Hồi sinh nội tạng lợn: Các nhà khoa học đang định nghĩa lại cái chết?

"Cải tử hoàn sinh" chỉ có trong truyền thuyết hoặc một tương lai rất xa nào đó.
Phan Chung
Nguồn: Kameron Kincade/Unsplash

Nguồn: Kameron Kincade/Unsplash

1. Điều gì vừa diễn ra?

Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) vừa hồi sinh nội tạng của một con lợn sau khi nó đã chết được một giờ đồng hồ. Thậm chí, con lợn này đã cựa quậy được phần cổ dù đã "đi đời" trước đó. Nghiên cứu sau đó được công bố trên tờ Nature số ngày 03/08/2022.

Được biết, các nhà khoa học đã thực hiện kỹ thuật OrganEx trong nghiên cứu này. Họ đã bơm vào cơ thể lợn đã chết một chất lỏng chứa máu của chính chúng, cùng một dạng tổng hợp của hemoglobin (protein vận chuyển oxy) và các loại thuốc bảo vệ tế bào, ngăn ngừa đông máu.

2. Thí nghiệm tương tự nào diễn ra trước đó?

Cũng là các nhà khoa học nói trên đã tiến hành một nghiên cứu tái sinh bộ não của một chú lợn vào năm 2019. Theo đó, họ đã tìm cách khôi phục chức năng tế bào trong não chú lợn sau khi chết vài giờ đồng hồ.

Phương pháp này được các nhà khoa học gọi là BrainEx. Nó là một loạt các thao tác giúp đảo ngược quá trình chết của tế bào trong não. Quá trình hồi sinh này được tiến hành liên tục trong 6 giờ đồng hồ.

Sau khi xử lý bằng BrainEx, tốc độ chết tế bào não đã giảm xuống, phục hồi được các mạch máu và một số hoạt động chức năng.

3. Hai thí nghiệm này khác nhau thế nào?

Toàn bộ các bộ não lợn được sử dụng trong thí nghiệm BrainEx đều đến từ ngành công nghiệp thực phẩm. Những con lợn này được giết để lấy thịt. Các nhà khoa học không phải nuôi thêm bất kỳ con vật nào trong phòng thí nghiệm để phục vụ mục đích của họ.

Tuy nhiên ở lần nghiên cứu làm sống lại nội tạng lợn, các nhà khoa học này lại chọn phương pháp khác. Họ gây ra một cơn đau tim ở những con lợn được gây mê, khiến máu ngừng chảy qua cơ thể chúng rồi thực hiện kỹ thuật OrganEx sau đó.

Vì thế, cùng một nhóm các nhà khoa học nhưng 2 thí nghiệm lại có cách tiến hành khác nhau. Thí nghiệm BrainEx có ý nghĩa sâu sắc và có đạo đức đối với động vật; trong khi đó, thí nghiệm OrganEx dường như chưa thực sự làm được điều này.

4. Những nghiên cứu này có ý nghĩa gì trong tương lai?

Các kỹ thuật như OrganEx hay trước đây là BrainEx đều mở ra các cơ hội cho ngành y khoa và nhiều bệnh nhân.

Ông David Andijevic, đồng tác giả nghiên cứu cho biết nhóm nghiên cứu hy vọng kỹ thuật được gọi là OrganEx này có thể được sử dụng để cứu chữa nội tạng người.

Trên thực tế, có 17 người chết mỗi ngày vì chờ đợi ghép tạng nhưng 20% nội tạng của người hiến tặng bị loại bỏ do chất lượng kém (theo Wired.)

Vì thế, kỹ thuật OrganEx cũng có thể được tận dụng để bảo quản cơ quan nội tạng người lâu hơn. Thậm chí, tạng của người hiến tặng có thể đạt tiêu chuẩn cao hơn để tiến hành cấy ghép cho bệnh nhân sau đó.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về BrainEx vào năm 2019 cũng cho là đã mở ra cơ hội khám phá và tìm hiểu nhiều hơn về một số căn bệnh phức tạp như Alzheimer hay đột quỵ.

5. Cần định nghĩa mới cho cái chết?

Từ thí nghiệm BrainEx năm 20119, Giáo sư đạo đức y học Dominie Wilkinson (Đại học Oxford) chia sẻ, "Nếu trong tương lai, y học có thể khôi phục chức năng của não của một người sau khi chết, mang lại trí tuệ và bản thể của họ trở lại, tất nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến định nghĩa về cái chết của chúng ta."

Trong khi đó, nhà triết học Benjamin Curtis tại Đại học Nottingham Trent (Anh) mới đây cho rằng, định nghĩa về cái chết có thể cần được cập nhật vì cái chết được cho là không thể đảo ngược.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục