Khi một người bình thường đi cứu trợ miền Trung
Có lẽ bạn đã nghe nhiều chuyện người nổi tiếng đứng lên vì nhân dân vùng bão tại thời điểm này. Thế còn những người bình thường? Người trẻ làm thiện nguyện mùa lũ, họ đang làm gì và nghĩ gì?
Vietcetera đã có cuộc trò chuyện với Phạm Thu Hà, một người bạn với hồ sơ rất bình thường, trong hành trình không-bình-thường của mình: cô gái hiếm hoi trong đoàn cứu trợ những vùng bị cô lập tại miền Trung.
Tìm xem ai đó xung quanh bạn cũng muốn lên đường!
“Lý do khiến mình quyết chí đi giúp bà con thật ra rất đơn giản. Mình nhìn những hình ảnh người miền Trung trong lũ, và mình không chịu được”. Vậy nên khi thấy các sư thầy của chùa Từ Hiếu (Huế) kêu gọi đóng góp để lập đoàn cứu trợ lũ lụt, cô bạn quyết định rời khỏi nơi đang sinh sống là Đà Nẵng, đến Huế và lên đường cùng đoàn.
Đội cứu trợ có Hà chủ yếu đi qua các vùng bị cô lập - những vùng nước ngập cao, đội cứu hộ chưa kịp đến:
- Thôn Đông Hồ, Xã Quảng Thái, Quảng Điền;
- Thôn Ma Nê, Phong Chương, Phong Điền;
- Nam Phổ, Phú Thượng, Phú Vang;
- Lăng Xá Bầu, Xã Thủy Thanh, Hương Thủy;
- Thôn Lương Khê, Xã Thủy Thanh, Hương Thủy;
- Phương Diên, Phú Diên, Phú Vang.
Nhờ các thầy ở chùa tại Hà Nam, Hải Dương và Nam Định - đệ tử của chùa Từ Hiếu - huy động giúp, tổng số tiền đoàn cứu trợ nhận được là gần 300 triệu, chưa tính lương thực và quần áo người dân đem đến. Tất cả mọi sự huy động đều diễn ra đơn giản trên mạng xã hội. Một “túi thần kỳ” để cứu trợ gồm gạo, mắm, bánh, lương khô và phong bì. Với số tiền này, đoàn cứu trợ Hà tham gia mua được hơn 1000 phần “túi thần kỳ”. Đoàn dùng xe thuê để di chuyển đến các thôn. Ngày đầu, có đến hơn 20 người trong nhóm. Đến ngày thứ 3, mọi người dần về nhà để giải quyết công việc riêng. Chỉ còn hơn 10 người, gồm Hà, tiếp tục cuộc hành trình.
Trước khi đến các thôn bị cô lập, đoàn phải gọi điện trước cho trưởng thôn để đếm trước số lượng hộ gia đình cần cứu trợ. Hà và đoàn chuẩn bị những “túi thần kỳ” để cứu trợ gồm: gạo, mắm, bánh, lương khô và phong bì. Có nhiều gia đình phải trốn lũ trên tầng hai. Nhiều hộ vì nhà không lầu nên phải trú tạm tại các trường tiểu học trong thôn.
"Nước ngập đến hơn đầu gối. Vùng nào nước ngập quá cao, đoàn mình phải di chuyển bằng xuồng”, Hà chia sẻ. Hiện tại đã là ngày thứ ba cô bạn đi theo đoàn. Theo dự kiến của Hà, đoàn sẽ sớm về thành phố, lấy thêm lương thực và tiến đến Quảng Trị. Gạo được tạm gạch chân khỏi danh sách vì dễ ướt, còn lương khô là thứ được ưu tiên vì dễ ăn và dễ nổi trong nước. Thêm vào đó, đoàn sẽ thu thập áo phao và xuồng để hỗ trợ việc di chuyển của người dân địa phương.
Đi mãi chưa hết thương
“Nhìn trên hình, mình chỉ thấy thương họ. Nhưng khi thực sự đến và phát lương thực cho bà con thì tình thương ấy trở nên lớn hơn rất nhiều”, Hà tâm sự.
Mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn này. Trẻ con gặp bệnh cũng cần xuồng cứu hộ để đưa lên bệnh viện xã. Nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết tài sản. Có đám tang 10 ngày rồi vẫn không được đưa đi chôn. Mưa trắng trời đất, nước rút được một chút rồi lại dâng lên.
Hà kể: “Bạn trai mình có trêu là đi mà gặp chuyện gì thì đừng có mà gọi, mình ừ. Rồi xách hành lý đi thẳng, tới giờ chưa về”.
Chúng ta, những người bình thường với một-trái-tim-phi-thường
Rất dễ để kể những điều cao cả trong câu chuyện của Hà. Một người con gái kiên cường. Một cô bé nhỏ nhắn với trái tim lớn. Nhưng thật ra, trên tất cả, Hà vẫn chỉ là người bình thường, như chúng ta.
Có lẽ hiếm có một người bình thường nào đủ sức mạnh để gây quỹ 100 tỷ như ca sĩ Thủy Tiên. Không phải người bình thường nào cũng có khả năng tạo nên một Nhà Chống Lũ như Jang Kều. Nhưng cái chúng ta chắc chắn không thiếu, là một trái tim phi thường.
“Đi từ thiện mấy ngày liền không thấy gì, chỉ thấy rưng rưng”, Hà tâm sự. Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến các bạn trẻ sử dụng Facebook để kêu gọi gây quỹ cho người dân vùng lũ. Chúng ta đang chứng kiến những người trẻ, như Hà, buông bỏ mọi lời phán xét để giúp đỡ người khác. Những người trẻ nhịn ăn sáng để gửi tiền ủng hộ miền Trung cho Nhà Chống Lũ, cho ca sĩ Thủy Tiên.
Vẫn cần rất nhiều cố gắng và kế hoạch dài hạn để lũ lụt không còn là một nỗi lo. Như giải quyết vấn đề thủy điện, như xây rừng phòng hộ. Nhưng hiện tại, cần nhất vẫn là những trái tim phi thường.
Làm gì để giúp miền Trung?
Các đơn vị cứu trợ nhân đạo khẩn cấp
1. Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Thừa Thiên Huế
4. Trung tâm Tình nguyện Quốc Gia
5. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
6. Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh
8. Center for Development and Integration
9. CSRD - Huế
Các đơn vị hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quyên góp vật tư y tế