Lê Đình Hiếu: “Anh từng bị ‘chửi’ khi bỏ nghề cố vấn lương cao để theo đuổi giáo dục”

"Tuổi 18 của anh là một cuộc đua không hồi kết. Đến giờ, 30 tuổi, anh mới dần nhận ra mình đã không cần phải sống như thế”.
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Lê Đình Hiếu

Nguồn: Lê Đình Hiếu

“Lỡ như anh không phải người có tiền, và cũng không cần tiền, thì có hợp với bài phỏng vấn này không?” - vừa bắt đầu cuộc phỏng vấn, anh Lê Đình Hiếu đã hỏi tôi câu này.

Trong những cuộc phỏng vấn cho series The Money Date, tôi vẫn hay nhận được sự nghi ngại của các khách mời. Có lẽ vì chữ "tiền" nhắc chúng ta quá nhiều về những khoản thu-chi, về lợi nhuận và cách đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhưng trong mỗi một quyết định về tiền, là một bài học. Những khoản đầu tư lớn nhất cuộc đời mỗi người, có khi món quà mang lại cũng không phải là tiền. Và cái chúng tôi tìm, là câu chuyện đằng sau đó.

Lê Đình Hiếu tốt nghiệp Thạc sỹ Giáo dục & Khởi nghiệp từ Đại học Pennsylvania. Anh là thành viên sáng lập và điều hành của nhiều tổ chức giáo dục: MAX Education, Học viện GAP và Quỹ phi lợi nhuận Hear.Us.Now. Hiện tại, anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins.

Chúng tôi gặp anh Hiếu, để nhận được nhiều bài học từ cuộc đời anh đã đi qua.

1. Một kỹ năng mà anh nghĩ trường học không dạy?

Kỹ năng đặt câu hỏi.

Suốt quãng thời gian đi học, sách giáo khoa, nhà trường và thầy cô là người đặt câu hỏi, và học sinh luôn được hướng dẫn để có một câu trả lời đúng.

Nhưng sau này, khi đi làm, anh mới hiểu rằng để giải quyết một vấn đề, mình không thể cứ đi tìm câu trả lời. Mình phải đặt những câu hỏi đủ tốt.

Ngày xưa, khi làm tư vấn viên (consultant) cho những công ty công nghệ hàng chục triệu đô, tụi anh cũng luôn bắt đầu làm việc với khách hàng bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi. Nhiều khách hàng, sau khi nghe các câu hỏi, họ chợt nhận ra câu trả lời, và chẳng cần tới mình nữa.

Khi anh bước chân vào giáo dục cũng vậy. Có muôn vàn câu hỏi để mình đặt ra trong giáo dục, nhưng nếu đi trả lời hết cho tất cả câu hỏi thì mình sẽ luôn hoang mang. Học viện của anh rất nhỏ, chỉ có 3 founder, không thể nào giải quyết tất cả vấn đề.

Nên cuối cùng, tụi anh chỉ chọn một câu hỏi làm mình nhức nhối nhất, là “Tại sao lại tồn tại sự bất bình đẳng trong giáo dục Việt Nam?”

Học viện của anh không đưa ra một chương trình mới tinh. Những khóa học tụi anh thực hiện, có lẽ đâu đó, cũng đã có người làm. Nhưng anh hiểu mục tiêu của mình là gì. Đó là làm cho chương trình giáo dục của mình phục vụ cho những đứa trẻ ở khắp mọi miền, với chi phí rẻ nhất.

Nên tất cả, đều bắt đầu với việc đặt câu hỏi.

2. Nếu được quay trở lại năm 18 tuổi, anh sẽ học thêm điều gì?

Học cách biết hạnh phúc với chính mình.

18 tuổi, anh lần đầu tiên ra nước ngoài, ngay khi thấy thế giới rộng lớn thế nào, anh vừa bị tâm lý vừa nhược tiểu, vừa vô cùng áp lực.

Giờ nhìn lại, những thành tựu anh đạt được bây giờ đều không đến từ việc đuổi theo người khác. Lúc quyết định bỏ làm consultant - một nghề kiếm được số tiền lớn - để theo đuổi giáo dục - một tương lai vẫn còn mơ hồ, anh đã bị “chửi” nhiều. Mọi người đều hỏi sao anh không làm tiếp, vì cơ hội thăng tiến và kiếm tiền để thành công như nhiều người khác đều đã có sẵn.

Nhưng vì vẫn quyết định theo đuổi điều mình đam mê, nên anh mới thành công.

Tuổi 18 của anh là một cuộc đua không hồi kết. Đến giờ, 30 tuổi, anh mới dần nhận ra mình đã không cần phải sống như thế. Mình đã có thể hài lòng với chính mình, để kiếm tìm thứ mình thực sự đam mê.

3. Khoản đầu tư nào anh thấy đáng tiền nhất?

Dành thời gian, tiền bạc và cả công sức để học nhạc. Anh không phải một nghệ sĩ xuất sắc, nhưng biết đủ về âm nhạc và chơi piano đủ tốt.

Nó giúp anh được ba thứ. Thứ nhất, mỗi khi anh stress, chỉ cần chơi nhạc, thì mọi áp lực sẽ đi theo dòng nhạc và đi mất. Thứ hai, âm nhạc giúp anh gắn kết được với những người lạ, vì nó là ngôn ngữ không biên giới. Thứ ba, anh là người vô cùng logic, thậm chí việc quyết định nên tiếp tục yêu một cô gái hay không, anh cũng lập hẳn một file excel để phân tích ưu và khuyết điểm. Và âm nhạc giúp anh tạm quên con người quá logic ấy đi, để sống tình cảm hơn.

Dù giờ, mỗi khi quyết định yêu hay không, anh vẫn sẽ lập một file excel (cười).

4. Một lời khuyên về tiền chắc chắn anh phải truyền lại cho con cháu?

Tiền không quan trọng lắm đâu, đừng tập trung vào nó quá. Trong cuộc đời, khi anh không chạy theo đồng tiền, và làm rất tốt công việc của mình, thì tự động công ty, vì muốn giữ anh, sẽ biết tìm cách.

Sau này, khi trao đổi công việc, anh không cần phải quan tâm nhiều về mức lương. Bởi vì khi họ biết giá trị của em, thì tiền không phải là thứ khiến hai bên lăn tăn nữa. Và mọi thứ sẽ dễ hơn rất nhiều.

5. Mức lương đầu tiên anh nhận được là bao nhiêu?

Năm 2009, khi mới ra trường, mức lương anh nhận được là khoảng 3 nghìn USD/tháng. Công việc của anh là tư vấn tài chính cá nhân (personal finance advisory).

Khách hàng của anh đều là những người rất giàu. Họ kiếm được vài triệu đô một năm, quen biết những chuyên gia đầu ngành, nói chung là thành công hơn anh ở tất cả mọi mặt. Nhưng làm thế nào để họ gặp một người trẻ, mới hai mấy tuổi, rồi tin tưởng giao tài sản của họ cho mình đầu tư?

Bài học anh học được từ công việc đầu tiên, đó là, phải biết xây dựng niềm tin.

Niềm tin đến từ hai thứ: sự tận tâm và tri thức. Anh đã từng qua nhà khách hàng chơi, cùng đi dạo với thú cưng của họ ở công viên, và thực sự cố gắng để trở thành một người bạn với khách hàng của mình. Họ đã tin rằng anh thực sự muốn giúp họ, chứ không phải vì tiền commission. Và kiến thức của anh cũng cho họ thấy rằng anh rất sẵn sàng cho việc này.

Sau này, khi khởi nghiệp, kỹ năng xây dựng niềm tin này đã giúp anh rất nhiều.

6. Trở về tuổi 20 với vốn kiến thức hiện có, hoặc già thêm 20 tuổi nhưng sở hữu 1 tỉ USD. Anh sẽ chọn cái nào?

Anh sẽ không chọn trở về tuổi 20 với vốn kiến thức hiện có đâu. Vì anh nghĩ con người không cần phải biết tất cả mọi thứ trên đời, chỉ cần những kiến thức thực sự quan trọng với họ thôi.

Anh chọn vế sau, vì 1 tỉ USD là rất nhiều tiền.

Tổ chức Hear.Us.Now của tụi anh đang hỗ trợ được 300 em câm điếc đi học và chi 1 tỷ mỗi năm để làm được điều đó. Nhưng tại Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu người câm điếc, gấp mấy chục ngàn lần số tụi anh làm được.

Nếu có số tiền đó trong tay, có phải tụi anh sẽ giúp được thật nhiều người hơn không?

7. Tài sản vô hình giá trị nhất mà anh đang sở hữu?

Mạng lưới hỗ trợ (supporting network).

Mọi người hay hỏi sao anh có thể vừa có học viện G.A.P, vừa có tổ chức giáo dục để hướng dẫn hàng trăm bạn trẻ đi du học mỗi năm, rồi có cả quỹ Hear.Us.Now nữa. Bí mật ở đây là gì?

Là bởi ở mỗi nơi, anh đều có những người mình tin tưởng, và họ cũng tin tưởng anh. Và vì tin, nên họ đã giúp anh cùng xây dựng những thứ anh có bây giờ.

8. Có nỗi ân hận nào anh day dứt đến tận hôm nay?

Đã có những thời điểm anh không tin rằng học trò mình làm được, và anh bỏ cuộc với những đứa trẻ đó.

Thời điểm mới vào ngành giáo dục, anh gặp một bạn có những hội chứng tâm lý khác nhau, bạn không nghe lời và rất khó dạy dỗ. Anh đã nghĩ rằng em học sinh này không phù hợp để mình dạy, và anh buông tay.

Về sau, anh biết bạn ấy đã cố gắng tự tử. Con đường học tập của bạn cũng không còn, mà rẽ ngang sang một hướng khác.

Anh luôn tự vấn rằng nếu mình được quay ngược thời gian, thì mình sẽ làm gì. Có lẽ anh sẽ kiên nhẫn hơn, anh sẽ không bỏ cuộc, và tiếp tục dạy bạn ấy.

9. Anh có một món nợ nào vẫn chưa trả được không?

Nợ rất nhiều người lời cảm ơn.

Vì là một người dở tệ trong việc bày tỏ cảm xúc cùng lòng biết ơn, anh đã không biết làm sao để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình.

Họ có thể là người hướng dẫn (mentor) đầu tiên trong sự nghiệp của anh, có thể là người hướng dẫn anh trong nghiên cứu thạc sĩ, hoặc là những khách hàng đầu tiên đã tin tưởng khi anh chân ướt chân ráo vào mảng giáo dục.

Anh muốn cảm ơn họ một cách tốt hơn, nhưng vẫn chưa làm được.

Cuộc thi đầu tư Go Crypto - Path For Financial Freedom là chương trình đầu tiên kích hoạt chuỗi hoạt động của Remitano dành cho sinh viên. Với hơn 3 triệu người dùng & có mặt tại hơn 50 quốc gia, Remitano tự hào là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử tiên phong và có uy tín lâu đời nhất.

Với sứ mệnh đưa tiền mã hoá đến gần hơn với giới trẻ thông qua sân chơi đầu tư thực tế, mang đến trải nghiệm thật, rủi ro bằng 0, Go Crypto hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng kiến thức & kinh nghiệm vững chắc, từ đó giúp các bạn trẻ tự tạo nên hạnh phúc & tự do tài chính cho riêng mình.

Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100tr VND, bắt đầu hành trình đầu tư tại đây


Remitano là nhà tài trợ nội dung, nhân vật được phỏng vấn không phải là người quảng bá cho cuộc thi Go Crypto - Path For Financial Freedom.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục