Làm tại văn phòng, chỉ một-hai ngày là đủ!

Chiếc văn phòng có hiệu quả như ta tưởng?
Minh Anh
Nguồn: Nguyen Dang Hoang Nhun | Unsplash

Nguồn: Nguyen Dang Hoang Nhun | Unsplash

1. Có nghiên cứu gì mới?

Nghiên cứu mới của Harvard Business School chỉ ra rằng chế độ làm việc hybrid lý tưởng là khi người lao động chỉ cần đến văn phòng từ 1 đến 2 ngày. Điều này giúp nhân viên có được sự linh hoạt và cân bằng giữa công việc-cuộc sống cá nhân, nhưng đồng thời cũng không làm họ cảm thấy tách biệt với đồng nghiệp.

Điểm sáng của nghiên cứu này ở chỗ, họ đã dựa trên kết quả công việc của nhân viên thay vì chỉ kết luận dựa trên sở thích làm việc cá nhân. Trong cuộc thử nghiệm này, những người chỉ dành 1-2 ngày đến công ty có hiệu suất làm việc tốt nhất.

Tuy nhiên, theo như Giáo sư Nick Bloom của Đại học Stanford, đồng tác giả của nghiên cứu, thì vẫn chưa có sự thống nhất giữa số ngày ở nhà và ngày đi làm giữa nhân viên và sếp. Vậy nên, mô hình này hoạt động tốt nhất khi nhân viên cùng đi làm vào một ngày nhất định trong tuần.

Theo Bloomberg, từ góc nhìn của những người quản lý, họ nhận thấy các nhân viên thường xuyên làm việc ở nhà gặp nhiều bất lợi hơn so với nhân viên ở công ty. Họ cũng cảm thấy khó tin tưởng những nhân viên mà mình không gặp và cảm thấy không thể hỗ trợ nhân viên được nhiều như khi được làm việc trực tiếp.

2. Làm việc hybrid là gì?

Trong thời đại mà các công cụ giao tiếp phát triển nhiều người cũng đã tự đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có cần tới văn phòng để làm việc? Đại dịch đã giúp chúng ta kiểm chứng câu hỏi này khi nó “cách ly" chúng ta khỏi công sở. Lúc này xu hướng làm việc từ xa (remote work) hay bất cứ đâu (Work From Anywhere) trở thành giải pháp giúp duy trì hoạt động của nhiều công ty.

Làm việc ở nhà cũng có những bất lợi riêng của nó. Xa mặt thì cách lòng, nhiều nhân viên không cảm thấy kết nối với đồng nghiệp và công ty. Vậy nên hybrid work trở thành giải pháp khi nhân viên có thể phân chia việc làm ở nhà và công ty một cách linh hoạt.

Thật ra đây không phải lần đầu tiên giải pháp làm việc ngoài văn phòng được áp dụng. Vào những năm 1970, lệnh cấm dầu mỏ khiến giá xăng tăng cao, phương tiện đi lại trở nên đắt đỏ. Lúc này, nhân viên thường tự làm việc ở nhà hoặc ở các quán cafe thay vì văn phòng. Cách thức làm việc này giúp nhân viên ít xin nghỉ phép hơn và có nhiều thời gian để cân bằng cuộc sống. Bên cạnh đó, môi trường cũng được hưởng lợi từ cách làm việc này.

3. Đã có công ty nào áp dụng hình thức này?

Các công ty công nghệ luôn là những người đón đầu với xu hướng. Facebook, Twitter, Slack và cả Reddit cũng đều có chế độ làm việc từ xa hoặc hybrid. Các công ty tuyển dụng cũng bắt đầu đưa ra lựa chọn “làm việc tại nhà" như một tiêu chí cho các ứng cử viên tìm được công việc phù hợp.

Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey đã gọi sự thay đổi này là thế hệ tái tưởng tượng về công việc. Tuy nhiên, công ty này cũng cảnh báo rằng sẽ mất rất lâu để thử nghiệm và tìm ra một quy chuẩn phù hợp cho xu hướng này. Nhiều công ty cũng đã chọn cách vừa học vừa làm (test-and-learn) để có thể tìm ra giải pháp phù hợp.

Giáo sư Prithwiraj Choudhury (Harvard Business Review), đã tìm ra một vài điểm chung trong cách vận hành của các công ty áp dụng mô hình này thành công, bao gồm:

  • Đưa ra hướng dẫn hay sổ tay thực hành để có thể giúp nhân viên nhận được sự góp ý và hướng dẫn ở mọi lúc mọi nơi;
  • Tạo cơ hội cho nhân viên và người hướng dẫn được giao tiếp thoải mái với nhau và không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của nhóm;
  • Tạo ra không gian “ảo” để nhân viên có thể giải lao và trò chuyện với nhau giữa giờ.

4. Đây có phải sự chuyển dịch trong văn hóa làm việc?

Thời gian vừa qua có rất nhiều sự kiện liên quan tới văn hóa công sở, nổi bật trong số đó có Làn sóng Đại từ chức. Cuộc vận động này xảy ra sau khi đại dịch thay đổi thói quen công việc của nhiều người, họ nhận ra công việc hiện tại vô nghĩa. Có thể nói, đại dịch không chỉ khiến làm việc ở nhà trở thành một lựa chọn mà nó còn tạo ra sự thay đổi trong văn hóa làm việc.

Tuy nhiên hoàn toàn làm việc ở nhà cũng tạo ra nhiều bất lợi và khiến nhiều người burn-out khi lằn ranh giữ công việc và đời sống cá nhân bị xóa mờ. Theo như một khảo sát của Society of Human Resource Management (SHRM), 30% nhân viên phải “gánh" nhiều việc hơn khi mà đồng nghiệp của họ bỏ việc.

Anne Helen Petersen, đồng tác giả cuốn sách Out of Office (Thoát khỏi văn phòng) nói rằng đã đến lúc chúng ta suy nghĩ lại về mô hình làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, đồng thời, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không có mô hình nào phù hợp với tất cả. Cái khó của làm việc toàn thời gian tại nhà là khó tách bạch được “2 thế giới", tuy nhiên nó cũng đem lại nhiều lợi ích cho nhân viên. Điểm giữa của điều này chính là làm việc hybrid.

5. Điểm chung của những sự thay đổi này là gì?

Mối quan hệ giữa nhân viên và công việc đang dần thay đổi theo thời gian. Quyền lợi và mục đích cá nhân của những nhân viên được đề cao hơn.

Trong quá khứ, văn hóa hustle hay tôn thờ công việc từng được coi trọng hơn bao giờ hết. Những tỷ phú được thần tượng cũng tạo ra những giấc mơ làm việc ngày đêm để được đền đáp. Chúng ta chấp nhận lặp đi lặp lại vòng lặp làm việc - về nhà - làm việc như Sisyphus đẩy đá và chưa bao giờ hỏi về lý do tại sao chúng ta làm nghề này.

Sự tàn bạo của đại dịch COVID đã tạo ra sự khủng hoảng cho nhiều người khi họ nhận ra công việc đang làm là vô nghĩa. Nhà nhân chủng học David Graeber cũng đã tạo ra khái niệm “công việc nhảm nhí” (Bullsh*t Jobs) để chỉ ra rằng trong xã hội luôn tồn tại những công việc không cần thiết, thiếu giá trị, sinh ra hoàn toàn chỉ để tạo ra tính thứ bậc quyền lực trong công ty. Nó đặt những người làm công ăn lương vào trạng thái bạo lực về tâm lý khi nhận ra sự vô nghĩa trong những gì mình làm.

Nhận thức có thể chuyển đổi thành hành động. Tại Việt Nam, chúng ta chứng kiến công nhân đi tìm lại quyền lợi cho mình thông qua các vụ đình công. Còn trên thế giới, phong trào làm việc 4 giờ cũng ngày càng nở rộ và lan rộng.

Trước đây, thực tại của người lao động là làm việc mà không có ngày nghỉ, không có mức lương tối thiểu và những phúc lợi cơ bản. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy thay đổi có thể xảy ra. Có lẽ hiện tại đa phần chúng ta cũng đang ở “lưng chừng" của quá trình chuyển dịch lớn hơn của văn hóa làm việc.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục