Khi du học là một điều hiển nhiên
Khác với những đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam, Anh ngữ là một phần không thể thiếu trong quá trình tôi lớn lên. Tôi theo học trường quốc tế từ năm 2 tuổi. Ở nhà, chỉ có mẹ là tôi cần nói tiếng Việt. Còn hầu hết ở nhà và trường, tôi đều sử dụng tiếng Anh.
Việc tôi đi du học hiển nhiên như việc chú chim nào rồi cũng sẽ rời tổ. Gia đình tôi có nói về việc học đại học tại Việt Nam. Một lần. Và cả nhà đều đồng ý là chuyện đó sẽ không xảy ra.
Không thể trở thành một-trong-số-đông
Khi bắt đầu tìm trường để ứng tuyển, ba mẹ đã khuyên tôi học marketing hay tài chính để dễ kiếm việc làm. Nhưng giáo viên dạy sử của tôi — cô Caroline — đã thuyết phục gia đình cho tôi học một ngành khác. Đại học với cô là nơi mài giũa các kỹ năng mềm và tư duy nghiên cứu; chúng mới là yếu tố giúp chúng ta nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Chưa kể, đã có quá nhiều người châu Á sang Anh và học marketing. Cô tin rằng tôi là một đứa trẻ thông minh, và không muốn tôi trở thành một-trong-số-đông.
Bản thân tôi thì biết chắc mình muốn hai điều.
Một, tôi muốn học các ngành liên quan đến chính trị và lịch sử. Đại học với tôi là nơi tôi có thể làm những điều mình thích. Và tôi thích lịch sử. Tôi không học đại học để kiếm việc làm. Tôi học đại học để cải thiện chính mình, và cải thiện hiểu biết của tôi về thế giới.
Hai, tôi muốn học ở London. Tôi chọn London vì sự náo nhiệt của nó cũng giống như Sài Gòn, thành phố mà tôi lớn lên. Tôi không chọn các thành phố ở Mỹ. Đơn giản vì tôi không muốn làm bài thi SAT.
Sau khi tự tìm hiểu, tôi chọn ngành Lịch sử tại trường Cao đẳng King’s, London (là London nhé, không phải Cambridge đâu, tôi cũng không thông minh đến thế). Đây là trường cô Caroline cũng từng theo học, và là trường duy nhất tôi chọn chuyên ngành Lịch sử. So với các trường khác, ngành sử học ở King's có chương trình học đa dạng, và có nhiều lựa chọn về môn.
Nhưng vì sao lại là lịch sử?
Đối với nhiều người, sử học là một ngành thiếu thực tế (tôi đoán trong đó cũng có ba mẹ mình). Nhưng thực chất, ngành sử học cho bạn một năng lực “dự doán tương lai".
Tất cả những người học sử sẽ đều nói với bạn, "lịch sử luôn lặp lại". Ví dụ như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi cả thế giới lao đao chống đỡ, các nhà sử học đã có những suy đoán trước về nó, như một vòng tuần hoàn của kinh tế nhằm sắp xếp lại trật tự.
Học lịch sử cho chúng ta một cái nhìn vừa bao quát, vừa sâu sắc về thế giới bên ngoài. Lịch sử không thở hơi thở của riêng mình; nó còn hoà chung với khoa học và văn hoá, từ đó làm giàu kiến thức của chúng ta.
Lịch sử giúp tôi hiểu hơn về nền văn hoá của bạn bè mình. Đồng thời, nó cũng giúp tôi đối chiếu ngược về bên trong, để hiểu mình là ai.
Học ngành sử tại King’s là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất của tôi. Được học và khám phá những điều mình thích đã giảm áp lực trường lớp của tôi rất nhiều.
Áp lực thật sự của tôi khi đi du học nằm ở cuộc sống ngoài trường, và các mối quan hệ của tôi tại London.
Siêu năng lực của việc mất gốc
Một trong những thứ đầu tiên tôi trải nghiệm tại London là “fresher's flu" (tạm gọi là mùa dịch năm nhất). Fresher's flu xảy ra sau một tháng nhập học, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Đây cũng là thời điểm các bữa tiệc cho tân sinh viên diễn ra khắp nơi. Với các loại bệnh cảm, tiếp xúc nhiều thì bệnh lây nhanh — điều này chắc tới năm 2021 thì cả thế giới đều đã biết.
Sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn hơn vì họ chưa quen với thời tiết khắc nghiệt tại đây. Tôi không nằm ngoài số đó. Nhưng tôi nằm ngoài họ ở việc: tôi hoà nhập nhanh hơn họ rất nhiều.
Khác với APU ở Nhật, tại King's, người Việt không ở khắp-mọi-nơi. Xét về nghĩa đen, mong muốn của cô Caroline đã thành hiện thực. Song, tiếng Anh từ nhỏ cộng thêm ngoại hình nửa-Việt-nửa-Sing cho tôi một siêu năng lực là “cải trang” trong môi trường quốc tế. Không ai biết tôi sinh ra ở đâu.
Khi tôi nói mình đến từ Việt Nam, phản ứng của họ khá ngạc nhiên: “Đất nước có đồng lúa và nón lá á?” Trời ạ. Việt Nam có nhiều hơn như thế!
Không những không hiểu Việt Nam, bạn bè tôi cũng không hiểu văn hoá của phương Đông. Họ không cởi giày khi vào nhà và tưởng nồi cơm điện là một loại lò vi sóng.
Là người Việt duy nhất trong nhóm, tôi phải liên tục nói những điều về châu Á mà các bạn tôi chưa một lần nghe qua. Ngược lại, họ cũng giới thiệu cho tôi nền văn hoá của mình. Về cơ bản, những cuộc trò chuyện cho chúng tôi vô vàn chủ đề văn hoá để khám phá, tranh luận và tiếp thu.
Tìm được mình giữa những tầng lớp ở London
Một trong những nét văn hoá tôi học được về UK là phân biệt tầng lớp. Sự phân biệt này xảy ra ở khắp nơi: trong lớp học, giữa các trường với nhau, và đặc biệt rõ ở hai phía bắc và nam của thành phố.
Nếu sống ở phía bắc, mọi thứ sẽ đắt đỏ, nhưng cũng chất lượng hơn. Nếu sống ở phía nam, bạn có thể sẽ trở thành một gangster chính hiệu. Nếu phải so sánh, nó cũng như Phú Mỹ Hưng và quận 5 ở Sài Gòn.
Chính vì vậy mà khác với người Việt, người Anh cởi mở hơn trong việc thể hiện cá tính của mình: từ quần áo, hình xăm, tới giọng nói và phương ngữ. Vì học trường quốc tế ở Việt Nam và đến King's không-học-bổng, tôi được gắn mác con nhà giàu.
Nhưng tôi không nghĩ mình cần đính chính chuyện gia thế, một phần vì tôi còn bận khám phá bản thân. Khi còn ở Việt Nam, tôi tóc đen và mặc đồng phục khi đến trường. London đã cho tôi cơ hội tự do bay nhảy và tìm hiểu mình là ai. Nếu không đi du học, thế giới đã không thể có những phiên bản ngơ ngáo, nam tính, bốc đồng, thậm chí là bánh bèo của tôi.
Những “lần đầu" ở London
Thời gian sống tại London tất nhiên là biến tôi thành người Anh đôi chút. Tôi cũng gọi khoai tây chiên là “chips" và gọi tàu điện là “tube". Tôi cũng đoán một người đến từ đâu qua quần áo và giọng nói của họ. Tôi cũng ngây ngất trước vẻ đẹp của những toà nhà, và say mê trong các bảo tàng của thành phố.
Nhưng điều đó không có nghĩa là London không có gì mà tôi ghét. Ở London, đồ ăn của người Anh khá ngán, còn nhà hàng Tàu thì trên cả tuyệt vời. Ở London, không có gián, nhưng có nhện cỡ đại và có cáo đi hiên ngang. Ở London, tôi có cả đại dương văn hoá và nghệ thuật, nhưng lại không có gia đình mình.
Tôi chọn London vì thành phố này giống Sài Gòn. Nhưng rõ ràng, London không phải Sài Gòn. Du học cũng giống như thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. London là nơi tôi lần đầu sống sót qua mùa đông âm độ, lần đầu biết đến khái niệm fake tanning (nhuộm da nâu), lần đầu gặp một người lưỡng tính.
Vì sao tôi về nước?
Tôi không nghĩ mình sẽ về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng đời lắm gian truân, và Covid ra đời.
Năm ngoái, khi tôi vẫn đang loay hoay tìm việc, mẹ gọi điện và bảo tôi về nhà. Mẹ nói chỉ cần về vài tháng thôi, để mùa dịch cả nhà còn ở gần nhau. Giờ thì tôi ở đây gần cả năm rồi.
Việc sống một xã hội đa văn hoá đã làm mờ mối quan hệ của tôi với Sài Gòn. Nếu “sốc văn hoá ngược" là điều thường thấy ở du học sinh Việt, chuyện này còn tệ gấp 10 lần với một đứa mất gốc bẩm sinh như tôi.
Phải bắt đầu (lại) cuộc sống mới, tôi luống cuống lao vào những nền văn hoá Việt. Tôi xem hài, xem Nhanh Như Chớp và xem Rap Việt. Tôi cũng bắt đầu hẹn hò với những chàng trai Việt. Họ không nói tiếng Anh, buộc tôi phải tập ngưng code-switch.
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một người Việt chính gốc. Tôi thấy mình giống các bạn Việt kiều: chủng tộc chỉ là cách nhận dạng, quốc tịch chỉ là những con chữ trên giấy, còn nhân dạng là một vệt mờ.
Hai mươi mấy năm trên đời, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy mình thuộc một nền văn hoá nào. Khi tồn tại ở một-khoảng-giữa, lúc nào tôi cũng mang một sự dằn dứ và không biết mình là ai.
Du học giúp tôi định hình tính cách, nhưng trở về giúp tôi tìm ra nguồn cội của mình. Trước đây, tôi sẵn sàng ăn tối lúc 11 giờ đêm khi quen một anh Tây Ban Nha, và học tiếng Hà Lan khi quen một anh người Bỉ.
Bây giờ, tôi vẫn đọc tin nước ngoài và bước đi với tốc độ của một người London. Nhưng tôi sẽ làm tất cả những điều ấy, và vẫn có thể dõng dạc nói rằng: mình là người Việt Nam.
Đây là trải nghiệm riêng của một cựu sinh viên tại trường Cao đẳng King's, London, không phải là trải nghiệm của tác giả.
#DuHọc là series review trường "sâu đậm" từ các cựu du học sinh.