29 Thg 09, 2021ThươngTan Chảy

“Liệu mình xinh đẹp hay xấu xí, thì có phải lỗi của mình không?” 

Linh không thể, và cũng không muốn kể ai chuyện mình bị bắt nạt.

Minh Ng
Tan Chay

Ngọc Tiên (phải) chụp cùng một thành viên khác trong Ban tham vấn Thanh niên của Plan International. | Nguồn: Ngọc Tiên

Lưu ý: Tên nhân vật đã được thay đổi nhằm bảo vệ danh tính.

Mình gặp Linh trong một dự án tập huấn về bất bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc. Trái với hình ảnh một cô gái tự tin và năng nổ tham gia vào các hoạt động xã hội, quá khứ của Linh khiến mình cảm thấy thế giới ngoài kia thật kinh khủng, vượt xa sức tưởng tượng của mình. 

Thời còn học cấp 2 và cấp 3, Linh bị bắt nạt đủ kiểu, vì ngoại hình mũm mĩm hơn các bạn đồng trang lứa. Buồn bã, Linh đã cố gắng giảm cân, thậm chí có lúc cực đoan đến mức tập kiệt sức mà vẫn không dám ăn, để trở nên xinh đẹp nhất có thể. 

Đến khi xinh đẹp và được cộng đồng mạng biết đến, Linh lại tiếp tục là tâm điểm của những bình luận ác ý. Nhiều người đào bới quá khứ, lục tìm những hình ảnh ngày bé của Linh để đàm tiếu, khiến Linh cảm thấy rất kinh khủng. 

Thậm chí khi đi học, đi làm, Linh còn bị người khác sàm sỡ, quấy rối. 

Những tổn thương khiến Linh rơi vào trạng thái trầm cảm. Linh xoá hết ảnh, chỉnh trang cá nhân về chế độ riêng tư, để không ai có thể vào xem rồi bàn tán nữa. 

Linh không thể, và cũng không muốn kể ai chuyện mình bị bắt nạt. Cứ nghĩ đến những tổn thương là Linh khóc, vì không thể diễn tả mình tổn thương thế nào, và tại sao mình lại tổn thương như thế. 

Khoảng thời gian đen tối đó, Linh đã luôn tự hỏi mình: “Liệu mình xinh đẹp hay xấu xí, thì có phải lỗi của mình không?” 

Câu hỏi của Linh cũng là câu hỏi của nhiều nạn nhân khác. Một số người phải tự tìm ra câu trả lời. Một số khác may mắn hơn vì có được người trả lời giúp các bạn ấy là: “Không.” 

Trên mạng, những người ác ý đôi khi còn không ý thức được rằng mình đang bắt nạt người khác. Còn các bystander - những người nhìn thấy hành vi bắt nạt trên mạng - thì chưa hiểu hết vai trò của mình trong câu chuyện đó. 

Vì thế mà mình càng có thêm động lực để làm rõ định nghĩa bystander, và để tác động đến những người thụ hưởng thông tin trên mạng xã hội. 

Chỉ khi biết tiếng nói của mình có thể thay đổi cục diện vấn đề nhiều thế nào, bystander mới can đảm lên tiếng, để bảo vệ những người như Linh.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26.000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, khi phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trực tuyến. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ.

“Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện về cuộc sống. Bạn cũng có câu chuyện "tan-chảy"? Hãy kể cho chúng tôi tại . 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục