập tức: tiện ích cao, cần ít thời gian học
  • Đặt ra thời gian biểu để học: tiện ích cao, cần nhiều thời gian học
  • Học khi có cơ hội (khi di chuyển, nghỉ trưa,...): tiện ích thấp, cần ít thời gian học
  • Cân nhắc xem có cần học hay không: tiện ích thấp, cần nhiều thời gian học

Lấy ví dụ về việc dùng bảng tính (spreadsheet) của Excel. Với hơn 500 chức năng, Excel sẽ là một thách thức lớn cho người mới bắt đầu. Nhằm thử nghiệm phương pháp tiện ích thời gian, các nhà nghiên cứu từ Harvard Business Review đã khảo sát và tổng hợp 100 chức năng Excel hữu ích nhất cùng với thời gian cần dành ra để hoàn thiện các kỹ năng đó.

Từ thống kê này, người học có thể tự đánh giá xem mình nên học hoặc bỏ những kỹ năng nào. Tuy nhiên, không phải bất cứ lĩnh vực nào cũng có một chuyên trang uy tín hay một thống kê chỉ ra thứ tự ưu tiên của các kỹ năng cần học.

Một tuần thử nghiệm ma trận 2x2 giúp tôi rút ra điều gì?

Hiện nay, tôi đang là nhân viên sản xuất nội dung mạng xã hội cho một công ty truyền thông.

Khi biết được phương pháp học 2x2 trên, tôi đã đặt mục tiêu học thiết kế hình ảnh cho các bài viết của mình. Một phần, tôi muốn nhóm thiết kế tập trung làm các sản phẩm in ấn quan trọng hơn. Phần còn lại, tôi muốn giúp bản thân đẩy nhanh tiến độ lên bài và bớt phụ thuộc vào đồng đội.

Đây là những kinh nghiệm tôi rút ra sau 1 tuần ứng dụng.

Lên kế hoạch: Đừng để chết chìm trong biển thông tin

Lần đầu tiên diện kiến bảng làm việc của Photoshop, tôi thật sự bị căng thẳng. Việc bày Ma trận Tiện ích thời gian 2x2 ra trước mắt, kết hợp với tìm kiếm từ khoá “10 kỹ năng photoshop cho người mới bắt đầu” cũng không giúp tôi biết phải bắt đầu từ đâu.

Sau khi viết toàn bộ các icon và tên gọi của bảng điều khiển ra sổ, tôi đóng laptop đi ngủ luôn.

Ngày hôm sau, như thường lệ, tôi đi đến công ty và nhờ anh thiết kế giúp chỉnh nhanh một hình để đăng lên Facebook công ty. Vừa nhìn anh thao tác vừa lần mò theo sổ, tôi nhận ra mình thực sự không cần nhiều công cụ đến thế!

Tất cả những gì tôi cần để tạo ra một hình ảnh “có thể dùng được” trên Facebook là biết cách chèn chữ vào ảnh một cách cơ bản.

Bài học ở đây là gì? Hãy định trước khi điền những nội dung bạn muốn học vào ma trận.

Mục tiêu của tôi không phải là “làm thế nào để thiết kế cơ bản”, mà là “trong một tuần có thể tạo được ảnh trên Facebook với thiết kế đơn giản gồm hình và chữ”.

Dưới đây là ma trận tiện ích thời gian của tôi:

Đừng quên xin góp ý từ một người có kinh nghiệm. Anh bạn thiết kế trong nhóm đã xoá đi hết những ý tưởng tham lam quá đà của tôi, và chỉ để lại những kỹ năng cốt lõi nhất dành cho người mới bắt đầu.

Điều chỉnh theo nhịp điệu học của riêng bạn

Trong ngày ai cũng chỉ có 24 tiếng, 8 tiếng ngủ, 8 tiếng làm việc, 8 tiếng (tạm gọi là) tự do để học thêm những gì mình muốn.

Tuy lý thuyết là vậy, nhưng không phải ai cũng có cách phân chia thời gian giống nhau. Có người quen dậy sớm buổi sáng, có người phải 2h chiều đầu óc mới bắt đầu nhanh nhẹn được.

Đối với các kỹ năng cần đặt thời khoá biểu để học, tôi sẽ đặt ra một lịch học dựa theo đồng hồ sinh học của mình.

Biết bản thân thích dậy sớm (early riser), tôi thường tranh thủ tập các kỹ năng trên lúc 8h - 8h30 tại công ty trước khi vào làm lúc 9h30. Đồng thời, do một tuần thí nghiệm bao gồm cả cuối tuần, tôi sẽ ưu tiên lịch học vào buổi sáng thứ 7, tuyệt đối không đặt vào khung giờ năng lượng xuống thấp như sau 7h tối các ngày trong tuần.

Tự tạo ra cơ hội để cho mình học

Học khi có cơ hội là một lời tự nói dối cực kỳ tai hại. Sẽ khó có một khoảng thời gian phù hợp để làm bất cứ một điều gì, nhất là khi khối lượng thông tin đồ sộ trên Internet sẵn sàng cướp đi sự tập trung.

Trong một tuần thí nghiệm, thay vì dành thời gian buổi trưa để lướt các trang tin tức hay Facebook, tôi dành thời gian nhiều hơn trên Pinterest hay idesign để “tập nhìn” các thiết kế đẹp nhằm tạo cảm hứng.

Trong quá trình làm việc, tôi cũng sẽ ghi chú lại các điểm “trông có vẻ dễ bắt chước” trong các sản phẩm của anh thiết kế. Từ đó, tôi lập được cho mình một danh sách các kỹ năng “Học khi có cơ hội” dễ dàng và nhanh chóng.

Luôn nhớ lý do mình bắt đầu

Trong quá trình học thiết kế, đôi khi tôi bị sa đà vào những chi tiết cần nhiều kỹ năng phức tạp hơn. Phần ghi chú trong ma trận cũng tăng lên. Sau khi tự trách bản thân quá nhiều, cũng như nhận được góp ý từ anh bạn thiết kế, tôi đã phải chuyển những kỹ năng nâng cao đó vào ô “Cân nhắc”.

Với mục tiêu đơn giản như một post Facebook có đầy đủ chữ và ảnh, những tính năng làm đẹp xuất hiện trong quá trình như sử dụng màu Gradient hay xoá chi tiết thừa cũng được tôi mạnh dạn gạt ra khỏi đầu.

Đặt thời hạn hoàn thành và đánh giá thường xuyên

Do chỉ có một tuần để thí nghiệm, hãy tự thống kê những gì mình đã đạt được qua mỗi giai đoạn (1 ngày, 1 buổi chiều,...). Ngoài việc giúp tăng động lực, điều này sẽ giúp chúng ta biết phải tăng tốc và dành thời gian hơn vào mảng kỹ năng nào.

Kết thúc một tuần, thật may mắn vì tôi đã biết ghép chữ vào ảnh khá thành thục, đủ để tự đăng cả nội dung và thiết kế đơn giản lên mạng xã hội. Trung bình, mỗi thiết kế sẽ tốn của tôi khoảng 20 phút.

Mặc dù không kịp chuyển tới những kỹ năng “Cân nhắc xem có học hay không”, tôi cũng đã làm quen được kha khá các chức năng của Photoshop. Khi nhìn vào những thiết kế hơi phức tạp mà anh designer tạo ra, ít nhất tôi cũng biết chúng được tạo ra bởi các yếu tố hay bao gồm các bước gì.

Vậy rốt cuộc nên sử dụng Ma trận tiện ích thời gian như thế nào?

Ma trận tiện ích thời gian 2x2 giúp chúng ta định hình các kỹ năng cần ưu tiên học. Đây có thể coi là cách tiếp cận thực tế hơn trong việc chia nhỏ mục tiêu.

Tuy nhiên, thách thức của phương pháp này nằm ở khả năng tự phân định các nhóm kỹ năng của người thực hành. Do đó, ngoài việc tự tìm hiểu qua Internet, hãy nhờ sự trợ giúp của những người trong ngành hoặc có trải nghiệm trước để đánh giá mô hình ma trận của bạn.

Thời đại công nghệ thường khiến chúng ta rơi vào trạng thái “đói” thông tin, thiếu sự tập trung cao độ và thường xuyên “sợ bỏ lỡ” (Fear of missing out). Ngoài ra, một cái hẹn với bạn bè, hoặc một chủ đề gây tò mò cũng dễ khiến chúng ta trật bánh khỏi quy trình học tập.

Nếu đã xác định dành ra một thời gian thí nghiệm với ma trận tiện ích thời gian, hãy tập trung toàn bộ sự chú ý cho mục tiêu này.

Tất cả những gì bạn đọc, xem, nghe, hay trò chuyện mỗi ngày nên xoay quanh chủ đề bạn đang học. Điều đó sẽ giúp duy trì động lực hay thậm chí, ngẫu nhiên kéo bạn đến những nguồn thông tin liên quan.

Trong buổi trò chuyện với anh bạn thân cuối tuần, tôi vô tình đưa ra chủ đề font chữ có chân và font chữ không chân. Và thế là chúng tôi bàn tiếp về cách để trang trí biển hiệu của quán cafe anh ấy sắp tiếp quản.

Học tập theo một mô hình có thể khiến bạn cảm thấy bị trói buộc trong khuôn khổ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nó như một trò chơi để chinh phục, bạn sẽ dần trở nên thoải mái với việc nói “tôi không biết” và nghiệm ra những điều thú vị không ngờ trong suốt quá trình.

Phần thưởng đi kèm là biết thêm một kỹ năng và kiến thức mới, chẳng phải sẽ rất tuyệt sao?

Bài viết lấy cảm hứng từ trên Harvard Business Review.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục