Lần đầu cầm 1 tỷ đi du học

Con nhà "bình bình" chọn trường du học như thế nào?
Phủ Phê
Tân sinh viên Nhật. | Nguồn: KYODO

Tân sinh viên Nhật. | Nguồn: KYODO

Tôi say mê Thủy Thủ Mặt Trăng từ thời mẫu giáo, nguệch ngoạc vẽ mèo Luna và sưu tập mấy trăm cái sticker các chị thủy thủ. Sau khi vào lớp 1, tôi đọc hết cả cửa hàng thuê truyện. Có một dự cảm mơ hồ nhưng dai dẳng xuyên suốt tuổi thơ của tôi: một ngày nào đó, mình sẽ sống ở Nhật Bản.

Một thập kỷ sau đó, dù tôi không còn thích truyện tranh nữa, dự cảm này trở thành hiện thực. Tôi đến Nhật Bản du học.

1. Lần đầu cầm 1 tỉ "đi chợ"

Từ bé tôi đã hay nói với mẹ rằng mình muốn đi du học. Thế là hai mẹ con tôi có một giao kèo: việc của tôi là học tốt và kiếm học bổng, việc của mẹ là kiếm tiền để tôi được đi học.

Năm tôi vào lớp 10, mẹ bảo mẹ dành dụm được 1 tỉ đồng và nói rằng tôi có thể chọn đi bất cứ đâu, học bất cứ gì trong ngân sách này.

Mẹ tôi là một nhân viên kế toán. Nhà tôi ở ngoại thành, mỗi ngày mẹ lái xe máy 30km để đi làm. Tính ra, để có được số tiền này, mẹ đã đi hơn một trăm ngàn cây số.

15 tuổi, tôi cầm 1 tỉ lên Google “đi chợ”. Tôi đã xem qua hơn 400 trường. Trước khi mơ mộng về trường nào, tôi nhảy thẳng vào trang học phí, học bổng/hỗ trợ tài chính xem nhà mình có đủ-điều-kiện không đã.

Cuối cùng tôi chọn Ritsumeikan Asia Pacific University (APU) vì học bổng cao, gần như không phải trả học phí.

Nếu nhà bạn bình bình như nhà tôi, bố mẹ sẽ nói thẳng mình có bao nhiêu để con cái lựa đường mơ mộng. Nếu nhà bạn giàu thì, “Con ôn thi cho tốt đi, tiền để bố mẹ lo.” Bạn bè tôi theo học tại các ngôi trường nổi tiếng đều gãi đầu không biết bố mẹ đã chi bao nhiêu.

Ngồi cà phê với họ, tôi nhẩm ra được luôn: khoảng 6 tỉ đồng.

2. Trường nhiều người Việt là điều tốt hay xấu?

Có nhiều điều kỳ quặc về APU: là trường học nhưng lại nằm trên đỉnh đồi như một khu nghỉ dưỡng (giống Bà Nà Hills). Du học sinh thường trả học phí bằng hoặc ít hơn sinh viên bản xứ - ngược hẳn với Mỹ, Canada và Singapore. Thời tôi học, trường có 6000 sinh viên thì đến 500 là người Việt.

Người Việt ở khắp-mọi-nơi.

“Như đi du học Đông Lào vậy, chán chết!,” tôi từng nghe một bạn feedback. Và tôi khá thông cảm với bạn. Người Việt trường tôi rất… Việt: tính cộng đồng cao, đam mê buôn chuyện, dễ dang tay giúp đỡ nhau nhưng cũng dễ xích mích và chia bè phái.

Nhưng có một điểm tích cực mà nhiều người quên mất: khi biển có nhiều cá, bạn có nhiều lựa chọn hơn. Bạn tôi đi du học ở Anh, cả trường vỏn vẹn 12 người Việt, thích hay không thì vẫn sẽ có lúc phải “dựa vào nhau mà sống”. Còn tôi, không hợp với người này thì chơi với người khác.

Hầu hết bạn bè của tôi là người nước ngoài, nhưng bạn thân thì là người Việt. Trong một xã hội không biết tôi là ai, được người Việt chăm sóc là cả một sự an ủi. Ít nhất thì chúng ta hiểu được lịch sử của nhau, một lịch sử trưởng thành tại Việt Nam.

3. Về quê du học, được và mất gì?

APU tọa lạc ở Beppu, một thành phố được bao bọc bởi núi và biển, chỉ có 120.000 dân, còn chưa bằng dân số Quận 2 Sài Gòn. Beppu, vì vậy, rất yên tĩnh.

Khi bạn sống ở một thành phố lớn, âm thanh của kinh tế, công nghệ, và giải trí lấn át mọi giọng nói trong bạn. Buồn? Đi xem phim. Chán? Đi mua đồ. Ở Beppu, khi buồn chán bạn gần như chỉ có thể ra biển ngồi nghe... tiếng lòng.

Bạn tưởng bạn đi du học. Nhưng thực ra bạn trở về với thiên nhiên và (bị ép) đối diện với chính mình.

Trong 4 năm ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ từ New York, Thượng Hải hay Sài Gòn chật vật thích nghi với sự yên tĩnh này. Nhẹ thì là khủng hoảng hiện sinh. Nặng thì trầm cảm và bỏ học. Càng cô lập bản thân, họ càng khó vượt qua.

Nhưng nếu may mắn, họ tìm được những người đồng hành, một nhóm bạn tâm giao. Khi thành phố quá im lặng, họ cùng nhau hét hò. Mùa đông thất tình cũng bớt “buồn như chó cắn” vì họ có nhau.

Hóa ra, sức khỏe tinh thần của chúng ta được tạo nên bởi những mối quan hệ khiến ta cảm-thấy-thuộc-về. Nếu không đi học ở một vùng hẻo lánh, có lẽ chúng tôi đã không nhận ra điều này.

4. Du học: chưa chắc "học" đã đi đôi với "hành"

Bằng tốt nghiệp của tôi ghi là "Cử nhân Khoa học xã hội về Văn hóa, Xã hội, Truyền thông". Nghề của tôi bây giờ là sản xuất nội dung. Nghe có vẻ liên quan, nhưng thật ra tôi đã tự học nghề từ YouTube, Coursera, và những dự án chúng tôi “đẻ” ra trong thời gian rảnh.

Cũng học ngành tôi, bạn cùng nhà với tôi thời đó giờ là một chuyên viên tuyển dụng (recruiter), một tiền bối của tôi giờ là giám đốc kinh doanh, một người khác làm… trưởng phòng kỹ thuật cho một startup.

Ơ, học một đàng làm một nẻo không phải chỉ có ở Việt Nam sao?

Thật ra, phần lớn các khóa học ở trường tôi là liberal arts education - giáo dục khai phóng (LAE). Triết lý giáo dục này tập trung dạy kiến thức nền, phát triển tư duy hơn là dạy kỹ năng cứng, “dạy nghề”.

Có một cuộc tranh luận không hồi kết về LAE không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Những người tin vào LAE cho rằng chính vì thời thế thay đổi quá nhanh, người trẻ phải chuẩn bị một nền tảng tư duy cho nhiều ngành nghề. Tư duy phải được trau dồi từ sớm, kỹ năng có thể học sau.

Những người không tin vào LAE thì cho rằng học chung chung mà không ra được nghề nghiệp cụ thể là phí tiền.

Tôi nghiêng về bên thứ nhất hơn. Tuy không trực tiếp vận dụng những kiến thức ở trường, thế giới quan của tôi trù phú thêm sau mỗi bài giảng. Mỗi ngày tôi đều được nhắc nhở rằng mình biết quá ít, trái đất quá rộng lớn, và tiềm năng có ở khắp mọi nơi.

Điều này khiến tôi cảm thấy nhỏ bé và tự do, như được nhảy dù vậy! Tôi nghĩ tôi sẽ học cả đời - chỉ vì cái cảm giác đó.

5. Tương lai nào ở Nhật sau khi tốt nghiệp?

Nếu bạn tốt nghiệp APU và muốn ở lại Nhật sinh sống, tin vui là tỉ lệ tìm việc thành công những năm gần đây luôn hơn 90%. APU có một chương trình học tiếng Nhật rất “khoai”, nhưng chịu khó theo học thì tương lai ở lại Nhật khá xán lạn.

Nước Nhật thiếu lao động trẻ, sinh viên trường tôi lại được đánh giá là năng động và biết nhiều ngoại ngữ. Tuy không phải ai cũng tìm được việc mình thích, tôi chưa biết một ai cố gắng ở lại Nhật nhưng không được công ty nào mời (nhưng đây là trước COVID nhé). Hầu hết bạn bè tôi chuyển đến những thành phố lớn như Tokyo và Osaka để bắt đầu sự nghiệp.

Về phần tôi, sau khi gửi 82 lá đơn xin việc (vã mồ hôi hột!), tôi nhận về 11 lời mời từ Singapore, Ireland, Nhật Bản, và Việt Nam. Một trong số đó là từ… một cái blog chuyên viết về Việt Nam bằng tiếng Anh.

Trước ngày nhận bằng tốt nghiệp, tự nhiên tôi cảm thấy một khao khát được viết. Thế là tôi nhận lời mời và bắt đầu nghiệp viết chuyên nghiệp.

Cái blog ngày nào giờ là một startup 60 người. Dù giờ nhiều độc giả hơn rồi, người ta vẫn hay lộn tên nó là Vietceteria.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục