Làm sao để sống lương thiện giữa một xã hội vô vàn áp lực?
Trong tập 25 của EduStation, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc nhận định rằng, kịch nói, cải lương hay bất kỳ nghệ thuật sân khấu nào đều là sự phản ánh gần gũi với cuộc đời mỗi chúng ta. Điều này một lần nữa được khẳng định bởi Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết - khách mời từng xuất hiện trong tập thứ 6 của chương trình.
Trong lần trở lại này ở tập 29, cô Bạch Tuyết chia sẻ thêm những triết lý cuộc đời từ góc nhìn của người làm nghệ thuật truyền thống. Ở tuổi gần 80, nữ nghệ sĩ khẳng định rằng, việc học không ngừng là cần thiết để giúp chúng ta không bị “bỏ lại” phía sau, và đứng trước mỗi vấn đề ta đều cần duy trì góc nhìn lạc quan, thực tế. Quan trọng hơn cả, sự lương thiện là điều duy nhất giúp chúng ta sống trên đời một cách đàng hoàng.
Cuộc sống là sự biết ơn lẫn nhau
Cuối mỗi vở diễn, cô Bạch Tuyết và dàn diễn viên luôn nhận được nhiều lời cảm ơn, ghi nhận từ khán giả đến xem vì đã mang đến một vở diễn hay. Bản thân người nghệ sĩ cũng mang ơn khán giả nhiều, bởi không có họ ủng hộ thì người nghệ sĩ cũng không thể thành công.
Sự biết ơn lẫn nhau dường như là quy luật diễn ra trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi mối quan hệ giữa người với người. Vì vậy cô Bạch Tuyết nhận định, chúng ta không nên đánh giá bản thân mình quá cao, bởi ta sẽ chẳng là gì nếu không có những người xung quanh.
Ngay với những học viên trẻ, cô Bạch Tuyết cũng không dám nhận mình là “thầy” của họ. Bởi những bạn trẻ ấy cũng đã mang đến cho cô nhiều góc nhìn mới, và mỗi bạn lại là một cá thể riêng mà cô phải “học” cách dẫn dắt họ từ đầu. Và đối với cô, họ đã có sẵn tư chất, cô chỉ đóng vai trò giúp họ khai mở chứ không “ban” cho họ khả năng này.
Cô Bạch Tuyết cũng cho rằng, chúng ta bài trừ cái ác, nhưng cần nhớ rằng không có cái ác thì cũng không có cái thiện. Hiểu rộng ra, không phạm sai lầm thì ta cũng không thể học được những điều đúng đắn.
Những người đối với mình không tốt, những điều không thuận lợi xảy đến cũng là để dạy cho mình một bài học nào đó. Vì vậy, chúng ta không hẳn là “biết ơn” cái ác, nhưng nên nhìn nhận những trải nghiệm tiêu cực với một góc nhìn khác.
Bản thân phải luôn luôn đổi mới để thích nghi với thời cuộc
Dù ở độ tuổi nào, với kinh nghiệm ra sao, chúng ta cũng không được phép ngừng học tập và đổi mới bản thân để không bị “bỏ lại” khi thế giới tiến về phía trước. Ngay chính cải lương cũng là một ví dụ như vậy.
Ở thời kỳ đất nước bị đô hộ, mọi loại hình nghệ thuật truyền thống đều bị cấm, cứ trình diễn là bị quân Pháp bắt. Để bảo tồn nghệ thuật sân khấu, ông bà ta đã sáng tạo cải lương từ chèo, tuồng cổ, cải biên sao cho hát được trong nhà hát Pháp xây, với nội dung chống ngoại xâm mà không hề bị phát hiện.
Bản thân cô Bạch Tuyết cũng có những khoảng nghỉ trong sự nghiệp cải lương để đi học, thậm chí học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Trong luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ nghệ thuật tại London, cô cũng nhận định rằng, nếu ở thế kỷ XX khán giả đến với sân khấu thì đến thế kỷ XXI, sân khấu phải đến được với khán giả.
Vì vậy, việc kết hợp cải lương với những dòng nhạc mới hơn như rap là sự thay đổi cần thiết để tiếp cận khán giả trẻ hiện nay. Đối với cô Bạch Tuyết, không có lý do gì mà 2 hình thức này không thể kết hợp với nhau, bởi chính những bài vè truyền thống của Việt Nam cũng đã là một dạng rap (rhythm and poetry - nhịp điệu và thơ ca). Đây cũng là điều đang diễn ra trong chương trình Học viện cải lương của cô.
Tương tự nếu chúng ta không “làm mới” bản thân khi cần thiết, thế giới trong ta sẽ dậm chân tại chỗ, trong khi thế giới bên ngoài thì thay đổi ko ngừng. Dù vậy, ta phải thay đổi một cách cẩn thận, có nghiên cứu và cân nhắc kỹ càng.
Sống lương thiện giữa một thế giới quá nhiều cạnh tranh
Nhiều năm gắn bó với sân khấu, từng sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau, cô Bạch Tuyết chiêm nghiệm ra rằng: sự lương thiện là điều duy nhất giữ cho ta sống một cách đàng hoàng. Nhưng với người trẻ, phải làm sao để sống lương thiện khi họ chưa nhiều kinh nghiệm sống, nhưng đã phải đối mặt với áp lực lớn trong xã hội ngày một cạnh tranh?
Theo cô Bạch Tuyết, để không bị “tha hóa” giữa những áp lực ấy, người trẻ cần tích cực học hỏi để hiểu rõ mình muốn gì, giá trị mình muốn theo đuổi là gì. Một khi hiểu rõ mục đích và có những định hướng “thiết kế” cuộc đời mình, chúng ta mới không bị ảnh hưởng từ áp lực so sánh.
Chẳng hạn khi thấy người khác có công việc lương cao, nhưng bạn lại đặt mục tiêu sống cân bằng hơn, thì bạn sẽ không bị FOMO nữa. Đó không phải là cái bạn hướng tới.
Cô Bạch Tuyết cũng cho rằng, bản chất cuộc sống vốn “bất an”. Vì không ngày nào diễn ra theo trình tự giống hệt nhau, và chuyện gì cũng có thể xảy ra. Hiểu được điều này, ta sẽ có tâm thế sẵn sàng trước mỗi vấn đề xảy đến, và biết trân quý hơn những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống.
Dù vậy, ta không nên trách cứ những ai bị “tha hóa”, có thái độ sống tiêu cực. Bởi họ có thể đã lớn lên trong gia đình bất hạnh, hay gặp biến cố thay đổi hoàn toàn cách họ nhìn nhận cuộc đời.
Và thực tế mỗi chúng ta đều có “lỗ đen” của riêng mình. Vì vậy thay vì cố gắng “sửa chữa” người khác, ta nên để họ tự giải quyết “lỗ đen” của bản thân, và giúp đỡ họ trong khả năng có thể.