Hỏng hơn 300 phim, điều gì khiến Hãng phim truyện Việt Nam sống mòn?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Trên trang cá nhân của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) có thông báo về việc hơn 300 phim được hãng này lưu trữ đã hư hỏng hoàn toàn, khó có thể được khôi phục.
Trên các kênh thông tin chính thống, vị đạo diễn cũng xác nhận rằng hệ thống điều hoà trong kho lạnh bảo quản phim đã hỏng được hơn 1 tháng nay. Điều đó khiến phim trở thành những đống nhựa bết dính. Trong khi đó, phim nhựa vốn dĩ cần sự bảo quản gắt gao, không những cần có điều hoà 24/24, mà còn cần bột hút ẩm để giữ phim nguyên trạng.
Theo NSND Nguyễn Thanh Vân, trách nhiệm thuộc về Tổng Công ty Vận Tải Thuỷ (Vivaso), đơn vị đang nắm giữ cổ phần lớn nhất của VFS sau khi hãng này được cổ phần hoá. Phía công ty đã nhận thức được lỗi kỹ thuật nhưng chưa đưa phương án khắc phục vì họ không đánh giá đúng về tầm quan trọng của việc bảo quản số phim này. Số nhân viên kỹ thuật còn lại sau cổ phần hoá cũng không còn nhiều.
Việc các tác phẩm nghệ thuật vô giá của "anh cả đỏ" của nền điện ảnh Việt Nam bị hỏng hóc chỉ là giọt nước tràn ly của hơn hai thập kỷ VFS thua lỗ trong thời kỳ kinh tế mới, cũng như những sai phạm trong quá trình cổ phần hoá hãng phim từng vang bóng một thời.
2. Hãng phim truyện Việt Nam gặp khó khăn gì?
Khó khăn tài chính là vấn đề muôn thủa của các đơn vị từng được nhà nước bao cấp trong thời đại của nền kinh tế thị trường. Ra đời vào năm 1959 sau sự ra đời của bộ phim truyện đầu tiên, Chung một dòng sông, VFS đã sản xuất ra những tác phẩm kinh điển như Vợ chồng A Phủ (1961), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em Bé Hà Nội (1974), v.v.
Bề dày lịch sử như vậy dường như không giúp hãng có lợi thế khi cạnh tranh với các hãng phim tư nhân chuyên sản xuất phim thương mại vào thời kỳ Đổi Mới (sau 1986). Các bộ phim gần đây do hãng sản xuất theo đặt hàng của nhà nước như Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ), Hà Nội 12 ngày đêm (hơn 10 tỷ), Sống cùng lịch sử (21 tỷ) đều vắng khán giả đến xem.
Về các tài sản khác của hãng, VFS phải thuê và trả tiền theo năm mảnh đất vàng hơn 5000 mét vuông ở số 4 Thuỵ Khuê, Hà Nội. Bên cạnh đó, hãng cũng thuê 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM, và được giao 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám và 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh, tức trường quay Cổ Loa.
Nợ và lỗ trong suốt hơn 20 năm, hãng phim vẫn chưa trả tiền nợ thuê đất là 21 tỷ đồng. Từ đó, vào tháng 9 năm 2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá. Tới 10/10/2017, hãng đã nộp một phần tiền thuê đất là gần 15 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu những năm 2010, một số cơ quan truyền thông viết, rằng hơn 100 nhân sự của VFS chỉ nhận được khoản lương 650 nghìn đồng mỗi tháng. Khi ấy, hãng phim từ được bao cấp nhà nước 100% đã trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) và không thể nào tự sống trên thị trường. Nhà truyền thống của hãng cũng bị Quận Tây Hồ yêu cầu thu hồi lại. Cổ phần hoá dường như là phương án hợp lý, tuy vậy nhiều sai phạm đã xảy ra trong quá trình này.
3. Đâu là những sai phạm trong cổ phần hoá hãng phim?
Trong năm 2014 và 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định và phê duyệt phương án cổ phần hoá VFS và chuyển VFS từ công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần. Vào tháng 4 năm 2016, Tổng Công ty vận tải Thuỷ (Vivaso) trở thành đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và trở thành cổ đông chiến lược. Thông tin này gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch.
Tới tháng 6 năm 2017, Vivaso giành được 65% cổ phần của VFS với số tiền đầu tư là 32,5 tỷ đồng. Hai điều gây tranh cãi bao gồm: (1) Giá tài sản đất đai không được đưa vào định giá của hãng; (2) Thương hiệu 70 năm của hãng phim được định giá bằng 0. Câu hỏi lớn hơn là, công ty mua lại VFS có thực sự định hướng làm phim tiếp sau khi hãng đã được cổ phần hoá hay không?
Sau thanh tra quá trình cổ phần hoá hãng phim vào năm 2018, kết luận chỉ ra là có hàng loạt sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể, việc đất do hãng phim quản lý được các bên thuê lại để kinh doanh, làm văn phòng cùng nhiều mục đích khác nhằm tăng doanh thu là sai mục đích sử dụng và trái thẩm quyền, theo Luật đất đai năm 2013. Ở thời điểm đó, tờ Tiền Phong bình luận rằng tài sản nhà nước đã có thể bị thất thoát khi những sai phạm này xảy ra.
4. Giá trị nào của hãng phim được nhòm nhó?
Sản xuất phim, đáng tiếc, không còn là thế mạnh của VFS do sự thiếu hụt về mặt đầu tư. Từ kết luận của quá trình thanh tra, có thể thấy các mảnh đất mà hãng phim có quyền được sử dụng mới sinh ra nhiều giá trị cho các bên liên quan.
Giữa phía những người lãnh đạo hãng phim cùng tập thể các nghệ sĩ đã có nhiều tranh cãi qua lại. Các tranh cãi xoay quanh việc đánh giá lao động, trả lương và trả bảo hiểm cho các nghệ sĩ. Trong khi ở phía lãnh đạo VFS cắt lương đối với nhiều người lao động vì cho rằng họ đã không đến cơ quan trong một thời gian dài, thì phía các nghệ sĩ cũng lên tiếng về việc lao động sáng tạo có rất nhiều đặc thù mà phía còn lại không hiểu được.
Nhưng điểm rõ ràng có thể nhìn thấy đó là kể từ sau quá trình cổ phần hoá, hoạt động làm phim đã bị đình trệ. Phía lãnh đạo mới của hãng phim, thay vì đưa ra định hướng và chiến lược làm nghệ thuật cụ thể, thì lại nói với nghệ sĩ rằng họ có thể làm những công việc khác để tạo ra thu nhập cho chính mình. Và bởi thiếu chuyên môn trong việc sản xuất phim truyện, nên Vivaso đã xin rút vốn trước thời hạn, gây ra nhiều vấn đề khác.
Cho đến nay, chỉ đạo của Phó thủ tướng trong việc thu hồi lại phần đất ở Thuỵ Khuê và Thái Văn Lung về hãng phim, đồng thời thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư vẫn chưa thể thực hiện được. Một phần lý do mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra là “do nhà đầu tư chiến lược không hợp tác trong quá trình triển khai thực hiện” (theo Công Thương).
Và cũng bởi vì hạn Vivaso thoái vốn khỏi VFS không được làm rõ, nên hiện nay đơn vị này không đủ tư cách pháp nhân để đầu tư thực hiện sản xuất phim, khiến nghệ sĩ vẫn chưa có việc làm, dẫn đến cắt lương, cắt bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
5. Đâu là tương lai của VFS?
Có thể thấy, việc 300 phim có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật bị hư hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều hậu quả lớn đã xảy ra trong quá trình hãng này sa sút trên thị trường, và gặp rắc rối khi cổ phần hoá.
Câu chuyện lớn hơn có thể thấy từ trường hợp của VFS đó là sự hụt hơi của các giá trị cũ trước nền kinh tế thị trường. Mấy câu hỏi sau đây cần phải được đặt ra: (1) Nghệ thuật có nhất thiết phải cạnh tranh trên thị trường để khẳng định giá trị của mình? (2) Nếu câu trả lời cho câu hỏi trên là "không," thì nó có thể được coi như một loại di sản, và được bảo tồn như thế nào?
Trong thời điểm này, cả hai câu hỏi đều khó để có thể được trả lời thoả đáng, vì vậy, người lao động vẫn sẽ tiếp tục phải "kêu cứu," và tương lai của hãng phim sẽ còn mù mờ.