IKIGAI: Đi tìm "lẽ sống" giúp startup bạn vượt khó mùa COVID-19

Nhà đầu tư quỹ Genesia chia sẻ các ví dụ startup áp dụng thành công triết lý IKIGAI để sống sót qua COVID-19.

Hoàng Thị Kim Dung
Nguồn: Unsplash.

Nguồn: Unsplash.

Vừa rồi tôi có tình cờ đọc được cuốn sách tên ‘IKIGAI - The Japanese Secret to a Long and Happy Life’ (tạm dịch: Bí quyết để có một cuộc sống trường thọ và hạnh phúc của người Nhật). 

IKIGAI (生き甲斐)là một cụm từ trong tiếng Nhật được ghép bởi 2 từ là: 生き (IKI: sống, tồn tại) và 甲斐 (GAI: ý nghĩa), được hiểu là ý nghĩa để tồn tại hay lẽ sống.

Cuốn sách trên đã chia sẻ bí quyết sống lâu và hạnh phúc của người Nhật. Đó là nằm ở việc họ tìm được và sống theo IKIGAI - lẽ sống của mình. Dưới đây là hình minh hoạ giải thích ý nghĩa của khái niệm này:

  • What you love: Làm những điều bạn yêu thích và đam mê
  • What you are good at: Làm những điều bạn thấy mình làm tốt
  • What the world needs: Làm những điều thế giới cần
  • What you can be paid for: Làm những điều bạn có thể được trả tiền

Thực sự rất khó để có thể đạt được điểm cân bằng, sống đủ với 4 vòng tròn này. Nhưng người Nhật đã chứng minh rằng dù khó nhưng rất đáng để bạn tìm ra IKIGAI - lý do thức dậy mỗi buổi sáng của mình.

Không chỉ là đất nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (83.8 tuổi), mà Nhật Bản cũng sở hữu những doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Theo WorldAtlas, 5 công ty có tuổi thọ cao nhất thế giới đều thuộc về Nhật Bản.

Top những công ty hoạt động lâu đời nhất thế giới. Nguồn: WorldAtlas.com.

Ngoài danh sách này còn rất nhiều cái tên Nhật "trường thọ" khác được toàn cầu biết đến, ví dụ: công ty game Nintendo, được thành lập năm 1889, tới nay đã 131 tuổi.

Rất nhiều bài báo đã phân tích lý do các công ty Nhật này trường thọ là bởi ý thức hệ cha truyền con nối, thế hệ con cháu kế thừa sự nghiệp của thế hệ cha ông đi trước. Nhưng tôi cũng có giả thiết của riêng mình: Mỗi cá nhân có IKIGAI, sẽ tạo ra một công ty có IKIGAI. 

Việc các nhà sáng lập và đội ngũ của mình theo đuổi IKIGAI sẽ giúp họ tìm ra lý do tồn tại của doanh nghiệp. Từ đó có thể vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt trong quá trình kinh doanh, duy trì hạnh phúc và sự phát triển lâu dài.

COVID-19 tới nay cũng đã hơn 6 tháng và đe dọa tới vận mệnh của rất nhiều startup. Tình hình sẽ chưa thể chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn và chúng ta sẽ còn tiếp tục đón nhận nhiều tin startup đoản mệnh hay tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.

Nhưng trước khi cho phép công ty "tắc thở", các nhà sáng lập xin hãy thử tìm lại lý do sống, lý do tiếp tục tồn tại của startup mình, để tìm ra điều gì còn thiếu trong 4 mảnh ghép tạo nên "lá chắn COVID-19" mang tên IKIGAI!

1. Work that you love: Làm những điều bạn yêu thích và đam mê

Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì ở startup giúp bạn được hết mình với đam mê? Giúp bạn mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội? Hay giúp bạn theo đuổi sứ mệnh và tầm nhìn đầy ý nghĩa?

Trong những bài chia sẻ trước, tôi có đề cập tới tầm quan trọng, "sức mạnh mềm" của việc startup có Vision/Mission (Tầm nhìn/Sứ mệnh) rõ ràng. Vì nó cho nhà sáng lập và đội ngũ của mình thấy được niềm đam mê, niềm tin và động lực để phấn đấu. 

Tôi còn nhớ, ngay trong đợt đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ nhất, nhà sáng lập Nguyễn Bá Đức của Homedy - một trong những startup bên quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam, đã quyết định viết một bức tâm thư tới các Homediers - là các nhân viên đang làm việc ở Homedy, để vực dậy "tinh thần chiến đấu" của mọi người, cũng như một lần nữa tái khẳng định "giá trị cần thiết để tồn tại - xứng đáng để mọi người phấn đấu vượt khó" của Homedy.

2. Work that you are good at: Làm những điều bạn thấy mình làm tốt

Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Đâu là điều mà bạn tự tin mình có thể làm thực sự tốt và làm tốt nhất? Đâu là năng lực ưu việt của đội nhóm bạn và lợi thế cạnh tranh của startup bạn? Liệu sản phẩm hiện nay của startup có nằm trong câu trả lời cho những câu hỏi trên?

Nếu có thì chúc mừng bạn, hãy cứ kiên trì tập trung vào phát triển sản phẩm đó. Còn nếu chưa thì hãy linh hoạt điều chỉnh sang sản phẩm mà bạn thấy startup mình có thể làm tốt hơn.

Trước tình hình khó khăn trong việc tăng doanh thu do mọi người hạn chế di chuyển vì COVID-19, Luxstay - nền tảng đặt phòng trực tuyến, đã rất nhanh chóng và linh hoạt triển khai thêm dịch vụ Media về du lịch tên là TravelMag, từ thế mạnh vốn có của mình.

TravelMag và tổng quan lượng truy cập của trang web này. Nguồn: Travelmag.vn.

Steven Nguyễn, nhà sáng lập của Luxstay, vốn là người sáng lập của công ty truyền thông lớn mang tên Netlink. Sau khi bán lại thành công Netlink cho Yeah1, anh đã sáng lập ra Luxstay hiện nay. 

TravelMag ra đời khẩn trương trong không khí căng thẳng mùa dịch và cho tới nay, trang media này đã cho thấy lượng truy cập ngày càng tăng vô cùng ấn tượng.

3. Work that the world needs: Làm những điều thế giới cần

Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sản phẩm của bạn có đáp ứng được đúng nhu cầu người dùng? Đó có phải nhu cầu cấp thiết, mà chưa có hoặc có rất ít giải pháp tối ưu?

Khách hàng có hạnh phúc hơn khi được dùng sản phẩm của bạn? Sản phẩm của bạn có cần phải linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu đang thay đổi của khách hàng ở các thời điểm khác nhau, nhất là lúc tình hình dịch này không?

Về điểm này, thì có lẽ Kamereo - một trong những startup bên quỹ tôi đầu tư, là ví dụ dễ hiểu nhất. Kamereo vốn dĩ là nền tảng đặt mua thực phẩm sỉ cho các nhà hàng, doanh nghiệp F&B. 

Nhưng kể từ lúc dịch bệnh bùng phát, hoạt động kinh doanh nhà hàng đình trệ, kéo theo doanh thu cho nền tảng này đi xuống. Cùng lúc đó, nhu cầu đi chợ mua thực phẩm trực tuyến của người tiêu dùng lại tăng lên, do hạn chế ra ngoài. 

Kamereo đã rất linh hoạt mở thêm một dịch vụ mới là KameMart, nền tảng mua thực phẩm online, mang tới nguồn thực phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn "nhà hàng" với giá phải chăng như "đi chợ".

Giao diện KameMart, nền tảng cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng với giá phải chăng.

Nhờ đó đã được lòng nhiều người tiêu dùng và chứng kiến số lượng đặt hàng không ngừng tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua.

4. Work that you can be paid for: Làm những điều bạn được trả tiền

Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sản phẩm của bạn có đủ thuyết phục để khách hàng đồng ý trả tiền không? Sản phẩm của bạn đáng giá bao nhiêu? Liệu họ vẫn cảm thấy vui vẻ sau khi trả tiền và sử dụng chứ? Khách hàng của bạn có tới mua ở lần tiếp theo nữa không?

Nếu câu trả lời là có thì xin chúc mừng, thành công này là điều mà ít startup làm được. Đặc biệt trong tình hình dịch hiện tại, mọi người đều đang cố thắt chặt hầu bao tiêu dùng, sản phẩm của bạn vẫn có thể thuyết phục được họ trả tiền mua thì quả là một điều hơn cả tuyệt vời!

Nếu câu trả lời là chưa thì giai đoạn này cũng là thời điểm thị trường "khó tính" nhất, khá phù hợp cho bạn đi khảo sát và phỏng vấn khách hàng tiềm năng về kỳ vọng sử dụng sản phẩm, để tìm ra sản phẩm phù hợp mà họ sẵn sàng trả tiền để sử dụng.

Trên đây là 4 vòng tròn quan trọng cần có ở các startup để tìm ra IKIGAI - Lý do tiếp tục tồn tại của mình. COVID-19 là phép thử sống còn, tuy khắc nghiệt nhưng lại là cơ hội để các startup RESET - điều chỉnh lại các yếu tố cần thiết và tiếp tục tồn tại trong một thế giới mới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục