5 Hiểu lầm phổ biến về giáo dục khai phóng | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 08, 2019
Kinh DoanhThăng Tiến

5 Hiểu lầm phổ biến về giáo dục khai phóng

Và lý do tại sao giáo dục khai phóng là chìa khóa thành công trong cuộc Cách mạng 4.0, qua lời giải thích của một chuyên gia giáo dục tại Việt Nam.

5 Hiểu lầm phổ biến về giáo dục khai phóng

Dưới tác động của cuộc Cách mạng 4.0, rất nhiều thay đổi lớn đã được dự đoán trong cách sống và làm việc của con người. Thay vì gắn bó với một công việc cả đời, trong tương lai, hơn 65% số lượng học sinh tiểu học hiện nay sẽ được tuyển dụng vào những công việc thậm chí còn chưa xuất hiện.

Song song với xu hướng đổi mới giáo dục, khái niệm giáo dục khai phóng (liberal arts education) ngày càng nhận được sự quan tâm từ các bậc phụ huynh bởi bản chất chú trọng “dạy người”, thay thế cho xu hướng “dạy chữ” (dạy kiến thức) như cách giáo dục đại học truyền thống.

Cùng Vietcetera làm sáng tỏ 4 hiểu lầm về giáo dục khai phóng ở Việt Nam với sự chia sẻ từ chị Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc chương trình Cử nhân tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Chị Đinh Vũ Trang Ngân Giám đốc chương trình Cử nhân tại Đại học Fulbright Việt Nam sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Chị Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc chương trình Cử nhân tại Đại học Fulbright Việt Nam.

1. Học đại học khai phóng (liberal arts college) là học về nghệ thuật tự do

Nhiều người dịch thô cụm từ “liberal arts” trong “liberal arts college” thành “nghệ thuật tự do”, hay múa hát nhạc hoạ. Chương trình học của liberal arts college không liên quan đến “arts” theo nghĩa đó. Trên thực tế, “liberal arts college được dịch sang tiếng Việt là “đại học khai phóng”.

“Giáo dục khai phóng gồm những môn được tổng hợp từ các ngành khác nhau trên tinh thần tư duy tự do – suy nghĩ tự do – lựa chọn tự do để lựa chọn những ngành nghề phù hợp nhất,” chị Ngân cắt nghĩa.

Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Facebook, là một ví dụ điển hình về giáo dục khai phóng. Cấp Ba anh học tiếng Latin, lên đại học anh học chuyên ngành tâm lý, ra trường anh làm việc liên quan đến môn kỹ thuật máy tính và môn hành vi của người tiêu dùng. Nhờ có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực bổ trợ cho nhau, Mark thành công khi thành lập và điều hành trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới hiện nay.

2. Đại học khai phóng chỉ dạy khoa học xã hội

Các bố mẹ người Việt Nam thường nhầm lẫn rằng các trường khai phóng chỉ dạy các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội. Trên thực tế, các chương trình đào tạo khai phóng rất đa dạng, nhưng nhìn chung bao gồm 4 lĩnh vực chính:

  • Nhân văn (Humanities): Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Triết học,…
  • Khoa học xã hội (Social Sciences): Nhân chủng học, Kinh tế học, Xã hội học, Tâm lí học, Luật,…
  • Khoa học tự nhiên (Natural Sciences): Toán, Hoá, Sinh, Vật lý, Địa lý, Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường,…
  • Nghệ thuật (Creative Arts): Lịch sử nghệ thuật, Kịch sân khấu, Âm nhạc, Nghệ thuật thị giác,…

Ở một trường đại học khai phóng, bạn thường được yêu cầu lấy các lớp từ đủ 4 lĩnh vực trên trước khi chọn chuyên ngành của mình. Nhờ nền giáo dục chú trọng kiến thức liên ngành, sinh viên từ đại học khai phóng được cung cấp một nền tảng kiến thức rộng vừa đủ để lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân mình.

Fulbright University Việt Nam sizesmaxwidth 1024px 100vw 1024px
Fulbright University Việt Nam.

3. Giáo dục khai phóng bắt buộc bạn phải học toàn diện tất cả các môn học

Về cơ bản, giáo dục liên ngành và toàn diện là một phần của đại học khai phóng, nhưng định nghĩa ‘toàn diện’ hoàn toàn dựa vào góc nhìn và lựa chọn của sinh viên. Với chị Ngân, giáo dục toàn diện có nghĩa là cơ hội được học các lớp văn và nhạc mặc dù chị chuyên Lí trong suốt những năm cấp ba. Nhưng đối với bạn khác, có thể bạn đã tự tin với kiến thức khoa học xã hội và muốn học thêm các kiến thức về coding và kỹ thuật máy tính để thỏa trí tò mò, thì đó là toàn diện với bạn.

“Giáo dục khai phóng giống như tình yêu ấy. Hỏi tình yêu là gì thì ai cũng biết nhưng khi phải giải thích nó là gì thì mỗi người sẽ giải thích một góc cạnh khác nhau, tùy thời điểm và tuỳ con người,” chị Ngân cười.

Đặc trưng của giáo dục khai phóng là dạy những kỹ năng giúp người học có thể thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào sizesmaxwidth 2000px 100vw 2000px
Đặc trưng của giáo dục khai phóng là dạy những kỹ năng giúp người học có thể thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào.

Về chiết tự, “khai” mang ý nghĩa khai mở, mở rộng ra các lựa chọn khác nhau, “phóng” là giải phóng khỏi những quan điểm, tiêu chuẩn mà mình nghĩ là bắt buộc có để thành công. Thay vì dạy học một cách toàn diện, đại học khai phóng định hướng để sinh viên không chú trọng vào duy nhất một lĩnh vực chuyên môn và tự mở ra cơ hội để học nhiều thứ khác nhau.

4. Đại học khai phóng là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc

Nhiều người cho rằng giáo dục khai phóng là một sự lãng phí vì sinh viên học cả những môn không trực tiếp liên quan đến chuyên ngành. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Richard A. Detweile chỉ ra rằng, 31-72% học sinh lấy các lớp khác với chuyên ngành của mình có nhiều khả năng leo lên vị trí quản lý và thu nhập cao hơn $100,000/năm.

Đặc trưng của giáo dục khai phóng là dạy những kỹ năng giúp người học có thể thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào. Sứ mệnh của giáo dục đại học xét cho cùng để “giúp cho người học hiểu được và quản lý được những thay đổi đang diễn ra trong xã hội”.

Các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng có các kỹ năng thay đổi linh hoạt cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc hay thay đổi, đồng thời có khả năng sáng tạo vượt trội. Vì vậy, đại học khai phóng là một khoảng đầu tư hợp lý cho một bạn trẻ 18 tuổi với nhiều băn khoăn và khao khát khám phá bản thân mình trước khi khám phá nhu cầu việc làm của thế giới.

Chị Ngân chia sẻ, “Ba câu hỏi: em biết gì, em có thể làm được gì, và em là con người có phẩm chất như thế nào là kim chỉ nam để Fulbright xây dựng trải nghiệm học đại học toàn diện.”

5. Tốt nghiệp từ đại học khai phóng khó xin việc làm

Không có bất cứ nền giáo dục nào đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm, lương cao. Điểm lợi của giáo dục khai phóng chính là tư duy mở, khả năng thích nghi cao và cách nhìn vấn đề toàn diện, nhiều khía cạnh. Vì vậy, nhiều CEO top đầu trong lĩnh vực công nghệ đánh giá cao các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng.

Từ một ngành sinh viên có thể làm rất nhiều nghề một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau sizesmaxwidth 2000px 100vw 2000px
Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau.

Người Việt thường nghĩ rằng giữa ngành với nghề là quan hệ một – một, nghĩa là học một ngành và ra làm chỉ một ngành đó. Trái lại, trên thực tế, một văn phòng luật vẫn thuê sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học Anh hoặc sinh viên ngành Triết học để làm những vị trí khác nhau tùy vào kiến thức và kỹ năng thực tế của họ. Tại Mỹ, chỉ 27% những người đã tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành ở đại học.

Giáo dục khai phóng góp phần phá vỡ mối quan hệ một – một đó. Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau.

Chị Ngân giải thích, “Trong giáo dục khai phóng, mối quan hệ một – một này trở thành mối quan hệ nhân – quả: một quả có thể có nhiều nhân, một nhân có thể trồng thành cây và từ đó mở ra rất nhiều quả, tùy vào điều kiện duyên lành khác nhau ươm dưỡng cho mầm cây đó.”

Bài viết được thực hiện bởi Lan Vy Mai.

Xem thêm:
[Bài viết] Khi sinh viên đồng thiết kế chương trình Đại học
[Bài viết] Nên làm gì vào năm nhất đại học?