Imposter syndrome chốn công sở: Có thật là bạn không đủ giỏi?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm thấy hoài nghi về bản thân dù là người có năng lực lẫn trình độ chuyên môn. Ví dụ khi chuẩn bị ứng tuyển vào một công ty tiềm năng, bạn nghĩ mình không đủ giỏi và lần lượt trì hoãn quá trình nộp đơn của mình. Hay khi bạn được sếp giao phó một dự án mới, sự hoài nghi bản thân cản trở bạn phát triển. Đây là những biểu hiện của imposter syndrome, hay còn gọi là hội chứng kẻ giả mạo.
Imposter syndrome trong nơi công sở có gì khác?
Imposter syndrome, hay hội chứng kẻ giả mạo, xảy ra khi một người cho rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được, cùng với nỗi sợ người khác sẽ “phát hiện” ra mình không tài giỏi như vậy.
Hội chứng này lần đầu được giới thiệu bởi hai nhà tâm lý học Suzanne Imes và Pauline Clance vào những năm 1970s. Imposter syndrome có thể trong xuất hiện môi trường học đường, công việc, hoặc tình yêu, khi những so sánh hoặc đánh giá về một cá nhân thường xuyên xuất hiện.
Hội chứng imposter syndrome chốn công sở diễn ra khi những cá nhân có thành tựu cao hoài nghi về năng lực của bản thân. Trong môi trường công sở, hội chứng kẻ giả mạo còn được gọi là “workplace anxiety du jour". Điều này dẫn đến trong công việc, họ thường có những lựa chọn an toàn và nỗi lo thất bại thường trực.
Imposter syndrome nơi công sở thường đi kèm với suy nghĩ “Tất cả chỉ là do may mắn". Cụ thể hơn, khi bạn làm việc chăm chỉ để được thăng tiến, thay vì cảm thấy hài lòng với thành tích đó, bạn trở nên lo lắng và sợ hãi. Ngay cả khi được các đồng nghiệp công nhận, bạn sợ cảm giác xấu hổ khi những sai lầm nhỏ xảy ra.
Bạn có thể đang trải qua tình trạng imposter syndrome nơi công sở nếu thường xuyên:
- Không công nhận thành tích của bản thân
- Lo sợ bị “phát hiện” hoặc cho là thiếu kinh nghiệm, không có tài năng
- Né tránh feedback
- Ngại đặt câu hỏi
- Từ chối cơ hội mới
- Thường xuyên bị cháy sạch (burnout) để chứng minh bạn đủ giỏi
- Không thể bắt đầu hoặc hoàn thành một dự án
Imposter syndrome ảnh hưởng tới công việc ra sao?
Imposter syndrome thường bắt nguồn từ sự thiếu tự tin. Đó có thể là hậu quả của nhịp sống hiện đại, khi nhu cầu trau dồi kiến thức và kỹ năng mới tăng lên nhanh chóng, khiến một người cảm thấy không đủ và hài lòng với những gì mình hiện có. Không chỉ vậy, mạng xã hội tạo điều kiện cho việc so sánh thành tựu của bản thân với người khác, khiến một người càng nghi ngờ bản thân nhiều hơn.
Môi trường làm việc cũng đóng vai trò quan trọng. Những nơi làm việc có xu hướng đề cao sự cạnh tranh và so sánh, giao tiếp nội bộ thiếu rõ ràng, thiếu sự đa dạng và không có cố vấn làm gia tăng cảm giác cô độc, dẫn đến hội chứng kẻ giả mạo rõ ràng hơn.
Khi một người mắc hội chứng này, dưới tác động của các suy nghĩ tiêu cực về bản thân, họ thường cố gắng làm việc ngoài giờ, đôi khi dẫn đến hội chứng cháy sạch, để chứng minh sự xứng đáng của bạn thân với các thành tựu mới trong công việc. Cụ thể hơn, một cá nhân có thể bắt đầu thờ ơ với bản thân, bỏ quên các giá trị khác trong cuộc sống, hay tìm cách đổ lỗi những vấn đề của mình.
Nhìn chung, hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn có nghĩ rằng mình chỉ là một người tầm thường, không đủ giỏi cho bất kỳ việc gì. Khi nỗi sợ này lớn dần trong bạn, sự tự ti đánh mất cảm giác hứng thú và sự phấn đấu trong công việc, và rộng hơn đó là cuộc sống.
Làm sao để thoát khỏi tình trạng này?
1. Đối với cá nhân
Hiểu rõ sự nghi ngờ của bản thân
Theo giáo sư Adam Grant (trường Đại học Pennsylvania), sự nghi ngờ thường được chia làm hai loại: không chắc chắn về bản thân (self-doubt) và sự nghi ngờ về ý tưởng được đưa ra (idea doubt).
Self-doubt khiến bạn ngừng cố gắng và cảm thấy thiếu tự tin về năng lực của bản thân. Trong khi đó, idea doubt là nghi ngờ về một ý tưởng trong khi vẫn tin vào khả năng của mình. Lúc này, bạn thất bại không phải vì thiếu năng lực mà là do ý tưởng đó cần thêm nhiều thời gian để thử nghiệm hơn.
Adam Grant khuyên rằng, thay vì nghi ngờ năng lực của bản thân (self-doubt), bạn hãy nghi ngờ ý tưởng (idea doubt). Hãy tách bạch cảm giác mình không đủ giỏi với một ý tưởng cần được trau chuốt và tự nói với bản thân rằng: "Không phải mình không đủ giỏi mà là ý tưởng nào cũng cần thời gian để cô đọng và phát triển thêm."
Nói về hội chứng kẻ giả mạo với người khác
Trong bài viết Đánh bại imposter syndrome (New York Times), tác giả Jessica Bennett cũng gợi ý rằng, bạn có thể chia sẻ về cảm giác của bản thân với người khác, đặc biệt là những người từng trải qua hội chứng này, bạn sẽ hiểu được rằng đây không phải là một vấn đề cá nhân. Đây là một điều ai cũng có thể mắc phải.
Đồng thời, khi chia sẻ với người khác, đặc biệt là đồng nghiệp, cố vấn hoặc sếp của bạn, họ có thể đem đến một góc nhìn khách quan hơn, giúp loại bỏ phần nào những nỗi lo không nguồn gốc.
Nhắc nhở bản thân về thành tựu của mình
Hãy lưu giữ những thành tựu bản thân đã đạt được. Đó có thể là những thành tựu lớn như giải thưởng, hay những ghi nhận như số liệu về một chiến dịch mình đã thực hiện. Việc tự khen và khẳng định bản thân có thể tạo ra được những thay đổi tích cực. Nhà tâm lý học Branch Coslett, cũng đã áp dụng phương thức này để giúp những bệnh nhân của mình thoát khỏi sự tiêu cực.
Bạn cũng có thể ghi lại những câu khẳng định bản thân (self-affirmation phrases) để tự nhắc nhở về khả năng của mình. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc ghi lại một điều cũng khiến não bộ nhớ lâu hơn. Một "bí kíp" nhỏ về việc này là khi nói/viết ra những điều tích cực, hãy luôn xưng tên của mình ra thay vì chỉ dùng chủ ngữ "tôi" vì nó có khả năng tác động mạnh mẽ lên nhận thức của bản thân. (Nhà tâm lý học Ethan Kross, Đại học Michigan)
Về lâu dài, hành động này trở thành một phản xạ có điều kiện, tương tự như thí nghiệm của Pavlov với những chú chó. Hành động nhắc nhở bản thân về năng lực của mình sẽ gửi tín hiệu tới não, khiến não dừng những suy nghĩ có thể kích hoạt sự tiêu cực và hoài nghi về bản thân.
2. Đối với doanh nghiệp
Trong bài viết Kết thúc imposter syndrome nơi công sở, Harvard Business Review đã gợi ý một số cách mà doanh nghiệp có thể cải thiện môi trường làm việc, giúp nhân viên thoát khỏi cái bóng của imposter syndrome:
Hỗ trợ nhân viên đang phải trải qua imposter syndrome
Cảm giác không đủ giỏi có thể xuất phát từ trải nghiệm trong môi trường làm việc trước đó hoặc chưa hiểu rõ văn hoá của công ty hiện tại. Khi nhận thấy nhân viên có những dấu hiệu của imposter syndrome, người quản lý có thể chủ động lắng nghe cảm giác của họ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cảm giác hiện tại, giúp nhân viên thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân.
Người quản lý có thể chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân liên quan tới imposter syndrome, liệt kê ra những lý do dẫn tới điều này như cảm thấy sự hiện diện của mình mờ nhạt, bị xúc phạm hay khả năng không được ghi nhận. Hãy cố gắng đi tìm lý do tại sao môi trường công việc hiện tại lại khiến nhân viên của bạn cảm thấy như vậy.
Bên cạnh những hỗ trợ cá nhân, thay đổi từ góc độ doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Theo tiến sĩ Kecia Thomas, những thay đổi chỉ liên quan đến giá trị hoặc tinh thần thường không có giá trị lâu dài vì nguyên nhân cốt lõi nằm ở hệ thống vận hành. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có thể xây dựng chương trình phát triển chuyên sâu, phát triển mô hình cố vấn, hay các chương trình huấn luyện nhân viên.
Sử dụng dữ liệu hoặc các biện pháp khách quan để ghi nhận feedback
Thiên kiến tác động đến cách chúng ta nhìn nhận và kỳ vọng về người khác. Để hạn chế ảnh hưởng của thiên kiến lên cách đánh giá nhân viên, doanh nghiệp có thể sử dụng hai cách sau:
- Thường xuyên ghi nhận ý kiến của nhân viên thông qua các khảo sát ẩn danh. Nội dung khảo sát cũng nên tập trung vào các câu hỏi về cảm nhận của nhân viên trong việc đóng góp, phát triển và học hỏi ở công ty cũng như những trở ngại mà họ đang gặp phải. Việc phân tích tình hình dựa trên dữ liệu có thể giúp công ty tránh đưa ra những kết luận và lựa chọn mang tính thiên kiến.
- Đưa ra những tiêu chí hoạt động và thăng tiến rõ ràng ở công ty, tránh để nhân viên rơi vào tình trạng nghi ngờ bản thân. Những tiêu chí này phải khách quan, có thể đo lường được và hạn chế những yếu tố tiềm năng có thể tạo ra thiên kiến. Ví dụ như khiến nhân viên nữ cảm thấy mình ít có cơ hội thăng tiến hơn so với nam giới.
Sự nghi ngờ và thiếu tự tin gây ra bởi imposter syndrome có thể khiến một công ty đánh mất những nhân viên tài năng. Một khi lãnh đạo và quản lý các cấp có thể thay đổi góc nhìn, tạo ra một môi trường cởi mở giúp nhân viên có động lực thay đổi thì lúc này cả hai bên đều là người hưởng lợi.