Học thạc sĩ — Bạn nhận được gì ngoài tấm bằng?
Ngày tốt nghiệp đại học, nhiều đứa bạn reo lên: "Vậy là đã xong cái sự học!", thậm chí có đứa còn bông đùa: "Về nhà đốt hết sách vở đi thôi!".
Tôi từng cảm thấy "ghen tỵ". Vì trong thâm tâm, tôi chưa cảm thấy mình đã hoàn thiện với tấm bằng đại học. Quá trình học đại học với tôi chỉ mới mang tới một nền tảng cơ bản — một chiếc áo "đồng phục".
Để có thể thay đổi bản thân một cách sâu sắc, tôi cần tìm một chiếc áo khác vừa vặn hơn. Vì vậy, sau một thời gian đi làm, tôi quyết định học lên thạc sĩ.
Cho tới tận hôm nay, gần 10 năm sau ngày bước chân vào chương trình thạc sĩ, tôi nghĩ rằng đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất trong đời.
Quá trình học thạc sĩ thực sự đã "nâng cấp" con người tôi ở nhiều mặt, bù lấp những lỗ hổng trong kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thời đại học và mở ra rất nhiều cơ hội sự nghiệp sau này.
Nhưng không phải ai đi học thạc sĩ cũng có sự biến chuyển tương tự. Rất nhiều người bạn từng than rằng quá trình học thạc sĩ của họ "chỉ phí tiền" và "không có gì hơn ngoài tấm bằng".
Học thạc sĩ có đáng hay không?
Đây là một câu hỏi mang phạm trù cá nhân rất cao. "Đáng" hay không phụ thuộc vào quan điểm, nhu cầu và mục đích học tập của bạn.
Đối với nhiều người, sự nghiệp học tập chính quy dừng lại ở lễ tốt nghiệp đại học (hay thậm chí sớm hơn). Họ tiếp tục trau dồi bản thân thông qua công việc và cuộc sống hàng ngày.
Còn với những người khác, việc học trong một môi trường quy củ, chính quy,... và tốt nghiệp với một tấm bằng cao học là thiết yếu cho quá trình phát triển của mình.
Bởi vậy, câu hỏi đúng hơn có lẽ nên là: "Học thạc sĩ có đáng cho mình hay không?"
Học thạc sĩ khác nhiều so với đại học
Thứ nhất, nếu như học đại học có thể cảm giác mông lung, có nhiều môn học chung chung, thì học thạc sĩ sẽ cho bạn cái nhìn chuyên sâu, các kỹ năng sát hơn với nhu cầu công việc. Nó đồng thời cho bạn cơ hội luyện tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý bản thân và hoạt động nhóm tốt hơn.
Khi học đại học tại Việt Nam, chuyên ngành của tôi là Quốc tế học — một ngành rất thú vị nhưng lại rất rộng và bao hàm nhiều phân môn xã hội, trải dài nhiều nước trên thế giới.
Quá trình học thạc sĩ cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng cho quá trình "chuyển ngành" được suôn sẻ, đồng thời mở ra cho tôi con đường chính thống để bước vào sự nghiệp giáo dục — một ngành nghề vốn có đặc thù yêu cầu cao về bằng cấp.
Thứ hai, học thạc sĩ giúp mở rộng mạng lưới quan hệ ở cấp độ cao hơn so với đại học. Đối tượng học thạc sĩ là những người đã tốt nghiệp, có thể đã đi làm được một vài năm.
Học viên cùng một lớp có lứa tuổi, kinh nghiệm sống, làm việc và có mục đích khác nhau. Vì thế, môi trường học thạc sĩ thường trưởng thành và thực tế hơn, các học viên tạo thành mạng lưới công việc - cộng tác (đặc biệt đối với các chương trình MBA). Nếu biết tận dụng, đây sẽ là tiền đề phát triển sự nghiệp.
Khi còn học đại học, tôi thường ngại thể hiện sự ham học và mối quan tâm đến cái gì đó mang tính hàn lâm của mình vì sợ bị trêu là "mọt sách".
Nhưng ở môi trường học thạc sĩ, do ai cũng chú tâm và cũng phải hy sinh một điều gì đó (như thời gian, tiền bạc, gia đình, công việc) để đi học cao hơn, nên việc chăm chỉ, thể hiện tinh thần cầu tiến là một điều hết sức bình thường và được chấp nhận.
Chính hội "mọt sách" lớp cao học đã giúp tôi định hướng tốt hơn cho tương lai, sống thật với đam mê, và tìm đến nhiều cơ hội tốt hơn trong ngành giáo dục.
Ngoài ra, giai đoạn học thạc sĩ cũng đem đến nhiều thay đổi trong tư duy cho người học, giúp họ mở ra nhiều góc nhìn mới về bản thân và xã hội cũng như suy nghĩ sâu sắc hơn về tương lai.
Trong cùng một khoá học, sẽ có những người học từ đại học lên thẳng thạc sĩ vì muốn lấy bằng kép hoặc chưa biết định hướng rõ ràng cho tương lai. Nhưng cũng có những người đã biết chắc tương lai nghề nghiệp của mình là gì và quay lại học để tiến gần hơn với mục tiêu đó.
Riêng tôi cảm thấy mình đã trưởng thành rất nhiều trong giai đoạn học thạc sĩ, dù thời gian học rất ngắn (chỉ khoảng hơn 1 năm) và dưới áp lực lớn (vừa học vừa làm, vừa nộp tiếp học bổng tiến sĩ). Môi trường học thạc sĩ chuyên nghiệp, được học với những người có đam mê học thuật khiến cho tôi cảm thấy mình nghiêm túc hơn với việc học và có định hướng chắc chắn hơn cho tương lai.
Ngoài ra, vì khi học thạc sĩ, tôi cũng bắt đầu sống một mình ở nước ngoài nên có cảm giác nếu mình không “lớn” thật nhanh thì sẽ không thể nào tồn tại được.
Theo học thạc sĩ sao cho đúng?
Thực chất, những thay đổi tích cực từ quá trình học thạc sĩ chỉ đến với những người thực sự muốn bản thân thay đổi. Song song đó, việc theo học một chương trình uy tín, đáp ứng đủ kỳ vọng và nhu cầu cũng là mảnh ghép thiết yếu giúp học viên tạo bước đi dài sau quá trình học tập.
Trước khi theo đuổi chương trình học thạc sĩ
Bạn cần đặt ra những câu hỏi: Tại sao mình muốn học lên cao hơn? Tại sao mình chọn ngành học này? Tại sao mình chọn chương trình học này? Sau khi có tấm bằng cao học, mình muốn làm gì?...
Đừng nên chỉ quyết định đi học vì "chẳng có việc gì để làm" một cách mông lung hay vì ảnh hưởng của ai đó (gia đình, bạn bè, xã hội..) mà không suy nghĩ về định hướng riêng của mình.
Khi bắt đầu có ý định nộp học thạc sĩ, tôi bắt đầu thói quen mang theo một cuốn sổ tay nhỏ kèm một cây bút máy. Mỗi khi có suy nghĩ gì về tương lai như ngành nghề mình muốn theo đuổi, môi trường mình muốn học, tôi viết nhanh xuống sổ.
Khi cuốn sổ dày lên thì ước mơ và hoài bão của tôi cũng rõ ràng, gần với thực tế hơn. Chính những dòng viết tay nguệch ngoạc này sau đó trở thành thư liệu để tôi viết luận nộp học thạc sĩ và là nguồn động viên tinh thần cho tôi mỗi lúc gặp khó khăn, thất bại.
Khi chọn chương trình học
Bạn cần lưu ý chọn những chương trình có tên tuổi, bằng cấp được công nhận, giảng viên có trình độ chuyên môn rõ ràng.
Ngoài ra, vì mạng lưới quan hệ ở bậc thạc sĩ rất quan trọng, bạn cần tìm hiểu mạng lưới cựu sinh viên, đối tác doanh nghiệp - tập đoàn, các cơ hội trao đổi... của nhà trường có thực sự mạnh để bạn tiếp tục nối dài sự nghiệp sau khi tốt nghiệp hay không.
Bên cạnh đó, với nhu cầu ngày càng đổi mới của xã hội, những chương trình tốt cần cung cấp cho học viên kiến thức công nghệ và đổi mới thiết thực, cũng như kỹ năng lãnh đạo, quản lý bản thân, sắp xếp thời gian, làm việc nhóm...
Trong quá trình tìm trường để nộp học thạc sĩ, tôi lập ra một bảng biểu Excel lớn với danh sách dài những trường tôi nhắm tới và hàng loạt các cột thông tin về trường (như học phí, yêu cầu nộp, chuyên gia, lợi ích...) mà tôi thu thập được trên mạng.
Nếu có điều kiện, tôi còn tự đến thăm trường, ngồi dự thính vài buổi học hoặc liên hệ với giảng viên trong trường để chắc chắn đây là môi trường phù hợp với mình. Tôi đặt tên file đó là "The Me Project" (tạm dịch: Dự án cho tôi), vì đó là lần đầu tiên tôi lấy các kỹ năng nghiên cứu mình có được để làm dự án cho bản thân, cho tương lai.
Trong quá trình học
Bạn cần nỗ lực đưa bản thân ra khỏi vòng an toàn để trưởng thành.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc tận dụng nhưng cơ hội có sẵn từ nhà trường (ví dụ: ngày hội việc làm, chương trình kết nối cựu sinh viên, tham quan và nghiên cứu mô hình doanh nghiệp-tập đoàn thực tế...). Đồng thời cho bản thân thử thách với những vị trí khác nhau trong học tập, làm việc nhóm, thực tập, cộng tác,... Đây chính là cách bạn tự biến quá trình học thạc sĩ trở nên đáng giá cho riêng mình.
Khi học thạc sĩ, vì áp lực thời gian và tài chính rất lớn nên tôi phải vừa học và vừa làm thêm rất nhiều.
Có những thời điểm do quá căng thẳng, tôi từng cảm thấy cuộc đời thật bất công, tại sao mình phải vừa đi học vừa đi làm, trong khi các bạn khác có điều kiện kéo dài thời gian học. Không phải đi làm ngoài, các bạn chỉ cần tập trung lên lớp rồi trả bài mà thôi.
Nhưng sau này, chính những kinh nghiệm có được trong quá trình làm thêm lại giúp tôi trưởng thành lên nhiều và tạo bàn đạp rất tốt cho những cơ hội nghề nghiệp sau này—điều mà tôi từng không ngờ tới.
Kết
Nhìn lại quá trình học thạc sĩ của mình, tôi nhận thấy điều quý giá nhất đọng lại không hẳn là những kiến thức hàn lâm trên giảng đường, cũng không phải là tấm bằng treo trên tường; mà là những trải nghiệm vô giá trong suốt hành trình theo học thạc sĩ.
Có câu: "Hành trình quan trọng hơn đích đến". Điều này hoàn toàn đúng với việc học thạc sĩ. Tin tốt là chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ hành trình của mình!
Chương trình MBA của RMIT giúp học viên trau dồi chuyên môn trong kinh doanh và quản lý, mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tăng cường trải nghiệm quốc tế và trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng.
Kỳ học tháng 10 đang tuyển sinh với nhiều suất học bổng trị giá 25-50% học phí toàn bộ chương trình, cũng như những cơ hội trải nghiệm các môn học/ chuyên ngành phụ hấp dẫn, bắt nhịp nhu cầu thị trường, cách dạy & học mang tính thực tiễn cao, thuận tiện cho người đi làm bận rộn.
Vui lòng tìm hiểu các cơ hội học bổng và ứng tuyển ngay hôm nay tại đây.